ĐHY Stanislaw Rylko, Chủ tịch Hội đồng Toà Thánh về Giáo dân |
Phỏng vấn ĐHY Stanislaw Rylko, Chủ tịch Hội đồng Toà Thánh về Giáo dân
Trong các ngày từ mồng 4 đến 9-9-2012, ĐạI hội giáo dân Công giáo Liên Phi châu đã điễn ra tại Yaounde, thủ đô Camerun, về chủ đề “Là chứng nhân của Chúa Giêsu Kitô tại Phi châu ngày nay. Muối đất... ánh sáng thế gian” (Mt 5,13-14). Tham dự Đại hội có 300 đại biểu gồm các giám mục và giáo dân đến từ nhiều nước Phi châu, thuộc các hội đồng giám mục, các phong trào, hội đoàn giáo dân và các cộng đoàn mới. Trong các ngày đại hội các tham dự viên đã lắng nghe các bài thuyết trình gợi ý, suy tư, trao đổi kinh nghiệm trong các cuộc hội luận theo các nhóm nhỏ và các cuộc thảo luận bàn tròn. Đức Hồng y Stanislaw Rylko, Chủ tịch Hội đồng Toà Thánh về Giáo dân, đã khai mạc đại hội tại Đại học Công giáo Liên Phi châu.
Sau đây, chúng tôi xin gửi tới quý vị và các bạn bài phỏng vấn Đức Hồng y Stanislaw Rylko về Đại hội này.
Hỏi: Thưa Đức Hồng Y, xin Đức Hồng Y cho biết đại hội nói trên có mục đích gì?
Đáp: Trước hết, Đại hội muốn thức tỉnh nơi các giáo dân Công giáo tinh thần đồng trách nhiệm và sự cần thiết dấn thân loan báo Chúa Kitô trong đại lục Phi châu. Là người truyền giáo và làm chứng cho đức tin của mình là thành phần của căn tính Kitô hữu của chúng ta. Tự bản chất của mình toàn Giáo Hội là truyền giáo. Và trong thời đại chúng ta, sứ mệnh truyền giáo của Giáo Hội tại Phi châu phải đương đầu với nhiều thách đố khó khăn, và Giáo Hội được mời gọi đối chiếu mình với các hoàn cảnh mới, và trong vài nghĩa nào đó, chưa từng có trong lĩnh vực tôn giáo, xã hội, văn hoá, kinh tế và chính trị. Một trong các mục đích chính của đại hội là chú ý đọc hiểu các thách đố ấy và suy tư về các câu trả lời, mà anh chị em giáo dân Phi châu có thể đưa ra cho các thách đố này.
Hỏi: Đâu là vai trò của giáo dân trong công tác “truyền giáo mới”, và tại sao việc đừng đánh mất đi giáo huấn xã hội của Hội Thánh như điểm tham chiếu lại quan trọng, thưa Đức Hồng Y?
Đáp: Các tín hữu giáo dân có một vai trò quan trọng hàng đầu trong việc truyền giáo mới tại Phi châu: chỉ cần nghĩ tới biết bao nhiêu giáo lý viên là các cột trụ chống đỡ các cộng đoàn Kitô bên Phi châu thì đủ hiểu. Anh chị em giáo dân có nhiệm vụ lãnh một phần trách nhiệm trong cuộc sống của các cộng đoàn Kitô. Tuy nhiên, chúng ta biết rằng, nhờ tính cách đời trong ơn gọi của họ, sứ mệnh chính của các giáo dân là đem Tin Mừng vào lòng thế giới. Tông huấn hậu Thượng Hội đồng Giám mục Phi châu kỳ II “Africae munus” định nghĩa các giáo dân như là các “đại sứ của Chúa Kitô” (2 Cr 5,20) trong nơi công cộng và giữa lòng thế giới (s. 128). Nghĩa là họ là “muối đất”, “ánh sáng thế gian”, “men Tin Mừng” biến đổi các thực tại trần thế từ bên trong. Từ đó phát xuất ra tầm quan trọng của Giáo huấn Xã hội của Hội Thánh, không được hiểu như là một điều phụ thuộc, nhưng như là phần tất yếu của sứ mệnh rao giảng Tin Mừng của Giáo Hội.
