MỘT NGÀY LÀ CHỦNG SINH GIOAN - MÃI MÃI THUỘC GIA ĐÌNH GIOAN

Phản ứng của Giám đốc Thông tin Tài chính Toà Thánh về quyết định của Ngân hàng Italia đòi phong toả các điểm giao dịch tài chính tại Vatican

Ông Rene Bruelhart
WHĐ (14.01.2013) – Trong cuộc trả lời phỏng vấn của nhật báo Corriere della sera (Italia), số ra ngày Chúa Nhật 13-1-2013, ông Rene Bruelhart, tân Giám đốc Cơ quan Thông tin Tài chính của Vatican (AIF), đã nói về những động thái mới đây của Ngân hàng Italia nhằm phong toả các điểm giao dịch tài chính trên địa bàn quốc gia Vatican.

Được biết, ngày thứ Năm 9-1 vừa qua, Ngân hàng Italia đã đăng trên trang web của Ngân hàng này bản thông báo chính thức, mang tên “Thông tin và Giải thích”, theo đó Ngân hàng Italia thực hiện những động thái nhằm phong toả các Điểm Giao dịch Tài chính của Vatican (POS). Bản thông báo nêu trích dẫn báo cáo của Moneyval (Uỷ ban chuyên gia đánh giá các biện pháp chống rửa tiền của Hội đồng châu Âu) và cho rằng “vẫn chưa thấy có dấu hiệu về một biện pháp chống rửa tiền hữu hiệu”.

Ông Rene Bruelhart, 40 tuổi, người Thuỵ Sĩ, một trong những chuyên gia hàng đầu thế giới về chống rửa tiền, đảm nhận nhiệm vụ Giám đốc Cơ quan Thông tin Tài chính của Toà Thánh từ tháng 11 vừa qua, đã phát biểu về bản thông báo nói trên:

“Tôi ngạc nhiên trước quyết định của Ngân hàng Italia nhằm phong toả toàn bộ các dịch vụ liên quan đến thẻ tín dụng của Deutsche Bank tại Vatican. Vào tháng 7, Toà Thánh đã vượt qua vòng đánh giá thứ ba của Uỷ ban Moneyval thuộc Hội đồng châu Âu với phiếu phúc trình đánh giá “Tốt”, vượt qua 9 trong số 16 khuyến cáo “mấu chốt”. Do đó, Vatican không phải chịu bất kỳ biện pháp đặc biệt nào để giám sát việc chống rửa tiền, kể cả bởi Moneyval hay bất cứ cơ quan quốc tế nào khác. Chúng tôi không có vấn đề gì, trái lại, đã hợp tác chặt chẽ với các quốc gia châu Âu khác. Không một quốc gia nào trên thế giới đã áp dụng những biện pháp tương tự. Vì vậy, tôi muốn nhắc lại, tôi hết sức ngạc nhiên”.

Sau đây là toàn văn cuộc phỏng vấn của báo Corriere della sera đối với ông Giám đốc Cơ quan Thông tin Tài chính Toà Thánh:

PV: “Năm 2012 là năm thẩm định và điều chỉnh các quy định của Vatican theo những tiêu chuẩn quốc tế và cộng đồng châu Âu về việc chống rửa tiền và tài trợ cho các nhóm khủng bố”. Phải chăng ông Bồi thẩm Pierfrancesco Grossi đã nói như trên trong buổi Khai mạc Năm Tư pháp tại Vatican, trước sự hiện diện của bà Paola Severino, Bộ trưởng Tư pháp, và ông Ernesto Lupo, Đệ nhất Chánh toà Kháng án?

Ông Rene Bruelhart: Đúng vậy. Kết quả của việc đánh giá - được thực hiện trong khoảng 1 năm - là Bản Phúc trình về quốc gia Vatican được đệ trình tại Hội nghị toàn thể của Uỷ ban Moneyval vào ngày 4-7 và mọi chi tiết trong Phúc trình được Hội nghị phê duyệt thông qua, sau khi xem xét tiến trình điều chỉnh cho phù hợp những tiêu chuẩn quốc tế được coi là thoả đáng và tin cậy được. Do đó, Vatican không phải chịu bất kỳ biện pháp đặc biệt nào để giám sát việc chống rửa tiền, kể cả bởi Moneyval hay bất cứ cơ quan quốc tế nào khác. Xem xét về pháp lý là một biện pháp giám sát “đặc biệt” khi không vượt qua được 10 khuyến cáo hoặc hơn nữa, được gọi là các khuyến cáo “mấu chốt”. Dựa trên cơ sở này, cùng với việc Toà Thánh đã vượt qua được 9 khuyến cáo “mấu chốt”, Uỷ ban Moneyval khẳng định Toà Thánh đã có được một hệ thống phòng chống rửa tiền và tài trợ cho khủng bố. Hệ thống này được coi là tương ứng và được công nhận đạt tiêu chuẩn quốc tế.

