MỘT NGÀY LÀ CHỦNG SINH GIOAN - MÃI MÃI THUỘC GIA ĐÌNH GIOAN

Hưng Hóa Hành Trình Nhật Ký

1. Sau Hội Ngộ Vàng với Trường và Lớp, Đức cha An Phong Nguyễn Hữu Long mời anh chị em lớp Phaolô ra thăm giáo phận Hưng Hóa. Sáng 27-6, hai nhóm bay Hà Nội. 11g15, điểm danh, lên xe.

Miền Nam
1. Danh
2. Hùng 
3 Lung
4 Sơn 
5 Phòng
6 Qua
7 Phước
8 Thầy Luận
9 Thầy Tuyền
10 Khôi + Lài
12 ĐDanh +Liên
14 Chiến + Nam
16 Hưng + Oanh
18 Hường (Vụ)
19 Thơm (Phan)
20 Hạnh (Thanh K)
21 Đào - Sum

Miền Trung
1 Cha Thăng
2 Trung + Hiền
4 Đạt
5 LV Thiện ( dấu nặng )
6 Công
21 + 6 + 1 Đức cha Long = 28 trên xe, trong đó có 9 nữ.

dấu + là đi cùng, dấu là ngược lại, (trong ngoặc) là đã ra khỏi đời này.

Trương Phước không dự Hội Ngộ Vàng nhưng có đi Tây Bắc, phục kích sẵn ở Nội Bài.
Hai cha con Tuấn Bùa hủy tour vào phút chót vì lí do sức khỏe, thay vào đó là vợ chồng Trần Chấn Hưng.
Muốn đi thật nhanh thì hãy đi một mình
Muốn đi thật xa thì hãy đi cùng nhau

2. Phở bên đường
Hội xe cày thân mến. Trưa nay nắng gắt, chúng tôi dừng chân ăn phở, giải khát, mà nghe tình bạn cày sâu kỷ niệm, xới lên nỗi nhớ trong tôi. Mỗi người, một tô một chai, để mà đi, vì đường còn thăm thẳm mù khơi.

Mượn lời bài hát cách mạng, Cháu (Hội) vẫn cùng các bác hành quân đấy nhé. Ít nhiều, chúng tôi vẫn cho anh quá giang trong chuyến hành quân Tây Bắc này. Tôi phải đếm 28+1, là Hội xe cày. Xe 30 chỗ, vừa đẹp.

3. Cao tốc Nội Bài - Lào Cai, 265 km, một phần của đường Xuyên Á, AH 14, ven theo Sông Hồng, qua 4 tỉnh + 1 thành phố: Hà nội - Vĩnh Phúc - Phú Thọ - Yên Bái - Lào Cai. Xây 2008, xong 2014.
Sân bay Nội Bài, núi Sóc Sơn, nhớ Thánh Gióng rửa chân, để lại áo trước khi bay về trời.
Qua Vĩnh Phúc, có Mê Linh, đọc lại Hai Bà Trưng nhé. năm 40 đánh giặc Hán.
Phú Thọ, nhớ đền Hùng, rồi Sơn Tinh Thủy Tinh.
Yên Bái, không thể quên Nguyễn Thái Học và 12 đồng chí lên đoạn đầu đài, 1930
Lào Cai, Lao Kay, tìm đọc Jean Dupuis, Đồ Phổ Nghĩa và Sông Hồng.

Dân ta phải biết sử ta
Cái gì không rõ thì tra gú-gồ

Cũng chẳng tài giỏi gì, làm sao mà nhớ hết, tôi chỉ tra gú-gồ rồi đọc trên xe. Nhưng mà phải tra để biết đi qua những đâu, còn không là có đi mà không đến.

Lớp trẻ sau này, bị ép học Sử cách mạng nhồi nhét, có em đã viết Bà Trưng được Bác Hồ khen tặng danh hiệu Bà Mẹ Việt Nam Anh Hùng. Khóc ròng, ôi quê hương yêu dấu.

4. Hợp Chủng Quốc Kinh cầm Dao Thái Mông Mèo, nghe lành lạnh sau lưng, định bỏ chạy. 27-6. đến Lào Cai, cha xứ Giuse Thành đưa đi thăm họ giáo Cam Đường, nhà thờ đang xây dang dở, trên đồi cao.
Ở đây lúc trước trồng nhiều Cam, nhưng chưa ngọt nên thêm đường vào, thành Cam Đường.
Ra thăm cửa khẩu đoạn sông Hồng chảy vào nước ta. Chỗ răng môi cắn nhau là đây.

