MỘT NGÀY LÀ CHỦNG SINH GIOAN - MÃI MÃI THUỘC GIA ĐÌNH GIOAN

Sứ điệp Truyền giáo năm 2012

SỨ ĐIỆP CỦA
ĐỨC THÁNH CHA BÊNÊĐITÔ XVI
CHO NGÀY THẾ GIỚI TRUYỀN GIÁO 2012

“Được kêu gọi để làm rạng ngời Lời Chân Lý”
(Tông Thư Porta Fidei, 6)

Anh chị em thân mến,

Cuộc cử hành Ngày Thế Giới Truyền Giáo năm nay mang một ý nghĩa hoàn toàn đặc biệt. Việc kỷ niệm 50 năm Sắc Lệnh Ad Gentes của Công Đồng, việc khai mạc Năm Đức Tin và Thượng Hội Đồng Giám Mục về đề tài Tân Phúc Âm Hoá là các sự kiện cùng diễn ra trong năm nay để tái xác nhận ý muốn của Hội Thánh là dấn thân một cách hăng say và can đảm hơn vào missio ad gentes hầu đem Tin Mừng đến tận cùng trái đất.

Với sự tham dự của các Giám Mục Công Giáo từ khắp nơi trên thế giới, Công Đồng Chung Vaticanô II đã là một dấu chỉ sáng ngời về tính phổ quát của Hội Thánh, qua việc lần đầu tiên qui tụ một con số đông đảo như thế các Nghị Phụ đến từ Châu Á, Châu Phi, Châu Mỹ Latinh, và Châu Đại Dương. Các giám mục truyền giáo và các giám mục bản xứ, các mục tử của các cộng đoàn rải rác khắp nơi giữa các dân không Kitô giáo, tất cả các vị ấy đã đem đến cho các phiên họp của Công Đồng hình ảnh của một Hội Thánh hiện diện trên mọi châu lục và đã trở thành những người cắt nghĩa về thực tại phức tạp mà thời ấy được gọi là “Thế Giới Thứ Ba”. Là những người giàu kinh nghiệm qua việc chăn dắt các giáo hội trẻ đang trong tiến trình đào luyện, và đầy nhiệt huyết loan truyền Nước Thiên Chúa, các ngài đã góp phần rất quan trọng vào việc tái xác nhận nhu cầu và sự cấp bách của việc loan báo Tin Mừng cho các dân tộc, từ đó đưa bản chất truyền giáo vào trung tâm của khoa Giáo hội học.

Giáo hội học truyền giáo

Tầm nhìn ấy ngày nay không giảm sút, thậm chí nó đã trải nghiệm một sự suy tư thần học và mục vụ phong phú, và đồng thời được đề xuất trở lại với một sự cấp bách mới, vì con số những người chưa biết Đức Kitô ngày càng tăng. “Những người mong chờ Đức Kitô vẫn còn đông vô kể”, như lời khẳng định của Chân Phước Gioan Phaolô II trong Thông Điệp Redemptoris Missio về giá trị thường hằng của huấn lệnh truyền giáo, và ngài thêm: “Chúng ta không thể nào ngồi yên khi nghĩ tới hàng triệu anh chị em chúng ta đang sống trong tình trạng không biết đến tình yêu của Thiên Chúa, chính họ cũng được cứu chuộc bằng máu Chúa Kitô” (số 86). Phần tôi, khi công bố Năm Đức Tin, tôi đã viết rằng Đức Kitô “hôm nay cũng như hồi ấy, sai chúng ta đi khắp các nẻo đường trên thế giới để loan báo Tin Mừng của Người cho mọi dân tộc trên mặt đất” (Tông Thư Porta Fidei, 7); việc loan báo này, như lời Đầy Tớ Chúa Phaolô VI trong Tông Huấn Evangelii Nuntiandi, “đối với Hội Thánh không phải là một sự cống hiến tuỳ ý, mà là một bổn phận mà Hội Thánh phải thực thi theo lệnh truyền của Chúa Giêsu, để loài người có thể tin và được cứu rỗi. Quả thế, đây là sứ điệp cần thiết. Đây là sứ điệp độc nhất. Sứ điệp không thể thay thế” (số 5). Vì vậy chúng ta cần phải lấy lại cùng một nhiệt huyết tông đồ của các cộng đoàn Kitô hữu sơ khởi, tuy chỉ là một nhóm ít người và không thể tự vệ, nhưng bằng lời loan báo và chứng tá, họ đã có thể loan truyền Tin Mừng trên toàn thế giới được biết đến thời bấy giờ.

