MỘT NGÀY LÀ CHỦNG SINH GIOAN - MÃI MÃI THUỘC GIA ĐÌNH GIOAN

Sự biến đổi nội tâm theo cái nhìn tâm linh

Đời sống con người trên dương thế là một hành trình đi về miên viễn . Về với Đấng đã tạo dựng nên mình. Đấng mà con người mang hình ảnh và được trở nên đồng hình tượng với Ngài. Nhưng đây cũng là một hành trình của chuyển hóa, của biến đổi không ngừng từ khi con người được hoài thai trong lòng thai mẫu cho đến lúc nhắm mắt lìa bỏ cõi đời. Trên hành trình ấy, mỗi người phải trải qua từng chặng đường, và phải vượt qua những thử thách ẩn nấp đó đây. Dù ở bất cứ hoàn cảnh nào, bất cứ tình huống nào, bất cứ môi trường nào, bất cứ địa vị nào, và bất cứ tâm thức nào, con người cũng phải phản ảnh trên mọi cách thức Thiên Chúa đang chuyển hóa mình - làm sống lại “tình thương của Thiên Chúa” như Ngài đã “đến và sống như chúng ta”.

Hình thành chuyển hóa:

Bạn và tôi đều biết rằng đời sống con người là một sự biến đổi không ngừng. Từ khi hoài thai trong lòng thân mẫu cho đến lúc nhắm mắt lìa đời. Thiên nhiên với tứ thời bát tiết, xuân, hạ, thu, đông, ngày, đêm, mưa, nắng cũng cho chúng ta biết về điều này, và cuộc đời của mỗi người chính là một cuộc chuyển hóa đầy ý nghĩa ấy.

Đời sống con người bắt đầu bằng một sự kết hợp nhiệm mầu do bởi tinh trùng người cha kết hợp với noãn sào người mẹ. Khởi đi từ giây phút ấy là một chuỗi biến đổi không ngừng cho đến khi chúng ta được sinh ra vào đời sau 9 tháng 10 ngày trong lòng thân mẫu. Và dĩ nhiên, sự thành hình và tiến trình chuyển hóa ấy không ngoài quyền năng và tình yêu thương của Thiên Chúa. Thánh Thomas Aquinas (1225?-74) đã diễn tả về sự quan phòng này như sau: “Nếu có một giây phút nào Thiên Chúa quên không nghĩ đến bạn, lập tức giây phút ấy bạn trở về hư vô ngay”. Cảm nghiệm về bất toàn và hư vô là một cảm nghiệm thực tế vẫn thường xẩy ra hàng ngày chung quanh chúng ta và đôi khi cho chính chúng ta.

Rồi sau khi thời gian viên mãn, chúng ta lìa khỏi lòng thân mẫu để đi vào đời, sống cuộc sống của chính mình với sự ngây thơ trong trắng tan chảy trong tâm hồn chúng ta: “Nhân chi sơ tính bản thiện”. Lý do, chúng ta mang hình ảnh và giống Thiên Chúa. Và cùng với sự chuyển hóa tâm lý, tâm linh thực sự bắt đầu.

Chúng ta bắt đầu lớn lên, phát triển, dùng bản năng và lý trí học hỏi những giới hạn, luật lệ, và kinh nghiệm về những gì khiến chúng ta vui và cảm thấy mình hạnh phúc, cũng như những gì làm chúng đau khổ và nhỏ lệ. Những lời đầu tiên chúng ta gọi cha, gọi mẹ cũng như những từ ngữ mà chúng ta sau này dùng để diễn tả tình cảm, hiểu biết, và suy nghĩ của mình chính là những chuyển hóa, biến đổi về khả năng ngôn ngữ. Chúng ta bắt đầu những bước đi chập chững, vấp ngã, rồi lại đứng dậy để sau cùng chúng ta có thể đi bằng chính đôi chân của mình là sự biến đổi, chuyển hóa về khả năng di chuyển. Và chúng ta cảm thấy tò mò, ngỡ ngàng về những sự việc, những biến cố đang xẩy ra bên ngoài và bên trong cuộc sống và con người của mình chính là sự chuyển hóa, biến đổi về tâm lý, về khả năng trí tuệ và hiểu biết. Nhìn chung, những chuyển hóa và biến đổi ấy không gì hơn là một mầu nhiệm, một phép lạ mà chỉ có Thượng Đế mới thực hiện được cho bạn và tôi. Những điều này phát xuất từ tình thương và quan phòng của Thượng Trí Ngài.

