MỘT NGÀY LÀ CHỦNG SINH GIOAN - MÃI MÃI THUỘC GIA ĐÌNH GIOAN

Thánh lễ tại nhà nguyện Paolina: Kỷ niệm 25 năm Giám Mục của Đức Thánh Cha

VATICAN. Sáng nay 27.06.2017 Đức Thánh Cha Phanxicô đã chủ sự thánh lễ kỷ niệm 25 năm Giám Mục của Ngài. Cùng đồng tế với Đức Thánh Cha, có các Đức Hồng Y hiện diện tại Roma. Thánh lễ được cử hành trọng thể tại nhà nguyện Paolina trong Dinh Tông Tòa. Sau đây là toàn văn bài giảng của Đức Thánh Cha:

Trong bài đọc trích sách Sáng Thế, chúng ta nghe cuộc đối thoại giữa Thiên Chúa và Apraham. Thiên Chúa bắt đầu bằng lời mời gọi, Ngài nói với Apraham: Hãy đi, đi đến đất Ta sẽ chỉ cho ngươi (St 12:1). Cuộc đối thoại tiếp diễn với ba mệnh lệnh: Hãy đứng dậy! Hãy nhìn xem! Hãy hy vọng! Ba mệnh lệnh ấy đánh dấu bước đường mà Apraham phải đi, cung cách Apraham phải làm, và thái độ nội tâm ông phải có: đứng dậy, nhìn xem, hy vọng.

Hãy đứng dậy!

Hãy đứng dậy! Đứng lên và bước đi, chứ đừng dậm chân tại chỗ. Bạn có một nhiệm vụ, bạn có một sứ mạng và bạn phải thực thi điều ấy trên những bước đường. Đừng ngồi yên, nhưng hãy đứng dậy, đứng lên. Apraham đã làm như thế. Ông ra đi, luôn luôn trên hành trình. Và biểu tượng của điều này chính là cái lều. Ông lên đường và tiến bước cùng chiếc lều. Mỗi khi dừng chân, ông cắm lều để nghỉ ngơi. Chưa bao giờ ông làm cho riêng mình một ngôi nhà, bởi lẽ ông luôn thực thi mệnh lệnh: Hãy lên đường! Điều duy nhất ông xây, đó là ông lập bàn thờ để thờ phượng Thiên Chúa, để tôn thờ Đấng đã ra lệnh cho ông phải đứng dậy, phải lên đường, cùng hành trang là chiếc lều.

Hãy nhìn xem!

Mệnh lệnh thứ hai là: Hãy nhìn xem! Thiên Chúa nói với ông: ngươi hãy ngước mắt nhìn xem, từ nơi ngươi ở, hãy nhìn tứ phía đông tây nam bắc (St 13:14). Hãy nhìn xem! Hãy nhìn về phía chân trời, không xây dựng những bức tường. Luôn luôn tìm kiếm. Luôn luôn tiến bước. Và điều huyền nhiệm của chân trời là, càng đi bạn càng thấy đường chân trời xa hơn rộng mở hơn. Tiến lên, đẩy về phía trước, về phía chân trời.

Hãy hy vọng!

Mệnh lệnh thứ ba là: Hãy hy vọng! Có một cuộc đối thoại rất đẹp giữa Thiên Chúa và Apraham. Ông nói với Chúa: “Chúa coi, Chúa không ban cho con một dòng dõi, và một gia nhân của con sẽ thừa kế con”. Chúa đáp lại: “Kẻ đó sẽ không thừa kế ngươi, nhưng một kẻ do chính ngươi sinh ra sẽ thừa kế ngươi” (St 15:3-4). Nghe Chúa hứa như thế, ông đã hy vọng. Ông đã già và vợ ông thì son sẻ, thế mà Chúa tiếp tục hứa rằng: Hãy nhìn xem, Ta sẽ làm cho dòng dõi ngươi đông như cát biển sao trời (St 13:16). Ông đã tin và ông được kể là công chính (St 15:5-6).

Hãy đứng dậy! Hãy nhìn xem! Nhìn về phía chân trời, không có tường chắn. Hãy hy vọng! Hy vọng là không có tường chắn, hy vọng là có đường chân trời rộng mở.

