DAMASCUS - Nhiều vị lãnh đạo Công giáo tại Syria lên tiếng báo động về tình trạng bi thảm tại nước này và kêu gọi chấm dứt các cuộc xung đột, nhất là yêu cầu Tây phương đừng bênh vực một chiều các nhóm phiến quân vũ trang.
Từ gần 18 tháng qua, Syria lâm vào vòng khói lửa, với cuộc xung đột đẫm máu giữa quân chính phủ và phe phiến quân võ trang, được sự ủng hộ của các nước Tây phương và một số nước Ảrập. Họ chủ trương lật độ chế độ độc tài của Tổng thống Bashar Assad, giống như đã làm tại một số nước Ảrap khác như Tunisie, Ai Cập, Irak, Libya và Yemen... Rút kinh nghiệm trong vụ Libya, Nga và Trung Quốc quyết liệt dùng quyền phủ quyết tại Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc (LHQ), không cho Tây phương dùng vũ lực một cách danh chính ngôn thuận để lật đổ chế độ Assad. Các phương tiện truyền thông và nhiều chính phủ Tây phương mô tả chế độ tại Syria là tộc tài, khát máu, tàn sát dân lành. Tuy nhiên, cũng không thiếu những tiếng nói, đặc biệt về phía Công giáo địa phương, cảnh giác về nguy cơ độc tài tôn giáo và những vụ chà đạp nhân quyền từ phía phiến quân vũ trang ở Syria do Tây phương ủng hộ.
Tình hình xung đột ở Syria chưa có triển vọng chấm dứt. Trong những ngày vừa qua, Hội đồng Bảo an LHQ quyết định không gia hạn phái bộ quan sát viên tại Syria được gửi đến trong thời gian qua để theo dõi cuộc đình chiến không hề xảy ra thực sự. Trong khi đó, nhà ngoại giao Lakhdar Brahimi, người Algéri, đã chấp nhận vai trò làm người trung gian quốc tế, thay thế ông Kofi Annan, cựu Tổng Thư ký LHQ. Về mặt nhân đạo, thảm trạng của hàng ngàn thường dân tị nạn chiến tranh trầm trọng thêm, và họ phải chạy trốn sang Thổ Nhĩ Kỳ.
Số nạn nhân của cuộc xung đột vũ trang tiếp tục gia tăng và chưa có dấu hiệu giảm bớt. Theo nguồn tin từ Viện Quát sát Nhân quyền với trụ sở ở Luân Đôn, có ít nhất 180 người chết hôm 16-8-2012, trong đó có 112 thường dân.
Đức cha Jeanbart
Đức cha Jean-Clément Jeanbart, TGM Giáo phận Aleppo của Giáo hội Công giáo Melkite, đã gióng lên lời kêu gọi thống thiết qua làn sóng của Đài Vatican:
“Tôi kêu gọi cộng đồng quốc tế, tôi xin các tín hữu Kitô Âu châu, Mỹ châu và toàn thế giới, tôi khẩn thiết xin các chính phủ hãy thương xót nhân dân Syria này, và làm tất cả những gì có thể để thúc đẩy mọi phe liên hệ hãy ngồi vào bàn để đối thoại, tìm ra một sự hoà giải và giải quyết vấn đề này một cách văn minh, nhân đạo. Chiến tranh chỉ tạo nên tàn phá, chết chóc: đó là một cuộc chiến huynh đệ tương tàn. Chúng ta hãy ngưng ủng hộ những kẻ gây chiến. Tôi kêu gọi Tây phương và các nước Nga, Trung Quốc, Iran cũng như các nước khác hãy thúc đẩy hai phe chấp nhận đối thoại, tìm ra một giải pháp dung hợp, một cách thức để giải quyết vấn đề này một cách thoả đáng cho mọi người. Tôi xin và tha thiết yêu cầu mọi người hãy làm tất cả những gì có thể để cứu vớt hàng ngàn, ngàn người đang chết vô ích, vì như thế chẳng có vấn đề nào được giải quyết. Chiến tranh không giải quyết được vấn đề, nó chỉ mang lại chết chóc và tuyệt vọng mà thôi”.
Cha Noujeim, OFM
Cha Halim Noujeim, Bề trên miền Dòng Phanxicô tại Syria, Giordani và Liban, cho biết cuộc xung đột gia tăng tại nước này ngày càng ảnh hưởng thê thảm đối với các tín hữu Kitô.
Trong cuộc phỏng vấn dành cho phái viên hãng thông tấn Công giáo Đức KNA ở thành phố Harissa bên Liban hôm 16-8, sau khi từ Siyria trở về, Cha tỏ ra e ngại rằng nếu chế độ tại Damasco sụp đổ thì sẽ có ảnh hưởng trên toàn vùng. Cha nói: “Tại một số vùng, như tại cổ thành Damasco, tình trạng tương đối còn bình thường. Nhưng chiến cuộc đang diễn ra giữa quân đội và phiến quân, tiếng bom đạn và máy bay trực thăng là điều mà người ta nghe thấy ngày cũng như đêm.
