MỘT NGÀY LÀ CHỦNG SINH GIOAN - MÃI MÃI THUỘC GIA ĐÌNH GIOAN

‘Linh mục, tu sỹ nam nữ không thể sống hai mặt’ – Đức Phanxicô gặp gỡ các tu sỹ nam nữ Uganda

‘Linh mục, tu sỹ nam nữ không được sống hai mặt, nếu là người có tội thì phải xin được tha thứ, nhưng không được giấu nhẹm đi những gì Chúa không muốn, như thế là thiếu trung tín.’

Trong buổi gặp gỡ với các tu sỹ, hàng giáo sỹ và chủng sinh, ở nhà thờ chính tòa Kampala, Đức Phanxicô một lần nữa bỏ qua bài diễn văn soạn sẵn và nói bộc bạch lòng mình, với 3 từ khóa.

Từ thứ nhất là ‘Ghi nhớ.’

‘Trong sách Đệ Nhị Luật, ông Moses bảo dân rằng: ‘Đừng quên!’ Ông lặp lại những từ này nhiều lần, ‘Đừng quên!’ Điều đầu tiên cha muốn nơi anh chị em, là hãy xin ơn biết ghi nhớ. Đừng để ký ức của anh chị em về hạt giống này, hạt giống tử đạo, phai mờ đi. Bởi với ký ức này, anh chị em được tiếp tục lớn lên.

Kẻ thù chính của ký ức là lãng quên, nhưng đây không phải mối nguy hại nhất đâu. Kẻ thù nguy hiểm nhất của tất cả mọi người, là quá quen đến mức coi như thường, những sự tốt lành chúng ta được thừa kế từ những người đi trước. Giáo hội Uganda không được quen với ký ức phai mờ về các bậc tử đạo. Tử đạo nghĩa là làm chứng, để trung thành với ký ức này, Giáo hội Uganda phải tiếp tục là một chứng tá, không được sống chỉ dựa vào đồng tiền thu được. Các vinh quang quá khứ chỉ là khởi đầu. Anh chị em cần phải là vinh quang tương lai. Đây là nhiệm vụ mà Giáo hội trao cho anh chị em, làm chứng, như các bậc tử đạo đã trao cả sinh mạng mình vì Tin mừng.

Từ thứ hai mà Đức Phanxicô nói đến là ‘Trung tín.’

‘Trung tín với ký ức, trung tín với ơn gọi của mình, trung tín với nhiệt thành tông đồ. Trung tín nghia là theo đời sống thánh thiện, nghĩa là làm những gì mà các chứng nhân trước chúng ta đã làm, nghĩa là sống sứ mạng. Có lẽ ở Uganda này, có các giáo phận dồi dào linh mục, giáo phận khác lại có quá ít, trung tín nghĩa là tình nguyện xin giám mục để đến với các giáo phận khác đang cần người truyền giáo. Điều này không dễ dàng gì. Trung tín nghĩa là kiên vững trong ơn gọi, và nói đến đây, cha muốn cảm ơn đặc biệt các nữ tu của Nhà Tình thương vì mẫu gương trung tín của các xơ, là trung tín với người nghèo, người bệnh, những người cùng quẫn nhất. Bởi Chúa Kitô ở đó.

Uganda được sinh ra từ máu của các bậc tử đạo, anh chị em cần phải tiếp tục làm chứng hơn nữa, thực hiện các sứ mạng mới, nếu không anh chị em sẽ mất đi gia tài đang có và ‘hòn ngọc Phi châu’ cuối cùng sẽ thành một viện bảo tàng bởi ma quỷ nó đang công kích, từng chút một.’

Và từ thứ ba, Đức Phanxicô muốn nhắn gởi các tu sỹ, là ‘Cầu nguyện’.

‘Ghi nhớ nghĩa là trung tín, và trung tín chỉ có thể có được qua cầu nguyện. Nếu một tu sỹ, một linh mục, ngừng cầu nguyện, hay cầu nguyện quá ít, bởi họ nói là có quá nhiều việc phải làm, thì người đó bắt đầu mất đi ký ức và trung tín. Cầu nguyện cũng kéo theo sự hạ mình. Hạ mình đi xưng tội thường xuyên để thú nhận tội lỗi của mình. Các bạn không được có kiểu khập khà khập khiễng … linh mục, tu sỹ nam nữ không thể sống hai mặt. Nếu là người có tội thì phải xin được tha thứ, nhưng không được giấu nhẹm đi những gì Chúa không muốn, như thế là thiếu trung tín. Đừng khóa ký ức trong phòng kín.

Cầu nguyện luôn luôn bắt đầu bằng việc nhận ra mình là người có tội. Với các cột trụ này, hòn ngọc Phi châu sẽ tiếp tục là hòn ngọc, chứ không chỉ là một từ sáo rỗng trong từ điển.’

Và Đức Phanxicô kết với lời, ‘Nguyện xin các bậc tử đạo đã đem lại sức mạnh cho Giáo hội Uganda, giúp đỡ cho anh chị em.’

Buổi gặp với các nam nữ tu sỹ và linh mục, cũng là sự kiện cuối cùng của Đức Phanxicô ở Uganda. Ngày 29-11, ngài sẽ đến Cộng hòa Trung Phi, chặng thứ ba và cũng là chặng cuối trong chuyến công du Phi châu. Tình hình ở Bangui có vẻ ổn định. Vào chiều cùng ngày, Đức Giáo hoàng sẽ mở Cửa Thánh ở nhà thờ chính tòa Bangui, thủ đô Trung Phi.

Đức cha Dieudonné Nzapalainga, tổng Giám mục Bangui, cho biết, ‘Việc mở cửa thánh sẽ đánh dấu một khởi đầu mới cho Trung Phi. Chúng tôi đã trải qua quá nhiều gian nạn và đau khổ, hoài nghi và thảm sát, quá nhiều bất định và tất cả những chuyện này đã chia rẽ chúng tôi. Đức Giáo hoàng Phanxicô đến để mở lòng chúng tôi với sự ân cần trìu mến, với lòng thương xót, và hòa giải. Đây là cách để ngài nói với chúng tôi rằng, ‘Đã đến thời để tha thứ cho nhau, đã đến thời để xây dựng lại đất nước mình.’

Andrea Tornielli (Vatican Insider) / J.B. Thái Hòa chuyển dịch

(Nguồn: phanxico.vn)