MỘT NGÀY LÀ CHỦNG SINH GIOAN - MÃI MÃI THUỘC GIA ĐÌNH GIOAN

Đôi dòng lịch sử Giáo phận Đà Nẵng

A- BUỔI SƠ KHAI

Hai địa danh Cửa Hàn và Hội An được ghi nhớ trong lịch sử truyền giáo Việt Nam kể từ ngày 18.01.1615, khi các vị thừa sai Dòng Tên là Cha Francesco Buzomi, quốc tịch Ý, Cha Diego Carvalho và Thầy Antonio Dias, Bồ Đào Nha, 2 Thầy Giuse và Phaolô, người Nhật, theo tàu Bồ Đào Nha từ Macao đến Việt Nam cập bến Cửa Hàn - Đà Nẵng, rồi vào Hội An -Quảng Nam. Lịch sử Giáo phận Đà Nẵng có thể nói đã bắt đầu từ thời điểm đó. Theo từng thời kỳ truyền giáo, vùng đất này thuộc về các giáo phận: Đàng Trong (1659) do Đức Cha P. Lambert de la Motte làm Đại diện Tông Tòa; Đông Đàng Trong (1844); giáo phận Đông (1850) và Quy Nhơn (1924).

Miền đất khai nguyên của công cuộc truyền giáo Việt Nam này đã chứng kiến bao nhiêu biến cố liên quan đến Giáo hội Việt Nam sơ khai:
- 10 tín hữu đầu tiên được rửa tội vào lễ Phục Sinh năm 1615 tại Hội An.
- Cuộc họp lần I giữa các vị thừa sai Dòng Tên tại Hội An năm 1619 để phân chia trách nhiệm mục vụ.
- Cái chết của Cha Francesco de Pina tại Cửa Hàn năm 1625.

- Hội Thầy Giảng được Cha Alexandre de Rhodes thành lập năm 1640 tại Hội An, nhận lời khấn giữ luật độc thân, phục vụ dân Chúa của hơn 10 Thầy Giảng đầu tiên vào năm 1642, và cái chết oai hùng của vị Tử Đạo tiên khởi tại Đàng Trong: Thầy Giảng Anrê Phú Yên vào ngày 26.7.1644 tại Phước Kiều, Quảng Nam.

- Công nghị đầu tiên tại Đàng Trong do Đức Cha Lambert de La Motte triệu tập tại Hội An (năm 1672).

- Nơi dừng chân và ẩn náu của các vị thừa sai đến truyền giáo và cũng là một trong những trung tâm truyền giáo mạnh nhất của Giáo đoàn Đàng Trong, từ Sông Gianh trở vào.

- Nơi an nghỉ của các vị thừa sai thời danh: Đức Cha Guillaume Mahot (01.6.1684), Đức Cha F. Perez (7.1729), Đức Cha Valère Rist (1737).

- Những cuộc bách hại triền miên (1802-1885) do các chỉ dụ và lệnh cấm đạo của các vua Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức và đặc biệt hoạt động bài Công giáo của phong trào Văn Thân, với hàng ngàn gương chứng nhân đức tin và những mồ chôn tập thể.

- Cuộc hiển linh của Đức Trinh Nữ Maria tại Trà Kiệu, giải cứu các tín hữu đang trong vòng nguy khốn do các cuộc tấn công bằng vũ lực của quan quân triều đình (ngày 10-11/9/1885).

- Đặc biệt, về phương diện văn hóa xã hội, địa danh Hội An – Thanh Chiêm đã gắn liền với một công trình lớn về văn hóa: nơi khởi đầu các nghiên cứu và áp dụng chữ Quốc ngữ được khởi xướng do Cha F. de Pina, có mặt tại Hội An từ những năm 1622-1623, và được hoàn bị với những nỗ lực không mệt mỏi của Cha Alexandre de Rhodes, có mặt tại Hội An vào những năm 1624, 1640 và từ năm 1642 đến khi bị trục xuất vĩnh viễn khỏi Việt Nam ngày 03.7.1645.

Vùng đất Cửa Hàn – Hội An này thực sự hồi phục khi các cuộc bách hại chấm dứt. Theo Compte Rendu của MEP năm1891, họ đạo Tourane Đà Nẵng được tái lập năm 1885 ngay sau phong trào Văn Thân, và đặc biệt gia tăng dân số khi cuộc di cư của đông đảo đồng bào từ các giáo phận miền Bắc năm 1954, tạo nên những trại định cư và cũng là những tân giáo xứ sau này ngay nội thành Đà Nẵng.

B- THỜI KỲ THÀNH LẬP VÀ CÁC GIAI ĐOẠN PHÁT TRIỂN:

Ngày 18.01.1963, với sắc chỉ In Vitae Naturalis Similitudinem, Đức Giáo Hoàng Gioan XXIII đã thành lập tân Giáo phận Đà Nẵng, tách ra từ Giáo phận Quy Nhơn, bao gồm địa giới thị xã Đà Nẵng, Tỉnh Quảng Nam và Tỉnh Quảng Tín (nay là Thành phố Đà Nẵng và Tỉnh Quảng Nam). Đức Cha Phêrô Maria Phạm Ngọc Chi, nguyên Giám mục Quy Nhơn trở thành Giám mục tiên khởi của Tân Giáo phận. Lễ nghi Tuyên sắc thiết lập Tân Giáo phận và bổ nhiệm Giám mục Chính tòa được tổ chức trọng thể tại Nhà thờ Giáo xứ Đà Nẵng – cũng được chọn làm Nhà thờ Chính Tòa của giáo phận mới – vào ngày 01.5.1963, với sự hiện diện của Đức Khâm Sứ Tòa Thánh Salvatore Asta.

Thời kỳ đầu thành lập, ngoài một truyền thống lịch sử lâu đời và đáng quý, Tân Giáo phận Đà Nẵng thực sự chỉ như một hạt giống nhỏ bé giữa cánh đồng rộng lớn. Trên một diện tích 11.555 km2 với dân số 1.100.000 người, Tân Giáo phận có 35 địa sở, 365 họ nhánh với hơn 84.000 giáo dân và 15.000 dự tòng, với 40 linh mục và một số ít nam nữ tu sĩ thuộc các Dòng Phaolô, Mến Thánh Giá và Giuse. Cơ sở vật chất cũng rất thiếu thốn: không có Tòa Giám mục, không chủng viện, không nhà hưu, rất ít cơ sở giáo dục, xã hội... Mọi sự đều đang ở phía trước và đang chờ sự quán xuyến đầy khôn ngoan và tận tụy của vị Chủ chăn mới và cộng đoàn Dân Chúa giàu truyền thống đạo hạnh này.

Được thiết lập trong thời gian diễn ra Công đồng Chung Vatican II, ngay khi nhậm chức Giám mục Chính Tòa, Vị Chủ Chăn đã xác định đường hướng mục vụ cho Tân Giáo phận phận: “Tôi rất vui mừng vì việc thiết lập Địa phận Đà Nẵng trùng năm với việc triệu tập Công Đồng Vatican Đệ Nhị. Lịch sử Đà Nẵng sẽ gắn liền với lịch sử Công đồng Vatican II. Cũng như Giáo hội sau Công Đồng sẽ có một bộ mặt mới và một tinh thần mới, thì Đà Nẵng của Công Đồng Vatican II cũng sẽ có một bộ mặt và một tinh thần mới: bộ mặt và tinh thần thực thụ của Chúa Kitô” (Trích Diễn văn nhậm chức của ĐGM Phêrô Maria Phạm Ngọc Chi, ngày 01.5.1963).

Do đấy, cũng tại miền đất này, từ sau khi trở thành giáo phận, đã là một trong những điểm sáng của việc áp dụng các canh tân theo tinh thần Công đồng Vatican II trong đời sống giáo hội địa phương: công cuộc truyền giáo và các cuộc trở lại đông đúc của các lương dân trong vùng; các đoàn thể Công giáo Tiến hành và phong trào Tông đồ Giáo dân liên tục xuất hiện, những quy chế hoạt động được thiết lập; các cơ sở sinh hoạt của Giáo phận, nhà thờ, nhà xứ, các cơ sở bác ái, xã hội, giáo dục được xây dựng.

Theo hoàn cảnh thực tế của thời cuộc, có thể nhìn đời sống của Giáo phận Đà Nẵng qua 3 giai đoạn tương đối rõ nét. Mỗi một giai đoạn chừng như gắn liền với từng biến cố trong đời sống dân sự, và kéo dài trong một thời kỳ với tất cả những yếu tố quen thuộc: những khó khăn, khủng hoảng của buổi đầu, những thích nghi để tồn tại và khai thông để phát triển.

1. Từ ngày thành lập 18.01.1963 đến 29.3.1975

Thời gian này chỉ vỏn vẹn 12 năm, Giáo phận tân lập được thiết kế giữa một thời điểm nóng bỏng của lịch sử dân tộc, khi cuộc chiến mỗi lúc một lan rộng và hậu quả càng thêm bạo tàn.

a/ Cơ chế

Để tổ chức việc điều hành giáo phận, Đức Giám mục tiên khởi đã thực hiện có qui củ ngay sau khi nhậm chức. Vào ngày 14.5.1963, Ngài đã tổ chức một cuộc họp toàn thể linh mục và ấn định chức danh Tổng Đại Diện, thiết lập thêm một giáo hạt mới – Giáo hạt Hội An, cùng với 2 giáo hạt đã có: Đà Nẵng và Tam Kỳ. Năm 1971, thành lập thêm Giáo hạt Hòa Khánh. Ban Cố Vấn và Hội Đồng Kinh tế cũng được thành lập theo đòi hỏi của Giáo luật, cùng với các Phụ trách Truyền Giáo và Công giáo Tiến Hành theo nhu cầu. Năm 1969, phê chuẩn Quy chế Hội đồng Mục vụ Giáo phận và ban hành quy chế và thành lập Hội Đồng Linh mục.

b/ Các đoàn thể Công giáo Tiến hành

Từ ngày 18.8.1963, ban Chấp hành Công giáo Tiến hành Địa phận đã được bầu. Các đoàn thể Công giáo Tiến hành đã được thành lập và hoạt động hữu hiệu: Legio Mariae, Bác ái Vinh sơn, Phan sinh Tại thế, Liên minh Thánh Tâm, Hiệp hội Thánh Mẫu, Hùng tâm Dũng chí, Thiếu nhi Thánh Thể, Thanh Sinh Công, Hướng đạo… Quy chế Hội Đồng Giáo xứ được ban hành ngày 30.5.1971 và 38 Hội đồng Giáo xứ trong toàn Giáo phận được thành hình. Một “đại hội giáo dân” đã được triệu tập gồm khoảng 400 đại biểu tham dự gồm các HĐGX của 38 giáo xứ, Ban chấp hành CGTH và các hội đoàn, Đại diện các ủy ban Phát triển, Công lý hòa bình, Phụng vụ, Thông tin, Truyền bá Phúc Âm, Giáo dục… vào ngày 22.8.1971 tại Tiểu chủng viện Gioan Đà Nẵng và đã bầu cử Hội đồng Giáo dân Địa phận. 

c/ Các cơ sở quan trọng:

- Tiểu chủng viện Thánh Gioan, được xây dựng tại An Thượng, khai giảng niên khóa đầu tiên năm 1965, nhưng mãi đến năm 1968 mới hoàn thiện. Đức Cha Phêrô Maria giao cho các Linh mục thuộc Tu hội Xuân Bích đảm nhận việc giảng huấn.