Hỏi: Như vậy thì đâu là các mục tiêu chính của Đại hội này liên quan tới các thực tại của đại lục Phi châu?
Đáp: Đại hội muốn là một thời điểm chăm chú lắng nghe những gì Chúa Thánh Thần nói với Giáo Hội tại Phi châu trong giờ phút này, và đặc biệt giữa hai Thượng Hội đồng Giám mục cho Phi châu, kỳ I năm 1994 và kỳ II năm 2009. Đồng thời, Đại hội cũng cố ý lắng nghe các tiếng nói từ Phi châu, là đại lục đang trải qua các biến đổi sâu xa và đang đứng trước các thách đố nghiêm trọng như: nạn nghèo đói, chiến tranh, các phong trào tôn giáo cực đoan thường đi tới các hành động bách hại các Kitô hữu, sự tục hoá và xâm lăng của nền văn hoá hậu tân tiến Tây phương, khiến cho không ít các giá trị đích thực của các nền văn hoá truyền thống Phi châu và căn tính của tâm hồn Phi châu bị khủng hoảng... Nhưng đồng thời, đại lục Phi châu cũng đầy tràn các niềm hy vọng lớn lao. Chúng tôi muốn khám phá ra và đánh giá cao biết bao nhiêu sự phong phú tinh thần của đại lục này, vì chúng có thể phục vụ toàn nhân loại. Nói cách khác, chúng tôi muốn thực hiện một đại hội của niềm hy vọng, bởi vì như Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI dạy, các giáo dân Công giáo bên Phi châu, một cách đặc hiệt, phải là “những người phục vụ của hy vọng”, niềm hy vọng đâm rễ sâu nơi Chúa Kitô, là Chúa của lịch sử.
Hỏi: Thưa Đức Hồng Y, Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI đã định nghĩa Phi châu như là một “lá phổi lớn của nền tu đức”, và là một “đại lục của niềm hy vọng”. Nhưng mà trong nhiều khía cạnh, Giáo Hội tại Phi châu vẫn còn là một Giáo Hội rất trẻ, Đức Hồng Y nghĩ sao?
Đáp: Vâng, đúng thế, Giáo Hội tại Phi châu là một Giáo Hội trẻ trên nhiều bình diện. Nó trẻ, bởi vì đa số dân Phi châu là người trẻ và là một nguồn lực nhân bản lớn cho đại lục này, và nó cũng là một lý do hy vọng lớn. Ngoài ra, Giáo Hội tại Phi châu trẻ, bởi vì trong đại đa số các nước Phi châu việc loan báo Tin Mừng mới được thực hiện gần 2 thế kỷ. Như thế, đức tin tại đại lục này đòi buộc phải được củng cố một cách thích hợp.
Giáo Hội tại Phi châu trẻ, bởi vì nó đang lớn mạnh. Hồi đầu thế kỷ XX, số tín hữu Phi châu chưa đầy 2 triệu, vào cuối thế kỷ XX nó đã lên tới 140 triệu. Và theo thống kê mới đây tín hữu Công giáo Phi châu hiện nay là 185 triệu, nghĩa là chiếm 18% tổng số dân toàn đại lục Phi châu. Các con số này cho thấy năng động mạnh mẽ của Giáo Hội tại Phi châu, một sự năng động, như Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI nói, được diễn tả ra trong sự tươi mát của tiếng “có” đối với sự sống, trong sự tươi mát của ý thức tôn giáo và của niềm hy vọng. Phi châu, theo lời nói của Đức Thánh Cha, là một kho dự trữ sự sống và sức sinh động cho tương lai. Nhưng phải ý thức rằng tất cả những điều đó đòi hỏi một dấn thân thăng tiến việc truyền giáo mới.
