MỘT NGÀY LÀ CHỦNG SINH GIOAN - MÃI MÃI THUỘC GIA ĐÌNH GIOAN

Linh mục- Nhiếp ảnh gia TRẦN CAO TƯỜNG với nghệ thuật CHIÊM-NIỆM-THIỀN

… Linh mục Trần Cao Tường( Hoa Kỳ) là nhà văn kiêm nhiếp ảnh khởi xướng đã đồng thực hiện cùng nhiếp ảnh gia Nguyễn Đức Cung một trang website tân nhiếp ảnh nghệ thuật có tên "chiêm/niệm/thiền". Trang ảnh này đã được phổ biến trên trang mạng tòan cầu, tuy thời gian mới chỉ có bốn năm nhưng đã được nhiều người yêu ảnh, yêu thơ cùng hưởng ứng tham dự. Đây quả là một sự thành công đáng khích lệ.

Điểm đáng được ghi nhận là với hình thức thử nghiệm làm mới nhiếp ảnh đã tạo nên một nghệ thuật nhiếp ảnh độc đáo. Hình thức tân nhiếp ảnh này khác biệt với nhiếp ảnh truyền thống là có sự tham dự của chiêm, niệm, thiền( không xem thấy được) - tạo nên một sự liên hệ nối kết gần như thổi hồn chắp cánh cho nhiếp ảnh thăng hoa với một cảm xúc phong phú đa dạng hơn nhiếp ảnh thuần túy.

Tuy nhiên để tạo được tới một sự hòa điệu đồng nhất cho tương quan hai chiều trên, người nghệ sĩ phải nhuần nhuyễn về nhiếp ảnh và thi ca, nhạc... như thế mới có thể chuyển tới người xem một tác phẩm nghệ thuật có giá trị. Với hình thức thể nghiệm làm mới nhiếp ảnh nghệ thuật này sẽ giúp cho các nghệ sĩ nhiếp ảnh khi có tác phẩm không còn phải e ngại người xem không hiểu ý tác giả muốn diễn tả cái gì trong ảnh. Đồng thời tạo điều kiện và mời gọi những ai vừa có khả năng nhiếp ảnh vừa có tâm hồn thơ văn có cơ hội cùng tham dự. Để tìm hiểu sâu và rõ nét hơn về nội dung hình thức nhiếp ảnh mới này, có lẽ bắt đầu từ Linh mục Trần Cao Tường.

Trần Cao Tường người khởi xướng hình thức tân nhiếp ảnh là một nghệ sĩ tài hoa trong lĩnh vực văn chương và nhiếp ảnh nghệ thuật. Phần lớn những tác phẩm của ông là phong cảnh, hầu hết những sáng tác đều bắt nguồn từ những ca ngợi vẻ đẹp thiên nhiên của Thượng Đế đã ban cho con người, nên có thể gọi ông là nhà nhiếp ảnh của phong cảnh (sao chép thiên nhiên). Nhưng không hẳn như thế, mỗi tác phẩm của ông đằng sau ống kính ta đều thấy thấm đẫm những ý tưởng của chiêm, của niệm và của thiền. Là một nhà tu hành Công giáo có dòng máu sáng tạo nghệ thuật, ông là người am hiểu thần học và truyền thống nghệ thuật Ki Tô giáo. Bởi vậy phải ghi nhận ông là nhà nhiếp ảnh thần học mới đúng nghĩa. Trong làng ảnh nghệ thuật Việt có lẽ rất hiếm hoi có một nghệ sĩ nào bắt đầu nhiếp ảnh vào lĩnh vực này nếu không nói là không.

Tác phẩm -" Thần lực" sung mãn phát ra từ trong tác phẩm phong cảnh của Trần Cao Tường là gì? Phải chăng đó là kết quả của sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa nhiếp ảnh và văn chương (giữa cái thấy được bằng dạng ảnh và cái cảm nghiệm của văn chương) - đây là một phương tiện chính để nghệ sĩ Cao Tường diễn tả nghệ thuật giữa vật chất và phi vật chất. Đó cũng là những cảm và nghiệm về mối tương quan giữa khách thể và chủ thể (một đằng là cái đẹp, hay đối tượng chụp, một đằng là người nghệ sĩ, hay người thưởng thức nghệ thuật), chứ không phải chỉ là một sao chép thuần túy thiên nhiên...

Chỉ riêng về cái đẹp, quan niệm KiTô giáo cho rằng : mọi vật trên đời này đều đẹp, vì do Đức Chúa Trời Ba Ngôi sáng tạo ra; chúng phản ánh cái đẹp toàn mỹ của Chúa. (Con người được Chúa sáng tạo ra dựa theo hình ảnh của Chúa, nghĩa là mặc dầu khác với Chúa, nhưng con người cũng có đủ những đức tính và khả năng để tham gia vào công cuộc sáng tạo của Chúa, đặc biệt là sáng tạo ra cái đẹp). Trần Cao Tường đang làm công việc ấy bằng văn chương và nhiếp ảnh.

