Cuộc xung đột tại Syria đã kéo dài ba năm. Cuộc xung đột này diễn ra cùng một thời điểm với hai cuộc xung đột tại Ai Cập và Tunisia, tức tháng Giêng năm 2011. Hai cuộc xung đột sau tạm đưa đến ngã ngũ cách nay đã lâu, chỉ còn lại cuộc xung đột Syria. Mấy tháng gần đây đã có những “cố gắng” của cả hai phe nhằm “kết thúc” cuộc tranh chấp. Phe chống đối đang tấn công rốt ráo hòng chiếm thế thượng phong, trong khi vừa đánh trả, chính phủ của Tổng Thống Assad vừa tìm hậu thuẫn cho một giải pháp hòa bình. Một phái đoàn cao cấp của chính phủ này vừa được gửi qua Vatican vì mục đích này.
Theo dự trù, tháng Giêng năm nay, hội nghị Genève II về Syria sẽ được khai mạc. Bản tin của Tân Hoa Xã hôm nay 7 tháng 1, 2014 cho hay Tổng Thư Ký LHQ Ban Ki-moon, vào Thứ Hai hôm qua, khi gửi giấy mời tham dự hội nghị này, đã gọi nó là “cơ hội duy nhất để chấm dứt bạo lực” tại Syria.
Phát ngôn viên của ông Ban Ki-moon cho hay mục tiêu của hội nghị này là đem hai phái đoàn “đại diện rộng rãi và khả tín” của chính phủ Syria và phe đối lập tới bàn thương nghị để chấm dứt cuộc tranh chấp và phát động một diễn trình chuyển tiếp chính trị qua việc thi hành trọn vẹn Thông Cáo Chung Genève ngày 30 tháng Sáu, 2012. Danh sách những người được mời đã được xác định vào ngày 20 tháng Mười Hai tại phiên họp ba phía gồm Liên Bang Nga, Hiệp Chúng Quốc và Liên Hiệp Quốc.
Cuộc Hội Nghị này được đặt dưới sự chủ tọa của Tổng Thư Ký LHQ, thoạt đầu dưới khuôn khổ quốc tế cấp cao tại Montreux, Thụy Sĩ, vào ngày 22 tháng Giêng, 2014. Các cuộc thương nghị giữa hai phía Syria, do Đại Biểu Hỗn Hợp Đặc Biệt Brahimi điều hợp, sẽ khởi diễn tại Lâu Đài Các Quốc Gia ở Genève vào ngày 24 tháng Giêng, 2014. Cốt lõi của cố gắng này là thành lập một cơ cấu cai trị chuyển tiếp dựa trên thỏa thuận chung.
Ngày 13 tháng này, Bộ Trưởng Ngoại Giao Hoa Kỳ John Kerry và Bộ Trưởng Ngoại Giao Nga Sergei Lavrov sẽ gặp nhau và quyết định việc mời Iran tham dự hội nghị. Sự tham dự này được LHQ coi là chủ yếu. Trong khi đó, phe đối lập Syria chưa chính thức đề cử thành viên phái đoàn của mình. LHQ đang thúc giục họ đề cử một phái đoàn rộng rãi càng sớm càng tốt để “kịp giờ chuẩn bị”.
Cũng trong tinh thần chuẩn bị ấy, Hàn Lâm Viện Khoa Học của Tòa Thánh sẽ tổ chức, vào ngày 13 tháng Giêng, một hội nghị chuyên viên với chủ đề “Syria: với con số tử vong 126,000 người và 300,000 trẻ mồ côi trong 36 tháng chiến tranh, liệu ta có thể tiếp tục dửng dưng được không?”
Tòa Thánh sẽ tìm cách đề nghị: thứ nhất “một cuộc ngưng bắn để việc trợ giúp nhân đạo có thể thực hiện được” tại Syria. Thứ hai, chấm dứt “các cuộc bách hại các Kitô hữu để khích lệ cuộc đối thoại liên tôn”. Thứ ba: “một thẩm quyền chuyển tiếp để tổ chức các cuộc tuyển cử và một chính phủ quốc gia thống nhất có trách nhiệm cả về quân đội lẫn an ninh”. Thứ bốn, chấm dứt nạn buôn người và đĩ điếm tại quốc gia tan nát vì chiến tranh này.