- Tòa Giám mục và Nhà Hưu dưỡng các linh mục được xây dựng và đưa vào xử dụng từ năm 1970.

Những cơ sở trên đây Nhà Nước đang xử dụng làm Trường Đại học Kinh tế.

- Đại Chủng viện Hòa Bình tại Hòa Khánh được xây dựng làm phân khoa triết học cho Đại Chủng viện Xuân Bích Huế và tiếp nhận khóa đầu tiên năm 1972. Sau năm 1975, cơ sở này bán lại cho Nhà Nước làm Trường Đại học Bách Khoa.

- Bệnh viện An Bình và Nhà Dòng Thánh Gioan Thiên Chúa phụ trách bệnh viện, được xây dựng cạnh Toà Giám mục hoàn tất năm 1974. Khi chuẩn bị đưa vào sử dụng, thì giao cho Uỷ ban Quân quản Thành phố Đà Nẵng mượn làm nơi tiếp nhận thương binh. Đến nay, cơ sở này do Bộ Quốc phòng xử dụng làm Trường Dạy Nghề.

d/ Việc huấn luyện đào tạo:

Giáo phận đã có những bước tiến rõ rệt cả về nhân sự lẫn cơ sở. Một vài số liệu minh họa cho sự gia tăng đáng quý này:

- Số Linh mục: Năm 1963: 40 vị - Năm 1975: 105 vị (có 6 linh mục ngoại quốc), trong đó đã có nhiều linh mục trở về sau thời gian dài du học tại Ý, Pháp, Mỹ…

- Số Đại chủng sinh: Năm 1963: 30 thầy. Năm 1975: 73 thầy, học tại Giáo hoàng học viện Đà Lạt, Đại Chủng viện Xuân Bích Huế, trong đó, số chủng sinh ban Triết cùng chủng sinh của 6 giáo phận miền Trung học tại Đại Chủng viện Hòa Bình được thành lập tại Giáo phận.

- Tiểu Chủng sinh: Năm 1975: 238 chủng sinh học tại Tiểu Chủng viện Thánh Gioan thuộc Giáo phận.

- Nam Tu sĩ: Năm 1963: vài tu sĩ thuộc dòng Giuse (Nha Trang). Năm 1975: 8 tu sĩ thuộc các cộng đoàn đang được thành lập: Đồng Công, Gioan Thiên Chúa và Salesien.

- Nữ Tu sĩ: Năm 1963: 200 Nữ tu dòng Thánh Phaolô và Mến Thánh Giá Quy Nhơn. Năm 1975: 308 nữ tu Dòng Thánh Phaolô, Mến Thánh Giá Quy Nhơn, Mến Thánh Giá Huế, Con Đức Mẹ Đi Viếng, Con Đức Mẹ Vô Nhiễm,Thừa Sai Bác Ái Vinh Sơn.

- Giáo dân: Năm 1963: 84.000 người thuộc 35 giáo xứ của 3 giáo hạt. Năm 1975: 94.580 người thuộc 4 giáo hạt Đà Nẵng, Hòa Khánh, Hội An, Tam Kỳ.

- Các khóa huấn luyện: Giảng viên Truyền giáo, Tông đồ giáo dân, Chuẩn bị hôn nhân…

- Các cơ sở giáo dục: Năm 1963: Vài trường Tiểu học & 01 Trường Trung học Sao Mai. Năm 1970, trong phúc trình của Ban Văn hoá Giáo dục, toàn Giáo phận có 16 trường trung học với 11.170 học sinh, 40 trường tiểu học với 23.190 học sinh.

- Các cơ sở giáo dục hướng nghiệp: nhiều khoá đào tạo nghề do cơ quan Caritas tổ chức. Một Trường hướng nghiệp được khởi công xây dựng từ năm 1974 tại Hòa Khánh và được giao phó cho các tu sĩ Dòng Salesien điều khiển, nhưng chưa hoàn thành.
e/ Lãnh vực xã hội, y tế, bác ái

- Ngoài Dưỡng đường Thánh Phaolô do các nữ tu Phaolô phụ trách, từ cuối thập niên 1960 cũng đã xuất hiện một số bệnh viện tư nhân do người Công giáo thành lập như Bệnh viện Têrêxa, Bảo sanh viện Khánh Vân… Và đặc biệt, năm 1972, Đức Cha Phêrô Maria đã cho xây dựng một bệnh viện mang tên An Bình và giao cho các Tu sĩ Dòng Gioan Thiên Chúa phụ trách, nhưng chưa đi vào hoạt động.

- Các cơ sở bác ái xã hội cũng bắt đầu được xây dựng và hoạt động: nhà dưỡng lão, nhà cô nhi do các nữ tu Dòng Thánh Phaolô và Dòng Mến Thánh Giá Quy Nhơn phụ trách. Ngoài ra, những công cuộc cứu trợ và các nỗ lực tạm cư cho các nạn nhân bão lụt năm 1964, nạn nhân chiến tranh vào các năm 1968, năm 1972-1974 cũng đã được thực hiện chu đáo.

- Cơ sở in ấn đã được thành lập mang tên Nhà in Thanh Công từ những năm 1962 do Cha Antôn Bùi Hữu Ngạn phụ trách và hoạt động cho tới năm 1975. Từ cơ sở ấn loát này, nhiều tài liệu về giáo lý như bộ Giáo lý Lời Chúa do Cha Antôn Trần văn Trường chủ biên, các tài liệu huấn luyện đoàn thể, đặc biệt về phong trào Hùng Tâm Dũng Chí, Hướng Đạo… đã được in ấn và phổ biến rộng khắp cả nước.

Có thể lược tóm giai đoạn này bằng một bản tin đã được đăng trong Bản Thông Tin Địa Phận tháng 10.1968: “Ba yếu tố đã làm thay đổi bộ mặt Địa phận Đà Nẵng, trước hết là trận bão lụt kinh khủng tháng 9 và tháng 11.1964 (Năm Thìn), nhiều người thuộc các địa sở Trung Phước, Ô Gia, Phú Hương… đã di cư xuống thành phố. Rồi đến chiến cuộc ác liệt cũng từ năm 1964-1965, giáo hữu thuộc các xứ miền quê đã về các nơi an toàn tương đối để lánh nạn. Và sau cùng là biến cố tết Mậu Thân năm 1968, nhiều nguời ở ngoài địa phận đã vào đây lánh nạn”. Những biến cố thời sự cùng với những đòi hỏi canh tân theo tinh thần Công đồng Vatican II, cũng như các tiến bộ văn minh kỹ thuật đã tạo nên một bộ dạng mới rất đặc biệt của giáo phận non trẻ Đà Nẵng, giáo phận của Công Đồng. 

2. Từ năm 1975 đến năm 1993

Sau biến cố lịch sử năm 1975, Giáo phận Đà Nẵng bước qua một khúc quanh mới.

Biến cố nổi bật trước hết trong giai đoạn này chính là việc tấn phong Giám mục Phó Giáo phận vào ngày 06.6.1975 cho Đức Cha Phanxicô Xavie Nguyễn Quang Sách. Đức Tân Giám mục trông coi mục vụ Giáo xứ Chính Toà, cũng đồng thời là Tổng Đại diện từ thời điểm này.

Tất cả cơ sở giáo dục và từ thiện của Giáo phận đều phải bàn giao cho Chính quyền Cách mạng. Tiểu Chủng viện ngưng sinh hoạt. Đại Chủng viện Hoà Bình tại Hoà Khánh được dời về Giáo xứ Phú Thượng, và chỉ đào tạo được một một lớp duy nhất cho đến năm 1982 thì giải thể.

Năm 1980, Hội Đồng Giám mục Việt Nam được thống nhất hai miền Nam-Bắc với hội nghị đầu tiên lịch sử. Thư chung năm 1980 ra đời nói lên sự chọn lựa và định hướng mục vụ cho Dân Chúa tại Việt Nam trong những tháng ngày đầy gian nan thử thách.

Năm 1984, các cơ sở chủ yếu của Giáo phận như Tòa Giám mục, Tiểu chủng viện Thánh Gioan, Nhà Hưu dưỡng các linh mục bị buộc phải giao cho Nhà Nước xử dụng cho đến ngày nay. Cũng từ đó, Đức Giám mục Giáo phận Phêrô Maria phải chuyển đến lưu trú tại Nhà xứ Giáo xứ Chính Tòa một thời gian ngắn, rồi được đưa về an dưỡng tại Giáo xứ Trung tâm Thánh Mẫu Trà Kiệu cho tới khi qua đời. Tuy vẫn là Giám mục Giáo phận cho đến phút cuối đời, nhưng thực sự kể từ khi phải về an trí tại Trà Kiệu, công việc điều hành giáo phận hầu như được giao phó cho Đức Cha Phó Phanxicô Xaviê Nguyễn Quang Sách.

Đức Cha Phanxicô Xaviê, Giám mục Phó với quyền kế vị, trở thành Giám mục Chính Toà thứ 2 của Giáo phận Đà Nẵng vào ngày 21/01/1988, ngày Đức Giám mục Tiên khởi Phêrô Maria được Chúa gọi về.

Trước hết, do tình trạng bị hạn chế hoạt động của Đức Cha Phêrô Maria trong việc điều hành Giáo phận, nhiều công việc mục vụ, nhất là việc các cuộc thăm viếng và ban các bí tích Thêm sức đều do Đức Cha Phó đảm nhiệm. Tình trạng thiếu hụt linh mục thực sự ảnh hưởng đến mọi sinh hoạt của giáo phận. Cho đến năm 1993, Giáo phận chỉ có 49 linh mục, nghĩa là đã có hơn ½ số linh mục trước đây đã thuyên chuyển đến các giáo phận khác hoặc qua đời từ tháng 4 năm 1975.

Tình trạng các giáo xứ cũng nhiều biến động. Một số đông giáo hữu đã di dân đến nhiều vùng miền khác ở miền nam và cao nguyên để sinh sống, một số khác hồi cư về các miền quê ở Quảng Nam, đối mặt với những khó khăn cả vật chất lẫn tinh thần, không ít người đã phải xa nhà thờ, xa Giáo Hội vì nhiều lý do khác nhau. Tình trạng này đã xóa sổ một số giáo xứ được thiết lập trong chiến tranh, đa số nằm ở vùng ven thành phố Đà Nẵng về phía bắc giáo phận, và bù lại, một số giáo xứ khác vốn bị xóa tên trong thời kỳ chiến tranh, nay được tái lập. Tổng số giáo dân đã sụt giảm đáng kể, từ con số 94.580 người vào đầu năm 1975, nay chỉ còn khoảng 40.000 người vào năm 1976, và nhích lên 46.000 người theo thống kê năm 1993. Tổng số giáo xứ lúc này là 36, thuộc 4 giáo hạt.

