Phỏng vấn tân Giám mục phụ tá giáo phận Hưng Hoá
Hơn hai năm sau ngày Đức cha Antôn Vũ Huy Chương, nguyên Giám mục Hưng Hóa, được Tòa Thánh bổ nhiệm làm Giám mục Đà Lạt, và Đức cha Vũ Tất được đặt làm Giám mục Chánh Tòa Giáo phận rộng lớn nhất Việt Nam này, Hưng Hóa vừa có thêm một Giám mục Phụ tá: Đức cha Alphongsô Nguyễn Hữu Long (ĐGM.NHL). Vị tân chức 60 tuổi, đang là Giám đốc Đại Chủng Viện Huế, đã dành cho CGvDT cuộc phỏng vấn đầu tiên.
CGvDT: Xin chào mừng Đức cha vừa được Tòa Thánh bổ nhiệm làm Giám mục Phụ tá Giáo phận Hưng Hóa. Lúc này, khi chuẩn bị chia tay với công việc lãnh đạo Đại Chủng Viện Huế để ra Hưng hóa thực hiện trách vụ mới, tâm trạng của Đức cha thế nào?
ĐGM.NHL: Tâm trạng tôi đang buồn vui lẫn lộn. Mười năm trước, khi vâng lệnh Đức Giám Mục Giáo phận rời bỏ mục vụ giáo xứ để chuyên đào tạo linh mục trong Chủng viện, lúc ấy tôi cảm thấy như rẽ một khúc ngoặt. Vâng, rời bỏ mục vụ - điều tôi vốn yêu thích – để chỉ còn lo tác vụ đào tạo là một khó khăn đối với tôi. Nay, khi đã dần quen và thích thú với việc này, tôi được sai trở lại với việc mục vụ, mà lần này trong cương vị mới, tôi không khỏi cảm thấy buồn vì sẽ xa Chùng viện Huế và các chủng sinh, xa nếp sống êm đềm đều đặn, để bước vào đời hoạt động sương gió, cùng với nỗi buồn băn khoăn lo lắng trước nhu cầu bao la tại giáo phận Hưng Hóa và những thách đố đang chờ đón. Tuy nhiên, khi nghĩ rằng Chúa và Hội Thánh muốn sai tôi đến nơi đang cần phục vụ của mình thì tôi lại cảm thấy an vui.
CGvDT: Xin Đức Cha giới thiệu đôi nét về giáo phận Hưng Hóa, nơi Đức cha sẽ cùng ĐGM Gioan Vũ Tất dẫn dắt trong thời gian tới?
ĐGM.NHL: Tôi chưa được biết nhiều về giáo phận Hưng Hoá, chỉ biết rằng giáo phận này rất rộng, bao gồm 9 tỉnh ở vùng Tây Bắc tổ quốc và 1/6 thủ đô Hà Nội. Giáo xứ Mường Tè xa nhất, ở cách Tòa Giám Mục 750 cây số. Hiện nay, hằng tuần cha Nguyễn Trung Thoại phải từ Tòa Giám Mục, vất vả vượt quãng đường 900 cây số đi và về để làm mục vụ ở Sơn La. Trong tổng số 71 linh mục của Giáo phận thì có 5 vị đã hưu, 5 vị đang đi du học, còn lại 61 vị bị quá tải trong trách nhiệm mục vụ cho hơn 200.000 giáo dân. Địa hình phức tạp, đồi núi chập chùng, giao thông khó khăn, giáo dân rải rác, kinh tế thấp kém… chưa kể những khó khăn trong hành chánh để làm mục vụ ở một số nơi. Tóm lại, Hưng Hóa là một Giáo phận đáng thương và đáng quan tâm về mọi mặt.
CGvDT: Nếu được, xin Đức Cha có thể cho độc giả CGvDT biết qau ít nhiều về hành trình ơn gọi của mình?
