MỘT NGÀY LÀ CHỦNG SINH GIOAN - MÃI MÃI THUỘC GIA ĐÌNH GIOAN

5 Phút Lời Chúa ngày 01/10/2016

01/10/16 THỨ BẢY ĐẦU THÁNG TUẦN 26 TN
Thánh Tê-rê-xa Hài Đồng Giê-su
Mt 18,1-5
Suy niệm: Không có khát vọng, chẳng có nỗ lực vươn lên. Khát vọng lớn nhất của thánh nữ Tê-rê-xa Hài Đồng không khác gì khát khao của những trẻ nhỏ được thuật lại trong Tin Mừng hôm nay, đó là khát khao được đến bên Chúa, được chiếm lấy Chúa. Chị thánh tâm sự: “chỉ có Chúa Giê-su mới làm cho con được thỏa mãn… con khao khát rước Mình Thánh Chúa” (Tự Thuật). Với niềm khát khao ấy, chị nỗ lực làm mọi việc để nên thánh: từ ước muốn vào Dòng Kín đến nguyện vọng đi xa thật xa để truyền giáo, từ việc vui lòng đảm trách những công việc tầm thường đến việc luôn bằng lòng mọi sự Chúa gởi đến. Như chị thánh đã viết, Chúa đã cho chị có chỗ trong trái tim Giáo Hội, chỗ đó là tình yêu. Nói cách khác, niềm khát khao nên thánh nơi chị chính là tình yêu của chị đối với Chúa và Giáo Hội.

Mời Bạn: Xã hội thực dụng hôm nay đang rao mời chúng ta mọi thứ, chỉ trừ mời gọi chúng ta nên thánh. Vậy, khát khao đến gần Chúa của trẻ nhỏ trong Tin Mừng và khát khao nên thánh của chị thánh Tê-rê-xa có tác động gì đến tâm hồn và hướng đi của bạn? Thánh nữ nhắc bạn: “Chỉ có Chúa Giê-su mới làm cho con được thỏa mãn.”

Sống Lời Chúa: Mỗi ngày dành vài phút chuyện trò với Chúa và thưa với Ngài: “Lạy Chúa, chỉ có Chúa mới làm cho con được thỏa mãn.”

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, con muốn lặp lại lời yêu thương của thánh nữ Tê-rê-xa với Chúa: “Lạy Chúa, con ao ước được yêu Chúa như chưa từng có ai.”

5 Phút Lời Chúa ngày 30/09/2016

30/09/16 THỨ SÁU TUẦN 26 TN
Th. Giê-rô-ni-mô, linh mục, tiến sĩ Hội Thánh
Lc 10,13-16
Suy niệm: Ta thường nghĩ rằng đối nghịch với yêu là ghét. Nhưng kỳ thực còn hơn thế nữa; dửng dưng, lãnh đạm, không quan tâm đã là thù ghét, là đối nghịch với yêu rồi. Khi không yêu thích thì người hay vật dù có đó ngay trước mắt ta mà vẫn như không có, chẳng lọt được vào “mắt xanh” của ta. Khi không còn yêu nhau, người ta không còn quan tâm đến sự hiện diện của nhau, không còn nhạy bén với nhu cầu của nhau nữa. Đức Giê-su nói rằng khốn cho các thành ven bờ hồ Ga-li-lê không phải vì họ ghét Chúa, xua đuổi Ngài, mà vì thái độ dửng dưng, thờ ơ với Tin Mừng. Đối với họ, lời rao giảng, phép lạ Ngài làm lôi cuốn thật đấy, kỳ diệu thật đấy, nhưng chẳng chút gì liên quan đến họ. Họ cảm thấy không cần hoán cải, thay đổi đời sống, vì họ không chú ý đến Ngài.

Mời Bạn: “Tôi thích sự điên rồ của lòng nhiệt thành hơn là thái độ dửng dưng của sự khôn ngoan” (A. France). Lòng nhiệt thành yêu mến Chúa thúc đẩy bạn hăng hái, đôi khi hơi điên rồ trong việc thể hiện đức tin hay loan báo Tin Mừng. Trái lại, lối sống thế tục lại xui khiến bạn dửng dưng, thờ ơ với việc chung, nguội lạnh trễ nải trong việc thờ phượng Chúa. Bạn chọn thái độ nào?

