MỘT NGÀY LÀ CHỦNG SINH GIOAN - MÃI MÃI THUỘC GIA ĐÌNH GIOAN

Bài giảng lễ Ngân Khánh Linh Mục của cha Phaolô Đoàn Quang Dân tại Nhà thờ Chính Tòa 22.11.2014

Kính thưa Quí Cha và cộng đoàn thân mến,

Đức Cha Giuse mời tôi đồng tế và giảng lễ hôm nay, ban đầu tôi nhận, sau tôi xin từ chối, nhưng ngài không chịu và nói “đây không phải là chuyện riêng của 2 người mà vì mối hiệp thông huynh đệ của linh mục đoàn và dân Chúa”, nên tôi đành phải nhận lời và có mặt như anh chị em thấy hôm nay đây!

Linh mục, anh là ai? – một câu hỏi rất cũ nhưng không hề lỗi thời chút nào, nhất là khi chúng ta tham dự một lễ truyền chức, lễ mở tay, lễ ngân và kim khánh… của một linh mục. Tại sao vậy? – Vì đó là trăn trở của Mẹ Giáo Hội và của cả cộng đoàn tín hữu, ở mọi thời và mọi nơi.

Có không ít những định nghĩa mô tả hình tượng người linh mục Công Giáo Rôma, chẳng hạn:
- linh mục là Chúa Kitô thứ hai, một Đức Kitô khác,
- là cánh tay nối dài của Chúa Giêsu,
- là tư tế đời đời,
- là người của Thiên Chúa,
- là cộng tác viên của hàng giám mục, v.v…v.v…

Kể từ khi có những xì-căn-đan của một số linh mục trong Giáo Hội, nhất là tại Hoa Kỳ và các nước Âu Châu, thần học về căn tính linh mục đã và đang được nhiều người thành tâm thiện chí đặt lại vấn đề. Một trong những vị này là linh mục Robert Suares. Ngài đề nghị nên coi linh mục là “servant of God” - người đầy tớ của Thiên Chúa. Hay nói một cách hình tượng và hoa mỹ hơn: linh mục là mục tử, người chăn chiên của/cho Chúa Giêsu. Thật ra định nghĩa này không có gì mới mẻ, nó liên hệ một cách hữu cơ với những định nghĩa vừa kể trên, nhưng có lẽ nó hàm chứa một ưu điểm là đặt người linh mục thừa tác vào một vị thế khiêm tốn hơn trong bối cảnh đa văn hóa, đa tôn giáo, đa khuynh hướng của thế giới ngày nay: vị thế của một đầy tớ; và với vị thế này nó cũng hàm chứa tính nhân bản hơn: linh mục trước hết là con người như bao con người khác, là đầy tớ, nghĩa là còn tệ hơn nhiều người khác; và sứ vụ các ngài trước hết và trên hết phát xuất từ sự lựa chọn nhưng không của Thiên Chúa: “không phải anh em đã chọn Thầy, mà chính Thầy đã chọn anh em…”

Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II trong thư gửi cho các linh mục ngày Thứ Năm Tuần Thánh 1990 nhắc nhở các linh mục, là người phục vụ giáo dân. Ngài viết: “Chức linh mục không phải là một định chế song hành với giáo dân hay trên họ. Chức linh mục của giám mục, linh mục và phó tế là cho giáo dân, nói cách chính xác là sứ vụ này mang nặng tính phục vụ.” Các ngài hiện hữu vì lợi ích của giáo dân. Hơn nữa, các linh mục được chọn gọi từ cộng đoàn tín hữu nên các vị còn phải tiếp tục sống chức vụ của mình giữa lòng tín hữu. Khi phục vụ như thế thì chính người linh mục biến đổi giáo dân và người giáo dân cũng dần dần biến đổi người linh mục. Sự giao thoa này là kinh nghiệm quí báu của Đức cố giám mục Oscar Romero. Ngài nói chính người dân San Salvador làm cho Oscar Romero trở thành người của họ, cũng như sự hiện diện của ngài đã làm thay đổi đời sống của dân tộc San Salvador! Chính sự đổi thay này cuối cùng khiến ngài phải trả giá bằng mạng sống của mình trước bạo quyền San Salvador. Thế nhưng khi sống và hành động như vậy ngài lại được sống mãi cùng Giáo Hội và dân tộc của mình.

Bác sĩ Maurer thật tài tình khi đem so sánh chức năng của người linh mục, người mục tử hôm nay với chức năng của một bác sĩ. Ông đã dùng 4 chữ “C”:

- Care for the patients: chăm sóc bệnh nhân. Ông nhắc các y bác sĩ đừng mong mình sẽ chữa lành mọi thứ bệnh tật của con người. Vì thế, chữa bệnh trước hết là hãy biết săn sóc bệnh nhân. Linh mục hôm nay cũng vậy. Ngài phải là người đồng hành với giáo dân và với cả những người không có hay không cùng tín ng­ỡng để chăm sóc, phục vụ chính họ.Ngài còn ý thức là con người mình cũng có những yếu đuối, tật nguyền nhờ đó biết “đồng bệnh tương lân”. Ngài càng không thể tách rời ra khỏi cộng đồng, cụ thể là đoàn chiên được giao phó.