ĐGM.NHL: Hành trình ơn gọi của tôi, như mọi anh em chủng sinh cùng thời, không hoàn toàn suôn sẻ. Lên 12 tuổi, tôi trải qua bảy năm tu học rất thần tiên tại Tiểu chủng viện Thánh Gioan ở Đà Nẵng, ba năm Triết êm đềm tại Đại chủng viện Hòa Bình. Sau năm 1975, việc tu học có một số xáo trộn, nhưng tôi vẫn may mắn được học thêm ba năm Thần học tại Tòa Giám mục Đà nẵng. Cuối năm 1978, tôi làm nghĩa vụ thanh niên tại công trường thủy lợi Phú Ninh trong ba năm rưỡi. Trở về, tôi lặng lẽ tu học và lao động. Ngày 27.12.1990, tôi được chịu chức linh mục và làm phó xứ Tam Kỳ trong bốn năm. Từ 1994-1998, tôi được gửi đi học Giáo luật tại Đại học Công Giáo Paris. Về nước, tôi làm quản xứ Hà Lam trong hai năm, rồi Trà Kiệu - nơi có Trung Tâm Thánh Mẫu giáo phận - trong ba năm, đồng thời giảng dạy tại Đại Chủng viện Huế. Năm 2003, tôi gia nhập hội Linh Mục Xuân Bích và làm công việc đào tạo tại Chủng viện này. Những trắc trở khách quan nằm trong giai đoạn từ 1975-1990, mà nhờ ơn Chúa, tôi vẫn giữ được ơn gọi.
CGvDT: Như vậy, chúng con có thể tóm tắt tiểu sử ngắn gọn về vị Giám mục Phụ tá mới của Giáo phận Hưng Hóa: Là một người gốc Hà Nội; lớn lên, tu học và làm mục vụ ở Đà Nẵng; sau đó du học và về Huế làm giáo sư rồi Giám đốc Chủng viện; sắp tới sẽ ra làm việc ở Hưng Hóa. Theo Đức cha, hành trình này sẽ có những khó khăn và thuận lợi gì trong tương lai?
ĐGM.NHL: Cuộc đời mỗi người là một hành trình kỳ diệu trong bàn aty quan phòng của Thiên Chúa. Tôi được sinh ra ở miền Bắc, lớn lên và tu tập ở miền Trung; 23 năm đời linh mục của tôi đan dệt giữa mục vụ giáo xứ và đào tạo linh mục, trải qua nhiều trách vụ: từ phó xứ, quản xứ, Hạt trưởng, tư vấn giáo phận, đến giáo sư, linh hướng, Giám đốc Chủng viện. Tất cả các trách vụ đó cho tôi một số kinh nghiệm, hy vọng sẽ giúp tôi trước những khó khăn trong sứ vụ mới tại Hưng Hóa.
CGvDT: Trong hành trình vừa kể, chúng con thấy có đến 9 năm Đức cha từng làm linh mục Phó hoặc Chánh xứ. Có lẽ điều này sẽ là những kinh nghiệm hữu ích trong mục vụ của Đức cha sau này, ở cương vị mới?
ĐGM.NHL: Vâng, kinh nghiệm mục vụ vốn là điều cần thiết và hữu ích cho trách vụ giám mục mà tôi sắp đảm nhận. Tuy nhiên, tôi vẫn còn học hỏi thêm với Đức Giám mục Chánh Tòa và anh em linh mục giáo phận Hưng Hóa, bởi tại mỗi nơi vẫn có những nét đặc thù riêng mà mình phải “tùy tục” khi “nhập gia”.
CGvDT: Đâu là những ưu tiên hàng đầu và đâu là những trăn trở thường xuyên của Đức cha trong mục vụ?