Sống Lời Chúa: Khi thức dậy buổi sáng mỗi ngày, tôi sẽ chọn một ý tưởng tích cực trong Tin Mừng làm châm ngôn sống trong ngày ấy.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, con xin lỗi Chúa vì đã bao lần thờ ơ, dửng dưng trước Lời Chúa mời gọi qua những trang Tin Mừng, hay lời giảng dạy của các chủ chăn. Xin giúp con nhiệt thành hơn trong việc thờ phượng Chúa, nhiệt tâm hơn trong tình yêu thương nhau.

Cái chết vô tội của Chúa Giêsu trên thập giá cúu rỗi mọi người

ĐTC Phanxicô chúc lành cho một em bé trong buổi tiếp kiến chung sáng thứ tư 28-9-2916 - OSS_ROM
Từ đầu cho đến cuối cuộc đời mình Chúa Giêsu đã vén mở Lòng Thương Xót, việc nhập thể vĩnh viễn và không thể lập lại tình yêu của Thiên Chúa Cha. Khi chết trên thập giá, vô tội giữa hai kẻ tội phạm, Ngài chứng nhận rằng ơn cứu rỗi của Thiên Chúa có thể đến với bất cứ ai, trong bất cứ điều kiện nào, cả trong điều kiện tiêu cực và đau đớn nhất. Chúa Giêsu thật sự là gương mặt lòng thương xót của Thiên Chúa Cha.

Đức Thánh Cha lo âu về tình hình thành phố Aleppo

VATICAN. ĐTC bày tỏ lo âu về tình hình tại thành Aleppo bên Syria và kêu gọi bảo vệ các thường dân.

ĐHY Parolin kêu gọi tái tạo phẩm giá người nghèo ở Colombia

BOGOTÀ. ĐHY Pietro Parolin, Quốc vụ khanh Tòa Thánh, kêu gọi nhân dân Colombia, tái tạo phẩm giá những người đau khổ, để đảm bảo tương lai tốt đẹp hơn cho đất nước.

5 Phút Lời Chúa ngày 29/09/2016

29/09/16 THỨ NĂM TUẦN 26 TN
Tổng lãnh thiên thần Mi-ca-en, Gáp-ri-en và Ra-pha-en
Ga 1,47-51
Suy niệm: Theo Thánh Kinh, các thiên thần có nhiều nhiệm vụ: thờ phượng Chúa, sứ giả của Chúa, bảo vệ con người... Chúa Giê-su xác nhận sự hiện diện đầy huyền nhiệm của các ngài trong thế giới này để chuyển lời cầu nguyện của ta lên Thiên Chúa, và chuyển ơn phúc của Chúa xuống cho ta. Vai trò của các thiên thần thật là quan trọng trong việc nối kết thế giới thần linh và trần thế. Thật ra, Đấng trung gian duy nhất giữa Thiên Chúa và nhân loại là Đức Giê-su Ki-tô (Con Người). Và các thiên thần “lên lên xuống xuống trên Con Người” để thực hiện vai trò trung gian này nhờ, qua và với Đức Giê-su Ki-tô.

Mời Bạn: Thế giới này không chỉ có loài người với những vật chất “vô hồn”, “vô thần”, trái lại tràn ngập sự hiện diện của thần linh. Ý thức được điều đó, mỗi khi bạn cầu nguyện hay làm một việc gì, bạn xin các thiên thần giúp bạn dâng những việc ấy lên Thiên Chúa. Nhờ đó, bạn sẽ cầu nguyện sốt sắng hơn, và làm mọi việc cách tốt đẹp hơn.

Chia sẻ: Sự hiệp thông, liên kết giữa người với người đã là điều quý báu; sự hiệp thông trong đời sống thiêng liêng càng quý báu hơn, nhờ các thiên thần. Chúng ta hãy cảm tạ các ngài.

Sống Lời Chúa: Ca ngợi Chúa bằng thánh vịnh 138,1: “Lạy Chúa, giữa chư vị thiên thần, xin đàn ca kính Chúa.”