Những qui định và hạn chế liên quan đến việc đào tạo, phong chức thuyên chuyển và bổ nhiệm linh mục, tập trung huấn luyện và sinh hoạt giáo lý, đoàn thể… cũng gây ra sự thiếu hụt về nhân sự. Các hoạt động tôn giáo mang tính công cộng và tập trung đều khó có thể thực hiện trong giai đoạn này. Nhân sự cho lãnh vực tông đồ giáo dân như chức việc giáo xứ, giáo lý viên, trưởng các đoàn giới… cũng rất hạn chế. Phần đông là thành viên cựu trào của các đoàn thể trước năm 1975. Tuy vậy, vì nhu cầu cấp bách từ các xứ đạo, đặc biệt cho việc dạy giáo lý tại các xứ đạo có nhiều họ nhánh ở vùng quê xa, cũng đã hình thành một cách âm thầm và kiên trì các “khóa” đào tạo bằng nhiều hình thức tại các giáo xứ hoặc giáo hạt. Các lớp giáo lý cũng bắt đầu được tái lập. Đặc biệt, từ năm 1992, Ban Giáo lý Giáo phận được tái lập do Cha Antôn Trần Văn Trường phụ trách, việc đào tạo giáo lý viên cũng như các thành viên tông đồ giáo dân khác được tái khởi động.

Một biến cố đáng nhớ trong giai đoạn này là vào những ngày đầu tháng 01 năm 1988, Cha Phanxicô Xaviê Đặng Đình Canh và Giuse Vũ Dần là hai linh mục cuối cùng của Giáo phận được rời trại cải tạo sau tròn 13 năm bị giam giữ. Cũng trong thời gian này, ngày 10/01/1988, Cha Giuse Nguyễn Trí Dũng được thụ phong linh mục tại Nhà thờ Chính Toà Đà Nẵng, sau 13 năm Giáo phận vắng bóng tân linh mục. Từ đó về sau, hầu như hằng năm đều có lễ phong chức. Năm 1989 thêm 2 tân linh mục, năm 1990 được 3 vị, năm 1991 có 1 vị, năm 1992 thêm 3 vị. Từ năm 1993 đến năm 1998, mỗi năm thêm 01 vị.

Ngày 21/01/1988, Đức Cha Phêrô Maria Phạm Ngọc Chi, Giám mục Tiên khởi của Giáo phận từ trần tại Trà Kiệu, hưởng thọ 80 tuổi. Tang lễ Đức Cố Giám mục được tổ chức tại Giáo xứ Trung Tâm Thánh Mẫu Trà Kiệu vào ngày 23.01.1988, với sự tham dự của hàng ngàn giáo dân và nhất là sự hiện diện của 5 vị Giám mục miền Trung: Đức Cha Philipphê Nguyễn Kim Điền, TGM Huế, Đức Cha Stêphanô Nguyễn Như Thể, Phó TGM Huế, Đức Cha Phaolô Huỳnh Đông Các, Giám mục Qui Nhơn, Đức Cha Alexis Phạm Văn Lộc, Giám mục Kontum, Đức Cha Phêrô Trần Thanh Chung, Giám mục Phó Kontum, cùng đồng tế với Đức Cha P.X. Nguyễn Quang Sách, Giám mục Đà Nẵng. Tất cả những vị này cũng “tình cờ” có mặt bên giường bệnh của Ngài vào giờ hấp hối và lâm chung trước đó 2 ngày, vì một cuộc họp về việc phong thánh cuối cùng bị huỷ bỏ. Đức Cha Phêrô Maria được an táng với một ngôi mộ đơn sơ tại Vườn Nghĩa, trong khuôn viên Nhà thờ Trà Kiệu, nơi Đức Mẹ đã hiện ra vào năm 1885, bên cạnh những anh em linh mục của mình.

Cũng vào năm 1988 này, Giáo phận đón tiếp Đức Hồng Y Roger Etchegaray, Đặc sứ của Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đến viếng thăm một số Giáo phận tại Việt Nam. Chuyến viếng thăm của Ngài mở đầu cho những thay đổi tích cực hơn về chính sách tôn giáo tại Giáo Hội Việt Nam. Giữa những khó khăn về đời sống đức tin, Ngài đã lớn tiếng kêu gọi người giáo dân Việt Nam: “Chúa trồng chúng ta ở đâu, chúng ta hãy nở hoa nơi ấy”. Và ngày 19/6/1988, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã phong thánh cho 117 Thánh Tử Đạo Việt Nam tại Quảng trường Thánh Phêrô như một tuyên dương tinh thần sống đức tin của Dân Việt qua các thời đại, đồng thời cũng khích lệ Dân Chúa tại Việt Nam sống đức tin cách kiên cường giữa mọi gian nan thử thách trong thời hiện đại.

Đức Cha Ph.X. Nguyễn Quang Sách, trong bài giảng Thánh lễ Tạ ơn ngày 18.01.1993, nhân dịp kỷ niệm 30 năm thành lập Giáo phận, với sự hiện diện đáng quý của 2 Đức Cha Phaolô Huỳnh Đông Các, Giám mục Qui Nhơn và Đức Cha Phêrô Trần Thanh Chung, Giám msục Kontum, đã chia sẻ: “Điều đáng mừng là rất nhiều gia đình, lâu nay vì lý do chủ quan hay khách quan, đã ngưng sinh hoạt tôn giáo, thì nay từng nhóm xin sinh hoạt trở lại. Bên cạnh đó, điều ưu tư của Tòa Giám mục mong đợi chính quyền tạo điều kiện cho những nơi có những nhóm đông người trở lại được phép xây dựng nhà nguyện để có nơi tập họp, kinh lễ… và có thêm linh mục để chăm sóc phần hồn cho họ…” (Trích trong Lịch Giáo phận Đà Nẵng Mừng 30 năm thành lập, tập II, trang III).

3. Từ năm 1993 đến nay

a/ Nhân sự và đào tạo:

Mừng 30 tuổi, tuổi “tam thập nhi lập”, Giáo phận chuyển sang một giai đoạn mới. Đất nước cũng bắt đầu chuyển sang thời kỳ “đổi mới”, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho sinh hoạt tôn giáo.

Ngày 29/6/2000, Đức Cha Phaolô Tịnh Nguyễn Bình Tĩnh được tấn phong Giám mục phó tại Nhà thờ Chính Toà Đà Nẵng và trở thành Giám mục Chính Tòa thứ 3 của Giáo phận vào ngày 06.11.2000, thay thế Đức Cha Phanxicô Xaviê Nguyễn Quang Sách, đến tuổi nghỉ hưu theo giáo luật. Sáu năm sau, việc cai quản Giáo phận bước sang thời kỳ “chuyển giao thế hệ”, khi Đức Cha Giuse Châu Ngọc Tri được bổ nhiệm làm Giám mục Chính Toà thứ 4 của Giáo phận ở tuổi 50, thay thế Đức Cha Phaolô Tịnh Nguyễn Bình Tĩnh cũng vừa đến tuổi nghỉ hưu. Lễ tấn phong và nhiệm chức của Ngài được tổ chức ngày 04/8/2006.

Việc phong chức và bổ nhiệm các linh mục dần dần đi vào ổn định và diễn ra đều đặn hằng năm. Gần 20 năm bị đóng cửa, năm 1994, Đại Chủng viện Huế được chiêu sinh khoá đầu tiên cho ba Giáo phận Huế, Đà Nẵng và Kontum, nên từ Năm Thánh 2000, mỗi năm Giáo phận đều có một khoá ra trường. Năm 2000 có 6 Tân Linh mục, năm 2001 có 8 vị, năm 2003 có 13 vị, năm 2006 có 5 vị, năm 2007 có 2 vị, năm 2008 có 4 vị, năm 2009 có 1 vị và ngày 11.6.2010, dịp bế mạc Năm Linh Mục, có thêm 5 Tân Linh mục. Trong vòng 10 năm kể từ Năm Thánh 2000 đến nay, Giáo phận có thêm 44 tân linh mục, nghĩa là xấp xỉ bằng con số linh mục phục vụ trong Giáo phận trong những năm “khô khan” trước đó. Tạ ơn Chúa.

Không những số Tân Linh mục dần dần đáp ứng nhu cầu thiếu hụt trầm trọng trước đây, mà Giáo phận cũng bắt đầu có thể gửi linh mục đi tu nghiệp nước ngoài. Năm 1994, hai linh mục đầu tiên được gửi đi học tại Pháp, năm 1998 thêm hai cha nữa cũng đi Pháp. Từ năm 2000 đến năm 2010, có tất cả 8 linh mục được gửi sang tu nghiệp tại Phi-luật-tân. Từ năm 2007, thêm 01 linh mục nữa được gửi đi Pháp và 02 vị được gửi sang học tại Giáo Đô Rôma. Ngoài ra, còn có 5 linh mục khác thuộc Giáo phận nhưng nhập Tu hội Xuân Bích và được lần lượt gửi đi Pháp đào tạo chuyên biệt để về giảng dạy trong Chúng viện sau này. Hiện nay, cũng có 2 cha đang học sinh ngữ tại TPHCM chuẩn bị đi tu nghiệp.

Ngoài việc con số linh mục Giáo phận được gia tăng đáng kể, Giáo phận còn mời gọi các tu sĩ linh mục thuộc các hội dòng nam ngoài Giáo phận đến cộng tác mục vụ truyền giáo trong địa bàn Giáo phận. Cho đến nay, Giáo phận đã ký hợp đồng mục vụ với 04 Hội dòng. Trong năm 2010, Dòng Chúa Cứu Thế nhận phục vụ tại Giáo xứ Tiên Phước, Dòng Ngôi Lời nhận Giáo xứ Trung Phước, Tu hội Truyền giáo Thánh Vinh Sơn nhận Giáo xứ Hội Yên, và trong năm 2011 này, Dòng Thánh Thể chính thức nhận Trung tâm Mục vụ Di dân tại Giáo họ An Ngãi Đông. Ngoài ra, còn có linh mục tu sĩ thuộc các Dòng Đaminh, Dòng Tên, Dòng Đồng Công, Dòng Augustinô cũng đã hiện diện và cộng tác mục vụ với Giáo phận tại các xứ họ đạo gần xa.

Từ khi Đại Chủng viện Huế mở cửa nhận chủng sinh vào năm 1994, thì tại Giáo phận, việc thi tuyển và huấn luyện các dự tu cũng được tổ chức thay cho Tiểu Chủng viện ngày trước. Hằng năm, các khoá thi tuyển dự tu và tiền dự tu được tổ chức đều đặn. Cuộc thi tiền dự tu nhằm tuyển chọn các học sinh của những năm cuối bậc trung học, được chăm sóc tại gia đình và giáo xứ, cho đến khi thi đậu vào trường đại học hay cao đẳng, sẽ trở thành dự tu, và được tập trung về chăm sóc tại Giáo phận. Cuộc thi tuyển dự tu nhằm tuyển chọn các em đang học đại học hay cao đẳng có ước nguyện làm linh mục giáo phận, và nếu trúng tuyển, cũng được qui tụ về những trung tâm dự tu của Giáo phận. Mãn đại học hay cao đẳng, các dự tu sẽ theo học lớp dự bị thêm 1, 2 năm nữa trước khi được gửi ra Đại Chủng viện.

