WHĐ (12.03.2014) – Bộ Nội vụ Malaysia vừa ra lệnh cấm sử dụng từ Allah trong một cuốn truyện tranh dành cho trẻ em, kéo dài cuộc tranh cãi về việc những người ngoài Hồi giáo có được sử dụng từ ngữ này hay không.
Trong một tuyên bố đưa ra hôm 7-3 vừa qua, Bộ Nội vụ Malaysia nói: Trong một kỳ phát hành loạt truyện tranh Ultraman dành cho trẻ em, siêu anh hùng Ultraman đã được các người hùng khác “kính trọng như Allah hay như bậc trưởng thượng”, vì thế truyện này có chứa “các yếu tố có thể đe doạ đến trật tự công cộng”.
Tuyên bố của Bộ còn nói: “Nếu việc này không bị ngăn chặn, nó có thể làm phương hại đến đức tin của trẻ em Hồi giáo khi đặt Allah ngang hàng với Ultraman.”
Chính phủ nói rằng chính loạt truyện tranh này không bị cấm, nhưng cấm sử dụng từ Allah trong ngôn ngữ Mã Lai, với án tù tối đa là 3 năm cho bất cứ ai bị bắt được phân phối sách này.
Lệnh cấm được đưa ra trong bối cảnh vẫn đang tranh chấp trong hệ thống pháp luật của Malaysia về quyền của người ngoài Hồi giáo có được dùng từ Allah để chỉ Thiên Chúa hay không. Allah trong tiếng Mã Lai tương đương với từ God trong tiếng Anh và là một từ vay mượn từ tiếng Ả Rập. Mã Lai là ngôn ngữ chính thức của quốc gia và người Mã Lai thuộc mọi tôn giáo đều dùng từ này, chứ không riêng người Hồi giáo.
Từ Allah được các Kitô hữu Ả Rập trên toàn thế giới sử dụng, và đã xuất hiện trong bản dịch Kinh Thánh bằng tiếng Mã Lai từ 400 năm nay.
Trong số 30 triệu người dân Malaysia, người Hồi giáo chiếm khoảng 60%, còn người Kitô hữu chỉ chiếm gần 10%. Đang khi Hiến pháp Malaysia bảo đảm quyền tự do tôn giáo, Hồi giáo được coi là tôn giáo chính thức của quốc gia.
Hồi tháng 10-2013, Toà án Malaysia đã phán quyết chống lại một tờ báo Công giáo sử dụng từ Allah để chỉ Thiên Chúa. Toà nói rằng từ Allah là đặc ngữ của Hồi giáo và việc người Kitô hữu sử dụng từ Allah có thể nhằm lôi kéo người Hồi giáo cải đạo sang Kitô giáo.
Cha Lawrence Andrew, Tổng Biên tập của tờ The Herald, tờ báo liên quan đến vụ án, nhận định: Phán quyết của toà án “vi phạm quyền tự do tôn giáo và tự do ngôn luận đã được ghi trong hiến pháp Malaysia”.
Cha nói thêm: “Đây là một bước thụt lùi trong việc phát triển của luật pháp liên quan đến quyền tự do cơ bản của các tôn giáo thiểu số.” (CNA/EWTN News)
Minh Đức
(Nguồn: WHĐ)