Vì vậy không lạ gì khi Công Đồng Vaticanô II và Huấn Quyền sau Công Đồng của Hội Thánh luôn nhấn mạnh một cách đặc biệt về nhiệm vụ truyền giáo mà Đức Kitô đã uỷ thác cho các môn đệ của Người, và là nhiệm vụ mà toàn thể Dân Thiên Chúa, các Giám Mục, linh mục, phó tế, tu sĩ và giáo dân phải dấn thân vào. Nhiệm vụ loan báo Tin Mừng trên khắp thế giới trước tiên là nhiệm vụ của các Giám Mục, vì trong tư cách là thành viên của Giám Mục Đoàn cũng như là Mục Tử của các Giáo Hội địa phương, các ngài là những người chịu trách nhiệm trực tiếp về việc rao giảng Tin Mừng trên thế giới. Thực vậy, các ngài “đã được cung hiến không chỉ cho một giáo phận, mà cho sự cứu rỗi của toàn thế giới” (Gioan Phaolô II, Thông Điệp Redemptoris Missio, 63), “các ngài là những sứ giả đức tin dẫn đến cho Đức Kitô những người môn đệ mới” (Ad Gentes, 20) và làm cho “tinh thần và nhiệt huyết truyền giáo của Dân Chúa trở nên hữu hình, để toàn thể giáo phận trở thành truyền giáo” (ibid., 38).

Địa vị ưu tiên của rao giảng Tin Mừng

Vì vậy, đối với một Chủ Chăn, nhiệm vụ rao giảng Tin Mừng không chỉ giới hạn vào việc chăm lo cho thành phần Dân Chúa được giao phó cho sự chăm sóc mục vụ của ngài, cũng không chỉ là sai đi một linh mục, một nam hay nữ giáo dân truyền giáo theo kiểu fidei donum. Nhiệm vụ ấy phải bao gồm toàn thể hoạt động của Hội Thánh địa phương, mọi lãnh vực của Hội Thánh ấy, tóm lại, phải bao gồm toàn thể đời sống và hoạt động của Hội Thánh ấy. Công đồng Vaticanô II đã nói rõ điều này và Huấn Quyền sau Công Đồng đã mạnh mẽ xác nhận lại. Điều này đòi hỏi rằng các phong cách sống, các kế hoạch mục vụ và việc tổ chức giáo phận phải không ngừng được thích nghi với chiều kích nền tảng này của sự hiện hữu của Hội Thánh, đặc biệt trong thế giới không ngừng biến đổi của chúng ta hôm nay. Điều này cũng đúng với các Hội Dòng Thánh Hiến và các Tu Hội Tông Đồ, cũng như các Phong Trào Hội Thánh: mọi thành phần trong bức tranh lớn của Hội Thánh phải cảm thấy được lôi kéo mãnh liệt bởi lệnh truyền của Chúa là đi rao giảng Tin Mừng, để Đức Kitô được rao giảng khắp nơi. Các Mục Tử, các tu sĩ nam nữ và tất cả các tín hữu trong Đức Kitô, chúng ta phải đi theo vết chân của Thánh Phaolô Tông Đồ, là “tù nhân của Đức Kitô cho dân ngoại” (Ep 3,1), ngài đã chịu đau khổ và chiến đấu để đem Tin Mừng đến giữa dân ngoại (xem Ep 1,24-29), không ngại tiêu hao sức lực, thời giờ và phương tiện để loan báo Sứ Điệp của Đức Kitô.

Ngày nay cũng thế, sứ mạng ad gentes phải không ngừng là chân trời và khuôn mẫu cho mọi hoạt động của Hội Thánh, vì chính căn tính của Hội Thánh được tạo thành bởi đức tin vào Mầu Nhiệm Thiên Chúa, Đấng đã tỏ mình ra cho chúng ta trong Đức Kitô để đưa chúng ta đến ơn cứu độ, và bởi sứ mạng làm chứng và loan báo Người cho thế giới, cho tới khi Người trở lại. Giống như Thánh Phaolô, chúng ta phải quan tâm tới những người ở xa, những người chưa biết Đức Kitô và chưa cảm nghiệm được tình phụ tử của Thiên Chúa, và chúng ta phải ý thức rằng “sự hợp tác truyền giáo hôm nay phải mở ra những hình thức mới để bao gồm không chỉ việc trợ giúp kinh tế, mà cả sự tham gia trực tiếp vào việc rao giảng Tin Mừng” (Gioan Phaolô II, Thông Điệp Redemptoris Missio, 82). Việc cử hành Năm Đức Tin và Thượng Hội Đồng Giám Mục về Tân Phúc Âm Hoá sẽ là những cơ hội thuận lợi để phát động sự hợp tác truyền giáo, nhất là trong khía cạnh thứ hai này.