Hội nghị này được sự tham dự của nhiều chuyên gia thượng thặng. Hai chuyên gia người Mỹ là Giáo Sư kinh tế gia Jeffrey Sachs, người rất tích cực trong cuộc chiến đấu chống nghèo đói trên thế giới, và ông Thomas Walsh, chủ tịch quốc tế của Liên Minh Hòa Bình Hoàn Vũ và là chuyên viên về liên tôn xây dựng hòa bình và an ninh. Đức Hồng Y Jean-Louis Tauran, người Pháp, chủ tịch Hội Đồng Giáo Hoàng về Đối Thoại Liên Tôn sẽ đọc diễn văn khai mạc hội nghị.
Các chuyên gia và nhà lãnh đạo khác được mời tham dự hội nghị là Tony Blair, sáng lập viên Qũy Đức Tin Tony Blair và Đại Biểu chính thức của Nhóm Bốn Tổ Chức Về Trung Đông, tức LHQ, Liên Hiệp Âu Châu, Nga và Hiệp Chúng Quốc; Mohamed ElBaradei, cựu Phó Tổng Thống Ai Cập, cựu tổng giám đốc Cơ Quan Nguyên Tử Lực Quốc Tế, khôi nguyên Giải Hòa Bình Nobel 2005, và là nhân vật chính trong cuộc cách mạng chống hai tổng thống Hosni Mubarak và Mohammed Morsi; Pyotr Stegny, Đại Sứ Đặc Nhiệm và Toàn Quyền của Liên Bang Nga và là chuyên viên về chính sách ngoại giao thuộc Hội Đồng Quốc Tế Sự Vụ Nga; Joseph Maila, một chuyên viên người Libăng về Trung Đông, Hồi Giáo và chính trị; Miguel Angel Moratinos, nhà ngoại giao Tây Ban Nha và thành viên quốc hội phục vụ 7 năm trong tư cách đại diện đặc biệt của Liên Hiệp Âu Châu trong diễn trình hòa bình cho Trung Đông; Thierry de Montbrial, kinh tế gia người Pháp và là chuyên viên về liên hệ quốc tế.
Chương trình 8 trang của Hàn Lâm Viện Giáo Hoàng về Khoa Học có phần lược khảo về bối cảnh cuộc tranh chấp tại Syria. Theo đó, cuộc tranh chấp này có hai giai đoạn. Giai đoạn thứ nhất từ khoảng tháng Giêng, 2011 tới tháng Ba, 2012, phần lớn là việc nội bộ. Khi Mùa Xuân Ả Rập bùng nổ tại Tunisia và Ai Cập vào tháng Giêng, 2011, các cuộc biểu tình cũng nổ ra tại Syria. Song song với những ta thán thông thường chống lại một chế độ bạo tàn, người dân Syria phải quay cuồng với nạn hạn hán và giá thực phẩm tăng vọt. Các cuộc biểu tình này trở thành cuộc nổi loạn quân sự khi một phần quân đội Syria ly khai để thiết lập ra Quân Đội Tự Do Syria. Nước láng giềng Thổ Nhĩ Kỳ có lẽ là nước đầu tiên ủng hộ phe nổi loại, bằng cách cung cấp sào huyệt cho họ dọc theo biên giới hai nước. Dù bạo lực leo thang lúc ấy, nhưng con số tử vong vẫn chỉ ở hàng nghìn chứ chưa tới hàng chục nghìn.
