Ngày 22-7-2013, Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ lên đường đi Brazil để chủ sự Ngày Quốc tế Giới trẻ diễn ra trong các ngày 23 đến 28-7-2013 tại Rio de Janeiro bên Brazil.
Trong các tuần qua tình hình xã hội tại Brazil đã căng thẳng, vì các vụ biểu tình chống lại cuộc sống đắt đỏ, giá cả gia tăng, cũng như các thiếu sót của chính quyền đối với các cơ cấu hạ tầng cơ sở trong lĩnh vực giáo dục, y tế, nhà ở và công ăn việc làm, và nạn gian tham hối lộ trong guồng máy chính quyền.
Bà Tổng thống Dilma Rousseff đã quyết định huỷ bỏ lệnh tăng giá xe buýt, gia tăng ngân khoản cho các chương trình an sinh y tế giáo dục và hứa cải tổ guồng máy chính trị. Tuy nhiên, các giao động này không ảnh hưởng gì đến chương trình chuyến viếng thăm của Đức Thánh Cha Phanxicô.
Sau đây, chúng tôi xin gửi tới quý vị và các bạn một số nhận định của Đức Hồng y Stanislaw Rylko, Chủ tịch Hội đồng Toà Thánh Giáo dân, về Ngày Quốc tế Giới trẻ Rio de Janeiro. Đức Hồng y đẽ tháp tùng Đức Thánh Cha trong chuyến đi Brazil vào tuần tới này.
Hỏi: Thưa Đức Hồng y Rylko, đâu là bí mật của các Ngày Quốc tế Giới trẻ này?
Đáp: Đây là câu hỏi người ta thường hay đặt trở lại. Có nhiều người kinh ngạc thắc mắc: Tại sao trong thời đại tục hoá lan tràn này mà Giáo Hội còn thành công thu hút mạnh mẽ các thế hệ trẻ, và thúc đẩy đông đảo người trẻ toàn thế giới đáp trả lại lời mời gọi của Đức Thánh Cha như thế? Nghĩa là tóm lại, người ta hỏi đâu là bí mật sự thành công lớn lao của các đại hội giới trẻ thế giới chung quanh người kế vị Thánh Phêrô. Đức Chân phước Giáo hoàng Gioan Phaolô II có lần đã nói: "Điều mà người trẻ tìm kiếm trong các Ngày Quốc tế Giới trẻ đó là chính Chúa Kitô!" Trong một thế giới hỗn độn, người trẻ tìm kiếm một vị Hướng Đạo chắc chắn, một Đá Tảng trên đó có thể xây dựng đời mình. Thế rồi giới trẻ khám phá ra trong Giáo Hội sự đồng hành của biết bao nhiêu người nâng đỡ con đường cuộc sống của họ, một gia đình đích thực có các chiều kích toàn cầu... chứ Giáo Hội không phải là một cơ cấu lạnh lùng xa vắng với con người, như các phương tiện truyền thông thường trình bày.
Hỏi: Đâu là các yếu tố mới mẻ của Ngày Quốc tế Giới trẻ tại Rio de Janeiro, thưa Đức Hồng y?
Đáp: Có nhiều điều mới mẻ đáng ghi nhận. Trước hết, sau 26 năm, Ngày Quốc tế Giới trẻ lại trở về châu Mỹ Latinh. Ngoài ra, khi Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI chọn Rio de Janeiro như nơi cử hành Ngày Quốc tế Giới trẻ 2013, ngài đã hướng dẫn lộ trình chuẩn bị qua sứ điệp sâu xa của ngài. Và điều mới mẻ thứ ba là chính Đức Thánh Cha Phanxicô, vị Giáo hoàng châu Mỹ Latinh đầu tiên, sẽ chủ sự biến cố này.
Thế rồi cũng còn phải nói thêm là tuy cấu trúc nền tảng của Ngày Quốc tế Giới trẻ vẫn y nguyên, nhưng mỗi biến cố đều khác nhau, bởi vì bối cảnh văn hoá và tôn giáo thay đổi, tuỳ theo quốc gia tiếp đón các bạn trẻ. Như vậy, tại Rio, các vẻ đẹp thiên nhiên của thành phố, Tượng đài Chúa Kitô Vua khổng lồ Corcovado chắc chắn sẽ là các yếu tố quan trọng. Thề rồi cũng phải kể đến đức tin của các dân tộc châu Mỹ Latinh nữa, đặc biệt là của người dân Brazil, một đức tin sôi sục, tràn đầy hăng say và tươi vui. Đây cũng là một đặc thái khác nữa của Ngày Quốc tế Giới trẻ 2013.
Hỏi: Đức Thánh Cha muốn cho Ngày Quốc tế Giới trẻ Rio mang dấu ấn nào qua đề tài "Các con hãy ra đi và làm cho mọi dân tộc trở thành môn đệ...", thưa Đức Hồng y?