Từ năm 1995, các dự tu sống tập trung tại một số giáo xứ nội thành Đà Nẵng như Hòa Khánh, Hoà Thuận, Tam Tòa, Chính Tòa để dễ dàng theo học các trường cũng như có điều kiện sinh hoạt cộng đoàn. Năm 1997, Giáo phận thành lập Ban Ơn gọi và xây dựng một Trung tâm dự tu tại Giáo xứ Ngọc Quang để qui tụ các dự tu về một địa điểm duy nhất, sinh hoạt mục vụ và phụng vụ chung với Giáo xứ Ngọc Quang, với Cha đặc trách cũng là Cha Quản xứ. Từ niên học 2008, Đức Giám mục Giáo phận đã tách nhóm dự tu ra khỏi Giáo xứ Ngọc Quang, và chuyển về Trung tâm Mục vụ Giáo phận, bổ nhiệm ban Giám đốc riêng. Đầu niên học 2010, Đức Giám mục Giáo phận đã chính thức lập cộng đoàn dự tu Giáo phận với Thánh hiệu Gioan Tông đồ, và sinh hoạt như một Tiểu Chủng viện. Hằng ngày, ngoài giờ học tại các trường đại học, cao đẳng, các dự tu còn được học thêm những bộ môn cần thiết chuẩn bị cho đời chủng sinh trong tương lai và thực tập mục vụ ở các xứ họ đạo lân cận. Sau khi tốt nghiệp đại học, các dự tu này theo học lớp dự bị trong 1 hoặc 2 năm trước khi vào Đại Chủng viện. Từ nền móng đào tạo này, hiện nay Giáo phận có 21 chủng sinh đang học Đại Chủng viện Huế, 12 chủng sinh thực tập mục vụ, 49 dự tu đã tốt nghiệp hoặc đang học đại học hay cao đẳng và khá đông các em tiền dự tu đang học trung học.

Song song với ơn gọi linh mục giáo phận, vào ngày cầu nguyện cho Ơn Thiên Triệu hằng năm, Ban Ơn Gọi của Giáo phận cũng tổ chức cho các thanh thiếu niên nam nữ có điều kiện tìm hiểu các dòng tu trong một ngày hội quảng bá các dòng tu trong và ngoài Giáo phận. Đã có nhiều ơn gọi các dòng khởi đầu từ những ngày hội Ơn Gọi này, cung cấp nhân sự cho các dòng tu nam nữ.

Giáo phận trẻ Đà Nẵng không có dòng giáo phận, nên Tỉnh Dòng Thánh Phaolô Đà Nẵng được xem như “con ruột” trong gia đình Giáo phận. Đồng hành với Giáo phận trong một lịch sử thăng trầm, Tỉnh Dòng Thánh Phaolô Đà Nẵng cũng đã vươn mình lên từ những khó khăn và hạn chế nhất định. Tỉnh Dòng ngày nay với số tu sĩ, khấn sinh, tập sinh và thỉnh sinh lên tới con số 500 người, phục vụ trong 13 Giáo phận miền Bắc và miền Trung Việt Nam, với khoảng 50 chị em dấn thân truyền giáo ở nước ngoài. Tỉnh Dòng đã vươn tới khá xa trong công tác giáo dục và bác ái xã hội với hàng chục trường mầm non, khu nội trú, trường khuyết tật, nhà dưỡng lão, nhà hộ sinh, phòng khám bệnh và phát thuốc… Tháng 01 năm 2010, Tỉnh Dòng mừng 50 năm thành lập. Dịp này, Tỉnh Dòng đã chia sẻ nhân sự để chính thức tái lập Miền Dòng tiền thân cho Tỉnh Dòng Phaolô Hà Nội được hồi sinh sau hơn 50 năm “thoi thóp”.

Cùng góp phần cộng tác mục vụ tại Giáo phận Đà Nẵng hiện nay bên cạnh Dòng Thánh Phaolô, còn có Dòng Mến Thánh Giá Qui Nhơn (03 cộng đoàn), Dòng Mến Thánh Giá Huế (02 cộng đoàn), Dòng Đi Viếng Huế (02 cộng đoàn), Dòng Vô Nhiễm Huế ( 01 cộng đoàn). Giáo phận Đà Nẵng tiếp tục mời gọi các hội dòng đến cộng tác mục vụ, đặc biệt tại những vùng trung du đất rộng dân thưa, điều kiện kinh tế và văn hoá xã hội còn nhiều khó khăn hạn chế.

Mục vụ huấn giáo cũng đã được chú trọng. Từ những năm 90 hoặc sớm hơn nữa, các giáo xứ bắt đầu tổ chức các lớp giáo lý Chúa Nhật cho trẻ em, xây dựng các phòng giáo lý mới, vì các trường tư thục công giáo trước đây không còn có thể xử dụng chung cho việc dạy và học giáo lý nữa khi nhà nước đang quản lý xử dụng. Chương trình đào tạo các giảng viên giáo lý phát triển mạnh, dưới sự điều hành của Ban Giáo lý Giáo phận. Từ năm 1996 đến năm 2000 đã tổ chức 16 khóa, mỗi khóa học kéo dài vài tuần lễ, số học viên tham dự cũng rất đông. Chương trình Giáo lý cho giai đoạn này được soạn thảo cho từng đối tượng: chuẩn bị nhận Bí tích Thánh Thể và Thêm sức cho trẻ em, cũng như cho dự tòng và chuẩn bị hôn nhân. Để chuẩn bị cho Năm Thánh 2000 theo tinh thần chung của toàn thể Giáo Hội, Ban Giáo lý Giáo phận đã dọn chương trình giáo lý cho người lớn trong 3 năm liên tiếp: Năm 1997, học về Chúa Kitô; năm 1998, học về Chúa Thánh Thần; năm 1999, học về Chúa Cha.

Thống kê Giáo phận cho thấy con số học viên giáo lý liên tục gia tăng đều ở tất cả các chương trình: giáo lý trẻ em, giáo lý dự tòng và giáo lý hôn nhân. Nhưng bên cạnh đó, việc tuyển chọn và huấn luyện giáo lý viên mỗi ngày thêm khó khăn do công ăn việc làm trong xã hội công nghiệp, chế độ ngày nghỉ cuối tuần làm cho thời giờ trở nên hạn hẹp, khó có thể tập trung huấn luyện dài ngày. Bắt đầu từ giai đoạn này, các Giáo hạt và Giáo xứ đảm trách vấn đề huấn luyện nhiều hơn, thường được tổ chức vào ban đêm thay vì ban ngày.

Bên cạnh việc đào tạo giáo lý viên, Giáo phận rồi các Giáo hạt cũng thường xuyên tổ chức những khoá học hỏi hay tĩnh huấn cho các Hội đồng mục vụ. Các đoàn thể Công giáo Tiến hành trước đây và nhiều hội đoàn được hồi sinh, các Phong trào Tông đồ Giáo dân được thiết lập. Đặc biệt, để hỗ trợ cho việc học giáo lý, huấn luyện đức tin và nhân bản cho giới thiếu nhi, ngày 01/7/2011, đúng vào dịp lễ Thánh Tâm Chúa Giêsu, Quan Thầy Giáo phận, Đức Cha Giuse đã chính thức quyết định tái lập Liên đoàn Hùng Tâm Dũng Chí Giáo phận với thánh hiệu là Thánh Linh, sau hơn 3 năm chuẩn bị và 35 năm ngừng sinh hoạt, dựa vào tinh thần và lòng nhiệt thành của các cựu huynh trưởng và các cha cựu tuyên uý phong trào trước đây. Cha Phanxicô Xaviê Nguyễn Ngọc Hiến được đặt làm tuyên uý phong trào cấp Giáo phận. Một năm trước đó, vào ngày 06/6/2010, Liên đoàn Thiếu Nhi Thánh Thể Giáo phận cũng đã được Đức Cha Giuse công bố quyết định thành lập với thánh hiệu là Thánh Tâm sau hơn 2 năm chuẩn bị, với Cha Marcellô Đoàn Minh làm tuyên uý Liên đoàn.

Bên cạnh hai Liên đoàn Hùng Tâm Dũng Chí và Thiếu Nhi Thánh Thể đang hoạt động tại các Giáo xứ, phong trào Hướng đạo sinh Công giáo với Cha Phêrô Nguyễn Ngọc Phi làm tuyên uý, cũng góp phần đáng kể trong việc giáo dục thanh thiếu niên trrong giai đoạn mới này.

Nói đến việc giáo dục đức tin cho Dân Chúa trong giai đoạn này, không thể không nói đến chương trình “Giáo lý Cộng đồng” đã được Đức Giám mục Giáo phận phát động từ đầu năm Phụng vụ 2010, Năm Thánh của Giáo Hội Việt Nam, và cũng để đưa Giáo phận bước vào 3 năm chuẩn bị mừng Kim Khánh Giáo phận vào ănm 2013.

Khởi đi từ những thao thức làm thế nào để có thể tổ chức việc học giáo lý cho người trưởng thành theo ý Giáo Hội, để giúp họ sống đức tin vững vàng hơn và có thể chuyển giao đức tin cho các thế hệ tương lai, Giáo phận đã chọn cuốn “Toát yếu Giáo lý Hội Thánh Công giáo” do Thánh Bộ Giáo lý Đức Tin soạn thảo và Uỷ ban Giáo lý Đức Tin của Hội đồng Giám mục Việt Nam chuyển ngữ và phát hành làm thủ bản. Toàn bộ 598 câu hỏi thưa trong 4 phần của sách giáo lý này được chia đều cho một chu kỳ 3 năm gồm 150 tuần lễ, trung bình mỗi tuần trung bình 4 câu, được in vào lịch Phụng vụ và học hỏi đồng bộ trong toàn Giáo phận, đặc biệt trong các Thánh lễ đông đảo ngày Chúa Nhật. Một ban giáo lý gồm các linh mục và tu sĩ được phân công soạn những bài giáo lý cắt nghĩa những câu gốc này cho giới thiếu nhi, giới trẻ, cho cộng đồng và đặc biệt là đầy đủ hơn cho nhóm Tông đồ Giáo dân.

Nếu được quan tâm đúng mức, chương trình sẽ cổ võ việc học giáo lý trong các gia đình vào giờ kinh tối mỗi ngày, trong các đoàn thể và hội đoàn khi họp hội, nhất là với lớp giáo lý Tông đồ Giáo dân được tổ chức đều đặn mỗi tuần một giờ tại các xứ đạo, chương trình sẽ đáp ứng cách căn bản và lâu dài cho việc huấn luyện tông đồ giáo dân, nhất là đội ngũ giáo lý viên trong cộng đoàn của mình.

Chương trình này cũng đã được phát động cách mạnh mẽ trong giới sinh viên Công giáo tại Đà Nẵng như nội dung nòng cốt của những cuộc hội họp hay gặp gỡ hằng tuần, để nâng đỡ củng cố đời sống đức tin và đồng hành với các em trong những năm vất vã và đầy thách thức ở ghế giảng đường đại học.

Để tạo ngân quỹ hỗ trợ cho công cuộc đào tạo của giáo phận, nhân chuẩn bị kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Đức Giám mục Tiên khởi Giáo phận – 14/5/1909, ngày 14 tháng 5 năm 2007, Đức Cha Giuse Châu Ngọc Tri đã phát động chương trình thành lập một ngân quỹ dành cho việc giáo dục mang tên: “Quỹ Giáo dục Phạm Ngọc Chi”, và 2 năm sau, đúng ngày 14 tháng 5 năm 2009, Quỹ này chính thức được công bố tại Trà Kiệu và bắt đầu đi vào hoạt động. Được công bố thành lập đúng vào thời kỳ khủng hoảng kinh tế toàn cầu, Quỹ chưa được nhân rộng, nhưng hy vọng trong tương lai, với đức độ và công nghiệp của Đức Cố Giám mục Phêrô Maria Phạm Ngọc Chi, Quỹ sẽ được nhiều người tiếp tay hỗ trợ, để sự nghiệp giáo dục mà Ngài đã thao thức và đầu tư cho Giáo phận trong những năm tháng mới khai sinh, được sinh hoa kết trái trong thời buổi của chúng ta hôm nay, khi Giáo phận chuẩn bị bước vào tuổi 50 vào năm 2013.