Giai đoạn thứ hai bắt đầu khi Hoa Kỳ vận động một số quốc gia hỗ trợ cho phe nổi loạn. Trong một cuộc họp của các ngoại trưởng tại Istanbul ngày 1 tháng Tư, 2012, Hoa Kỳ và các nước này cam kết yểm trợ Quân Đội Tự Do Syria về tài chánh và hậu cần. Điều quan trọng nhất, ngoại trưởng Hoa Kỳ lúc ấy là Hillary Clinton tuyên bố rằng: “Chúng tôi nghĩ Assad phải ra đi”. Điều này đặt Hoa Kỳ vào thế đối nghịch với sáng kiến hoà bình của LHQ lúc ấy đang dưới quyền của Tổng Thư Ký Kofi Annan. Phương thức của ông này là kêu gọi một cuộc ngưng bắn, tiếp theo là một cuộc chuyển tiếp chính trị qua thương nghị. Ngoài việc tìm cách bảo vệ quyền lợi riêng của họ ở trong vùng, Nga và Trung Quốc dĩ nhiên bác bỏ ý niệm thay đổi chế độ tại Syria do Hoa Kỳ đưa ra. Nga cho rằng việc Hoa Kỳ nằng nặc đòi Assad phải ra đi tức khắc chỉ làm cản trở hòa bình. Về điều này, Nga rất có thể đúng. Vì một đàng, Nga tìm một phương thức thực tiễn nhằm bảo vệ quyền lợi thương mại của họ tại Syria và căn cứ hải quân của họ tại Tartus, đồng thời đem lại việc kết thúc cuộc đổ máu và công khai ủng hộ sáng kiến hòa bình của ông Annan. Đàng khác, với việc Hoa Kỳ và các quốc gia đang tài trợ cho phe nổi loạn, Nga (và Iran) đã cung cấp nhiều vũ khí tối tân hơn cho chế độ Assad.
Song song với việc can thiệp của các thế lực quốc tế, cuộc tranh chấp đã trở nên một cuộc nội chiến giữa các cộng đồng sắc tộc và có thể tạo nên không những một cuộc chiến tranh vùng mà theo nhiều nhà phân tích, còn có thể là bước đầu dẫn tới Thế Chiến III. Iran, Nga và Hezbollah ở Libăng ủng hộ Bashar Hafiz al-Assad. Iran theo Shiai sợ chủ nghĩa Wahhabism của Sunni (một hình thức quá khích của Hồi Giáo) lan ra khắp vùng. Nga muốn duy trì sự hiện diện của họ tại Tartus. Hoa Kỳ, một số nước Âu Châu, Saudi Arabia, Qatar và các nước Vùng Vịnh ủng hộ phe đối lập, có lẽ bị lôi cuốn bởi ý tưởng muốn hỗ trợ quyền lợi của Israel và các đồng minh của nó, vì Israel không an tâm về nền an ninh riêng của mình và sự chống đối của các nước theo Hồi Giáo Sunni chống lại Iran theo Shiai. Hơn nữa, Saudi Arabia và các nước Vùng Vịnh rất sợ việc lập ra “lưỡi liềm Shiai” tức Syria, Iran, Hezbollah nên đã tài trợ chủ nghĩa Thánh Chiến (al-Quaeda).
Rồi, với việc sử dụng vũ khí hóa học, có lẽ do chính phủ Syria (và có thể do cả hai phía), Hoa Kỳ lại một lần nữa thích làm to chuyện. Qua mặt LHQ một lần nữa, Hoa Kỳ tự tuyên bố có ý định trực tiếp can thiệp bằng việc oanh kích Syria, nói là để ngăn ngừa việc sử dụng vũ khí hóa học trong tương lai.
Đó là lý do khiến Đức Phanxicô, trong tháng Chín, phải vận dụng mọi ngả có thể để giữ cho chiến tranh khỏi leo thang. Trong lá thư gửi cho Vladimir Putin, lúc ấy là chủ tịch luân phiên của nhóm G20, ngài viết: “Điều đáng tiếc là ngay từ lúc mới bắt đầu cuộc tranh chấp tại Syria, các quyền lợi đơn phương đã thắng thế và thực tế đã cản trở việc tìm một giải pháp đáng lẽ đã tránh được cuộc tàn sát vô nghĩa hiện đang diễn ra”.