Sao họ giáo Cam Đường không kết nghĩa với Orange County. Chỉ cần một góc Nhà Thờ Kiếng, Crystal Cathedral, về đây phủ lên cái nhà thờ dang dở này vẫn còn thừa. Orange bên kia giúp Cam bên này. Một tay đi!

Đã đến lúc phải tách Giáo phận Hưng Hoá gồm Sơn Tây và 9 tỉnh ra làm hai vì quá rộng lại hiểm trở. Cắt ngang HG, TQ, YB, LK ở trên, còn lại HB, PT, ĐB, SL, LC và thị xã ST.

Xin cố ý viết tắt, để anh chị em phải đoán và gọi tên cho đúng, còn không ở mãi trong này chẳng để ý gì đến miền Thượng Du Bắc Kỳ cách trở xa xôi này. Có 2 tỉnh đêu bắt đầu là LC, nên xin thay là LK và LC để phân biệt
Các tỉnh phía trên sát Trung Quốc sẽ là Giáo phận Lao Kay, chính toà tại Cam Đường. Phía dưới Giáo phận Hưng Hoá, chính toà vẫn tại Sơn Tây. Tất cả còn đang trên bàn, nói miệng, chưa chính thức.

Cha Giuse Thành, giáo họ Cốc Lếu, vui vẻ nhanh nhẹn, ăn nói có duyên làm hướng dẫn viên rất chuyên nghiệp, chuyện đời việc đạo của Cốc Lếu Lào Cai, cả chuyện nhạy cảm giữa răng môi, chuyện phản cảm vài bước bên kia cầu biên giới. Rất lếu, nên bị cốc.

Cơm tối: rượu táo mèo, lợn cắp nách, gà đồi, canh rau đay và nhớ không hết. Ôi linh đình.

Thánh lễ, 8g, dâng hoa tháng Trái Tim, sốt sáng, tâm tình.

5. Chủ nhật Sapa. 28-6
Thánh lễ 9 giờ nhà thờ Sapa, xây 1926. phần lớn người H’mông. Không ở đâu hát lễ, đáp ca mạnh và đều như ở đây. Tất cả giáo dân là ca đoàn. Sau lễ, thăm mộ cha Jean Idiart-Alhor mất năm 1948, vị linh mục cuối cùng rời Sapa. Sau đó đóng băng mãi đến khi cha Bình về 2001.

Cơm trưa, cá hồi, rượu cần, măng rừng, gà đồi...Còn có rượu gì làm từ hoa anh túc(?).

3g. Thăm nhà thờ thôn Lý,
Chúng mày ơi, đức cha, nó đến kìa.
Cha Bình dâng lễ bằng ngoại ngữ, tiếng dân tộc nghe như lễ tiếng la tinh hồi trước công đồng Vatican II. Hiểu chết liền.
Không biết trên thế giới có nhà thờ nào có hàng ghế như thôn Lý không, cao hơn gang tay một tí, ngồi xổm như cái đòn ở quê ngồi thái rau, xắt chuối. Tường mới xây được đến ngang thắt lưng, trên là gỗ.

Đức cha Long kể, có ông người Mông đưa cho con gà, nói “Cho mày
Hỏi nhà ông đây à. Ừ, nhà tao đấy.
Cái gì cũng thêm chữ đấy.

Có lần, một bà cụ dúi vào tay Đức cha cái gì cuộn trong giấy, mở ra là tờ 5 ngàn.
Đức cha trả lại, bảo con gửi lại bà, con không lấy của bà. Cám ơn bà, con có rồi.
Bà nói, “Cầm lấy” 
Ngôn ngữ của họ ngắn gọn, nhưng tình thì thăm thẳm, lấy gì mà đong cho hết.

Đặt cạnh tiếng Anh, tương đương;
Cho mày = For you
Cầm lấy = Take it
Ừ, nhà tao đấy = Yea, it’s my house
Ồ, Đức cha, nó đến kìa = Woo, the bishop, he’s coming.

Một chị trong đoàn mang theo rất nhiều tràng hạt, phát ra cho các cháu. Rất thật thà, có rồi, lắc đầu, không nhận cái thứ hai. Dân tộc Kinh, miền xuôi, không vậy nhé. Họ ở miền cao, tâm hồn cũng cao thượng.

Bán tây, là những cháu không chịu đi học, đi lễ mà chạy theo bán hàng cho khách Tây du lịch.