Không là những bậc bô lão kẻ cả, nhưng là các ông nội ông ngoại

Nhưng khi Abraham được kêu gọi, ông ít nhiều cũng giống như độ tuổi của chúng ta: ông sắp nghỉ hưu, nghỉ hưu để nghỉ ngơi… Ông lớn tuổi với sức nặng của tuổi già, của bệnh tật, của đau buồn… Nhưng bạn, hãy làm như thể bạn còn trẻ, hãy đứng dậy, hãy tiến bước! Hãy nhìn xem và hy vọng! Lời Chúa nói với chính chúng ta trong thời đại này, một thời đại cũng tựa như thời Apraham… Tuy có một số người trẻ ở đây, nhưng đa phần chúng ta đều ở độ tuổi như Apraham, và chúng ta nghe Chúa nói với chính mình rằng: Hãy đứng dậy! Hãy nhìn xem! Hãy hy vọng! Ngài nói với chúng ta rằng, đây không phải là thời khép lại cuộc sống chúng ta, đây cũng không phải là thời đóng lại lịch sử. Chúa cho chúng ta thấy rằng, lịch sử của chúng ta luôn mở ra, tiếp tục rộng mở, mở ra mãi mãi, mở ra cho sứ mạng. Với ba mệnh lệnh: “Hãy đứng dậy! Hãy nhìn xem! Hãy hy vọng!”, Chúa cho chúng ta thấy sứ mạng.

Có ai đó không yêu mến chúng ta, và nói với chúng ta rằng, chúng ta chỉ là “những người già lão, những kẻ cả” của Giáo Hội. Điều ấy chỉ là trò lừa bịp. Kẻ nói như thế chẳng hiểu họ đang nói gì. Chúng ta không phải là những kẻ lão làng theo kiểu kẻ cả. Chúng ta giống như những ông nội ông ngoại. Và nếu chúng ta chưa cảm nhận được điều này, chúng ta phải cầu nguyện xin ơn để cảm nhận được điều ấy. Chúng ta là những ông nội ông ngoại mà các những người cháu của chúng ta đang kiếm tìm. Ông nội ông ngoại phải cung cấp cho cháu con những âm hưởng của cuộc sống với đầy những kinh nghiệm. Ông nội ông ngoại không khép lại với nỗi buồn của lịch sử, nhưng biết mở ra. Và đối với chúng ta: “Đứng dậy, Nhìn xem, Hy vọng” có nghĩa là biết mơ ước. Chúng ta là những ông nội ông ngoại biết khơi lên và mở ra những ước mơ, để rồi thế hệ trẻ ngày nay sẽ là người thực hiện những ước mơ ấy nếu người trẻ cần. Bởi lẽ thế hệ trẻ sẽ nhận lãnh từ giấc mơ của chúng ta nguồn sức mạnh, để họ tiên đoán và thực hiện nhiệm vụ của họ.

Trao nguồn cảm hứng, tặng niềm mơ ước cho thế hệ trẻ

Tôi nhớ đến đoạn Tin Mừng theo thánh Luca (2:21-38), nhớ tới cụ ông Simeon và cụ bà Anna. Họ chỉ là hai người, nhưng là cụ ông cụ bà với khả năng mơ ước lớn lao. Họ đã nói lên tất cả niềm mơ ước lớn lao ấy với thánh Giuse, với Đức Mẹ, với tất cả mọi người… Khi Hài Nhi Giêsu được ẵm lên Đền Thờ, bà Anna tiến lại gần bên, cảm tạ Thiên Chúa và nói về Hài Nhi cho hết những ai đang mong chờ ngày Thiên Chúa cứu chuộc. Hôm nay cũng là ngày Chúa nói với chúng ta: chúng ta là những cụ ông cụ bà giống như cụ ông Simeon và cụ bà Anna. Chúng ta cần có sức sống để trao tặng để cống hiến cho thế hệ trẻ, bởi vì người trẻ đang mong đợi từ chúng ta điều ấy: chúng ta đừng khép kín, nhưng hãy trao tặng những gì quý giá nhất của chúng ta. Người trẻ đang mong đợi những kinh nghiệm của chúng ta, họ đang mong đợi những ước mơ tích cực của chúng ta để họ có thể dự báo và thực thi.

Nguyện xin Chúa ban cho chúng ta ơn sủng ấy. Ngay cả cho những vị chưa già như ông nội, ví như chúng ta có thể thấy Đức Cha người Barazil hãy còn rất trẻ, nhưng rồi ngài cũng sẽ già cả! Nguyện xin Chúa ban ơn để chúng ta trở nên những ông nội ông ngoại, ơn để mơ ước, ơn để khơi lên nguồn cảm hứng và trao tặng niềm mơ ước cho thế hệ trẻ: các bạn trẻ cần những điều ấy.



Tứ Quyết SJ

(Nguồn: Radio Vatican)