Chúng ta học hỏi và đón nhận những tài năng, những giới hạn, những di sản tổ tiên, lịch sử và hy vọng. Ngay cả khi chia sẻ những điều này với anh chị em cùng một gia đình, chúng ta đều nhận thức rõ điều này, đó là mỗi chúng ta là một nhân vị cá biệt. Do sự khác biệt ấy mà những gì đang xẩy ra chung quanh cuộc sống, xẩy ra bên trong và bên ngoài chúng ta thực sự đang chuyển hóa và biến đổi mỗi người chúng ta. Chuẩn bị thay đổi chính chúng ta để sẵn sàng cho những người khác, như Thiên Chúa đã tạo dựng nên mỗi người chúng ta. Đây là lúc “di truyền thần linh” trong chúng ta bắt đầu nở hoa. Sự chuyển hóa tâm lý và tâm linh đang song hành bên nhau để đưa chúng ta tiến sâu vào với thế giới của tình yêu và tình người, thế giới của niềm tin và tôn giáo.

Nhờ sự thăng hoa, chuyển hóa của tâm lý và tình cảm, chúng ta bắt đầu phát triển những mối liên hệ tình cảm và tình yêu với người khác phái. Bị thu hút bởi nụ người, ánh mắt của một ai đó để rồi bàng hoàng, nhớ nhung, xao xuyến. Tình yêu kết trái, và chúng ta có một gia đình của riêng mình. Chúng ta bắt đầu lo cho sự nghiệp, những giao tiếp bạn bè và xã hội, những giây phút hạnh phúc thoải mái cũng như những giây phút sầu khổ và lo toan, những giây phút thành công và thất bại. Từ những sầu khổ và lo toan, những thất bại ấy nhắc chúng ta về thân phận con người, về mục đích và cứu cánh đời mình. Và trên biển đời, tâm linh như một ngọn hải đăng cho con thuyền đời chúng ta tìm về bến đậu an bình. Đời sống chính là một sự chuyển hóa không ngừng. Chúng đi từ những tình cảm, tình yêu, tình bạn, công danh, sự nghiệp, thành công và thất bại, khỏe mạnh và yếu đau tới sự bừng tỉnh về niềm tin và tâm linh, một vòng tròn bất tận khi Thiên Chúa thổi sức sống hòa tan vào mỗi ngày của cuộc đời chúng ta.

Và khi đến tuổi già, sức khỏe chúng ta yếu dần, cũng là lúc chúng ta kinh nghiệm được cái chết đang gần kề. Chúng ta bắt đầu đi vào những đêm đen tăm tối của tình cảm và tâm linh. Chúng ta cảm nghiệm thế nào là sự cô đơn, bị bỏ rơi, quên lãng khiến chúng ta nghi ngờ về những gì chúng ta đã làm và đã trả qua tốt cũng như xấu. Một lần nữa, chúng ta học để tin tưởng, sống khôn ngoan cho nửa đời còn lại, với ý niệm “tất cả đều là hồng ân”. Tất cả đều đến từ bàn tay rộng rãi và nhân lành của Thiên Chúa. Ngài luôn luôn có đó, hiện hữu giữa chúng ta dù chúng ta biết hay không biết đến. Trong mọi lúc, chúng ta trở thành như những trẻ nhỏ - tùy thuộc vào sự chăm sóc của người khác - ngay cả quên đi rằng chúng ta đang chuẩn bị trở về với cội nguồn sự sống. Nơi mà đời sống chúng ta sẽ được biến đổi để trở thành viên mãn trong thế giới bất diệt, tuyệt vời, và huyền nhiệm.