Kết quả của những nỗ lực mục vụ truyền giáo của Giáo phận không thể tính toán bằng con số, nhưng phải nhìn nhận rằng, sau những đợt di dân ồ ạt của giáo dân vào miền Nam vào những năm 1972, 1975 và những năm kế tiếp, con số giáo dân cũng gia tăng đáng kể: từ 45.236 người vào năm 1993 đến năm 2011, con số giáo dân được thống kê là 68.628 người.

Khi Thành phố Đà Nẵng trở thành đô thị loại I trực thuộc trung ương, công cuộc đô thị hoá và công nghiệp hoá đã ảnh hưởng rất nhiều đến tâm thức và cung cách sống đạo của giáo dân. Một số giáo xứ phải chuyển đổi nghề nghiệp, thay đổi chỗ ở do di dời giải toả. Bó lưới bỏ thuyền gần như hoàn toàn tại các giáo xứ như Thanh Đức, Nhượng Nghĩa, Ngọc Quang, Gia Phước, Tam Toà… Mất ruộng mất vườn tại các giáo xứ như An Ngãi, Cồn Dầu, Phú Thượng … Các xứ đạo thuộc tỉnh Quảng Nam thì hầu như không còn bao nhiêu giới trẻ. Hầu hết phải bỏ quê hương đi đến Đà Nẵng hay các thành phố lớn khác để học hành hoặc mưu sinh. Điều này đòi hỏi các cộng đoàn xứ đạo nhiều cố gắng và nỗ lực thích nghi, đồng thời nhận ra bên cạnh những hoàn cảnh bất lợi trước mắt, cũng tiềm tàng nhiều cơ hội cho tương lai, về phương diện trần thế cũng như sứ vụ thiêng liêng, là sống và làm chứng cho Tin Mừng.

Bên cạnh đó, địa bàn Giáo phận cũng đón nhận người nhập cư từ khắp nơi đến học hành và làm ăn, cùng với hàng trăm ngàn du khách mỗi năm đến tham quan du lịch, đặc biệt là tại hai khu di sản văn hoá thế giới Hội An và Mỹ Sơn, cũng như Thành phố biển Đà Nẵng. Giáo phận bắt đầu quan tâm cụ thể đến lãnh vực mục vụ này, như thành lập và đồng hành với các nhóm sinh viên Công giáo tại Thành phố Đà Nẵng từ năm 1995, tổ chức Thánh Lễ tiếng Anh vào mỗi ngày Chúa Nhật bắt đầu từ Lễ Giáng Sinh năm 2006, thành lập thêm Giáo Hạt Hội An bao gồm các giáo xứ ven biển rất sầm uất về ngành du lịch vào năm 2007, thành lập Trung tâm Mục vụ Di dân tại Giáo họ An Ngãi Đông gần Khu công nghiệp Hoà Khánh năm 2009.

b/ Thành lập các Giáo hạt, Giáo xứ , Giáo họ mới:

Nhờ những lớp linh mục trẻ liên tiếp xuất thân từ Đại chủng viện Huế trong những năm qua và sự cộng tác mục vụ của các linh mục tu sĩ, Giáo phận đã có thể tái lập hoặc tách thêm một số Giáo xứ.

- Năm 2005 tái lập Giáo xứ Trung Phước.

- Năm 2006, Giáo xứ Tam Thành được tách ra từ Tam Kỳ.

- Năm 2007, Giáo xứ Hoà Lâm từ Giáo xứ Trà Kiệu.

- Năm 2007, An Thượng được nâng lên thành Giáo xứ.

- Năm 2008, Giáo xứ Phú Hạ tách từ Phú Thượng.

- Năm 2009, Giáo xứ Hội Yên tách từ Giáo xứ An Ngãi.

- Năm 2009, tái lập Giáo xứ La Nang.

- Năm 2009, thiết lập điểm truyền giáo Tam Mỹ

- Năm 2010, thiết lập 3 Giáo họ biệt lập Đông Vinh, Ô Gia và An Ngãi Đông. Cha Quản nhiệm Ô Gia là Giuse Ngô Tấn Lực thuộc Dòng Chúa Cứu Thế phải đi nghỉ bệnh, nên Ô Gia trở lại thuộc quyền chăm sóc của Cha Quản xứ Phú Hương.

Vì nhu cầu mục vụ, năm 2007, Đức Cha Giuse đã thiết lập thêm Giáo hạt mới Trà Kiệu, bao gồm các Giáo xứ thuộc Giáo hạt Hội An cũ, và Giáo hạt Hội An từ nay bao gồm các Giáo xứ nằm trên bán đảo Sơn Trà, cộng thêm hai Giáo xứ Cồn Dầu và Vĩnh Điện.

c/ Việc truyền giáo tại các vùng đất mới:

Dưới thời Đức Cha Phaolô Tịnh Nguyễn Bình Tĩnh, với sự phát triển của đường Trường Sơn, những vùng đất phía tây Giáo phận thuộc địa bàn Tỉnh Quảng Nam được quan tâm đặc biệt. Đích thân Đức Giám mục và các linh mục quản xứ kế cận đã thực hiện những cuộc viếng thăm mục vụ định kỳ, qui tụ dâng thánh lễ cho giáo dân sống rải rác tại các huyện Đồng Giang, Tây Giang, Nam Giang. Đa số giáo dân ở đây thuộc các giáo phận miền Bắc vào làm ăn hoặc lập nghiệp. Khoảng 60 ngàn đồng bào dân tộc Ca-tu sống rải rác trên các huyện vùng trung du này, nhưng Tin Mừng chưa đến được với họ.

Để đáp ứng nhu cầu mục vụ hiện tại và việc mở mang cánh đồng truyền giáo tại vùng đất rộng dân thưa này, Giáo phận đã giao việc chăm sóc mục vụ một số giáo xứ cho các dòng tu có linh đạo truyền giáo. Dòng Chúa Cứu Thế đã nhận Giáo xứ Tiên Phước, Dòng Ngôi Lời nhận chăm sóc Giáo xứ Trung Phước, và Tu hội Truyền giáo Thánh Vinh Sơn nhận tân Giáo xứ Hội Yên. Hy vọng với đời sống cộng đoàn, việc mục vụ truyền giáo tại vùng đất này sẽ đạt được những kết quả mỹ mãn hơn.

d/ Các biến cố quan trọng:

- Năm 1994, Đại Chủng viện Huế được phép mở cửa đón nhận chủng sinh thuộc 3 Giáo phận Huế, Đà Nẵng và Kontum. Việc đào tạo tại đây tiếp tục được giao cho các Cha thuộc Tu hội Xuân Bích.

- Năm 1995, tròn 380 năm Tin Mừng đến với vùng đất Đà Nẵng, cũng là năm thành lập cộng đoàn Công giáo đầu tiên tại Hội An (1615)

- Năm 1996, Dòng Thánh Phaolô kỷ niệm 300 năm thiết lập (1696).

- Cùng với Hội Thánh toàn cầu, Giáo phận cử hành Đại Năm Thánh 2000, bắt đầu từ năm 1997, với nhiều cử hành long trọng và hoạt động mục vụ sôi nổi. Ban Năm Thánh của Giáo phận khai triển cho các thành phần dân Chúa sống Năm Thánh về các phương diện: học hỏi và suy niệm Năm Thánh 2000, sống Năm Thánh trong phụng vụ, sống Năm Thánh trong đời thường. Giáo phận cũng mở 5 điểm hành hương, mỗi nơi mang một sắc thái và chủ đề riêng: Giáo xứ Trà Kiệu diễn tả sắc thái Bêlem với chủ đề Maria mầu nhiệm nhập thể; Giáo xứ Tam Kỳ, sắc thái Nazareth với chủ đề sống bác ái, chia sẻ, phát triển cộng đồng; Giáo xứ Hội An, sắc thái cuộc đời rao giảng Tin mừng của Đức Kitô với chủ đề lịch sử rao giảng Tin mừng; Giáo xứ An Ngãi, sắc thái Giêrusalem với chủ đề Mầu nhiệm tử nạn; Giáo xứ Chính Tòa, sắc thái Giêrusalem với chủ đề Mầu nhiệm Phục sinh.

- Ngày 05/3, Đức Thánh Cha Gioan-Phaolô II đã phong Chân Phước cho Thầy Giảng Anrê Phú Yên, người chứng thứ nhất trong lịch sử Giáo Hội Việt Nam, đã nhận phúc tử đạo tại làng Phước Kiều, thuộc Giáo xứ Hội An.

- Ngày 06/6, mừng Ngân Khánh Giám mục của Đức Cha P.X. Nguyễn Quang Sách, với lễ phong chức 4 tân linh mục khóa I, hoa quả đầu mùa của Đại Chủng viện Huế thời tái lập.

- Ngày 30/6, Cha Giám đốc Đại Chủng viện Huế Phaolô Tịnh Nguyễn Bình Tĩnh thuộc Tu Hội Xuân Bích được tấn phong Giám mục Phó tại Nhà thờ Chính Toà Đà Nẵng. Ngài chọn khẩu hiệu “Khiêm tốn phục vụ”. Hơn 4 tháng sau, ngày 06/11, Ngài chính thức nhận quyền Giám mục Chính tòa thứ 3 của Giáo phận thay Đức Cha Phanxicô Xaviê đến tuổi hưu dưỡng.

- Năm 2003, Giáo phận mừng sinh nhất thứ 40, với lễ phong chức cho 13 tân linh mục tại Giáo xứ Thanh Đức, con số kỷ lục trong lịch sử Giáo phận Đà Nẵng.

- Ngày 18/6/2004, Lễ Thánh Tâm Chúa Giêsu, Quan Thầy Giáo phận, Đức Cha Phaolô Tịnh cử hành thánh lễ khởi công xây dựng công trình Tòa Giám mục mới - nay là Trung tâm Mục vụ của Giáo phận, trên diện tích 9.000m2 được thành phố Đà Nẵng cấp tại Phường Phước Mỹ, Quận Sơn Trà. Khi công trình đang trong tiến trình hoàn thành, cơn bão Xangsane lịch sử đã đổ bộ vào trung tâm thành phố Đà Nẵng vào ngày 01/10/2006, làm thiệt hại nặng nề nhiều công trình công cộng và tài sản, nhà cửa của dân chúng, cũng như nhà thờ nhà xứ và chính công trình đang xây dựng. Công trình phải tạm dừng lại để tập trung công sức cho việc cứu trợ và phục hồi sau bão. Vào những tháng cuối năm 2011 này, công trình mới được tiếp tục và hy vọng hoàn thành vào mùa hè năm 2012.