Cầu nguyện: Lạy Chúa toàn năng, chúng con nài xin Chúa sai Sứ thần dâng lễ vật này lên bàn thờ cao sang trước tôn nhan uy linh Chúa, để hết thảy... chúng con được tràn đầy ân phúc bởi trời. Nhờ Đức Ki-tô, Chúa chúng con. Amen. (x. KNTT I)

5 Phút Lời Chúa ngày 28/09/2016

28/09/16 THỨ TƯ TUẦN 26 TN
Th. Lô-ren-xô Ru-y, tử đạo
Lc 9,57-62
Suy niệm: Những điều kiện phải có để được chọn làm môn đệ của Chúa được minh hoạ qua ba trường hợp trong Tin Mừng theo thánh Lu-ca hôm nay: 

1. Về mục đích: Theo Chúa không phải là để đạt tới một “nơi” - “Thầy đi đâu tôi cũng xin đi theo” - vì khi tới “nơi” rồi thì không cần đến Chúa nữa. Chẳng hạn có người cầu xin Chúa để được điều nọ điều kia, khi đạt được rồi thì “hậu tạ”, sau đó giữa Chúa và người ấy chẳng còn có quan hệ chi. Trái lại theo Chúa để được chính Chúa, Chúa đi đâu mình theo đó; “nơi chỗ” không quan trọng bằng việc mình được thuộc về Chúa cách thân thiết nhất. 

2. Về tính ưu tiên: Chúa bảo: “Hãy để kẻ chết chôn kẻ chết.” Điều đó có nghĩa là muốn làm môn đệ Chúa thì phải dành cho Chúa và công việc của Ngài địa vị ưu tiên số một. Hãy coi chừng lời cảnh báo trong dụ ngôn “Người gieo giống”: Những bận tâm lo lắng việc đời có thể làm cho Lời Chúa bị chết nghẹt. 

3. Về tính triệt để: “Cầm cày không ngoái lại đàng sau,” điều đó có nghĩa là dứt khoát từ bỏ những gì là tội lỗi và sống thân tình với Chúa tới cùng, tới mức cao nhất.

Sống Lời Chúa: Mời bạn kiểm điểm xem mình sống tinh thần người môn đệ Chúa trong đời sống thường ngày như thế nào: 

1. Mỗi ngày bạn dành bao nhiêu thời gian để tâm sự thân tình với Chúa? 

2. Bạn có liều mình kiếm tiền một cách bất chính? Hoặc bạn để việc làm của bạn chi phối đến độ Lời Chúa bị chết nghẹt không? 

3. Bạn có mê đắm một thú vui bất chính đến độ không dám dứt khoát chừa bỏ không?

Cầu nguyện: Bạn dành năm phút thinh lặng tâm sự với Chúa.

5 Phút Lời Chúa ngày 27/09/2016

27/09/16 THỨ BA TUẦN 26 TN
Th. Vinh-sơn Phao-lô, linh mục
Lc 9,51-56
Suy niệm: Tính nóng nảy và ngạo mạn khiến hai anh em Gia-cô-bê và Gio-an suýt chút nữa mất khôn. Nóng nảy muốn trả đũa, thiêu đốt đám dân làng Sa-ma-ri-a không đón tiếp Chúa Giê-su, coi thường các môn đệ; ngạo mạn vì nghĩ rằng lẽ ra với một người danh tiếng như Thầy mình, người dân ở đây phải ra nghênh tiếp vì ngưỡng mộ. Chúa Giê-su quở trách hai ông, vì chuyến vi hành của Ngài lên Giê-ru-sa-lem lần này là để chịu đau khổ vì yêu thương con người, lẽ nào trên đường đi Ngài không bày tỏ lòng thương xót ấy. Trong kinh Cải Tội Bảy Mối, sự hờn giận đứng ở giữa. Hờn giận dễ dẫn đến thái độ thiếu khiêm tốn, mất bình tĩnh, nóng nảy đòi trả đũa những ai coi thường mình. Nói theo Thánh Phao-lô, lòng bác ái phải bao hàm sự nhẫn nhục, hiền lành (1Cr 13,4).