PV: Tại sao Ngân hàng Italia lại coi như thế vẫn chưa đủ?

Ông Rene Bruelhart: Có lẽ tôi không phải là người để chị (phóng viên báo Corriere della sera) đặt câu hỏi này. Tôi cũng đang muốn hỏi Ngân hàng Italia đây. Đây là điều tôi muốn nói: cũng như các quốc gia thành viên khác trong Liên minh châu Âu, Toà Thánh đã thực hiện “Chỉ thị thứ ba của Liên minh châu Âu” liên quan đến chống rửa tiền và tài trợ khủng bố. Tôi cũng muốn nêu rõ, đối với các thẩm định viên trong Uỷ ban Moneyval, trong một số trường hợp, Toà Thánh đã bị đặt cho những tiêu chuẩn khắt khe và cao hơn tiêu chuẩn đã được đưa ra trong Chỉ thị thứ ba.

PV: Hẳn quý vị có vấn đề với các quốc gia châu Âu khác?

Ông Rene Bruelhart: Không có vấn đề nào cả. Trái lại, chúng ta đã hợp tác chặt chẽ với các quốc gia châu Âu. Trong bối cảnh này, tôi muốn đề cập việc năm 2012, AIF (Cơ quan Thông tin Tài chính Vatican) đã ký Bản Ghi nhớ Thoả thuận khung với hai nước châu Âu (Bỉ và Tây Ban Nha) về trao đổi thông tin quốc tế và đã bắt đầu những cuộc đàm phán với hơn 20 quốc gia. Chúng tôi cũng đã bắt đầu tiến trình gia nhập nhóm “Egmont Group” (mạng lưới quốc tế về trao đổi thông tin tài chính mật) gồm hơn 130 quốc gia thành viên, nói một cách chính xác, chúng tôi hướng đến mục tiêu phát triển hơn nữa công việc này và củng cố hợp tác quốc tế. Cơ quan Thông tin Tài chính Toà Thánh (AIF) cũng đã hợp tác chặt chẽ với các cơ quan đồng nhiệm tại nhiều quốc gia trong Liên minh châu Âu. Vì thế, tôi rất ngạc nhiên trước những biện pháp vừa được Ngân hàng Italia đưa ra. Không một quốc gia nào trên thế giới lại áp dụng những biện pháp tương tự.

PV: Ngoài châu Âu, quý vị còn có các mối quan hệ nào, chẳng hạn với Hoa Kỳ và các cơ quan tài chính khác?

Ông Rene Bruelhart: Rất tốt đẹp. Tôi có thể xác nhận Cơ quan Thông tin Tài chính Toà Thánh (AIF) đã bắt đầu đặt các mối quan hệ chặt chẽ và trực tiếp với các cơ quan có thẩm quyền tại Hoa Kỳ.

PV: Ngân hàng Italia tuyên bố các dịch vụ thẻ tín dụng bị ngăn chặn vì có liên quan đến các tiêu chí chống rửa tiền. Nhưng vấn đề không chỉ có thế. Họ nói có thể sử dụng việc kiểm soát tinh giản với các quốc gia “tương ứng” chỉ với điều kiện “quốc gia không thuộc Liên minh châu Âu có những hệ thống cảnh báo theo đúng những quy định về ngân hàng cho phép trao đổi thông tin giữa các cơ quan chức năng”. Ông nghĩ gì về điều này?

Ông Rene Bruelhart: Vào lúc này, tại quốc gia Vatican, có cơ quan tài chính liên quan, đó là Viện Giáo vụ (IOR), một cơ quan thuộc công quyền, không phải của tư nhân hoặc ngân hàng. Vì thế, dường như sẽ không đúng nếu nói về “lĩnh vực ngân hàng”, bởi làm gì có ngân hàng. Thực tế cho thấy, xét Vatican là một quốc gia riêng biệt, thì thấy đã áp dụng các biện pháp thích đáng để cảnh giác, ngăn ngừa và chống lại việc rửa tiền và tài trợ khủng bố. Cơ quan Thông tin Tài chính Toà Thánh (AIF) cũng có nhiệm vụ của một Cơ quan giám sát và đã cam kết đầy đủ việc hợp tác quốc tế trong lĩnh vực này, bao gồm việc trao đổi thông tin với các quốc gia khác và với các quốc gia tại châu Âu. Về phần mình, Toà Thánh đã cam kết áp dụng thêm các biện pháp trong những tháng sắp tới, vì như chị biết, việc chống rửa tiền thì cứ vẫn là “việc đang diễn ra”.

M. Antonietta Calabrò (báo Corriere della sera)

Thành Thi chuyển ngữ

(Nguồn: WHĐ)