MỘT NGÀY LÀ CHỦNG SINH GIOAN - MÃI MÃI THUỘC GIA ĐÌNH GIOAN

Đức Thánh Cha Phanxicô trả lời báo chí trên chuyến bay từ Strasbourg trở về Roma

WHĐ (27.11.2014) – Theo thông lệ, Đức Thánh Cha Phanxicô vẫn dành cho giới báo chí một cuộc phỏng vấn trên chuyến bay trở về Roma sau mỗi chuyến tông du. Và cũng vậy, trên chuyến bay từ Strasbourg trở về Roma ngày 25-11 sau khi đến thăm Nghị viện châu Âu và Hội đồng châu Âu, Đức Thánh Cha Phanxicô đã trả lời các câu hỏi của giới báo chí cùng đi. Sau đây là nội dung các câu hỏi và trả lời:

– Trước Nghị viện châu Âu, Đức Thánh Cha đã trình bày một bài diễn văn mang màu sắc mục vụ nhưng cũng không phải là không có tính chính trị và một đôi nét xã hội-dân chủ. Liệu người ta có thể hiểu Đức Thánh Cha là một vị giáo hoàng xã hội dân chủ?

– Không, tôi không phải là một giáo hoàng xã hội dân chủ, và tôi cũng không biết phải xếp mình vào loại nào. Điều tôi tự cho phép mình nói ra đến từ Tin Mừng, từ một sứ điệp rút từ Học thuyết xã hội của Giáo hội. Nếu tôi có đụng đến các khía cạnh xã hội hay chính trị, ấy là vì tính cách của Học thuyết xã hội, xuất phát từ Tin Mừng và truyền thống Kitô giáo. Bởi vậy, căn tính của các dân tộc có một giá trị Tin Mừng. Phải không các bạn?

– Đường phố ở Strasbourg gần như vắng hoe và người dân kháo láo với nhau rằng họ hơi chưng hửng. Đức Thánh Cha có lấy làm tiếc là đã không đến Nhà thờ chính tòa để kỷ niệm một ngàn năm ngôi thánh đường này? Khi nào thì Đức Thánh Cha tới viếng thăm nước Pháp và tại đâu, thưa Đức Thánh Cha?

– Vụ này thì chưa lên chương trình được. Chắc chắn là tới Paris, và có thể là Lộ Đức nữa. Tôi đã đề nghị viếng thăm một thành phố chưa hề có dịp đón tiếp giáo hoàng. Có người đã nghĩ là tới Nhà thờ chính tòa Strasbourg, nhưng như vậy là một cuộc viếng thăm nước Pháp rồi. Vấn đề là ở chỗ đó.

– Trong diễn văn trước Hội đồng châu Âu, khái niệm về ‘tính chiều ngang’ và việc Đức Thánh Cha lưu ý tới điều Đức Thánh Cha đã nói về các cuộc gặp gỡ của mình với các chính trị gia trẻ tuổi châu Âu quả đã gây ấn tượng nơi tôi. Đức Thánh Cha đã nhấn mạnh đến sự cần thiết phải có một hiệp ước liên thế hệ bên cạnh ‘tính chiều ngang’. Và một sự tò mò có tính cách riêng tư: phải chăng Đức Thánh Cha có lòng sùng kính thánh Giuse?

– Từ lâu rồi và cứ mỗi lần tôi xin thánh nhân điều gì, ngài đều chấp nhận cả. Tính chiều ngang quả là quan trọng và tôi cũng nhận ra rằng người trẻ nhìn sự việc qua chiều ngang, rằng họ không ngại ra khỏi môi trường của họ để đối thoại. Đó là điều cần phải triển khai, và cả cuộc đối thoại giữa các thế hệ cũng vậy, và phải đi ra ngoài để đi tới với các thực tại khác. Châu Âu cần đến điều này.

– Cũng trong bài diễn văn này, Đức Thánh Cha đã nói đến những tội lỗi của con cái Giáo hội. Đức Thánh Cha đã phản ứng thế nào trước vụ các linh mục phạm tội ấu dâm ở Grenade (Tây Ban Nha) mà, một cách nào đó, Đức Thánh Cha đã cho phép tiết lộ?

– Tôi đã nhận được một bức thư gửi cho tôi và tôi đã cho mời tác giả tới. Tôi đã nói với người này ngay ngày mai phải tới gặp Đức giám mục của mình. Vả lại tôi cũng có viết cho Đức giám mục này một bức thư yêu cầu cho mở một cuộc điều tra. Một cú sốc, một nỗi đau lớn đối với tôi. Nhưng sự thật là sự thật, và chúng ta không thể che giấu sự thật.

– Một lần nữa Đức Thánh Cha lại nói đến chủ nghĩa khủng bố như một đe dọa của tình trạng nô lệ. Đó là đặc điểm của những hành động của tổ chức IS đang đe dọa cả một vùng, thậm chí cả Roma và bản thân Đức Thánh Cha. Đức Thánh Cha có nghĩ rằng với những con người cực đoan như vậy liệu có thể có đối thoại được không, hay chỉ là mất thời giờ?

– Chẳng có gì có thể nói trước được là “mất” cả. Dù không thể có đối thoại, thì cũng không bao giờ nên đóng cửa lại, cho dù trong thực tế, đó là điều không thể. Bạn đã nói đến đe dọa. Chính xác, chủ nghĩa khủng bố đang đe dọa. Còn chế độ nô lệ, đó là một vết thương xã hội đã có từ thời xa xưa. Chủ nghĩa nô lệ, việc buôn bán người, việc buôn bán trẻ em là những thảm kịch. Trước những thảm kịch này, người ta không được nhắm mắt làm ngơ. Đó là một thực tại đương thời, như chủ nghĩa khủng bố vậy. Nhưng cũng còn thứ đe dọa của một chủ nghĩa khủng bố quốc gia khi Nhà nước tự cho mình cái quyền tiêu diệt kẻ khủng bố tạo nên cái chết cho bao kẻ vô tội. Một tình trạng lộn xộn khác cũng rất nguy hiểm. Cần phải đấu tranh chống lại chủ nghĩa khủng bố, nhưng tôi xin nói lại, nếu người ta muốn chấm dứt một kẻ tấn công bất chính, cần phải hành động với sự ưng thuận của quốc tế.

– Khi Đức Thánh Cha thực hiện một cuộc tông du, thâm tâm, Đức Thánh Cha thực hiện với tư cách người kế vị Phêrô, Giám mục Roma hay với tư cách cựu Tổng giám mục Buenos Aires?

– Thực tế, tôi không biết nữa, tôi chưa hề đặt ra cho mình câu hỏi như vậy. Tôi sẽ nghĩ tới điều này… Ký ức về Toà Tổng giám mục Buenos Aires không còn bởi tôi giờ đây đã là Giám mục Roma và người kế vị Phêrô. Chính trong thực tại này và với ký ức này, từ nay, tôi thực hiện cuộc tông du. Tôi là người Roma và giờ đây châu Âu là mối quan tâm của tôi. (VIS)

Mai Tâm lược dịch

(Nguồn: WHĐ)