Hãy thử xem và đọc một tác phẩm nhiếp ảnh phong cảnh có mùa thu giao nhập cùng thơ:

Bài thơ mùa thu được viết từ con tim Thượng Đế"chụp tại White Mountains, New Hampshire có những tia nắng xẹt trên con suối nhỏ, điểm những lá thu vàng thấp thóang, có lời thơ thì thầm thật nhẹ bật ra như sau:


"Tôi bỗng nhận ra
Có bài thơ Mùa Thu tuyệt diệu
Đã được viết từ con tim Thượng Đế"
(Thơ Trần Thu Miên)

Ở một tác phẩm khác có tên:

Treo trên vách tường trí nhớ

Cao Tường chụp hai cây khô mùa đông buồn nghiêng ngả, tả tơi cùng hướngvề một phía - nổi bật trên nền trời chiều hòa nhập làm một với những vần thơ hòai niệm trong niềm đau cũ, tưởng chừng đã quên ấy thế mà vẫn được vuốt ve âu yếm, ngắm nhìn và để rồi trân trọng ráng cất giữ lại trong tâm tưởng:



"mỗi chúng ta đều khư khư giữ lấy cho mình một số vết thương đã khô thành sẹo
và âu yếm ngắm nhìn chân dung mình treo trên vách tường trí nhớ."
(Du Tử Lê, Phúc Âm Nàng)

Trên con đường giao giảng tin mừng Thiên Chúa cũng có nhiều lúc gian nan muốn ngã lòng, tâm hồn ông bỗng chợt vui với lời dâng #46 của đại thi hào, triết gia Ấn Độ Rabindranath Tagore (1861-1941) .

Đời lại xốn xang


"Bao buổi sáng và bao buổi chiều tôi đã nghe thấy bước chân Người; thiên sứ Người sai đã đi vào tim tôi và bí mật gọi tên. Tôi không hiểu tại sao hôm nay đời mình lại xốn xang rộn rã."

Thế nhưng, cũng có lúc Cao Tường lại đón ánh bình minh của một ngày mới với những vần thơ Hàn Mạc Tử như trong ảnh mặt trời mọc ở bãi biển Nha Trang với :

Đây Phút Thiêng Liêng Đã Khởi Đầu


“ Mai này thiên hạ mới tinh khôi
Gió căng hơi và nhạc lên trời...”
(Thơ Hàn Mặc Tử)

Cũng vẫn là ảnh phong cảnh tại sườn núi Rainier, Washington người xem lại bắt gặp một lời mời gọi nghỉ ngơi tâm hồn trong giây lát qua ống kính của Cao Tường:

Đi Vào Huyền Nhiệm


Hãy để giữa lòng bạn một khoảng trống
Cho gió trời nhảy múa thổi vi vu.
(Kahlil Gibran, The Prophet)

Thế rồi đang say tình từ những rộng mở của đất trời, Cao Tường bỗng thoắt dẫn người xem cùng về chia xẻ với tình yêu thủy chung nồng nàn văn hóa Việt qua cận ảnh:

"Dây trầu quấn quyện gốc cau"


Quê hương con có truyện trầu cau
Ngàn sau duyên thắm son màu.
Hy sinh đành quên mình cho nhau,
Trung thành mãi còn thương nhau.”
(Phanxicô, Chung Khúc Trầu Cau)

Được hiện hữu trên cõi đời, được xem thấy những cảnh vật kỳ diệu thiên nhiên bởi màu nhiệm Thiên Chúa, hình như người ảnh Cao Tường vẫn thấy chưa thỏa mãn, và ông đã đi vào sa mạc Arizona trong những ngày tịnh niệm:

"Tôi vẫn muốn đòi thêm"( I would ask for still more).


"Tôi vẫn muốn đòi thêm, thêm nhiều nữa,dù đã có bầu trời, hằng hà sa số vì sao, dù đã có toàn thế giới, tài nguyên bất tận tràn trề."
(Tagore, Tặng Vật - Lover's Gift #5).

Thế rồi bất chợt ông lại nhận ra:

Địa đàng ngay bên”( Paradise is at hand)

Cao Tường chụp tại Paradise, Washington .


“Đóa hoa nở giữa đồng không.
Con chim hót giữa mênh mông đất trời
Sao lấp lánh giữa chơi vơi
Cá tôm bơi lội giữa khơi nước ngàn.”
(Thơ trầm tĩnh nguyện)

Cây xương rồng Saguro - Nhưng có lẽ đỉnh điểm của nhiếp ảnh thần học Cao Tường phải là ảnh “Đi tìm cõi trống”, cây xương rồng Saguro (chủ đề chính) ở sa mạc khô cằn Arizona đã được ghi lại bằng ống kính được xem như chính tác giả muốn được hóa thân vào để trở thành một cột anten phát và thu những giây phút mặc khải (meditation) lên trời cao - ước ao được đối thoại với Thượng Đế, hãy xem ông diễn tả kinh nghiệm này bằng văn:"Cái cảm nghiệm hút hồn đêm đó chắc chắn sẽ theo tôi suốt đời. Tôi thấy tôi lâng lâng khỏi mặt đất, khỏi những bon chen giam hãm thường ngày. Có cái gì đang bị hay đang được phá vỡ trong tôi. Giữa cõi không gian nhiệm mầu đó, tôi thấy mình xả buông tất cả. Một cảm giác kỳ lạ ngất ngây: tôi thấy mình tan biến đi mà nhẹ nhàng bay bổng vút cao hòa vào một thực tại bao la. Không còn trời. Không còn đất. Không còn chính tôi..." ...

NGUYỄN ĐẠO HUÂN

(Nguồn: Website Tổng Giáo phận Sài Gòn)