Đức Tin và việc loan báo

Mối quan tâm loan báo Đức Kitô cũng thúc đẩy chúng ta đọc lịch sử để từ đó nhận ra những vấn đề, những khát vọng và hi vọng của nhân loại mà Đức Kitô phải chữa lành, thanh tẩy và đổ đầy sự hiện diện của Người. Thực vậy, Sứ Điệp của Người luôn luôn mang tính thời sự, được gắn chặt vào chính tâm điểm của lịch sử và có khả năng đáp lại những mối lo lắng thâm sâu nhất của mỗi người. Vì vậy Hội Thánh, trong mọi thành phần của mình, phải ý thức rằng “các chân trời bao la của sứ mạng Hội Thánh và tình hình phức tạp hiện nay đòi hỏi một phương thức mới để có thể truyền đạt hiệu quả Lời Thiên Chúa” (Bênêđictô XVI, Tông Huấn hậu THĐGM, Verbum Domini, 97). Điều này trước hết đòi hỏi mỗi cá nhân cũng như cộng đoàn phải đổi mới lòng gắn bó đức tin của mình vào Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô, “ở một thời điểm biến đổi sâu xa như thời điểm loài người đang sống” (Tông Thư Porta Fidei, 8).

Thực vậy, một trở ngại lớn cho việc đẩy mạnh hoạt động rao giảng Tin Mừng chính là cơn khủng hoảng đức tin, không chỉ của thế giới Phương Tây, mà của phần lớn nhân loại; họ cũng đói khát Thiên Chúa và phải được mời gọi và dẫn đưa tới bánh sự sống và nước hằng sống, như người phụ nữ Samaria đến giếng Giacóp và nói chuyện với Đức Kitô. Như tác giả Tin Mừng Gioan kể lại, câu chuyện về người phụ nữ này có một ý nghĩa đặc biệt (xem Ga 4,1-30): bà gặp Chúa Giêsu, Người xin bà nước uống, nhưng sau đó Người nói về một thứ nước mới, có khả năng làm cho bà không bao giờ còn khát nữa. Thoạt đầu bà không hiểu, bà vẫn dừng lại ở cái nhìn vật chất, nhưng dần dần bà được Chúa dẫn đi trên một con đường đức tin giúp bà nhận ra Người như là Đấng Mêsia. Về điểm này, Thánh Augustinô quả quyết: “sau khi đã đón nhận Chúa Kitô trong lòng mình, [người phụ nữ này] có thể làm gì khác hơn là bỏ lại thùng nước ở đó để chạy đi loan báo Tin Mừng?” (Bài Giảng 14,30). Việc gặp Đức Kitô như một con người sống làm giãn cơn khát của trái tim, nó tất yếu phải dẫn tới ước muốn chia sẻ với người khác sự hiện diện này và làm cho họ biết về Người để mọi người có thể cảm nghiệm được sự hiện diện ấy. Cần phải đổi mới niềm hăng say loan truyền đức tin để cổ vũ một cuộc tân phúc âm hoá các cộng đoàn và các nước vốn có truyền thống Kitô giáo lâu đời mà đang mất đi sự tiếp xúc với Thiên Chúa, để họ tìm lại được niềm vui của đức tin. Mối quan tâm rao giảng Tin Mừng không bao giờ được dừng lại ở bình diện các hoạt động bên lề của Hội Thánh và của đời sống cá nhân Kitô hữu, nhưng phải được mang đậm nét đặc trưng của sự ý thức rằng mình là những người hưởng nhận nhưng đồng thời cũng là những người loan báo Tin Mừng. Tâm điểm của lời loan báo luôn luôn vẫn là một: Lời rao giảng cơ bản (Kerygma) về Đức Kitô chịu chết và phục sinh để cứu độ thế giới, lời rao giảng cơ bản về tình yêu tuyệt đối và trọn vẹn của Thiên Chúa đối với mọi người nam cũng như nữ, đạt tột đỉnh trong việc Thiên Chúa sai Con Một hằng hữu của Người là Chúa Giêsu, Đấng không ngại nhận thân phận nghèo hèn của bản tính loài người chúng ta, yêu thương và cứu chuộc bản tính ấy khỏi tội lỗi và sự chết, bằng việc hiến mình trên thập giá.