Dưới cái nhìn tâm linh:

Trên hành trình chuyển hóa, chúng ta có thể học để biết sợ hãi và bất tín nhiệm. Chúng ta có thể để những tư tưởng, lời nói, và hành động của kẻ khác ảnh hưởng và chi phối dù có mặt hay vắng mặt họ. Chúng ta có thể bị thương tổn bởi cuộc sống - bị người phản bội - và tỉnh ngộ bởi những gì mà chúng ta mơ ước nhưng không thành trong cuộc đời mình cũng như những người khác. Đôi khi, chúng ta cảm thấy khó chịu ngay cả với Thiên Chúa, nguồn mong đợi của chúng ta.

Trái tim chúng ta có thể trở nên chai cứng. Từ những người con yêu dấu, chúng ta có thể biến thành những con người tiêu cực và ngạo mạn - Nhu cầu chuyển hóa ở đây chính là biến đổi để chúng ta trở lại thành những con người trong trắng, vô tư. Chúng ta cần một sự chuyển đổi từ căn bản cũng như sự thánh thiện của con người. Chuyển hóa vì vậy trở thành một thách đố đối với nhận thức đến từ những gì chúng ta được ban tặng trong cuộc đời. Nhận thức được rằng tất cả những gì xảy đến bên trong và bên ngoài, hoặc chung quanh chúng ta đều là hồng ân đến từ Thiên Chúa. Một sự chuyển hóa như vậy sẽ cho phép Thiên Chúa ôm ẵm chúng ta trong sự hiện diện nhiệm mầu của Ngài, qua việc Ngài tạo dựng, uốn nắn, dậy dỗ và vinh quang mà Ngài ban chúng ta qua tình yêu, đau khổ, và thử thách.

Con người được chuyển hóa không chống cự và cũng không trốn thoát cuộc sống của họ. Họ không đòi hỏi tiền tài, sức lực, học vấn, địa vị, quyền lực hay bị lệ thuộc vào bất cứ những gì mà Thiên Chúa ban tặng cho họ - dù trong đêm tối hay ban ngày. Chúa Kitô đã qui phục Thiên Chúa Cha bằng chính đau khổ và cái chết của Ngài là một cuộc chuyển hóa cao cả nhất - bởi vì từ đó Thiên Chúa đã nâng Ngài lên trong vinh quang. Đây là một mầu nhiệm biến hình của Vượt Qua, và là trọng tâm cho những ai đi theo Chúa Kitô.

Đây cũng chính là kinh nghiệm từ các thánh nhân, những nhà chiêm niệm và thần bí, những người khôn ngoan. Đối với các ngài sự chuyển hóa thường xảy ra ngay giữa những nghiệt ngã, những thử thách trong đời - đau khổ, thất bại, thất vọng, tương lai mịt mờ, bị khinh bỉ, và bị phản bội … chính là những thử thách đối với chúng ta. Đó là những con người được mời gọi để chuyển hóa và tin tưởng. Sự thách đố cuộc đời một là chuyển đổi chúng ta, hai là làm cho tâm hồn chúng ta bị đắm chìm và cho phép những vết thương cuộc đời biến chúng thành khí giới chúng ta dùng để chống lại chính mình, chống lại người khác, và chống lại chính Thiên Chúa.

Chuyển hóa không phải là được thay đổi. Nó chính là sự thật được khai mở trong chúng ta. Và là một cuộc trở về nguồn.

Những vị thánh và các nhà chiêm niệm lừng danh như Thánh Teresa Avila (1515-82), Thánh Gioan Thánh Giá (1542-91) nói về “Thiên Chúa là tâm điểm của linh hồn”. Các ngài nhìn đời sống tâm linh như một hành trình trở về với cội nguồn - như việc đi vào một ngôi đền rực sáng trong chính tâm hồn mình. Là sự biến đổi tâm linh về nhận thức “con người thật” của chúng ta trong Thiên Chúa. Theo Thánh Gioan Thánh Giá thì chúng ta tìm được tâm điểm của mình trong Thiên Chúa, bởi vì nó luôn có sẵn trong chúng ta.

