MỘT NGÀY LÀ CHỦNG SINH GIOAN - MÃI MÃI THUỘC GIA ĐÌNH GIOAN

Đức TGM Parolin: Tân Quốc vụ khanh Toà Thánh

TGM Pietro Parolin
EMTY (Roma, Tổng hợp) - Hôm 31-8, Đức Giáo hoàng Phanxicô đã nhận đơn từ chức vì lý do tuổi tác của ĐHY Quốc vụ khanh Tarcisio Bertone và bổ nhiệm Đức TGM Pietro Parolin, Sứ thần Toà Thánh tại Venezuela, lên kế nhiệm.

Thông cáo của Toà Thánh viết:

"ĐTC đã nhận đơn từ chức của ĐHY Quốc vụ khanh Toà Thánh Tarcisio Bertone theo điều khoản số 354 của Bộ Giáo luật, nhưng ngài xin ĐHY tiếp tục giữ chức vụ này cho đến ngày 15-10 tới đây với mọi thẩm quyền của chức vụ này.

Đồng thời, ĐTC bổ nhiệm Đức cha Pietro Parolin, Sứ thần Toà Thánh tại Venezuela làm tân Quốc vụ khanh Toà Thánh. Theo đó, Đức TGM sẽ nhận chức vụ ngày 15-10 tới đây."

Trong dịp đó, ĐTC sẽ tiếp kiến các cấp trên và chức sắc của Phủ Quốc vụ khanh Toà Thánh để công khai cám ơn ĐHY Tarcisio Bertone vì lòng trung thành và quảng đại phục vụ Toà Thánh và giới thiệu vị Quốc vụ khanh mới.

Mặt khác, cùng ngày 31-8-2013, ĐTC đã tái bổ nhiệm các vị Bề trên tại Phủ Quốc vụ khanh, đó là Đức TGM Phụ tá Quốc vụ khanh Giovanni Angelo Becciu, người Italia; Đức TGM Ngoại trưởng Dominique Mamberti, người Pháp; Đức TGM Chủ tịch Phủ Giáo hoàng Georg Gaenswein, người Đức; Đức ông Phó Phụ tá Quốc vụ khanh Peter Wells, người Mỹ, và Đức ông Thứ trưởng Ngoại giao Antoine Camilleri, người Malta.

Vị tân Quốc vụ khanh Toà Thánh năm nay 58 tuổi, sinh ngày 17-1-1955 tại Schiavon, một thị trấn ở tỉnh Vicenza, miền bắc nước Ý. Thụ phong linh mục năm 1980, ngài vào trường ngoại giao Toà Thánh năm 1983. Sau khi đậu Tiến sĩ Giáo luật tại Đại học Giáo hoàng Gregoriana với luận án về Thượng HĐGM, Cha Parolin bắt đầu phục vụ trong ngành ngoại giao Toà Thánh từ ngày 1-7-1986, trước tiên tại Toà Sứ thần Toà Thánh ở Nigeria, rồi Messico và sau đó tại Phủ Quốc vụ khanh Toà Thánh từ năm 1992. Ngài thông thạo tiếng Pháp, Anh, Tây Ban Nha, và dĩ nhiên cả tiếng mẹ đẻ là tiếng Ý.

Ngày 30-11-2002, ngài được bổ nhiệm làm Thứ trưởng Ngoại giao về quan hệ với các quốc gia, thay thế Đức ông Celestino Migliore, được thăng Tổng Giám mục và làm Quan sát viên thường trực của Toà Thánh tại Liên Hiệp Quốc có trụ sở New York. Tại Phủ Quốc vụ khanh, đầu tiên ngài làm việc với Đức Hồng y Sodano và sau đó với ĐHY Bertone.

Trong tư cách thứ trưởng ngoại giao, Đức ông Parolin đã sang Việt Nam 3 lần để viếng thăm Giáo Hội và làm việc với các quan chức của chính phủ Việt Nam trong những vấn đề có liên hệ với Giáo Hội: lần đầu từ ngày 27-4 đến 2-5-2004; lần thứ hai từ ngày 5 đến 11-3-2007; lần thứ ba từ ngày 16 và 17-2-2009.

Đức ông Parolin cũng hướng dẫn phái đoàn Toà Thánh thương thuyết với các quan chức nhà nước Trung Quốc về tình trạng Giáo hội Công giáo tại nước này.

Vào tháng 9-2009, Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI bổ nhiệm ngài làm làm Sứ thần Toà Thánh tại Venezuela, và khoảng một tuần trước đó, ĐTC Bênêđictô XVI truyền chức giám mục cho ngài và một số vị khác, phụ phong là ĐHY Bertone.

Đức TGM Parolin là vị Quốc vụ khanh trẻ nhất sau ĐGM Eugenio Pacelli, về sau là ĐGH Piô XII, được bổ nhiệm làm Quốc vụ khanh Toà Thánh năm 1930, lúc mới 54 tuổi.

Trong tuyên ngôn công bố sau khi có tin bổ nhiệm, Đức TGM Parolin nồng nhiệt và kính mến cám ơn ĐTC vì sự tín nhiệm của ngài, đồng thời “tái bày tỏ ý chí và sự sẵn sàng hoàn toàn cộng tác với ĐTC và dưới sự hướng dẫn của ĐTC để làm vinh danh Chúa hơn, mưu ích cho Hội Thánh và sự tiến bộ cũng như hoà bình của nhân loại, để nhân loại tìm được những lý do để sống và hy vọng”.