Hỏi: Nghĩa là củng cố hàng ngũ giáo dân trong căn tính Kitô của nó. Vậy thì đâu là các lĩnh vực quan trọng nhất trong việc đào tạo giáo dân Phi châu, thưa Đức Hồng Y?
Đáp: Một trong các mục tiêu chính của Đại hội đó là gia tăng sức mạnh và củng cố căn tính Kitô của hàng giáo dân Công giáo Phi châu. Chúng tôi muốn rằng Đại hội này là một dụng cụ giúp các anh chị em giáo dân Phi châu tái khám phá ra vẻ đẹp ơn gọi của họ và sứ mệnh của họ trong Giáo Hội và giữa lòng thế giới. Và điều này có nghĩa là tái khám phá ra tầm quan trọng của Bí tích Thánh Tẩy, là bí tích từ đó nảy sinh ra toàn cuộc sống và sứ mệnh của một Kitô hữu. Đào tạo các giáo dân trưởng thành không gì khác hơn là giúp họ sống thực tại của Bí tích Rửa Tội một cách sâu xa cho đến cùng. Thánh Lêô Cả nói: “Hỡi tín hữu Kitô, hãy nhận biết phẩm giá của mình!”, nghĩa là phẩm giá là người đã được rửa tội của mình. Ngoài ra, đó là đào tạo, khích lệ các giáo dân gặp gỡ đích thực với Chúa Kitô trong cuộc sống, một cuộc gặp gỡ nền tảng đối với mỗi Kitô hữu như Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI đã khẳng định: “Vào ban đầu của việc là Kitô hữu không có một sự quyết định luân lý đạo đức hay một ý tưởng lớn, nhưng là việc gặp gỡ một biến cố, một Người, trao ban cho cuộc sống một chân trời mới và với nó là một hướng đi định đoạt” (Deus Caritas Est, 1). Sau cùng, củng cố vững mạnh căn tính giáo dân cũng bao gồm việc tái khám phá ra tầm quan trọng và vẻ đẹp “của tính cách đời” của ơn gọi giáo dân. Nó hệ tại chỗ biến đổi thế giới theo tinh thần Tin Mừng. Vì thế, các giáo dân Công giáo phải là những tác nhân đích thực và là những người thăng tiến công lý, hoà giải và hoà bình trong đại lục Phi châu; là “các đại sứ của Chúa Kitô”, cả trong cuộc sống công cộng, cả trong thế giới chính trị, là một môi trường đặc biệt đòi hỏi bên Phi châu.
Hỏi: Thưa Đức Hồng Y, Năm Đức Tin bên Phi châu có ý nghĩa gì, và đâu là âm hưởng mà người ta hy vọng nó có thể có đối với xã hội Phi châu?
Đáp: Năm Đức Tin nhắc cho chúng ta nhớ rằng đức tin là điều nền tảng đối với toàn cuộc sống Kitô. Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI cảnh cáo khi nói rằng nhiều khi chúng ta vất vả lo lắng cho các hậu quả xã hội, văn hoá và chính trị của đức tin, bằng cách giả thiết rằng đức tin có đó, nhưng rất tiêc, theo Đức Thánh Cha, nó đang ngày càng ít thực tế, cả bên Phi châu nữa. Như vậy, trong việc đào tạo giáo dân cần phải khởi hành từ điểm nòng cốt, nghĩa là từ Thiên Chúa, từ vì Thiên Chúa đã được mạc khải nơi Đức Giêsu Kitô, Con của Người. Cần phải khởi hành từ đức tin. Từ đó phát xuất ra tầm quan trọng của sách Giáo lý Giáo hội Công giáo. Nó phải trở thành bạn đường của mỗi tín hữu giáo dân Công giáo. Sự dốt nát đức tin là một nguy hiểm lớn đối với các tín hữu Công giáo, không phải chỉ bên Phi châu mà thôi. Vì thế, Đại hội của chúng tôi đề nghị gióng lên lời kêu mời các giáo dân Công giáo để họ hiểu biết đức tin, vẻ đẹp và cái hữu lý của nó.