- Compassion: lòng thương xót. Người bác sĩ cần phải cảm nhận nỗi đau của con bệnh. Họ không phải là đối tượng, là đồ vật để ông thí nghiệm, thi thố tài chữa bệnh của ông. Hãy đừng coi bệnh nhân như một kẻ xa lạ, nhưng hãy coi những đau khổ thể xác và tinh thần của người bệnh như một phần trong đời bác sĩ của ông. Linh mục cũng phải biết đau với nỗi đau của con người như Thánh Phaolô dạy: vui với người vui; khóc với người khóc!

- Communication: Mối tri giao. Ông hãy làm cho bệnh nhân bớt sợ, dù diễn tiến của bệnh tình có thể xấu đi, bi quan hơn; và hãy biết khôn khéo lựa dịp thích hợp nói thẳng, nói thật về tình trạng sức khỏe của bệnh nhân bằng chính lương tâm của một “lương y như từ mẫu.” Còn linh mục ngoài mối tri giao với Thiên Chúa qua việc cầu kinh, nguyện gẫm, cử hành thánh lễ và các bí tích, ngài còn phải dùng lời nói và sự hiện diện của mình để khích lệ, an ủi vỗ về các con bệnh, những người đau khổ, thất vọng và tội lỗi theo gương Chúa Giêsu: Ta không đến kêu gọi người công chính là kêu gọi người tội lỗi…

- Competence: tinh thần đấu tranh, giúp bệnh nhân có sức chống chọi, đương đầu với bệnh tật. Chữa bệnh không chỉ là hành vi can thiệp lạnh lùng của y khoa mà còn nhờ đến sức mạnh của tình thương và ý chí sinh tồn. Là linh mục, ngài phải cương quyết đấu tranh chống lại sự ác, bất công và dối trá. Điều này hẳn thật không dễ dàng chút nào, nhưng có thể nói: trước tiên, ngài hãy đừng nên thỏa hiệp với cái ác được che đậy dưới bất cứ hình thức tinh vi và tế nhị nào. Để làm được việc này, ngài cần bàn hỏi, đối thoại, và cầu nguyện đặc biệt với Chúa Thánh Thần, và vâng theo những chỉ dẫn đầy khôn ngoan của Giáo Hội.

Có nhiều người mỉa mai các linh mục đang vô tình hay cố ý viết lại kinh Lạy Cha của Chúa Giêsu: Lạy Cha chúng con ở trên trời… chúng con nguyện cho danh chúng con cả sáng, nước chúng con thể hiện…!

Đức Cha Giuse kính mến,

Con mạo muội ghi lại tâm sự của chính mình / hoài vọng của những người đang tha thiết với chức linh mục / kỳ vọng của Chúa Giêsu, linh mục thượng phẩm / và mong mỏi của Giáo Hội nhân dịp kỷ niệm ngân khánh linh mục của Đức Cha và của con không nhằm dạy dỗ ai cả, mà chỉ muốn nói với cộng đoàn rằng: dù sao đi nữa chúng tôi đang là linh mục của anh chị em, anh chị em gọi chúng tôi là cha, là thầy cả, là linh mục thì chính chúng tôi cũng cần phải “Phúc Âm hóa” nhân thân của mình mỗi ngày. Công việc thánh hóa này thành tựu bao nhiêu còn phải tùy thuộc không ít vào sự cộng tác, cầu nguyện và nâng đỡ của anh chị em nữa. Một lời xin lỗi vẫn chưa đủ cho bao thiếu sót của chúng tôi, nhưng một lời tha thứ sẽ xua tan tất cả. Chúng tôi mong điều ấy.

Cái duyên tình của ngày 21/11/1989 năm xưa giữa Chúa Kitô với hai chúng tôi vẫn phải được chúng tôi viết hồi kết. Hồi kết đó ở đâu, khi nào và gút lại những gay cấn ra sao, chính chúng tôi cũng chưa thể định hình được, nhưng vẫn mong rằng “25 năm nữa, hay 50 năm sau mình biết mình có duyên với Chúa” chứ không phải “trăm năm biết có duyên gì hay không” như nàng Thúy Kiều của Nguyễn Du.

Xin kính chào và cảm ơn anh chị em.

An Ngãi, 15/11/2014
Đà Nẵng, 22/11/2014

Lm. Phaolô Đoàn Quang Dân

(Nguồn: GPĐN)