Đáp: Trong khung cảnh của Năm Đức Tin và của Thượng Hội đồng Giám mục Thế giới về việc truyền giáo mới, Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI đã muốn khích lệ giới trẻ trở thành các tác nhân đích thực của việc loan báo Tin Mừng trong thế giới ngày nay. Đối với Đức Ratzinger, nó không gì khác hơn là hoạt động tái loan báo Tin Mừng để làm nảy sinh ra một kiểu là Kitô hữu mới mẻ; được trẻ trung hoá, tràn đầy hăng say và niềm vui của đức tin. Các khích lệ của Đức Thánh Cha Phanxicô cũng nằm trong chiều hướng này. Ngài nói: "Giới trẻ phải nói với thế giới này; theo Chúa Giêsu là điều tốt lành;... ra khỏi chính mình để đem Chúa Giêsu tới các vùng ngoại ô của thế giới và của cuộc sống...” Như vậy, Ngày Quốc tế Giới trẻ Rio là một Ngày Quốc tế Giới trẻ truyền giáo...
Hỏi: Thưa Đức Hồng y, sau Ngày Quốc tế Giới trẻ tại Buenos Aires năm 1987, tức ở ngay trên vùng đất của Đức Thánh Cha Phanxicô xưa kia, cái gì đã thay đổi trong 26 năm qua đối với Ngày Quốc tế Giới trẻ? Trong 1/4 thế kỷ qua, người trẻ đã thay đổi như thế nào?
Đáp: Lịch sử gần 30 năm của Ngày Quốc tế Giới trẻ là một đài quan sát rất tốt thế giới của người trẻ. Trong các năm qua các thế hệ trẻ đã thay đổi một cách sâu rộng. Thập niên 1980 còn mang nặng dấu vết các trào lưu văn hoá của năm 1968, tức của việc tập trung chú ý có tính cách ý thức hệ cộng sản tư bản, của một sự phản kháng toàn diện và triệt để của thế giới chung quanh từ phía người trẻ, gắn liền với ảo tưởng có thể tạo dựng một thế giới khác thay cho thế giới hiện nay...
Ngày nay, trái lại, chúng ta đang chứng kiến các quang cảnh văn hoá, xã hội, kinh tế, chính trị và tôn giáo hoàn toàn mới mẻ. Giới trẻ đã là những người đầu tiên cảm thấy các hậu quả của các thay đổi đó, tích cực cũng như tiêu cực. Chúng ta có thế nói rằng giới trẻ là máy báo địa chấn văn hoá rất nhạy cảm... Các thách đố lớn nhất ngày nay là cuộc khủng hoảng liên quan tới Thiên Chúa và việc loại bỏ Thiên Chúa ra khỏi chân trời cuộc sống con người, cũng như cuộc khủng hoảng liên quan tới con người, vì con người đặt vấn nạn liên quan tới chính bản chất là người của nó. Trong bối cảnh của sự lạc lõng văn hoá, luân lý và tôn giáo này các Ngày Quốc tế Giới trẻ trở thành phòng thí nghiệm quan trọng giữa Giáo Hội và các thế hệ trẻ, nói theo kiểu của Đức Chân phước Giáo hoàng Gioan Phaolô II. Ngài nói: "Giáo Hội có biết bao nhiêu điều để nói với người trẻ, và người trẻ cũng có biết bao nhiêu điều để nói với Giáo Hội." (Christifideles laici, 64).
Ngoài ra, các Ngày Quốc tế Giới trẻ chứng minh cho thấy rằng trong thế giới người trẻ đang có một loại "cách mạng thinh lặng" - như ai đó đã nói như thế - khiến cho nhiều người trẻ khám phá ra Chúa Kitô như là đường đi, chân lý và sự sống... Tóm lại, nơi mỗi người trẻ đều có cái gì đó thay đổi, và có cái gì đó không thay đổi... Chắc chắn không thay đổi là các câu hỏi liên quan tới ý nghĩa cuộc sống và nỗi khát khao Thiên Chúa ở trong con tim của mỗi người...
Hỏi: Rất thường khi người ta nghĩ rằng đối với người trẻ Ngày Quốc tế Giới trẻ chỉ là một biến cố lễ hội và hiệp thông mau qua. Sau khi trở về nhà, mọi sự đều kết thúc. Trực giác của Chân phước Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã đem lại các hoa trái nào, thưa Đức Hồng y?