Chuyển hóa còn là sự thức tỉnh về những gì đang hiện hữu. Là nhận ra một thế giới hồng ân mà chúng ta đang sống, vì “tất cả là hồng ân”. Nó cũng là những gì mà Thánh Têrêsa đã kinh nghiệm giữa những tối tăm của đời mình. Thánh Gioan giải thích thêm, “điều này không phải là Thiên Chúa, Đấng đã thức tỉnh, nhưng là chính chúng ta cuối cùng đã thức tỉnh trước một tình yêu luôn luôn hiện diện, để sống trong tình yêu và để cho tình yêu ấy giải thoát và nhận dạng chúng ta như những người con ngoan của Thiên Chúa. Cuối cùng, chúng ta hàng phục sự thật rõ ràng là đời sống không chỉ bao gồm nỗ lực con người, hy vọng, lời cầu, hoặc lòng xót thương. Hơn thế nữa, chúng ta cũng trở nên hàng phục sự thật hiển nhiên là đời sống chúng ta được hướng dẫn bởi tình yêu, sức sống, và sự hiện diện chữa lành của Thiên Chúa.” Tuyệt vời biết bao! Trong sự nhận thức biến đổi và thức tỉnh, ý muốn của chúng ta tiếp cận được với ý muốn của Thiên Chúa.

Nhưng chuyển hóa tâm linh không phải là cuộc chiến hoặc cưỡng chế bắt ta theo ý muốn của Thiên Chúa. Lm. Jack Welch, Viện Phụ đã viết: “Tình yêu Thiên Chúa lôi cuốn chúng ta vào sự chuyển hóa ước muốn của chúng ta để nhờ đó chúng ta khao khát những gì Thiên Chúa ước muốn. Chúng ta muốn những gì Ngài muốn”. Thánh Teresa diễn tả về kinh nghiệm chuyển đổi khi cho rằng “nó không phải là của bạn”, hoặc như Gioan Thánh Giá đã nói về kinh nghiệm này: “Những gì bạn muốn tôi cầu xin, tôi cầu xin cho; và những gì bạn không muốn, tôi không muốn. Không phải là tôi, ngay cả điều ấy cũng không đi vào lý trí của tôi khiến tôi phải ước muốn.”

Chuyển hóa là sự hiệp thông - hiệp nhất, Giáo Hội tiên khởi gọi đó là “thần hiệp”, một thâm nhập từ từ vào sự hiểu biết và tình yêu của Thiên Chúa. Chúng ta chuyển hóa vào cuộc sống ở nội tâm, nơi đó Thiên Chúa ở cùng chúng ta. Cuộc chuyển hóa này không nhận chìm, giới hạn và cô lập chúng ta - đúng ra, nó đem chúng ta vươn xa và nối kết chúng ta với vũ trụ, bởi vì Ngài là Tạo Hóa của vũ trụ.

Khi chúng ta phản ảnh điều “Thiên Chúa, Đấng đến và sống như chúng ta”, chúng ta sẽ thấy mình cảm nghiệm được Ngài như thế nào trong mọi lúc của cuộc sống chúng ta. Thiên Chúa mà chúng ta gặp gỡ như một trẻ nhỏ khác với Thiên Chúa chúng ta cầu nguyện và hiệp nhất như một người trưởng thành. Chúng ta cảm nghiệm được Thiên Chúa một cách khác nhau trong mọi thời điểm khi đen tối cũng như khi sáng sủa. Sự hiệp nhất của chúng ta với Thiên Chúa được chuyển hóa và mặc khải bởi chính cuộc sống của chúng ta.

Lời mời chuyển hóa:

Lời mời gọi chuyển hóa là một lời mời gọi không ngừng - bởi vì nó được mời gọi bởi Thiên Chúa vĩnh cửu. Đó là một lời mời gọi trở về với vị Thiên Chúa yêu thương chúng ta vô điều kiện. Đấng tạo dựng nên chúng ta “giống Ngài và mang hình ảnh của Ngài” (Sáng Thế Ký), “thần linh Ngài chiếu tỏa trong linh hồn chúng ta” (Ngạn Ngữ), và hơi thở của Ngài là sức sống của chúng ta. Thật tuyệt vời biết bao!

Vì thế, chúng ta hãy phản ảnh trên mọi cách thức Thiên Chúa đang chuyển hóa chúng ta - làm sống lại “tình thương của Thiên Chúa” như Ngài đã “đến và sống như chúng ta”.

Trần Mỹ Duyệt

(Phỏng theo tư tưởng của cha Bob Colaresi, O.Carm. trong Between Friends/ Fall 2011)

(Nguồn: http://ubmvgiadinh.org)