WHĐ (03.02.2012) / ZENIT – “Hãy sống với Chúa Kitô phục sinh!”, đó là lời khuyên được Đức Tổng giám mục Rino Fisichella, Chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh về Tân Phúc Âm hóa, đưa ra nhân Hội nghị do Cộng đoàn Emmanuel tổ chức tại Roma, từ ngày 26 đến 28-01, với chủ đề “Bác ái, công lý và hòa bình: một thách đố cho công cuộc Phúc Âm hóa”.
Bài tham luận của Đức TGM Fisichella trình bày tại Hội nghị có chủ đề “Đâu là niềm hy vọng trong thời kỳ khủng hoảng?”. Tham luận được xây dựng trên lời loan báo Phục sinh: “Đức Kitô, niềm hy vọng của tôi, đã phục sinh! Người sẽ tới Galilê trước các ông”.
Đức TGM Fisichella giải thích: “Đã 2000 năm nay, chúng ta đã đi khắp các nẻo đường thế giới và lặp lại nguyên vẹn lời loan báo này, một lời loan báo vừa cổ xưa, bởi đã có từ buổi đầu, vừa trẻ trung, bởi chạm đến niềm tin của ngày hôm nay và quyết định tính độc đáo của niềm tin Kitô giáo”.
Đức TGM nói tiếp: “Đức Kitô đã sống lại thật”, và nhấn mạnh nếu không tin như thế, thì “Đức Giêsu Nazareth chỉ là một nhân vật lớn trong lịch sử, từng đưa ra một thông điệp mạnh mẽ và thông thái, đồng thời Giáo hội cũng chỉ là một tổ chức xã hội lớn, không còn thể hiện mình chính là ‘bí tích và phương thế của sự kết hiệp mật thiết với Thiên Chúa và của sự hiệp nhất toàn thể loài người”.
Trở lại vấn đề hiện nay, Đức TGM nói: “Người ta không còn phân biệt giữa cái thật và cái tưởng tượng, giữa tốt và xấu, giữa thành quả của lòng tin và cái chỉ là sản phẩm thuần túy của một ý thức hệ”. Và ngài mời gọi mọi người hãy tự nêu câu hỏi: “Tại sao càng có những dấu hiệu rõ rệt phương Tây lại điên rồ ngày một nhiều hơn như vậy?”
Người ta nhận thấy nhiều người mang nỗi lo âu bệnh hoạn, và theo Đức TGM Fisichella, điều này do sự “nghi ngờ” mà ra, rồi sẽ phải kết thúc “trong tuyệt vọng, dẫn đến tình trạng suy sụp, lan rộng như vết dầu loang, đặc biệt trong giới trẻ”.
Ngài nhấn mạnh: “Sống như vậy chính là một bi kịch, khiến người ta không còn thấy được giải pháp tích cực”.
Để hiểu rõ tình trạng khủng hoảng hiện nay, Đức TGM Fisichella cho rằng cần phải nhìn lại các nguyên nhân sâu xa. Các nguyên nhân đó là: hai cuộc chiến tranh thế giới, các chế độ toàn trị, ý thức hệ Mác-xít và ý chí áp đặt thống trị lên tha nhân. Đó là các nguyên nhân khiến cho não trạng con người và xã hội không còn “tìm thấy những hình thức chung sống với nhau, biết tôn trọng những điểm riêng biệt của mỗi người trong thế giới này”, bất chấp mọi tiến bộ đạt được trên bình diện chính trị, kinh tế và khoa học. Ngài cũng ghi nhận là “con người không còn khả năng tìm lại chính mình” và đã trở thành “một con người hoang mang, lưỡng lự, không có khả năng tìm ra một con đường ra thực sự để thoát khỏi đường hầm của khủng hoảng”.
“Thế giới cần một niềm hy vọng sống động”. Và ngài nhắc đến Hiến chế Gaudium et Spes của công đồng Vatican II: thế giới cần một “niềm hy vọng Kitô giáo”, cần sự “hiện diện của Đức Kitô trong cuộc sống của mỗi người tín hữu, mầu nhiệm viên mãn và toàn diện mà Thiên Chúa đã muốn mạc khải”.
“Đối với một người Kitô hữu, niềm hy vọng không phải là một kết quả của ý thức con người, mà là một hành động viên mãn, toàn diện và nhưng không của tình yêu Thiên Chúa, chứa đựng trong lời mời gọi hướng tới ơn cứu độ, qua việc tham dự vào chính sự sống của Ngài”.
Nhưng niềm hy vọng này không thể nảy sinh “vào lúc gặp đau khổ và khốn khổ nên cố bám lấy giải pháp cuối cùng, mà phải là một niềm hy vọng đặt nền tảng vững chắc trên lòng tin và bác ái".
Đức TGM kết luận: niềm hy vọng Kitô giáo là “hình thái đích thực cho việc tân Phúc Âm hóa”. Niềm hy vọng ấy là “hành động của cộng đoàn các tín hữu trở thành ‘dấu chỉ’ đối với toàn thể nhân loại và cho thấy tại sao người Kitô hữu lại hy vọng vì mọi người, và vì sự cứu độ của mọi người”.
(Zenit, 01-02-2012)