Mời Bạn: Một trong những điểm sáng của lòng thương xót nơi Chúa Giê-su là “chậm bất bình và giàu ơn cứu độ.” Tính kiên nhẫn, dẹp bỏ sự tức giận, nóng nảy không chỉ là điểm son của các nhà ngoại giao, nhưng còn phải là của các môn đệ Chúa Ki-tô. Bạn làm gì để sống Năm Thánh Lòng Thương Xót theo dung mạo Chúa Ki-tô: chậm bất bình, bớt nóng giận, thêm kiên nhẫn?

Sống Lời Chúa: Tôi xác tín và nỗ lực sống câu Lời Chúa: “Hãy học cùng Ta vì Ta có lòng hiền hậu và khiêm nhường” (Mt 11,29).

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, Chúa là mẫu gương thương xót cho con. Xin ban cho con lòng hiền lành, giúp con vượt qua tính nóng giận, mong trả đũa, để xây dựng bầu khí yêu thương huynh đệ trong cộng đoàn con. Amen.

Giám Mục cao niên nhất thế giới qua đời ở tuổi 104


Đức Tổng Giám Mục Peter Gerety, Tổng giám mục nghỉ hưu của Newark, đã qua đời ngày 20 tháng 9 tại một nhà dưỡng lão ở New Jersey.

Người nghèo là trang chính của Tin Mừng luôn rộng mở trước mọi người

ĐTC Phanxicô nhận của lễ từ một gia đình giáo lý viên trong Ngày Năm Thánh các Giáo lý viên Chúa Nhật 25-9-2016 - REUTERS
Người nghèo là trang chính của Tin Mừng luôn rộng mở trước mọi người.Ông nhà giấu bị tật nguyền trầm trọng hơn ông Ladarô đầy vết thương, vì ông bị mù loà trong cuộc sống sung túc giầu sang của ông, nên không trông thấy ông Ladarô nghèo nằm ngay trước của nhà mình.

5 Phút Lời Chúa ngày 26/09/2016

26/09/16 THỨ HAI TUẦN 26 TN
Lc 9,46-50
Suy niệm: Các Tông Đồ hôm nay cãi cọ tranh giành nhau để xem ai trong các ông là người lớn nhất trong Nước Chúa. Tại sao các ông tranh giành làm lớn trong Nước Chúa? Vì các ông tin Chúa Giê-su là Đấng Thiên Sai, nhưng là để khôi phục một vương quốc hùng cường như thời vua Đa-vít; vì thế, các ông tính toán trước ai sẽ làm quan lớn trong triều đại của Thầy Giê-su. Các ông không chấp nhận và cũng chẳng quan tâm gì đến những khổ hình Chúa báo trước là Ngài sắp phải chịu; trái lại điều các ông tranh cãi, giành giật với nhau là những vinh sang phú quý mà các ông vẽ vời ra. Chúa dạy trước hết người làm lớn phải khiêm tốn, hy sinh phục vụ mọi người, nhất là phục vụ những người nghèo hèn, bé mọn nhất, những người không có gì để trả ơn lại.

Mời Bạn: Để khiêm tốn phục vụ, bạn phải biết xoá mình đi, từ bỏ những ham muốn ích kỷ, từ bỏ những đặc quyền đặc lợi, cậy dựa vào chức vụ, địa vị, quyền hành. Phục vụ, nhất là phục vụ Đức Ki-tô hiện diện nơi tha nhân không phải là chuyện hạ mình đánh mất phẩm giá, cũng không phải là luồn cúi hay hèn nhát, nhưng là vinh dự, là hạnh phúc, bởi vì chính Chúa đã nói: “Ai phục vụ Thầy, thì Thầy ở đâu, kẻ phục vụ Thầy sẽ ở đó. Ai phục vụ Thầy, Cha của Thầy sẻ quý trọng người ấy” (Ga 12,26).

Sống Lời Chúa: Sống tinh thần phục vụ bằng cách chia sẻ trách nhiệm trong gia đình, hay trong cộng đoàn qua những việc giúp ích nhỏ bé âm thầm, nhất là những việc đòi hỏi sự hy sinh, kiên trì trong cuộc sống đời thường.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin cho con biết mến yêu và phục vụ Chúa trong mọi người. Amen.