- Ngày 13/5/2006, Đức Thánh Cha Bênêđitô XVI bổ nhiệm Cha Giuse Châu Ngọc Tri, Quản xứ Trà Kiệu, Hạt trưởng Hội An làm Giám mục Chính Toà Đà Nẵng. Ngày 04/8/2006, Đức Cha Giuse Châu Ngọc Tri được tấn phong tại Nhà thờ Chính Toà và cũng trong ngày này, Ngài chính thức nhiệm chức Giám mục Chính tòa thứ 4 của Giáo phận Đà Nẵng, thay thế Đức Cha Phaolô Tịnh Nguyễn Bình Tĩnh được Toà Thánh cho nghỉ hưu vì tuổi tác. Đức Tân Giám mục chọn khẩu hiệu: “Trời mới, Đất mới”.

- Ngày 08/8/2006, Giáo phận mừng Kim Khánh Linh Mục của Đức Cha Phanxicô Xaviê Nguyễn Quang Sách trong bầu khí đơn sơ gia đình.

- Ngày 26/7/2007, Đức Giám mục Giáo phận đã nâng Nhà thờ Giáo họ Phước Kiều lên thành Đền Thánh Phước Kiều, dâng kính Chân phước Anrê Phú Yên. Đền Thánh và khuôn viên được tôn tạo, nới rộng để đáp ứng nhu cầu hành hương và cử hành đại lễ hằng năm nơi đây, cũng như việc kiến thiết một Đền Thánh mới cho tương lai, khi Chân phước được tôn phong hiển thánh.

- Ngày 14/5/2009, Giáo phận tổ chức mừng kỷ niệm đúng100 năm ngày sinh của Đức Giám mục Tiên khởi Giáo phận Đà Nẵng, Đức Cha Phêrô Maria Phạm Ngọc Chi. Đêm diễn nguyện “Tình Cha” được tổ chức tại sân Nhà thờ Chính Toà Đà Nẵng. Các thành phần Dân Chúa nhắc lại công đức của Ngài và nói lên lòng biết ơn đối với người chủ chăn đã hết lòng vì đàn chiên. Thánh Lễ trọng thể được tổ chức ngày hôm sau tại sân Nhà thờ Trà Kiệu, nơi Ngài sống những năm cuối đời và an nghỉ tại đây. Trong dịp này, Đức Giám mục Giáo phận công bố thành lập “Quỹ Giáo dục Phạm Ngọc Chi”, để hỗ trợ các chương trình giáo dục đức tin và văn hoá trong Giáo phận. Ca đoàn Giáo phận mang tên Phạm Ngọc Chi cũng được thành lập trong dịp này.

- Ngày 27/11/2009, tại Nhà thờ Chính Toà, Giáo phận khai mạc Năm Thánh 2010 của Giáo Hội Việt Nam, nhân kỷ niệm 350 năm thiết lập hai Giáo phận đầu tiên và 50 năm thiết lập hàng Giáo phẩm Việt Nam. Lễ khai mạc chung của Giáo Hội Việt Nam đã chính thức tổ chức tại Sở Kiện, TGP Hà Nội, vào ngày 24/11/2009, nhằm ngày kính các Thánh Tử Đạo Việt Nam. Trong ngày này, Đức Giám mục Giáo phận cũng công bố chương trình hành hương Năm Thánh 2010 cho từng Giáo xứ về Nhà thờ Chính Toà vào mỗi Chúa Nhật trong suốt Năm Thánh này. Cũng trong ngày này, Đức Giám mục Giáo phận đã công bố chương trình “Giáo lý Cộng đồng” cho toàn Giáo phận. Từng giáo xứ và cộng đoàn đồng loạt học hỏi mỗi tuần một số câu giáo lý theo sách Toát yếu Giáo lý của Hội Thánh Công giáo được in trong lịch phụng vụ của Giáo phận. Mỗi chu kỳ là 3 năm, sẽ học hết 598 câu hỏi thưa trong sách này.

- Ngày 25/02/2010, Tỉnh Dòng Thánh Phaolô Đà Nẵng mừng Kim Khánh thành lập. Thánh lễ Tạ ơn được tổ chức tại Nhà thờ Chính Toà, với sự chủ toạ của Đức TGM Huế và các Đức Giám mục liên hệ, linh mục đoàn Giáo phận và đông đảo giáo dân thân hữu.

- Ngày 30/5/2010, Giáo phận tổ chức mừng Kim Khánh Linh Mục và 10 năm Giám mục của Đức Cha Phaolô Tịnh Nguyễn Bình Tĩnh tại Nhà thờ Chính Toà Đà Nẵng.

- Ngày 31/5/2010, một cuộc hành hương long trọng của toàn thể Giáo phận và khách thập phương về Trung tâm Thánh Mẫu Trà Kiệu nhân kỷ niệm 125 năm Đức Mẹ hiện ra tại đây.

- Từ ngày 06-13/9/2010, chuyến hành hương Thánh Địa đầu tiên được tổ chức cho một số các linh mục và giáo dân trong Giáo phận do chính Đức Giám mục Giáo phận dẫn đầu.

- Ngày 01/01/2011, Giáo phận tổ chức lễ bế mạc Năm Thánh 2010 tại Trung tâm Thánh Mẫu Trà Kiệu và tham dự Đại lễ bế mạc Năm Thánh 2010 của Giáo Hội Việt Nam tại Trung Tâm Thánh Mẫu La Vang vào ngày lễ Hiển Linh 06/01/2011.

- Ngày 05-06/9/2011, Đức Tổng Giám mục Leopoldo Girelli, Đại diện không thường trực của Toà Thánh đã viếng thăm Giáo phận Đà Nẵng. Ngài đã chủ sự Thánh Lễ tại Nhà thờ Chính Toà, tại Trung tâm Thánh Mẫu Trà Kiệu và Nhà nguyện các nữ tu Dòng Thánh Phaolô. Ngài đã viếng thăm các Giáo xứ Phú Thượng, Chính Toà, Hội An, Phước Kiều, Trà Kiệu và Tam Kỳ, tiếp xúc với các linh mục, tu sĩ, chủng sinh và giáo dân, cũng như thăm viếng xã giao Uỷ Ban Nhân dân Thành phố Đà Nẵng.

e/ Việc xây dựng cơ sở sinh hoạt:

Nhiều nhà thờ bị xuống cấp do thời gian hoặc bị chiến tranh tàn phá nay lần lượt được trùng tu hoặc xây mới: Phước Ấm (1988), Chính Trạch, Nhượng Nghĩa (1991), An Trường, Ngọc Sơn (1992), Hà Lam, Hội Yên, Thuận Yên, (1993), Tam Kỳ, Phú Hương, Chiêm Sơn (1994), Ái Nghĩa, Lộc Hòa, Thanh Bình (1995), Hoằng Phước, Tam Thành, Hoà Trung (1996), La Nang, Mỹ Xuyên (1997), Tam Lộc, Trung Phước (1998), Thanh Đức, Hòa Lâm, Hoà Cường (2000), An Hòa, Phú Hạ, Tam Lãnh (2001), Vân Đõa, Khánh Thọ, Vĩnh Điện (2002), Cẩm Lệ (2003), Hoà Ninh, Phú Thượng, Gia Phước, An Sơn, Cồn Dầu (2005), Bình Phong (2006), An Thượng (2007), Trường An, Tam Mỹ (2008), Trà Kiệu, Phú Hương, Hà Tân, Kẻ Sen, Đại Hiệp (2010), Xuân Thạnh, Tam Kỳ, Tam Toà (2011) . Ngoài ra, nhiều cơ sở cần thiết cho các sinh hoạt giáo xứ như nhà xứ, phòng giáo lý, nhà hội tại nhiều nơi cũng đã được tu sửa hoặc xây mới.

f/ Công cuộc Bác ái – Xã hội

Công tác bác ái – xã hội cũng được quan tâm thường xuyên, nhất là khi có thiên tai dịch bệnh. Giáo phận và các tổ chức Giáo Hội qua sự hỗ trợ của những người thành tâm thiện chí khắp nơi, đã hỗ trợ một số địa phương thuộc Tỉnh Quảng Nam xây dựng công trình thuỷ lợi, các cơ sở y tế, giáo dục, làm đường giao thông, xây dựng cầu cống, hỗ trợ làm nhà, chương trình nước sạch, mở lưu học xá, thành lập quỹ khuyến học, tổ chức tiếp sức mùa thi, quán cơm sinh viên… Từ năm 2009, tổ chức Caritas-Đà Nẵng được tái lập và đảm nhận các chương trình bác ái-xã hội của Giáo phận một cách chu đáo bài bản và hữu hiệu hơn.

Một số chương trình bác ái-xã hội do Giáo Hội đảm nhận đã và đang được thực hiện cách thường xuyên, cần sự tiếp tay của mọi người.

• Phòng khám Tình Thương:

Đặc biệt, để đáp ứng nhu cầu bệnh nhân nghèo về thành phố Đà Nẵng khám chữa bệnh, Giáo phận hợp lực với Tỉnh Dòng Thánh Phaolô Đà Nẵng mở một Phòng Khám từ thiện để khám và chữa bệnh cho những bệnh nhân khó khăn, không nơi nương tựa. Phòng Khám Tình Thương này được khai trương ngày 15/6/2001, tọa lạc tại số 154 Trần Phú, Đà Nẵng, sát cạnh Toà Giám mục. Phòng Khám có đội ngũ y-bác sĩ thiện nguyện khá hùng hậu và nhiệt thành, hoạt động đều đặn 3 ngày trong tuần, hằng năm đã khám bệnh và điều trị một số bệnh nhân đáng kể và được tín nhiệm. Ngoài ra, Phòng Khám còn là cầu nối giữa các bệnh nhân nghèo và bệnh viện, để họ được chăm sóc cách chu đáo hơn, nhất là trong các trường hợp chuyên biệt. Để đén với các bệnh nhân ở vùng xa xôi hẻo lánh, Phòng Khám Tình Thương cũng đã định kỳ tổ chức các cuộc thăm khám bệnh và phát thuốc từ thiện tại các địa phương vùng sâu vùng xa, không những đem đến sức khoẻ, mà cả niềm vui cho những người thiệt thòi nhất.

• Trại phong Hòa Vân

Được thành lập và điều hành từ năm 1967 do một vị Mục sư người Canada, và từ sau năm 1975, thuộc sự quản lý của Nhà Nước. Năm 1995, trại phong có khoảng 100 gia đình với 280 nhân khẩu. Giao thông cách trở từ đất liền đến trại khiến đời sống cư dân ở đây gặp nhiều khó khăn. Để hỗ trợ phần nào những khó khăn của trại và các bệnh nhân, Giáo phận đã lập ra các chương trình và dự án nhằm tiếp nhận tiền bạc, vật dụng từ các ân nhân xa gần, rồi chuyển đến tận tay các bệnh nhân trong trại. Từ năm 1988, để thuận lợi cho việc đi lại, Tòa Giám mục đã đặt đóng mới một chiếc thuyền máy tặng cho trại sử dụng. Những năm về sau, việc đi lại dễ dàng hơn, nên có nhiều phái đoàn từ thiện được hướng dẫn đến thăm và tặng quà cho bệnh nhân.