ĐGM.NHL: Tôi nghĩ ưu tiên hàng đầu tại Giáo phận Hưng Hóa hiện nay là nhân sự. Một cha cho biết cánh đồng giáo phận còn thiếu tới 100 linh mục, chưa kể tu sĩ. May mắn là ơn gọi vẫn còn dồi dào tại đây. Hy vọng trong một thời gian nữa, giáo phận sẽ có thêm nhân sự. Tiếp đến là việc đào luyện đức tin cho giáo dân, bởi có nhiều nơi vắng bóng linh mục hàng mấy chục năm trường, giáo dân như chiên bơ vơ không có người chăn: “Cứ để một nơi vắng bóng linh mục trong 30 năm, thì ở đó thay vì thờ Chúa, người ta sẽ thờ bò!”. Tuy bà con vẫn giữ đức tin, nhưng thật đáng lo ngại, không biết niềm tin ấy còn tinh ròng hay đã phôi pha, cho nên cần củng cố niềm tin cho họ. Rồi cuộc sống xã hội hiện nay bị nhiều tệ nạn tấn công, tôi nghĩ đạo phải góp phần chấn chỉnh những tệ hại đó. Hơn bao giờ hết, người công giáo phải là muối, men, ánh sáng cho trần gian. Tôi cũng trăn trở khi nghĩ đến dân sinh, dân trí tại những vùng sâu vùng xa, nhất là nơi các anh em dân tộc, đang còn ở mức rất thấp, cần giúp nâng cao lên. Đó là những trăn trở của tôi, mà tôi nghĩ cũng là trăn trở của rất nhiều người Công giáo Việt Nam.
CGvDT: Từng là giáo sư, sau đó là người dứng đầu Đại Chủng viện, xin Đức cha cho một nhận xét về việc đào tạo linh mục hiện tại? Theo Đức cha, những đòi hỏi lớn nhất của một linh mục khi làm mục vụ và những thao thức cần có nơi một linh mục trong thời đại hôm nay là gì?
ĐGM.NHL: Việc đào tạo linh mục cần giúp chủng sinh đi sâu sát với cuộc sống thực tế của người giáo dân, có thế mới giúp ích cho họ được. Chúng ta không cần những linh mục chỉ biết lý thuyết, luật lệ, mà là những linh mục thực tế, hiểu biết, gần gũi và cảm thông với trăn trở, khó khăn, thậm chí tội lỗi và sai sót của người giáo dân. Để làm mục vụ hữu hiệu hơn, tôi nghĩ linh mục phải là người chủ động tìm đến giáo dân hơn là chờ giáo dân đến với mình, cùng với chứng tá của một nếp sống giản dị, thanh thoát vật chất, biết chia sẻ, khiêm tốn và thánh thiện.
CGvDT: Đức cha có thể chia sẻ một ích kinh nghiệm về việc đào tạo các ứng sinh linh mục tại Đại Chủng viện Huế?
ĐGM.NHL: Chúng tôi áp dụng khoa sư phạm của hội Linh mục Xuân Bích, đó là làm cho Chủng viện thành một gia đình, chủng sinh là anh em với nhau, linh mục là người cha, người anh cả yêu thương, gần gũi, thân thiện, lắng nghe và đáp ứng nhu cầu của chủng sinh. Chúng tôi nhắc nhở các thầy về việc tự đào tạo chính mình chứ không ở việc lãnh nhận sự đào tạo, nhờ đó giúp họ trưởng thành, có tự do nội tâm, chịu trách nhiệm về mình. Một điểm khác cũng quan trọng, là giúp chủng sinh sống thành thật với Chúa, với người khác và với chính mình, trong việc biện phân ơn gọi và trong quá trình đào tạo làm linh mục.
CGvDT: Nói đến việc tự đào tạo, Đức cha là người có hành trình tu học đôi lúc bị gián đoạn với trường lớp do hoàn cảnh xã hội, do đó chắc rằng rất có kinh nghiệm trong việc tự rèn luyện, đào tạo bản thân. Xin Đức cha chia sẻ một vài trải nghiệm của mình về vấn đề này?