Những bàn tay xanh màu chàm nhuộm vải ám ảnh tôi suốt đoạn đường từ thôn Lý đến Hầu Thào. Đời sống còn cực nhọc. thiếu thốn.
Đường xuống thung lũng Mường Hoa, dựa vào vách núi đá, thôn Lý ở giữa tầng 2, nhìn lên cao là giáo họ Hầu Thào tầng 1, sâu mãi dưới kia tầng 3 là Lao Chải. Từng bước một, Cha Phêrô Bình xây lại nhà thờ, dựng lại niềm tin.

Sáng 29-6 chia tay Sapa, chúng tôi mừng lễ bổn mạng Cha với bó hoa và món quà nhỏ. Phêrô là đá. Cha Bình chính là nền tảng, đá góc tường cho các anh em dân tộc dựa vào. Chúc cha chân cứng đá mềm trong mục vụ.

Thấy cha Bình vừa làm lễ xong, tự lái xe dẫn đường, một chị trong đoàn nói, Ồ Cha tự lái xe à, nhiều tài nhỉ.
Cha đáp, mình là thầy cả mà. Cái gì cũng tự làm cả, chị ơi.
Ồ, thầy cả miền cao này cái gì cũng phải biết cả và tự làm cả. làm thầy mà không lên lớp, không cha chú. Đợi tòa giám mục thì chết à. Đến đây mới thấy những linh mục trẻ tháo vát, năng động, vào đời, cắp nách một nền văn hóa với dân, và vi tính xách tay cũng thạo, khi cần cũng uống rượu cần gần gũi với anh em.

Cơm tối, thắng cố, rượu táo mèo, và nhiều nhiều lắm.

6. Lễ kính hai Thánh Phêrô và Phaolô 29 -6, rời Sapa, qua Thác Bạc, đèo Ô Qui Hồ, hết tỉnh LK sang LC, đến Mù Cang Chải, thị trấn bên đường, ăn trưa. 
Chiều, tiếp đèo Khau Phạ, nghĩa là “sừng trời” vào tỉnh YB

Trong một ngày, đoàn đi qua hai trong ” tứ đại đỉnh đèo “ Miền Bắc:
- Ô Qui Hồ, giữa LK- LC
- Khau Phạ, YB, sừng trời
- Mã Pì Lèng, HG, ngựa lên dốc thở phì phò
- Phadin, ĐB

Bác tài chạy rất ngọt, chỉ cần lơ mơ là Ô Qui Hồ thành ô thôi rồi.
Qua Tú lệ, cánh đồng nổi tiếng với nếp Tú Lệ, gần đấy, sau một ngày nương rẫy người Thái tắm tiên tiếng tăm mà chưa thấy. Chiều đến giáo xứ Nghĩa Lộ. Ồ, đúng là nghĩa tình đến đây mới lộ ra. Ban hành giáo tiếp chúng tôi quá thể. 
Cờ hội thánh tung bay, băng-rôn kéo ngang: Chào mừng Đức Cha, Quí Cha và Quí Đại Biểu thăm Giáo xứ Nghĩa Lộ ngày 29- 6 - 2015.

Thực đơn: đọc xong muốn xỉu
Thực:Khoai lang chiên viên, dưa Mán, rau bản, lợn cắp nách quay, trâu gác bếp, dê hấp, cá suối, cua ruộng, tôm bãi, canh rau, cà pháo..., xôi nếp Tú Lệ gói lá sen.

Ẩm: Rượu táo mèo, rượu cần, bia...

Chương trình Văn nghệ mừng đón Đức cha, Quí Cha và Quí Đại biểu thăm Giáo xứ Nghĩa Lộ

1 Đội kèn đông - Múa phụ họa
2 Cùng nhảy các bạn ơi - Lớp giáo lý cấp 2
3 Song ca, Đứa bé, giáo xứ Vĩnh Quang
4 Mời trà, biểu diễn trang phục
5 Múa dân tộc H’Mong, Đi học xa. Nhi đồng Tân An
6 Đơn ca, Con là người Công Giáo Việt Nam
7 Múa dân tộc Thái. Lớp Giáo Lý cấp 3
8 Múa quạt. Giáo họ Trung tâm giáo xứ Nghĩa Lộ
9 Múa dân tộc H’Mong, Xuân về trên bản
10 Múa sạp
11 Múa xòe, Rượu cần.