Bệnh nhân tại Trại Phong cần được được giúp đỡ nhiều phương diện, do đó, vài ba lần trong năm, Tòa Giám mục thường kết hợp với Tỉnh Dòng Thánh Phaolô Đà Nẵng đến tiếp tế lương thực, thực phẩm, thuốc men, sách vở dụng cụ học sinh... và nhất là thực hiện các dự án dân sinh cho đồng bào trong trại: xây sửa nhà riêng, nhà công cộng, khu vệ sinh, hệ thống cầu đường, cổng ngõ tường rào... Không dừng lại ở đó, Ban Bác ái-xã hội Giáo phận cũng đã có những chương trình hỗ trợ, giúp vốn cho người dân trong trại phát triển kinh tế như chăn nuôi, lập vườn, giúp con em trong trại hòa nhập với cộng đồng qua việc trợ giúp học văn hóa, nghề nghiệp… Năm 1999, Ban BAXH Giáo phận đã xây dựng một lưu học xá diện tích 320 m2 gồm 2 khu vực riêng biệt cho nam nữ tại Hòa Khánh, thu nhận và nuôi dưỡng khoảng 40 học sinh là con em bệnh nhân của trại. Năm 2001, qua sự hỗ trợ tài chánh của Hội Bạn Người Cùi tại California, Ban BAXH Giáo phận đã phát động chương trình mua đất xây nhà ở giữa các khu dân cư để giúp các con em không mắc bệnh của bệnh nhân có cơ hội hòa nhập cộng đồng. Mỗi trường hợp được giúp một ngân khoản từ 30 đến 40 triệu đồng để tìm mua đất ở bất cứ địa phương nào thuận tiện, và xây nhà ở. Như thế, con cái của họ được sống giữa cộng đồng xã hội một cách bình thường như mọi người, không hề chịu bất cứ một áp lực hoặc phân biệt đối xử nào. Đến nay, tất cả các gia đình bệnh nhân có con em không mắc bệnh đều đã được giúp đỡ. Kết thúc chương trình này, có 50 căn nhà đã được xây dựng từ Huế đến Quảng Ngãi.

Trại Phong Hoà Vân sẽ bị xoá sổ trong tương lai, thay thế bằng khu du lịch sinh thái cao cấp tại vùng đất này. Làng phong Hoà Vân tất cả sẽ được hoà nhập với cộng đồng dân cư, nhưng cũng đừng quên đồng hành với họ trong những năm tháng đầu ngỡ ngàng và những hạn chế nhất định với nếp sống đô thị nhiều khi họ không được tự do chọn lựa.

• Mái Ấm Tình Thương

Là một cơ sở nhân đạo xã hội do các Nữ tu Tỉnh Dòng Thánh Phaolô Đà Nẵng xây dựng và điều hành, tiếp nhận và chăm sóc nuôi dưỡng những người già neo đơn, bất hạnh, tàn tật không nơi nương tựa. Mái Ấm chính thức hoạt động từ ngày 01/3/1996, tọa lạc tại số 18 đường Phan Tứ, Quận Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng. Mái Ấm Tình Thương đã chăm sóc và nuôi dưỡng hàng chục cụ già và lo lắng cho các cụ cho đến cuối đời. Hiện nay có 40 cụ đang được chăm sóc tại đây trong bầu khí gia đình.

• Nhóm Yêu Thương Phục Vụ (hoạt động phòng chống HIV/AIDS)

Trước đại dịch HIV/AIDS lan tràn nhanh chóng ở Việt Nam nói chung và Thành phố Đà Nẵng nói riêng, với số người bị lây nhiễm ngày càng nhiều, tiếng gọi thôi thúc lên đường phục vụ những con người xấu số ấy lại càng tha thiết khẩn cấp hơn. Ngày 05/4/2008, với sự hiện diện của Đức Giám mục giáo phận, tại hội trường giáo xứ An Hải, nhóm Yêu thương Phục vụ ra đời và chính thức hoạt động. Như danh xưng của nhóm, các thiện nguyện viên vượt qua những thành kiến, khó khăn từ quan niệm chung và dư luận, tìm mọi cách để đến với những người nhiễm-bệnh, đồng hành và chia sẻ cảm thông nâng đỡ họ, giúp họ có thêm niềm tin hi vọng vui sống. Không những thế, nhóm còn đi xa hơn nữa bằng cách luôn ưu tiên công tác truyền thông cộng đồng, giúp mọi người hiểu được tính chất nguy hại của virus HIV và căn bệnh AIDS. Dù mới ra đời với những bước chập chững, nhưng nhờ sự đồng thuận giúp đỡ của nhiều nguồn và của cộng đồng dân Chúa, nhóm Yêu thương Phục vụ đã phát triển mau chóng với những thành quả ấn tượng bước đầu.

• Chương trình “Căn Nhà Đồng Tâm”

Giáo phận Đà Nẵng nằm trong giải đất miềnTrung thường xuyên hứng chịu hậu quả khốc liệt của những cơn mưa bão hằng năm, trong khi ở vùng nông thôn và miền núi, một phần dân chúng đang còn phải sống trong những căn nhà tạm bợ, không đủ sức đương đầu với những đợt mưa to gió lớn. Mỗi lần bão lụt qua đi, để lại nhiều hư hại mất mác, dân chúng lại tập trung sửa chữa nhà cửa, những vì điều kiện hạn chế, nên những căn nhà tạm thời lại tiếp tục làm mồi cho những cơn bão lụt kế tiếp.

Không ai quên được biến cố đau thương lịch sử vào đầu tháng10 năm 2006, siêu bão Xangsane đã lạnh lùng tràn vào thành phố Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam, gây nhiều thiệt hại nghiêm trọng, nhiều công trình công cộng bị hư hại nặng, trong đó có hàng chục nhà thờ và cơ sở sinh hoạt, nhất là làm sụp đổ hoàn toàn hàng ngàn ngôi nhà, người dân phải lâm cảnh màn trời chiếu đất.

Vừa nhiệm chức Giám mục Giáo phận chưa tròn hai tháng, Đức Cha Giuse bắt đầu sứ vụ của mình với cảnh tang thương mất mác này. Ngài đã viết thư mục vụ kêu gọi sự giúp đỡ khắp nơi, và đón nhận được sự quan tâm hỗ trợ của nhiều người. Nhưng vấn đề quan trọng hơn là làm thế nào để việc tái thiết đem lại được hiệu quả lâu dài. Sau khi nghiên cứu luận bàn, Giáo phận Đà Nẵng đề đề ra chương trình “Căn Nhà Đồng Tâm”. Chương trình này chủ trương làm những ngôi nhà kiên cố có khả năng chống bão cho người nghèo. Vì không đủ khả năng thực hiện cùng lúc, nên phải theo một thứ tự ưu tiên sau khi đã làm thống kê xã hội cần thiết. Mỗi căn nhà được thực hiện là một hồ sơ cấp Giáo phận do Ban Bác ái-xã hội chủ trì và điều hành, với sự hỗ trợ của các linh mục và giáo xứ địa phương, do chính gia đình nạn nhân thực hiện. Chương trình góp một ngân khoản căn bản làm khởi điểm, đồng thời kêu gọi sự hỗ trợ của chính quyền địa phương, thân hữu, xóm làng, cộng với khả năng của gia đình, nên giá trị của mỗi ngôi nhà tuỳ thuộc vào kết quả vận động chung góp này.

Ngày 01/12/2006, lễ đặt viên đá xây dựng “Căn nhà Đồng Tâm số 1” đã được tổ chức tại Giáo xứ Hoà Khánh, với sự hiện diện của Đức Giám mục Giáo phận và đông đảo thành phần Dân Chúa. Đặc biệt còn có sự hiện diện của phái đoàn Hội Đồng Giám mục Pháp đang viếng thăm Việt Nam do Đức Hồng Y Jean Pierre Ricard, Chủ tịch HĐGM Pháp.

Sau gần 3 năm tiến hành, chương trình đã xây dựng được 518 căn nhà cho các gia đình nạn nhân bão lụt và những gia đình nghèo tại Thành phố Đà Nẵng cũng như Tỉnh Quảng Nam. Ngày 26/7/2009, nhân dịp Lễ kính Chân phước Anrê Phú Yên, sau Thánh lễ tại Đền Thánh Phước Kiều, Đức Giám mục Giáo phận, Quí Cha, Chính quyền địa phương và quan khách đã đến thôn Gò Nổi thuộc huyện Điện Bàn, Tỉnh Quảng Nam để khánh thành “Căn Nhà Đồng Tâm” thứ 499 và 500 của hai gia đình, một lương một giáo.

Chương trình thể hiện tinh thần liên đới và trách nhiệm giữa mọi người trong cộng đồng dân cư và Hội Thánh, khơi dậy tinh thần tự lập vượt khó nơi chính người nghèo; đồng thời, cũng tạo cơ hội cho các linh mục và các hội đồng giáo xứ thêm gần gũi với các gia đình cần được nâng đỡ trong địa bàn giáo xứ.

• Nồi Cháo Tình Thương

Nhiều giáo xứ và cộng đoàn trong Giáo phận đã thực hiện chương trình định kỳ nấu cháo dinh dưỡng để hỗ trợ cho các bệnh nhân nghèo tại các bệnh viện trong khu vực của mình, như Giáo xứ Trà Kiệu, Hà Lam, Tu viện Thánh Tâm Dòng Thánh Phaolô… Nồi cháo Tình Thương là công trình chung của rất nhiều người, kẻ góp công, người góp của, thể hiện tình liên đới, đức bác ái, sự đồng cảm chia sẻ của người tín hữu cho anh chị em mình.ờMotj bát cháo chẳng là bao, nhưng tinh thần thìo vô giá, chính sự tận tụy, ân cần phục vụ phần nào xoa dịu nỗi khốn khổ đau đớn của những anh chị em đã khó khăn nay lâm cảnh ngặt nghèo.

Ngoài ra, đây cũng là nơi gặp gỡ của các tôn giáo khi cùng thực hiện một nghĩa cử cho đồng bào của mình. Ngày nay, người ta có thể gặp thấy nồi cháo tình thương do các tín hữu Phật giáo, Cao đài cùng với người công giáo thay phiên phục vụ tại các bệnh viện.

II- ĐỊA DANH

1/ Nhà Thờ Chính Tòa Đà Nẵng

Tọa lạc tại số 156 Trần Phú và thường được cư dân địa phương gọi là Nhà thờ “Con Gà”, vì trên đỉnh tháp nhà thờ có gắn hình con gà trang trí cho cột thu lôi và định hướng gió. Ngôi Nhà thờ theo phong cách gothique này được khởi công vào năm 1923 dưới thời Cha Vallet, thường gọi là Cố Ngân, làm Quản xứ Nhà thờ Chính Toà và xây dựng trong suốt 8 năm với sự tham gia của các tay thợ lành nghề. Cùng thời với Nhà thờ là ngôi Nhà xứ được xây dựng sau đó 2 năm, nay được dùng làm Tòa Giám Mục Đà Nẵng từ năm 1984.

Nhà Thờ Chính Tòa Đà Nẵng là một trong những công trình kiến trúc gothique kiểu Pháp hiện còn nguyên vẹn tại Thành phố Đà Nẵng.

2/ Giáo xứ & Trung Tâm Thánh Mẫu Trà Kiệu

Nằm giữa 2 di sản thế giới Phố Cổ Hội An và Thánh địa Mỹ Sơn, Trà Kiệu có một bề dày lịch sử cả đạo lẫn đời. Về lịch sử dân sự, Trà Kiệu nguyên là kinh đô Simhapura-Sư Tử Thành của Vương quốc Champa vào cuối thế kỷ II sau Công nguyên cho đến đầu thiên niên kỷ thứ II. Di tích tường thành vẫn còn đó, nhiều hiện vật khảo cổ cũng đã được phát hiện dưới lòng đất trong khu vực này. Tại Giáo xứ Trà Kiệu ngày nay, một số tượng đá và mãnh gốm sứ thời vương quốc Champa đã được thu tập và dần hình thành một bảo tàng tư nhân nho nhỏ tại Nhà xứ Trà Kiệu, do công của Cha Antôn Nguyễn Trường Thăng, Quản xứ Trà Kiệu từ 1973-1989.