Hỏi: Trong bối cảnh xã hội và tinh thần của các quốc gia Phi châu, các phong trào của Giáo Hội có tầm quan trọng nào, thưa Đức Hồng Y?
Đáp: Ngoài gia đình ra, các giáo xứ là nơi chính yếu đào tạo các giáo dân. Tuy nhiên, trong thời đại chúng ta ngày nay giáo xứ cần đươc trợ giúp trong nhiệm vụ này bởi một mạng lưới rộng rãi gồm các cộng đoàn nhỏ. Bên Phi châu người ta trao ban tầm quan trong cho các cộng đoàn Kitô cơ bản; chúng nắm giữ một vai trò đào tạo có ý nghĩa. Tuy nhiên, chắc chắn là cần đánh giá việc quy tụ mới của các tín hữu giáo dân, hoa trái của Công đồng Chung Vatican II, được diễn tả ra trong các đặc sủng mới, từ đó nảy sinh ra các phong trào Giáo Hội và các cộng đoàn mới. Và đây cũng là một lý do hy vọng lớn cho Giáo hội Phi châu. Chân phước Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã thấy nơi các phong trào và các cộng đoàn mới các thực tại có năng động truyền giáo lớn. Đây là một ơn thánh Thiên Chúa ban cho việc truyền giáo mới.
Và Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI đã khích lệ các chủ chăn tới gặp gỡ các thực tại này với tình yêu thương lớn lao. Hàng ngũ giáo dân rất là to lớn bao gồm các người nam nữ, giới trẻ và người trưởng thành, cả bên Phi châu nữa, nhờ các đặc đủng mới này mà đã khám phá ra niềm vui của đức tin, cũng như vẻ đẹp hấp dẫn là tín hữu Kitô.
Hỏi: Thưa Đức Hồng Y, đâu đã là các hoa trái của các đại hội giáo dân mà Hội đồng Toà Thánh đã tổ chức tại các đại lục khác, như bên Á châu chẳng hạn?
Đáp: Viêc tổ chức các đại hội giáo dân Công giáo ở cấp đại lục hay vùng miền từ nhiều năm nay đã trở thành một sinh hoạt nổi bật của Hội đồng Toà Thánh về Giáo dân. Ở Phi châu, các đại hội tương tự đã được tổ chức hồi năm 1971 và 1982. Cách đây 2 năm, chúng tôi đã tổ chức một đại hội giáo dân Công giáo tại Á châu, ở Seoul, thủ đô Nam Hàn. Các tham dự viên đại hội đã sống một kinh nghiệm về Giáo Hội như mầu nhiệm của sự hiệp thông truyền giáo: giáo dân, giám mục, linh mục, tu sĩ nam nữ, hiệp nhất bởi cùng một tình yêu đối với Chúa Kitô và Giáo Hội, và sẵn sàng loan báo Tin Mừng trong thế giới chung quanh. Mỗi một đại hội là một hạt giống nhắm thức tỉnh nơi các tín hữu giáo dân Công giáo ý thức ơn gọi và sứ mệnh nhận lãnh, đặc biệt tại những nơi, trong đó Kitô hữu là một thiểu số bé nhỏ. Các đại hội này muốn thức tỉnh lòng can đảm của một chứng tá Kitô công khai và có sức thuyết phục trao ban lý lẽ của niền hy vọng, mà mỗi Kitô hữu mang trong chính mình. Các đại hội này muốn nói với các tín hữu giáo dân: “Anh chị em không lẻ loi; anh chị em không bị bỏ rơi”, ”anh chị em là phần của đại gia đình các môn đệ của Chúa Kitô có chiều kích toàn cầu là Giáo hội Công giáo”. Tôi tin rằng đó là các kết quả chính nảy sinh từ các đại hội đã được tổ chức cho tới nay, và tôi cầu mong rằng chúng cũng là các hoa trái trong Đại hội Giáo dân Công giáo tại Camerun.
Linh Tiến Khải (RG 3-9-2012)
(Nguồn: Radio Vatican)