ĐGM.NHL: Tôi cùng với 24 anh em chủng sinh Đà Nẵng trải qua ba năm rưỡi trên công trường thủy lợi Phú Ninh (1978-1982). Người ta không kể chúng tôi là chủng sinh mà là thanh niên như mọi thanh niên khác, chịu kỷ luật gắt gao như bộ đội. Ngẫm nghĩ lại thì quãng thời gian cực kỳ gian truân ấy lại giúp mỗi người khắc phục bản thân, rèn luyện ý chí, trưởng thành và chín chắn hơn trong ơn gọi. 13 trong số 25 anh em đã làm linh mục. Chúng tôi cũng thấy rằng việc rèn luyện không chỉ là nỗ lực cá nhân mà còn được tập thể góp phần, bằng chứng là sự hiệp nhất, yêu thương nâng đỡ nhau trong thời gian ấy đã giúp chúng tôi giữ vững ơn gọi cho nhau.
CGvDT: Khẩu hiệu và biểu tượng huy hiệu Giám mục của Đức cha là gì? Xin Đức cha giải thích ý nghĩa của những chọn lựa này?
ĐGM.NHL: Khi tìm khẩu hiệu cho đời giám mục của mình, tôi đã nghĩ đến tìm một câu Thánh Kinh như các giám mục thường làm, nhưng rồi tôi quyết định chọn một câu nói của Đức Giáo Hoàng Phanxicô mà tôi tâm đắc, trong bài giảng lễ dầu thứ Năm Tuần Thánh năm nay. Ngài khuyên các mục tử hãy có mùi chiên, tức là sống gần gũi với chiên, đến nỗi mình nhuốm mùi của chiên, kể cả mùi hôi thối. Hình ảnh đậm nét Thánh Kinh đó diễn tả mối tương quan thân thiết, gần gũi, hòa đồng giữa mục tử và chiên. Chúa Giêsu đã nhiều lần đề cập mối tương quan này, đặc biệt qua dụ ngôn mục tử đi tìm con chiên lạc cho bằng được, tìm thấy rồi, ông vác nó trên vai, đem về nhà. Tôi muốn định hướng đời giám mục của mình qua cách sống gần gũi với giáo dân, chia sẻ lo lắng của họ, mang lấy khổ đau, kể cả tội lỗi của họ, như thể “Mang vào mình mùi chiên”. Biểu tượng huy hiệu của tôi là hình ảnh mục tử vác chiên trên vai, đó chính là Chúa Giêsu, Chiên Thiên Chúa gánh tội trần gian, và cũng là Mục tử nhân lành, gương mẫu tuyệt vời cho chúng ta.
CGvDT: Lễ tấn phong Giám mục sẽ diễn ra tại đâu và vào thời điểm nào thưa Đức cha?
ĐGM.NHL: Theo dự định, sẽ vào lúc 8g00 sáng thứ sáu ngày 06 tháng 9 năm 2013, tại nhà thờ Chánh tòa Hưng Hóa, thị xã Sơn Tây, thủ đô Hà Nội.
CGvDT: Qua CGvDT, Đức cha có nhắn giửi gì với các linh mục, tu sĩ và bà con giáo dân xa gần?
ĐGM.NHL: Tôi chân thành xin mọi người cầu nguyện cho Đức cha Tân phụ tá Vinh và tôi, cùng các Giám mục Việt Nam, được đủ ơn Chúa mà thi hành sứ vụ Hội Thánh trao phó. Làm giám mục vốn đã gay go, mà trong thời buổi này lại càng nhiều khó khăn hơn, sau nữa, tôi ước mong được sự cộng tác chân thành và nâng đỡ từ mọi thành phần dân Chúa. Chúng tôi có được đặt làm giám mục cũng là để phục vụ mọi người, và tất cả chúng ta đều là anh em trong gia đình Hội Thánh, như thánh Augustinô đã viết: “Cho anh em, tôi là giám mục, cùng với anh em tôi là Kitô hữu”. Vậy, chúng ta hãy nâng đỡ lẫn nhau.
CGvDT: Xin hết lòng cảm ơn Đức cha đã dành cho CGvDT buổi phỏng vấn này!
LÊ HỮU TUẤN thực hiện
(Nguồn: Công Giáo và Dân Tộc số 1914-1915)