Đức TGM cũng nhắc và ghi ơn ĐGH Bênêđictô XVI, ĐHY Bertone và các vĩ bề trên tại Phủ Quốc vụ khanh. Ngài cũng bày tỏ lòng tín thác nơi ơn Chúa, mặc dù đứng trước nhiệm vụ khó khăn và nhiều đòi hỏi. “Tôi phó thác cho lòng yêu thương từ bi của Chúa, mà không gì và không ai có thể tách tôi ra khỏi; tôi cũng phó thác cho lời cầu nguyện của mọi người”, ngài nói.

ĐHY Quốc vụ khanh Bertone rời bỏ chức vụ ngay trước sinh nhật lần thứ 79 của mình, như vị tiền nhiệm là Đức Hồng y Angelo Sodano, hiện là Niên trưởng Hồng y đoàn, đã làm. ĐHY Tarcisio Bertone, tu sĩ Dòng Don Bosco, trước đó đã làm Tổng Giám mục của Geneva cho đến khi được ĐTC Bênêđictô XVI chọn làm Quốc vụ khanh vào năm 2006, một năm sau khi Đức Ratzinger được bầu làm Giáo hoàng. Kỳ lạ thay, việc đề cử ĐHY Bertone được công bố vào tháng 6, nhưng ngài chỉ tiếp nhận chức vụ vào tháng 9: Vị tân Quốc vụ khanh của Vatican phải đối phó với cuộc khủng hoảng xoay quanh bài phát biểu gây tranh cãi của Đức Bênêđictô XVI tại Regensburg.

Việc lựa chọn một vị giám chức không thuộc giới ngoại giao của Vatican - đây không phải là lần đầu tiên đối với Giáo Hội - bắt nguồn từ những người quen thuộc với Đức Ratzingerr và thân cận với ĐHY Bertone, được hợp nhất từ năm 1995 đến năm 2002, khi ĐHY Bertone là thư ký của Bộ Giáo lý Đức tin, lúc đó ĐHY Joseph Ratzinger là người đứng đầu.

Vị nguyên Tổng trưởng Bộ Giáo lý Đức tin ấn tượng bởi cách làm việc và lòng trung thành của ĐHY Bertone. Đây là lý do ĐTC Bênêđictô XVI đã chọn ĐHY Bertone và bảo vệ ngài cho đến cùng, bất chấp sự phản đối từ các thành viên khác của giáo triều. ĐTC Bênêđictô XVI thậm chí từ chối các yêu cầu và đề xuất thay thế ĐHY Bertone từ những vị hồng y khác trong những năm gần đây.

ĐHY Bertone - vẫn còn là Hồng y Thị thần (Camerlengo) của Giáo hội và hiện vẫn giữ nhiệm vụ của ngài trong Hội đồng Giám sát Ngân hàng Vatican - đã biết việc thay thế ngài vào cuối mùa hè. Nhìn vào những tiền lệ gần đây, rất dễ dàng nhận thấy việc thay thế ĐHY Bertone, một phần do tuổi tác của ngài, đã đến một cách nhanh chóng. Vào tháng 10-1958, Đức Gioan XXIII đã chọn vị Quốc vụ khanh ngay trong buổi chiều ngài được bầu làm Giáo hoàng, nhưng vì vị trí đó đã bị bỏ trống từ năm 1944. Vị trí này vẫn để trống kể từ khi Đức Hồng y Luigi Maglione qua đời; Đức Giáo hoàng Piô XII đã không thay người khác mà chọn ĐHY Montini và Tardini, hai vị thay thế tạm (substitudes). Vào tháng 6-1963, ĐTC Phaolô VI đã quyết định giữ vị Quốc vụ khanh - ĐHY Hồng y Amleto Cicognani, 80 tuổi - của người tiền nhiệm thêm 6 năm nữa. Cả Đức Gioan Phaolô I và Gioan Phaolô II đều giữ vị Hồng y người Pháp Jean Villot làm Quốc vụ khanh, mặc dù ĐTC Gioan Phaolô II đã viết rằng một Giáo hoàng không phải người Ý nên có một Quốc vụ khanh là người Ý. ĐHY Villot, vẫn là vị Quốc vụ khanh Toà Thánh duy nhất đã phục vụ dưới 3 triều Giáo hoàng cho đến khi qua đời vào tháng 3-1979 và được thay thế bởi ĐHY Agostino Casaroli.

ĐTC Gioan Phaolô II chấp nhận việc từ nhiệm của ĐHY Casaroli khi nhân vật biểu tượng cho Ostpolitik (cởi mở) được 76 tuổi. ĐHY Angelo Sodano đã trở thành Quốc vụ khanh Toà Thánh tiếp theo, ngài giữ vị trí này trong triều đại Giáo hoàng Bênêđictô XVI gần 1 năm rưỡi (từ tháng 4-2005 đến tháng 9-2006).

Trong một cuộc phỏng vấn hồi tháng 7 vừa qua, Đức Hồng y Tổng Giám mục Timothy Dolan của New York đã phàn nàn về việc Quốc vụ khanh Toà Thánh vẫn chưa được thay thế, mặc dù đã có những lời chỉ trích ngài trong các cuộc họp trước Mật tuyển viện. “Tôi hy vọng rằng sau khi mùa hè tạm lắng, chúng ta sẽ thấy dấu hiệu một số chi tiết về những thay đổi trong việc quản lý”, vị Giám chức Mỹ nhận xét, trước đó ngài cho biết ngài dự kiến sẽ có việc thay đổi nhân sự trước khi nghỉ hè, như nhiều người khác đã dự đoán sai.

Hùng Nguyễn

(Nguồn: emty.org)