Uỷ ban Đối thoại thần học Công giáo-Chính thống thông qua Tuyên bố chung

WHĐ – “Người Công giáo và người Chính thống cần phải khám phá cách thức quyền bính được hiểu và thực hành ra sao để điều đó không phải là một trở ngại cho hiệp nhất”, đó là nội dung chính của bản Tuyên bố chung mang tên “Tính công nghị và Quyền tối thượng trong thiên niên kỷ đầu tiên: Hướng tới một hiểu biết chung trong Sứ vụ Hiệp nhất của Giáo Hội”, được các thành viên của Uỷ ban hỗn hợp Quốc tế Đối thoại thần học giữa Giáo hội Công giáo và Giáo hội Chính thống thông qua, khi kết thúc Khoá họp toàn thể diễn ra tại Chieti, Italia, từ ngày 15 đến 22 tháng Chín 2016.

Xúc động và thương cảm của Đức Phanxicô trước các nạn nhân của vụ khủng bố ở Nice


Giây phút xúc động ngày thứ bảy 24 tháng 9-2016 ở Hội trường Phaolô VI. Đức Phanxicô tiếp các gia đình nạn nhân vụ khủng bố ở Nice ngày 14 tháng 7 vừa qua. Đức Phanxicô chia sẻ nỗi đau buồn của mình với gia đình các nạn nhân và cám ơn tất cả những ai đã giúp đỡ các nạn nhân, nhưng nhất là ngài kêu gọi “một sự hoán cãi nội tâm” để thù hận không có một chỗ đứng trong tâm hồn.

Các trang mạng xã hội, thuốc phiện mới của dân chúng?

Nhà xã hội học và triết gia Ba Lan Zigmunt Bauman
Nhà xã hội học và triết gia Ba Lan Zigmunt Bauman lên án các trang mạng xã hội làm được tất cả, trừ tạo ra một “cộng đoàn”

Zigmunt Bauman sinh tại Poznan, Ba Lan năm 1925, khi còn nhỏ, ông đã theo gia đình di cư đến Xô viết để trốn chế độ nazi. Đến năm 1968, ông lại phải rời xứ tiếp cư để tránh nạn thanh trừng người Do Thái tiếp sau vụ xung đột Ả Rập-Israel tại đây. Ông định cư tạm thời ở Tel Aviv và cuối cùng là định cư ở Anh. Ông thực hiện được điều thiết yếu trong sự nghiệp của ông ở Đại học Leeds. Trong một cuộc phỏng vấn tương đối gần đây (tháng 1-2016) với Ricardo De Querol cho Babelia của nhật báo El Pais, ông giải thích nếu các trang mạng xã hội đã thật sự đóng góp vào sự sửa đổi cách dùng và hình thức truyền thống của chủ nghĩa tích cực xã hội, thì nó chỉ thể hiện như một loại thay thế trong việc đào tạo các cộng đoàn đích thực.

Ảo tưởng của các trang mạng xã hội

Ricardo De Querol nêu lên câu hỏi của mình về các trang mạng xã hội bằng cách đưa ra câu trích dẫn của chính ông Bauman, trong đó ông cho rằng chủ nghĩa tích cực trực tuyến chỉ đơn thuần là “chủ nghĩa tích cực phòng khách”, và Internet, trong vô số cơ hội, chỉ góp phần làm cho chúng ta “thiu thiu ngủ với loại giải trí rẽ tiền”. Dùng lại câu nói của Marx, ông De Querol hỏi có phải các trang mạng xã hội là một loại “thuốc phiện mới của dân chúng” không. Nhà xã hội học Bauman không ngần ngại trả lời, căn tính, cũng như các cộng đoàn, không phải là một chuyện mình có thể tạo ra, bởi vì đó là những chuyện “mình có hoặc không có”.

Ông nói thêm: “Những gì các trang mạng xã hội có thể tạo, chỉ là một thế phẩm. Sự khác biệt giữa cộng đoàn và trang web là, con người thuộc về một cộng đoàn, trong khi trang web là một chuyện người ta sở hữu nó. Người ta có thể thêm bạn, bớt bạn, có thể kiểm soát các giao tế với người khác. Con người cảm thấy mình khá hơn một chút vì sự cô đơn là một đe dọa lớn ở thời buổi cá nhân hóa này. Điều này muốn nói, trên các trang mạng, thêm bạn bớt bạn thật là dễ dàng, không cần một tư cách xã hội nào”.