Nhiều người dân đã mất công ăn việc làm hoặc phải bỏ nhà cửa đi lánh nạn. Nhất là các tín hữu Kitô. Nguyên tại vùng Homs và Hama, hơn 200.000 tín hữu Kitô đã phải tị nạn, hoặc tới các vùng Kitô khác ở Syiria hoặc tới Liban. Đặc biệt con số người tị nạn ở Damasco rất đông đảo. Những người này rất cần được giúp đỡ, vì họ bị mất mát mọi sự. Họ thiếu thuốc men, thiếu lương thực cho trẻ em, đường giao thông giữa các thành phố trở nên rất khó khăn. Tại những nơi mà các nhu yếu phẩm còn có thể mua được thì giá cả tăng vọt tới gấp 4 lần. Một chai xăng được bán với giá 2.000 đồng Syria tương đương với 25 Euro. Trước kia giá chỉ 500 đồng. Các tu sĩ Phanxicô tìm cách giúp đỡ dân chúng nhờ sự hỗ trợ nhận được từ nước ngoài.
Cha Noujeim cho biết đã xảy ra những vụ phiến quân vũ trang bách hại các tín hữu Kitô. Tại Hama, các tín hữu Kitô bị trục xuất khỏi gia cư của họ. Nhà thờ bị phiến quân chiếm đóng, và tương lai rất là bất định.
Cha xác quyết rằng cả phe chính phủ lẫn phiến quân đều có trách nhiệm về bạo lực. Hiện nay, chẳng còn sự kiểm soát và luật lệ. Nguy cơ là khi chế độ hiện nay ở Syria sụp đổ, thì bạo lực càng gia tăng và người ta sẽ tiến tới một chế độ độc tài. Tại các nước Ảrập khác, người ta đã thấy chế độ độc tài chính trị bị thay thế bằng một chế độ độc tài tôn giáo. Và không có hình thức độc tài nào tệ hại hơn thứ độc tài tôn giáo, nhất là đối với các tín hữu Kitô thiểu số sống trong một xã hội đại đa số theo Hồi giáo.
Cha Bề trên Dòng Phanxicô nói: Thế giới Tây phương hiện nay đang đứng về phía phiến quân vũ trang ở Syria và không phản ứng trước tình trạng hiện nay của các tín hữu Kitô. Điều này không có nghĩa là chúng tôi ủng hộ hoặc chống lại chính phủ. Chúng tôi chống lại mọi hình thức độc tài hoặc bạo lực, nhưng chúng tôi rất lo âu về tương lai, vì chúng tôi không thấy có giải pháp nào khác tốt đẹp hơn.
Hiện nay ở Liban càng ngày càng có thêm những người tị nạn từ Syria chạy tới khiến cho tình hình ngày càng căng thẳng. Đồng thời chính phủ Liban cố gắng bảo tồn sự trung lập. Nếu Syria quyết định chống lại chính phủ của mình thì chắc chắn điều này sẽ mang lại nhiều bất ổn cho Liban. (KNA 17-8-2012)
Nữ tu Agnes Mariam, Dòng Cát Minh
Mặt khác, trong bản tin truyền đi ngày 15-8-2012, Nữ tu Agnes Mariam Thánh Giá, Bề trên Đan viện Thánh Giacôbê ở Qara, Syria, đã tố giác các hành vi tàn bạo của phiến quân vũ trang ở nước này và kêu gọi cộng đồng quốc tế ngưng ủng hộ phiến quân.
Nữ tu Agnes Mariam sinh tại Liban, thân phụ là người Palestine và mẹ chị là người Liban. Chị gia nhập dòng Cát Minh hồi năm 1971 và đã trải qua cuộc nội chiến tại Liban từ năm 1975 đến 1990. Năm 1994, chị thành lập một cộng đoàn mới trong Đan viện cổ kính Thánh Giacôbê có từ thế kỷ thứ 6 tại thành phố Qara ở Syria. Chị cũng là phát ngôn viên của Trung tâm Truyền thông Công giáo của Tổng Giáo phận Homs, thuộc Giáo hội Công giáo Melkite. Chị nói: “Cuộc nổi dậy vũ trang ở Syria tạo nên một chế độ độc đoán tệ hơn cả chế độ của Bashar Assad... Chúng tôi biết rằng những người ấy không chiến đấu cho tự do, nhưng cho các giá trị của họ, và các giá trị này không phải là giá trị của Hồi giáo ôn hoà, mà là Hồi giáo cực đoan… Điều làm cho chúng tôi thực sự đau buồn và coi như gương mù, đó là thế giới Tây phương dường như khuyến khích sự nổi dậy của thứ bạo lực phe phái như thế, chỉ với mục đích lật đổ chế độ của Assad ở Syria”.