Về lịch sử Giáo hội Công Giáo, Trà Kiệu và cộng đoàn Dân Chúa Trà Kiệu được biết đến như là “chứng nhân đức tin” trong thời kỳ bách hại của lực lượng “Văn Thân” nhằm triệt phá đạo Công giáo khắp nơi. Cũng chính trong bối cảnh này, xứ đạo Trà Kiệu đã trở thành “linh địa” vì được sự che chở đặc biệt của Thiên Chúa. Theo một số bút tích và sử liệu của Hội Thừa sai Balê ghi lại, người ta thấy “Một Bà Đẹp” đã xuất hiện trên nóc Nhà thờ Trà Kiệu, ra tay che chở và giải thoát đoàn con cái Chúa giữa lằn bom đạn đang tụ họp ẩn nấp và cầu nguyện trong Nhà thờ, cao điểm là các ngày 10-11/9/1885. Giáo dân thoát nạn một cách lạ lùng. Giáo Hội được bình an. Một ngôi đền được dựng nên trên ngọn đồi Bửu Châu vào năm 1892, cách Nhà thờ Trà Kiệu khoảng 500 m, dâng kính Đức Trinh Nữ Maria với tước hiệu “Đức Bà Phù Hộ Các Giáo Hữu”. Đền thánh ngày nay đã được xây dựng mới vào năm 1967. Tên gọi Đức Mẹ Trà Kiệu nhắc nhỡ các tín hữu về biến cố này và tấm lòng hiền mẫu của Đức Mẹ.

Năm 1958, Đức Cha Phêrô Maria Phạm Ngọc Chi, lúc đó làm Giám mục Qui Nhơn, đã chọn Trà Kiệu làm Trung Tâm Thánh Mẫu của Giáo phận Quy Nhơn và đã tổ chức Đại hội Thánh Mẫu đầu tiên tại Trà Kiệu từ ngày 31/1 đến 02/02/1959. Bốn năm sau, ngày 18.01.1963, khi tân Giáo phận Đà Nẵng được thành lập, tách khỏi Giáo phận Mẹ Quy Nhơn, Trà Kiệu đã trở thành Trung Tâm Thánh Mẫu của tân Giáo phận. Đại hội Thánh Mẫu lần II được tổ chức từ ngày 29/5-31/5/1971 cũng do Đức Cha Phêrô Maria Phạm Ngọc Chi, lúc này là Giám mục Chính Tòa Giáo phận Đà Nẵng. Từ đó, vào ngày Lễ Đức Mẹ Đi Viếng 31/5, như một thông lệ, giáo dân từ các nơi hành hương về Đất Mẹ Trà Kiệu tham dự Đại hội Hành hương hằng năm.

Mỗi kỳ Đại hội, ngoài cuộc kiệu rước trọng thể cung nghinh Mẹ Trà Kiệu từ Nhà thờ Giáo xứ nơi Đức Mẹ hiện ra xuống Quảng trường Nhà thờ Núi, những buổi diễn nguyện tôn vinh Đức Mẹ kết thúc bằng Thánh Lễ đại trào; cộng đoàn dân Chúa và khách hành hương lại có dịp sống gần Mẹ và sống gần nhau trong tâm tình tạ ơn, khẩn nguyện bằng những giờ chầu Thánh Thể, tôn vinh Đức Mẹ, cử hành bí tích giao hoà. Hiện nay, ngoài dịp Đại hội hằng năm bắt đầu từ chiều 30/5 và kết thúc vào chiều 31/5, ngày càng có nhiều khách hành hương từ mọi nơi đến viếng Đức Mẹ Trà Kiệu, đặc biệt từ đầu tháng 5 đến hết tháng 8 dương lịch.

3/ Đền Thánh Anrê Phú Yên tại Giáo họ Phước Kiều

Anrê Phú Yên là danh xưng được đặt cho vị Thầy Giảng 19 tuổi đã anh dũng lấy máu mình làm chứng cho đức tin trong thời kỳ sơ khai của công cuộc truyền giáo trên đất Việt, vào ngày 26/7/1644. Và miền đất, nơi được vinh hạnh đón nhận những giọt máu trọn nghĩa vẹn tình đó chính là Phước Kiều. Hiện nay, Phước Kiều là một giáo họ nhỏ bé với ngôi nhà thờ đơn sơ, nhưng hằng trăm năm trước đây được biết đến với tên gọi thời danh là “Dinh Trấn Thanh Chiêm”. Ngày sinh nhật trên trời thứ 363 của Chân Phước Anrê, 26/7/2007, Đức Cha Giuse Giám mục Đà Nẵng đã nâng Nhà thờ Phước Kiều lên hàng Đền Thánh dâng kính Chân Phước Anrê Phú Yên, và thuộc về Giáo xứ Hội An cổ kính.

Theo dự tính của Giáo phận, Đền Thánh Phước Kiều sẽ được xây dựng lại khang trang, thành nơi hành hương tôn giáo và tham quan văn hóa. Vì vùng đất này gắn liền với sự nghiệp sáng chế chữ Quốc Ngữ của hai vị thừa sai thời danh, Cha Francesco de Pina và Cha Alexandre de Rhodes, là những người đã có công đầu trong việc khai sáng và hoàn thiện chữ Quốc Ngữ.

Phước Kiều cũng nổi tiếng với nghề “đúc đồng” truyền thống, nơi cung cấp những bộ cồng chiêng huyền thoại cho các anh em dân tộc miền Tây Nguyên và Trung du.

4/ Giáo xứ & Phố cổ Hội An

Hội An ngày nay được biết đến dưới danh xưng “Phố Cổ” như một điểm du lịch văn hóa hấp dẫn với những chứng tích lịch sử sống động của cuộc giao thoa các nền văn hóa Trung Hoa – Nhật Bản – Hòa Lan – Bồ Đào Nha – Việt Nam. Lịch sử truyền giáo Công Giáo Việt Nam cũng gắn liền với hai địa danh Cửa Hàn (Đà Nẵng) và Hội An – Faifo (Quảng Nam), vì là nơi đón nhận các vị Thừa Sai chính thức đầu tiên đến rao giảng Tin Mừng cho dân Việt. Phái đoàn Dòng Tên này do Cha Buzomi dẫn đầu, đã cập cảng Sông Hàn ngày 18/01/1665, rồi đến lập cư sở tại Hội An, bắt đầu công cuộc truyền giáo có kế hoạch lâu dài. Cũng từ kế sách này và phát xuất từ nơi đây, chữ Quốc Ngữ do Cha Francesco de Pina sáng nghĩ và Cha Alexandre de Rhôdes hoàn thiện để phục vụ cho việc dạy và học giáo lý tại cánh đồng truyền giáo Việt Nam. Chân phước Anrê Phú Yên, vị tử đạo tiên khởi là hoa quả đầu mùa của cộng đoàn Công giáo đầu tiên của Hội An, khi Ngài nhập Hội Thầy Giảng tại Hội An và tham gia việc dạy giáo lý cho dân cư vùng đất này. Đức Cha Lambert de La Motte, Giám quản Tông Toà Đàng Trong đã triệu tập Công Nghị miền đầu tiên cũng tại Hội An vào tháng 12.1671.

Giáo xứ Hội An được nhận danh hiệu “Di tích lịch sử và văn hóa cấp Tỉnh, Thành phố” do UBND Tỉnh Quảng Nam cấp ngày 07.4.2008 với nội dung: “Nhà Thờ Thiên Chúa Giáo và Khu mộ các Giáo sĩ Phương Tây”. Đến với Giáo xứ Hội An hiện nay, mặc dù những di tích cổ xưa như nhà thờ gỗ, khu nghĩa trang không còn nữa, nhưng tâm tình về một miền đất là “chiếc nôi” của Giáo hội Đàng Trong thời kỳ đầu và là một giáo xứ kỳ cựu lâu đời nhất vẫn đậm nét khi ở giữa không gian phố cổ và trong khuôn viên yên tĩnh thoáng mát của Giáo xứ Hội An ngày nay.

5/ Nhà Giám Tỉnh Dòng Thánh Phaolô thành Chartres

Các Nữ tu Dòng Thánh Phaolô thành Chartres thuộc Tỉnh Dòng Hà Nội đến phục vụ các bệnh viện tại Đà Nẵng vào năm 1903. Sau năm 1954, Tỉnh Dòng Hà Nội phải phân tán, nhiều cộng đoàn mới được thành lập tại Đà Nẵng. Năm 1960, Tỉnh Dòng Đà Nẵng chính thức được thành lập, nhà Giám Tỉnh và Tu viện Thánh Tâm tọa lạc tại số 47 đường Yên Báy, bên cạnh Nhà Thờ Chính Tòa.

Ngoài Đà Nẵng, các nữ tu thuộc Tỉnh Dòng còn hoạt động truyền giáo và mục vụ tại các Giáo phận miền Bắc và miền Trung, đặc biệt tại miền Tây Nguyên cho các anh chị em các tân tộc. Ngoài việc cộng tác thường xuyên với các xứ đạo trong việc mục vụ và truyền giáo, các nữ tu Dòng Thánh Phaolô còn hoạt động trong nhiều lãnh vực xã hội như giáo dục, y tế, bác ái xã hội, nhất là việc tiếp đón và giáo dục trẻ khuyết tật.

6/ Các xứ đạo có di tích về các Chứng nhân Đức tin trong thời kỳ bách hại (1750-1886)

Là một Giáo phận tân lập, nhưng Đà Nẵng vốn là vùng đất đón nhận đức tin rất sớm, và còn tồn tại cho đến ngày nay nhiều họ xứ cổ kính hàng trăm tuổi. Tiền nhân của họ cũng đã từng chấp nhận bao nhiêu lao khổ vì đức tin qua các thời kỳ, kể cả hy sinh mạng sống, nhưng tất cả đều vô danh, chưa có ai được ghi tên vào sổ bộ các Thánh Tử Đạo Việt Nam.

Những Giáo xứ và học đạo cổ kính là An Sơn với họ đạo An Trường, Giáo xứ cũ Vân Đoã với các họ đạo Tiên Lộc, Phước Ấm, Trường An, họ đạo Phú Quý thuộc Giáo xứ Tam Kỳ, họ đạo Phú Cường thuộc Giáo xứ Xuân Thạnh. Những xứ họ trên đây đều lưu giữ những chứng tích trong thời tử đạo, đặc biệt là các ngôi mộ và giếng chôn tập thể các tín hữu can đảm tuyên xưng đức tin. Ngoài ra, các Giáo xứ như Trà Kiệu, Phú Thượng, An Ngãi cũng hình thành rất sớm, và chắc chắn cũng đã trải qua những giai đoạn khó khăn chung của Giáo Hội, và sự hy sinh của các thế hệ tiền bối.

LM. Marcello Đoàn Minh

(Nguồn: Giáo phận Đà Nẵng)