MỘT NGÀY LÀ CHỦNG SINH GIOAN - MÃI MÃI THUỘC GIA ĐÌNH GIOAN

Ly khai và giải phóng – Đức Phanxicô nói về Brexit và Liên hiệp châu Âu

Đức Phanxicô trong lễ nhận giải Charlemange của Liên hiệp châu Âu
Trên chuyến bay từ Armenia về Roma, hôm chúa nhật, Đức Giáo hoàng Phanxicô đã có buổi phỏng vấn trên máy bay như lệ thường với các ký giả.

Ngài nói lên suy nghĩ về nhiều vấn đề, từ chuyến đi Armenia, đến các chuyến tông du sắp tới ở Azerbaijan và Ba Lan, đến vai trò của Đức Giáo hoàng Danh dự, sự hiệp nhất Kitô, phong trào kháng cách, Brexit, ý tưởng về nữ phó tế, và việc Giáo hội phải xin lỗi vì những kỳ thị với người đồng tính.

Edward Pentin (National Catholic Register): Như Đức Gioan Phaolô II, cha có vẻ là một người ủng hộ Liên hiệp Âu châu, và cha đã vinh danh dự án một châu Âu khi nhận giải Charlemagne mới đây. Cha có lo ngại rằng Brexit có thể khiến châu Âu tan rã và thậm chí là chiến tranh?

Đức Giáo hoàng Phanxicô: Đã có một cuộc chiến trong lòng châu Âu. Hơn nữa, có một bầu khí chia rẽ, không chỉ trong châu Âu, mà là trong từng quốc gia. Nếu anh chị em nhớ về Catalan, về Scotland hồi năm ngoái. Những chia rẽ này… cha không nói rằng chúng nguy hiểm, nhưng chúng ta phỉa nghiên cứu cho kỹ, và trước khi đi một bước ly khai, thì phải tìm những giải pháp có thể thành tựu… Cha đã không nghiên cứu lý do vì sao Liên hiệp Anh lại muốn đưa ra quyết định này, nhưng có sự chia rẽ. Cha tin là cha đã nói chuyện này một lần rồi.

Sự độc lập là để giải phóng. Ví dụ như, toàn thể châu Mỹ La tinh, ngay cả các nước ở châu Phi, đã được giải phóng khỏi vương triều Madrid. Ngay cả ở châu Phi, được giải phóng khỏi Paris, Luân Đôn, Amsterdam… Và đây là một sự giải phóng, sẽ dễ hiểu hơn nếu chúng ta nhận thức rằng phía sau chuyện này là một văn hóa, là một lối suy nghĩ… đúng hơn, là sự ly khai của một quốc gia. Cha không nói về Brexit, mà về Scotland, tất cả… Đây là một chuyện đã được đặt tên rồi, và cha nói ra không có ý xúc phạm, đây là một từ mà các chính trị gia dùng: Balkan hóa (Balkanization). Đây là một sự ly khai, chứ không phải giải phóng. Và phía sau chuyện này, là lịch sử, văn hóa, những hiểu nhầm, thậm chí là thiện chí… rõ ràng là thế.

Với cha, hiệp nhất luôn luôn tốt hơn xung đột’, nhưng có những con đường khác nhau cho sự hiệp nhất…và cả tình huynh đệ, chúng ta có Liên hiệp Âu châu, tình huynh đệ thì tốt hơn thù địch và xa cách. Tình huynh đệ thì tốt hơn, và xây cầu thì tốt hơn xây tường. Người ta phải suy ngẫm về tất cả những chuyện này.

Đây là một bước sáng tạo, và cũng là ‘sự bất hòa lành mạnh,’ đem lại sự độc lập hơn, tự do hơn cho các nước trong Liên hiệp, để nghĩ đến một dạng Liên hiệp khác, để sáng tạo. Và sáng tạo trong những nơi làm việc, trong nền kinh tế. Có một nền kinh tế không vững trong châu Âu. Ví dụ như, ở Ý, 40% thanh niên từ 25 tuổi trở xuống không có việc làm. Có chuyện gì đó không ổn trong Liên hiệp to lớn này, nhưng chúng ta không được vì chuyện nhỏ mà bỏ chuyện lớn. Chúng ta phải tìm cách để chuộc lại và tái tạo, bởi tái tạo con người, tái tại nhân bản là một hành trình, một chuyện phải làm. Một thiếu niên không giống một người trưởng thành, hay một người cao tuổi. Có giống và có không giống. Người ta phải liên tục tái tạo. Đây chính là điều đem lại sự sống, là khao khát sống, và đem lại hoa trái. Và nhấn mạnh điều này, ngày nay, hai từ then chốt cho Liên hiệp Âu châu, là sáng tạo và sinh hoa trái. Đây là thách thức. Đây là những gì cha nghĩ. (CNA)

J.B. Thái Hòa chuyển dịch

(Nguồn: phanxico.vn)