Để ẩm thưc và văn nghệ sang một bên, đỉnh cao của ngày hôm nay, 29-6, là thánh lễ mừng kính thánh Phêrô và Phaolô, hai trụ cột của giáo hội. Cũng đúng vào ngày này 51 năm trước, Đức cha Phêrô Maria đáng kính của chúng ta cùng với toàn thể giáo sĩ địa phận ĐN đặt viên đá thứ nhất xây TCV thánh Gioan.

Lưu niệm
Lễ đặt viên đá thứ nhất 
Tiểu Chủng Viện Thánh Gioan Đà Nẵng 
dưới quyền chủ tọa 
Đức Giám Mục Phêrô M. Phạm Ngọc Chi 
và sự hiện diện của Toàn Thể Giáo Sĩ Địa Phận
ngày 29-6-1964 Lễ hai thánh tông đồ Phêrô và Phaolô
cũng là ngày áp lễ kỷ niệm I Đăng quang Đức Giáo Hoàng Phaolo VI

Bước vào sảnh chủng viện, bên tay phải, tấm bia đá vẫn còn đó, y sì, rõ từng chữ. Bốn cây xà cừ nay đã cao quá tầng hai, râm mát.
Đứng lại ngay chỗ lớp chúng ta thường sắp hàng trước khi đi dạo, tôi còn nghe tiếng còi tập họp của Thầy Luận, Thầy Tuyền.
Tôi thầm hỏi, Tạo hóa gây chi cuộc hí trường.

Nếu đội kèn đồng Nghĩa Lộ làm tôi giật mình khi đi kiệu, thì điệu múa xòe, múa sạp theo chúng tôi vào giấc ngủ đêm nay, ôi Nghĩa Lộ nặng tình nặng nghĩa.

Hôm nay, cũng kỷ niệm 37 năm son sắt của vợ chồng Đại Danh. Đoàn chúng tôi đi cánh cung Tây Bắc, còn món quà xe lăn và quần áo của gia đình Nguyễn Thanh Sơn và Đại Danh thì đi thẳng đến Sơn Tây. 
Đến đâu, người ta cũng rút ruột ra tiếp đón mình, chẳng lẽ mình đến tay không. Mà thật, chúng tôi không kịp chuẩn bị gì. Món quà từ các bạn làm cho chúng tôi mát mặt đấy, làm chúng ta thành “Quí Đại Biểu”. Ghi nhớ.

7. Sáng 30-6, rời Nghĩa Lộ đến giáo họ Vĩnh Quang ăn sáng. Lại linh đình. 
Ghé Thu Cúc, thăm giáo họ Kiệt Sơn vừa cung hiến nhà thờ, đến Thanh Sơn, gặp Cha Khoái, năng nổ, chân chất, nhà thờ sắp xong dựa lưng vào đồi chè. Có món Thịt Chua đặc sản, khá giống món Tré ở ĐN, dừng lại nhà thờ Đồn Vàng cũng vừa xây xong.

Chiều, chạy men theo Sông Đà, đến Hòa Bình, thăm Thủy Điện Hòa Bình. Nhà Thờ giáo họ Hòa Bình nổi bật trên đồi cao, trông như nhà thờ Đức Bà Sài Gòn.
Thánh lễ xong, ngồi nghe Cha Giuse Thoại tóc đã bạc, trông hao hao giống Đức cha Bình Tĩnh, kể chuyện mục vụ những ngày gian khó. Rất khiêm tốn kể lại cho anh em và bề trên giáo phận, Đức cha Long, từ lúc chịu chức chui, rồi chân ướt chân ráo lên Hòa Bình kiên trì nhen nhóm lại niềm tin.

Buồn ngủ lắm, nhưng chúng tôi ngồi nghe cho hết chuyện. Nhìn mái đầu bạc hay cúi xuống của cha quản xứ mà thấy như cây lúa chín nặng trĩu tuổi đời, tuổi đạo. Hãy học sự khiêm tốn nơi cây lúa, lúc chín nó cúi đầu. 

8. 8 giờ sáng 1-7, Đức cha và cha xứ phải về Sơn Tây tĩnh tâm. Chia tay nhanh nhẹn, dứt khoát. Chúng tôi rời Hòa Bình, ra gặp đường HCM, qua rừng quốc gia Cúc Phương, vào Nho Quan, tỉnh Ninh Bình.

Đan Viện Thánh Mẫu Châu Sơn, thuộc dòng Xitô. Không ai trong chúng ta biết rõ về dòng Xitô bằng Chú Đạt của chúng ta, vì sau Tú Tài 1, chú Đạt xin vào nhà dòng trong Thủ Đức. Chú kể cho anh em nghe một ngày của các đan sĩ. bắt đầu lúc 3g 40 sáng đến 9g 30 tối. Cầu nguyện và lao tác. 40 ngày chay là ăn chay nhiệm nhặt.