Đáp: Một trong các thách đố mục vụ chính của các Ngày Quốc tế Giới trẻ là việc xây dựng các cây cầu giữa các biến cố có vẻ đẹp ngoại thường này với sự tầm thường của cuộc sống trong các giáo phận, giáo xứ, hội đoàn và phong trào giáo hội; và đặc biệt là việc xây dựng một cây cầu với cuộc sống thường ngày của người trẻ. Thật vậy, Ngày Quốc tế Giới trẻ không được hiểu một cách giản lược như là việc cử hành kéo dài 5 ngày với sự hiện diện của Đức Giáo hoàng... Ngày Quốc tế Giới trẻ là việc gieo hạt giống Tin Mừng, cần được chuẩn bị trước và theo dõi sau đó với việc săn sóc: chỉ như thế nó mới mang lại hoa trái. Và có rất nhiều hoa trái thiêng liêng: có các cuộc hoán cải thật sự, các cuộc thay đổi triệt để kiểu sống, các ơn gọi linh mục hay cuộc sống thánh hiến hoặc hôn nhân Kitô, việc tái khám phá ra Bí tích Hoà Giải và lời cầu nguyện nói chung... Nhờ Ngày Quốc tế Giới trẻ đã nảy sinh ra một thế hệ trẻ mới - thế hệ của các người trẻ thưa "vâng" với Chúa Kitô và với Giáo Hội Người, nhưng cũng có một thế hệ mới của các nhân viên mục vụ trẻ, nhạy cảm hơn đối với các nhu cầu thiêng liêng của người trẻ...
Hỏi: Ngày Quốc tế Giới trẻ lần này có thể diễn tả điều gì đối với dân nước Brazil, thưa Đức Hồng y?
Đáp: Ngày nay, người ta nói tới Brazil như là một cường quốc kinh thế thế giới đang lên, nhưng đồng thời Brazil cũng là một quốc gia có các thách đố nghiêm trọng trên bình diện xã hội văn hoá và tôn giáo, gắn liền với sự phát triển nhanh chóng đang xảy ra. Tôi nghĩ rằng Ngày Quốc tế Giới trẻ Rio là một lời mời gọi mạnh mẽ đòi hỏi tất cả mọị người phải coi giới trẻ như là "thiện ích chung" qúy báu nhất của xã hội, và đặt để người trẻ vào trung tâm mọi dự án phát triển. Tuy nhiên, trên thực tế thường xảy ra điều ngược lại và không phải chỉ ở châu Mỹ Latinh thôi, nghĩa là người trẻ phải trả giá mắc mỏ nhất vì cảnh bị gạt bỏ ngoài lề xã hội, sống trong nghèo túng, thất nghiệp... Trong lúc này giới trẻ châu Mỹ Latinh cần có một luồng gió hy vọng, một sự hy vọng mà Ngày Quốc tế Giới trẻ có thể trao ban cho họ...
Cả Giáo hội Brasil cũng nuôi các mong đợi lớn đối với Ngày Quốc tế Giới trẻ. Lòng đạo đức bình dân là một sự phong phú của châu Mỹ Latinh ngày nay đang phải đương đầu với thách đố xâm lấn hiếu chiến của các giáo phái. Như thế, nó cần được tái truyền giảng Tin Mừng một cách sâu rộng. Chính trong nhãn quan này đã nảy sinh ra dự án "truyền giáo cho đại lục châu Mỹ Latinh", trong đó giới trẻ nắm giữ một vai trò quan trọng. Trong nghĩa này, Ngày Quốc tế Giới trẻ Rio là một món quà thật sự quan phòng đối với Brazil và toàn châu Mỹ Latinh...
Hỏi: Thưa Đức Hồng y, người trẻ Brazil có thể cống hiến chứng tá nào cho các bạn trẻ đến từ thế giới tây âu bị tục hoá nạng nề như vậy?
Đáp: Món quà lớn mà người trẻ Brazil có thể chia sẻ với các bạn trẻ đến từ thế giới Tây Âu là niềm vui của đức tin, là việc lựa chọn một Kitô giáo được sống với lòng hăng say! Chúng ta hãy nhớ rằng đối với Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI các Ngày Quốc tế Giới trẻ là "thuốc chống lại sự mệt mỏi của đức tin". Và đến lượt mình, Đức Thánh Cha Phanxicô đã viết trong Thông điệp "Ánh sáng Đức tin" rằng: "Tất cả chúng ta đều đã thấy trong các Ngày Quốc tế Giới trẻ, người trẻ cho thấy niềm vui đức tin, dấn thân sống một đức tin ngày càng vững vàng và quảng đại hơn." Trong các Ngày Quốc tế Giới trẻ người trẻ toàn thế giới làm chứng rằng cả ngày nay nữa đức tin là điều có thể; với đời sống của họ, họ nói rằng là tín hữu Kitô thật đẹp và họ mang trong tim một niềm hạnh phúc lớn lao... (SD 16-7-2013)
Linh Tiến Khải
(Nguồn: Radio Vatican)