Nữ tu cho biết các nhóm nổi dậy đang đánh vào các nhóm tôn giáo thiểu số, hành quyết những người Hồi giáo Sunnit ôn hoà, như các ký giả, các nhà nghiên cứu, bác sĩ, kỹ sư, để buộc gia đình và cộng đoàn của những người này ủng hộ một Nhà nước Hồi giáo. Quả thực là nhóm nổi dậy đang phá huỷ sự quân bình tôn giáo và chủng tộc ở Syria”.
Nữ tu Agnes Mariam tố giác những vụ bắt bớ độc đoán, chặt đầu và sát hại trong chiến dịch khủng bố của các nhóm nổi dậy chống lại những người mà họ coi là cộng tác với chế độ Assad.
Nữ tu phê bình Hoa Kỳ và Anh quốc hứa tài trợ cho các nhóm phiến quân để họ dùng tiền bạc đó mua vũ khí. Phiến quân Hồi giáo Sunnit cũng được các nước Ảrập khác hỗ trợ như Ảrập Saudi, Qatar và Thổ Nhĩ Kỳ.
Nữ tu Agnes Mariam tuyên bố những điều trên đây với hãng tin Công giáo Hoa Kỳ ở Dublin thủ đô Ireland hồi trung tuần tháng 8 này, sau khi gặp gỡ Đức TGM Charles Brown, Sứ thần Toà Thánh tại Ireland, và gặp Hội đồng Công lý và Hoà bình của HĐGM Ireland.
Hôm 15-8-2012, một uỷ ban chuyên gia của LHQ ở Genève, Thuỵ Sĩ, kết luận rằng các lực lượng chính phủ và phiến quân tại Syria đều phạm các tội ác trong cuộc xung đột từ ngày 15-2 đến 20-7 năm nay.
Theo LHQ, tính đến cuối tháng 7 vừa qua, khoảng 2.500.000 người dân Syria bị thương, hoặc phải di tản, hay gặp phải vấn đề thiếu lương thực và các nhu yếu phẩm khác. Những người bênh vực nhân quyền cho biết từ tháng 3-2011, tức là kể từ khi xảy ra cuộc nổi dậy võ trang ở Syria, mà Hội Chữ Thập đỏ quốc tế gọi là một cuộc nội chiến, đã có từ 20.000 đến 28.000 người thiệt mạng trong cuộc xung đột.
Theo Nữ tu Agnes Mariam, Đức Giám mục tại thành phố Aleppo nói với chị rằng mặc dù thành này không thực sự tham gia các buổi biểu tình cách mạng, vì đa số dân chúng muốn giữ thái độ trung lập nhưng thành này đã bị hàng ngàn phiến quân chiếm đóng, đa số không phải là người Syria, và họ bắt buộc dân địa phương phải cộng tác với họ, nếu không sẽ bị giết chết”.
Nữ tu Mariam nói: “Tôi kêu gọi cho các thường dân. Vì đó không phải là phương thức để mang lại tự do hoặc dân chủ cho một nước đã phải chịu cái ách độc tài từ 50 năm rồi... Tại thành phố Homs, tôi đã chứng kiến những điều kinh khủng. Tôi đã thấy hàng trăm xác thường dân bị bắn chết, bị cắt chặt thành từng mảnh, chỉ vì họ là những thường dân đi làm việc. Thành phố Homs giống như thành Stalingrad bên Nga hoặc thành phố Dresden bên Đông Đức sau Thế chiến II, nơi mà các thánh đường cổ kính của Công giáo, Chính thống và Tin Lành trường lão bị xúc phạm, và cuộc xung đột đã làm cho 130.000 tín hữu Kitô phải rời bỏ vùng đó đi lánh nạn. Theo tôi, giải pháp duy nhất hiện nay là hoàn toàn ngưng chiến, và đối thoại trong nội địa Syria giữa mọi phe liên hệ để tiến tới một phong trào hoà giải và đối thoại. Điều cần thiết trước tiên là chấm dứt mọi bạo lực. Hiện nay có Phong trào Mussalaha, trong tiến Ảrập có nghĩa là hoà giải. Đây là một sáng kiến cộng đồng cơ bản bất bạo động, nảy sinh từ xã hội dân sự. Các vị lãnh đạo tôn giáo, gia đình và bộ tộc đã gặp gỡ nhau để thăng tiến hoà bình và hoà giải giữa lòng xã hội Syria. Đây là một điều thay thế cho bạo lực nổi dậy hoặc sự can thiệp quân sự của quốc tế”.
Sáng kiến này - được Giáo hội Công giáo ủng hộ - đã nảy sinh hồi tháng 6 năm nay tại thành phố Homs, sau khi nhiều đại diện của các tôn giáo khác nhau đã gặp gỡ nhau, và đã đưa ra nhiều tuyên ngôn chung về việc xây dựng hoà bình và tôn trọng lẫn nhau tại Syria.
(CNS 15-8-2012)
G. Trần Đức Anh OP
(Nguồn: Radio Vatican)