Thăm ĐTGM Giuse Ngô Quang Kiệt là quyền, chứ không phải là cái ân huệ xin cho. Đức Tổng Kiệt ra gặp đoàn và Cha Thăng, vui vẻ dắt chúng tôi đi thăm nhà dòng, nhà nguyện, vườn Fatima... Ngài dùng cơm trưa với đoàn.
Các thầy nhà khách nấu toàn cây nhà lá vườn, cũng thịt dê, cá ao, rau luộc, măng xào, đậu phụng... Ăn nhiều mà rất nhẹ. “Đón khách đến đan viện như đón Chúa Kitô”, châm ngôn nhà dòng là vậy. Và các thầy làm như vậy. Mời lên Phòng Truyền Thống của Đan viện xem qua lịch sử, viếng 4 Thầy và Cha chết rũ tù những năm tháng ngột ngạt bên kia bức màn tre.

Hãy tìm đọc Ai lên xứ Lạng do Đức Tổng Kiệt viết khi ngài là giám mục Lạng Sơn, để thấy những cam go mạn ngược.
Đến giờ chia tay, con đứng trước Đức Tổng nói, Đức Tổng như người mẫu, thân mình rất chuẩn, gọn gàng. Làm sao cho các đức giám mục được như thế này, chứ cứ chiêu đãi, tiếp đón như mấy hôm rồi thì chết mất.
Đức Tổng hơi ngượng với nhận xét trực diện, nhưng cũng phải mỉm cười với sự thật, ngài nói “Vâng, nếu muốn vậy, chắc phải mời các Đấng về hết đây.”

Không làm sao ngăn cản được các đoàn giáo dân đến thăm Đức Tổng Kiệt. Họ mang đến những món quà địa phương, cá trắm còn bơi bỏ trong túi nhựa thật to, bọc thùng xốp... gà đồi, nếp quê, măng rừng...
Ra nhà thờ chính toà Hà Nội, vẫn còn thấy ảnh Đức Tổng Kiệt bên cạnh các đấng hiện hành, dưới ảnh Đức Thánh Cha. 
Người ta không cất đi, không muốn cất đi hình ảnh một chủ chiên, một câu nói để đời.
Nếu chết, đã có chữ RIP, hoặc giữ ảnh trong phòng truyền thống.
Có lẽ, với quyết định của HĐGM Việt Nam lúc ấy, người dân ngoài này có Vâng mà không Phục. Xin lỗi, con đi hơi xa, quá đà, như anh bạn thợ giày đi quá chuyện giày dép, dám chê lên đến gấu quần.

9.
Chiều 1-7, rời Nho Quan ra quốc lộ 1, đoàn chúng tôi về Hà Nội, hết một vòng cánh cung Tây Bắc. Lúc này, tĩnh tâm xong, Đức cha An Phong lại ngược lên Yên Bái giải quyết vài việc. Làm việc dễ sợ, đáng nể.

“Với ai, tôi là Giám Mục, với anh em Gioan tôi là Nguyễn Hữu Long, số ký danh 57.”

Anh Nguyễn Hữu Long, 57, thân mến,

Vào trang Giáo phận Hưng Hóa, mới vừa thấy thăm mục vụ Mường Tè ngoài này, mai lại thấy Sài Gòn hội họp, cuối tuần Thêm Sức, giữa tuần cung hiến nhà thờ, tiếp Đức Hồng Y, gặp chính quyền… liên tục, liên lục, liên tục.

Mấy hôm nay, chúng tôi chỉ đi theo, ăn, ngủ, không trách nhiệm, mà còn oải huống chi Đức cha đi đến đâu là thăm hỏi người già, xoa đầu các cháu nhỏ, dâng lễ, giảng lễ, xem xét việc xây dựng, hỏi han ban hành giáo, quyết định việc này chuyện kia… Không hiểu sức ở đâu mà khỏe thế. Không kịp khô áo mà đi. Mùa khô đã vậy, mùa mưa thượng du Bắc Kỳ lam sơn chướng khí.