Trong kế hoạch yêu thương được thể hiện trong Đức Kitô, đức tin vào Thiên Chúa trước hết là một hồng ân và một mầu nhiệm mà chúng ta phải đón nhận trong lòng và trong cuộc sống, và phải luôn luôn tạ ơn Chúa vì hồng ân ấy. Nhưng đức tin là một ân huệ được ban cho chúng ta để chia sẻ cho người khác; nó là một nén bạc chúng ta nhận được để sinh lời; nó là một ánh sáng không thể được che giấu, nhưng phải soi sáng cho cả nhà. Nó là ân huệ quan trọng nhất được ban cho cuộc đời chúng ta mà chúng ta không được phép chỉ giữ lại cho riêng mình.

Loan báo trở thành bác ái

“Khốn thân tôi nếu tôi không loan báo Tin Mừng!”, Thánh Phaolô nói như thế (1Cr 9,16). Lời này vang dội với sức thúc bách mỗi người Kitô hữu và mỗi cộng đoàn Kitô hữu trên mọi châu lục. Ngay cả đối với các giáo hội tại các xứ truyền giáo, phần đa là các giáo hội trẻ, mới lập, hoạt động truyền giáo đã trở thành một chiều kích bản nhiên, cho dù chính các giáo hội này vẫn còn cần đến các nhà truyền giáo. Nhiều linh mục, tu sĩ nam nữ từ khắp nơi trên thế giới, rất đông giáo dân và thậm chí cả gia đình sẵn lòng rời bỏ quê hương mình, rời bỏ các cộng đoàn mình và đi đến các giáo hội khác để làm chứng và loan báo Danh Chúa Kitô, nhờ Người mà nhân loại tìm được ơn cứu độ. Đây là một biểu hiện của sự hiệp thông sâu xa, sự chia sẻ và bác ái giữa các giáo hội, để mọi người có thể nghe và nghe lại lời loan báo có sức chữa lành, và có thể đến với các Bí Tích, nguồn mạch đời sống đích thực.

Cùng với dấu chỉ siêu vời của đức tin làm biến đổi trong đức ái, tôi ghi nhận và biết ơn các Hội Giáo Hoàng Truyền Giáo, công cụ của sự hợp tác truyền giáo phổ quát của Hội Thánh trên thế giới. Qua các hoạt động của họ, việc loan báo Tin Mừng cũng còn là sự can thiệp để giúp đỡ người khác, sự công bằng cho những người nghèo khổ nhất, khả năng học hành tại những thôn làng xa xôi nhất, trợ giúp y tế tại các vùng sâu vùng xa, giải phóng khỏi cảnh khốn cùng, phục hồi những người bị gạt ra lề xã hội, nâng đỡ sự phát triển các dân tộc, khắc phục những chia rẽ sắc tộc, kính trọng sự sống ở mọi giai đoạn của nó.

Anh chị em thân mến, tôi khẩn cầu Chúa Thánh Thần xuống tràn đầy trên việc rao giảng Tin Mừng các dân tộc, đặc biệt trên các công cuộc của anh chị em, để Ân Sủng của Thiên Chúa làm cho công cuộc rao giảng Tin Mừng tiến bước vững vàng trong lịch sử thế giới. Cùng với Chân Phước John Henry Newman, tôi muốn cầu nguyện rằng: “Lạy Chúa, xin đồng hành với các nhà truyền giáo tại các xứ truyền giáo, xin đặt vào miệng họ những lời lẽ chính đáng, xin làm cho công lao khó nhọc của họ sinh nhiều hoa trái.” Lạy Trinh Nữ Maria, Mẹ Hội Thánh và Ngôi Sao rao giảng Tin Mừng, xin đồng hành với tất cả các thừa sai Tin Mừng.

Làm tại Vaticanô, ngày 6 tháng 1 năm 2012, Đại Lễ Chúa Hiển Linh.

GIÁO HOÀNG BÊNÊĐICTÔ XVI

Chuyển ngữ: Lm. Đaminh Ngô Quang Tuyên
(TTK UB Loan Báo Tin Mừng /HĐGMVN)