Ngài thúc giục: “Các nhà lãnh đạo G20 không thể tiếp tục dửng dưng đối với tình thế bi thảm của nhân dân Syria thân yêu, một tình thế đã kéo dài quá lâu rồi, thậm chí có nguy cơ đem lại đau khổ lớn lao hơn cho một vùng vốn chịu thử thách đắng cay vì tranh chấp và đang rất cần hòa bình. Với các nhà lãnh đạo đang có mặt, với mỗi vị và mọi vị, tôi hết lòng kêu gọi các vị giúp tìm ra phương cách để thắng vượt các chủ trương chống chọi nhau và đặt sang một bên cuộc tìm kiếm vô ích một giải pháp quân sự” vì “mọi chính phủ có nghĩa vụ luân lý phải làm mọi việc có thể làm được để bảo đảm việc trợ giúp nhân đạo cho những người đang đau khổ vì cuộc tranh chấp này, cả bên trong lẫn bên ngoài biên giới của xứ sở”.
Trong khi ấy, Đức Phanxicô cũng loan báo và thực thi một ngày ăn chay quan trọng (một thực hành của chung ba tôn giáo độc thần), một việc cũng là dấu chỉ gián tiếp nhằm vào mọi người tôn giáo của Iran và Syria đang can dự vào cuộc tranh chấp, mời gọi họ tập chú vào cầu nguyện và hòa bình (hậu quả chân thực của cầu nguyện) và gợi ý với họ rằng mọi người, kể cả các chính phủ, phải suy niệm về ý nghĩa sâu xa của hòa bình. Đức Phanxicô muốn giúp làm chúng ta ý thức được rằng nếu các tôn giáo khác nhau không sống hòa bình với nhau, thì sẽ không có hòa bình tại Trung Đông. Đồng thời, Đức Phanxicô cũng đã động viên các sứ thần trên khắp thế giới của ngài trong khi “ngoại trưởng” của ngài là Đức TGM Mamberti triệu tập các đại sứ bên cạnh Tòa Thánh không những để khuyến khích một giải pháp ngoại giao mà còn để nghiêm khắc lên án vũ khí hóa học và tra vấn bất cứ bên nào có trách nhiệm sử dụng chúng. Putin cố gắng thuyết phục Obama đừng tiến hành việc oanh kích. Có lẽ sự hiện hữu đông đảo những người duy thánh chiến trong phe đối lập đã góp phần thuyết phục được Hoa Kỳ từ bỏ kế hoạch tấn công của họ. Quyết định từ bỏ mọi vũ khí hóa học đã được đưa ra và một hội nghị quốc tế có tên là Genève II đã được hoạch định. Hành động này được đặc biệt đánh giá tại Vương Quốc Thống Nhất (UK), nơi Nghị Viện quay lưng lại chính phủ, bác bỏ việc Anh tham gia cuộc tấn công quân sự. Phát ngôn viên của Tổng Thư Ký LHQ Ban Ki-moon, tuyên bố: “Chúng ta sẽ tới Genève với một phái bộ hy vọng”.
Sự hiện diện của Nga và Hoa Kỳ, hai nước chủ chốt trong cuộc thương nghị đã được xác nhận. Các đại diện của chế độ và của phe đối lập có tới ngày 20 tháng Mười Hai để quyết định ai đại diện cho họ tại Genève II. Vì hoàn cảnh này, lần đầu tiên LHQ lên tiếng kết án ông Assad: “Ông ta đã cho phép các tội ác chiến tranh chống lại nhân loại”. Tuy nhiên, những người duy thánh chiến từng bắt giữ các nữ tu của một tu viện tại làng Maalula cũng nên bị kết án như thế.
Tại Genève, chế độ Assad và phe nổi loạn đối lập sẽ thương thảo việc thành lập một chính phủ chuyển tiếp có trách nhiệm cả về quân sự và an ninh. Khả thể tổ chức các cuộc bầu cử và soạn thảo một tân hiến pháp cũng sẽ được thảo luận. Việc tái tục diễn trình hòa bình của LHQ này, nay được Hoa Kỳ và Nga cùng đứng về một phía để ngăn ngừa bạo lực, rất có cơ thành công trong việc kiềm tỏa được al-Quaeda (quyền lợi chung) và tìm được giải pháp thực tiễn lâu dài cho sự chia rẽ nội bộ hết sức phức tạp của Syria.
Vũ Văn An
(nguồn: Vietcatholic News)