Đường lên Mường Lý bao xa
Trăm bảy mươi thác, trăm ba mươi ghềnh

Quan phòng là việc của Chúa, đề phòng, phòng thân là của người. Biết phân bổ sức lực để được 2 lần 7 năm thần tiên chứ, nghĩa là ít ra 14 năm nữa +++, rồi mới nghỉ ngơi.
Phải biết giữ cái cổ vì xướng kinh, dâng lễ và giảng lễ. Tôi có nghe ho, và ngắt quãng, rồi đấy nhé. Mình là người của muôn dân.

10. 
Giáo phận Hưng Hóa rộng 54.352 km2.
Có lần chủ nhật Phục Sinh ở Điện Biên xa xôi, tôi thấy bọn trẻ kháo nhau dự lễ Rửa Chân.
Lạ quá, hôm nay cả thế giới mừng Chúa sống lại rồi sao lại Rửa Chân?
Vì, bao nhiêu năm rồi không có lễ, hôm nay có Cha về nên Rửa Chân, Thương Khó và Phục Sinh chỉ trong 2 tiếng, còn không giới trẻ trên này không biết Rửa Chân là gì, nếu cứng nhắc theo lịch Phụng Vụ. Rồi phải đợi phập phồng có khi một năm sau mới có lại, vì không có linh mục.

Cây bút làm quà Hội Ngộ Vàng 3 trong 1 rất hay, bút bi - đèn pin - bút chấm màn hình.
Iphone 5, 6 nhiều chức năng, gọi điện - email - facebook - internet - định vị - selfie, thì quí, hiện đại.
Nhưng, Tuần Thánh, mà phải dồn lại 3 trong 1, chỉ nửa buổi, vì Cha còn phải đi nơi khác, thì đáng suy nghĩ. Nhu cầu mục vụ còn nhiều lắm, cần nhiều lắm. Ôi, miền ngược, làm gì cũng ngược nếu muốn xuôi.

11. Chín Chị đi cùng và cùng đi.
Rất vui khi các chị đi cùng. Tôi cứ tưởng sẽ rề rà, lắm chuyện. Vậy mà ngược lại, các chị gọn gàng, đúng giờ, không phiền hà ai, không quên cái này, mất cái kia...
Thánh lễ sốt sắng. Lo lắng quà và hoa. Múa sạp tưng bừng. Rượu cần, lúc cần, cũng chiến như ai.

Anh Nguyễn Phái mà tổ chức là nguyên tắc lắm, cắt rồi đấy. Anh ta không phân chia sự gì đã kết hợp, nhưng anh ta bảo hãy để sự kết hợp ấy ở nhà mấy hôm. Nhớ lại 45 năm ở Nha Trang, chỉ anh em lớp chúng tôi thôi. Xin lỗi, tôi nói xấu một người tốt, Nguyễn Phái.

Bụng dạ toàn đoàn rất tốt, ăn gì cũng được, cũng trôi. Chỉ cần một người lừng khừng là mất vui cả đoàn.

Có khi, tôi nóng nảy, cáu gắt, không trả lời ngay khi được hỏi. Nguyên tắc, làm việc không được như vậy. Nhưng, gặp lại bạn cũ 50 năm, tôi cứ tưởng mình 3 lần 20, chứ không phải 60.

Nhiệt tình thì tốt, nóng nảy thì không.

Nguyễn Danh và Phan NgọcHùng, tôi định viết tiếp về 2 anh vào đây, nhưng thôi, bất xứng, phải thêm số 12.

12. Danh và Hùng,
Hai bạn như cầu thủ chụp gôn trong một đội bóng. Cầu thủ nào phía trên cũng có thể phạm sai lầm, mà thủ thành thì không, vì bạn là chốt chặn cuối cùng, sai nữa là vào lưới nhặt bóng. Ai cũng thấy, ai cũng trách.
Số phận của thủ thành nghiệt ngã đến nỗi cỏ dưới chân anh ta cũng không mọc nổi.
Làm tốt chưa chắc khen.
Làm sai chịu trách móc.

Cám ơn sự khởi đầu từ ý nghĩ, cuộc họp với Đức cha An Phong, ghi tên, mua vé, thêm bớt, chỉnh qua sửa lại... chuyển quà... thông tin với anh em Đà Nẵng, thúc đấy cho chính tôi tham gia. 

Vác tù và, cái số nó vậy.

Phan Ngọc Hùng nói, có 2 anh tiếc quá không đi được, Cha Mai Thái và Bình neuf.

Cám ơn mọi người, đi đông về đủ.

Together then
Together again
Ngày ấy bên nhau
Ngày này bên nhau

1 9 6 5 - 2 0 1 5
Trần Quốc Công (lớp Phaolô)