Một tương tác thật sự cần thiết

Ông Bauman cho biết, các khả năng tinh thông này được phát triển trong các tiếp xúc hàng ngày, giữa người với người và một cách trực tiếp, ở các nơi có thể cùng chia sẻ, công cộng hay riêng tư: ngoài đường hay nơi làm việc, ở đó một “tương tác hợp lý” với người khác là chuyện cần thiết; có nghĩa là qua các tương tác này đòi hỏi phải có đối thoại, thương thuyết và cởi mở.

Về vấn đề này, ông Bauman nhấn mạnh, trong lần phỏng vấn đầu tiên của mình với ký giả Ý vô thần Eugenio Scalfari, sau khi được bầu chọn, Đức Phanxicô đã nói đến đối thoại. “Đó là một dấu hiệu”, ông Bauman giải thích, “đối thoại đích thực không phải là cuộc đối thoại trong đó mình nói với những người cùng nghĩ giống như mình”.

Daniel R. Esparza (aleteia.org) | Marta An Nguyễn chuyển dịch

(Nguồn: phanxico.vn)

Đức Thánh Cha tiếp thân nhân các nạn nhân vụ khủng bố ở Nice

VATICAN. Sáng ngày 24-9-2016, ĐTC đã tiếp kiến 1 ngàn thân nhân của các nạn nhân vụ khủng bố mù quáng tại thành phố Nice bên Pháp tối ngày lễ Quốc Khánh 14-7 năm nay.

Tu chính qui luật cứu xét phép lạ trong các án phong thánh

VATICAN. Bộ Phong Thánh đã ban hành qui luật mới nghiêm ngặt hơn, điều hành hoạt động của Ủy ban giám định y khoa bộ phong thánh.

5 Phút Lời Chúa ngày 25/09/2016

25/09/16 CHÚA NHẬT TUẦN 26 TN – C
Lc 16,19-31
Suy niệm: Dụ ngôn Chúa kể hôm nay đầy những chi tiết tương phản đến độ gây sốc: ông nhà giàu – người nghèo ăn xin; ông nhà giàu mặc lụa là gấm vóc – người ăn xin mụn nhọt đầy mình; ông ta yến tiệc linh đình – người nghèo La-da-rô thèm ăn những thứ rớt xuống từ bàn ăn… Thế rồi giàu hay nghèo cùng có một kết cục chung: cái chết. Đến đây, tình thế lại đảo ngược: từ dưới âm phủ, ông nhà giàu “ngước mắt lên” để van xin được một giọt nước từ đầu ngón tay của anh La-da-rô. Không biết lúc đó, ông có nhớ lại nhiều lần anh La-da-rô cũng có cử chỉ đó với ông? Khi còn sống, chắc hẳn không chỉ một lần ông đã bắt gặp ánh mắt nài xin, bàn tay chìa ra để xin sự giúp đỡ của ông. Rất tiếc, ánh mắt và bàn tay ấy đã không chạm được vào trái tim khép kín của lòng ông.

Mời bạn: “Lòng thương xót là một lộ trình khởi hành từ con tim tới đôi tay, nghĩa là tới các công việc của lòng thương xót” (ĐGH Phanxicô). Những hình ảnh tương phản trong dụ ngôn vẫn còn mang tính thời sự trong xã hội hôm nay. Trái với người phú hộ, bạn có trái tim và đôi bàn tay để yêu thương và trao ban. Xin được một chút nhạy cảm và hào phóng trước nỗi khổ đau của đồng loại, để như một lời đáp trả, chuẩn bị cho cuộc sống mai sau.

Sống Lời Chúa: Hãy làm một việc cụ thể cho người đang cần sự giúp đỡ của bạn: lời cầu nguyện, sự sẻ chia vật chất hay tinh thần.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, tạ ơn Chúa vì chúng con luôn giàu có và nghèo nàn về một mặt nào đó. Xin cho chúng con biết quảng đại chia sẻ cho nhau, cũng như biết khiêm tốn đón nhận sự sẻ chia của những người chung quanh con. Amen.