MỘT NGÀY LÀ CHỦNG SINH GIOAN - MÃI MÃI THUỘC GIA ĐÌNH GIOAN

Tổ chức “Cứu trẻ em” kêu gọi chấm dứt tội bạo lực tình dục đối với các trẻ em

Trong các ngày từ mùng 10 tới 13-6-2014 hội nghị quốc tế về Bạo lực tình dục chống lại các trẻ em đã diễn ra tại London thủ đô Anh quốc. Tham dự hội nghị có 140 ngoại trưởng các nước, cũng như đại diện của nhiều tổ chức dân sự, quân đội, pháp luật và các tổ chức phi chính quyền.

Trong hội nghị Phong trào “Cứu trẻ em” đã đưa ra lời kêu gọi các chính quyền và tổ chức quốc tế nỗ lực cộng tác để chấm dứt tội phạm này chống lại hàng chục triệu trẻ em.

Phong trào này đã được khởi đầu vào tháng 4 năm 2013 và kết hợp sự cộng tác của tất cả mọi cá nhân và tổ chức muốn thăng tiến các giá trị xã hội và hạnh phúc của trẻ em. Phong trào nhận định rằng môi trường xã hội và hệ thống giáo dục ngày nay khiến cho trẻ em bị qúa nhiều áp lực cướp mất tuổi thơ hồn nhiên của chúng, và gây ra rất nhiều chấn thương thể lý cũng như tâm lý làm tổn hại cho cuộc sống. Trong số các thành viên của Phong trào có nhiều nhân vật nổi tiếng thuộc nhiều lãnh vực khác nhau. Phong trào đã tổ chức phiên họp hai ngày có rất nhiều chuyên viên tham dự. Trong số các thuyết trình viên có Anthony Seldom, Tim Gill, Reg Bailey, Susan Greenfield và Sue Palmer. Các thuyết trình viên đã chia sẻ kinh nghiệm của họ về việc cấp thiết bảo vệ trẻ em khỏi mọi ảnh hưởng gây thiệt hai cho sức khỏe và hạnh phúc của các em. Trẻ em cần được lớn lên trong một môi trường lành mạnh với các cha mẹ, thầy cô, và những người săn sóc các em lành mạnh. Và chúng ta cần chú ý tới các loại giá trị mà chúng ta muốn thăng tiến trong xã hội.

Việc bảo vệ các trẻ em là một nhu cầu cấp bách vì các thống kê hiện nay cho thấy 1 trên 10 trẻ em bị rối loạn tâm trí; 1 trên 5 em cần được giáo dục một cách đặc biệt; 1 trên 5 em có các dấu chỉ ăn uống lộn xộn; 1 trên 3 em bị bệnh mập phì; 1 trên 12 em tự gây thương tích cho chính mình.

Chiến dịch bảo vệ trẻ em đầu tiên do phong trào phát động hồi tháng 9 năm 2013 có tên gọi là “Quá nhiều và quá sớm” nhằm tố cáo các cung cách tổ chức của hệ thống giáo dục xã hội đòi hỏi qúa nhiều nơi các trẻ em và tạo ra qúa nhiều áp lực đối với chúng, khiến cho trẻ em thường xuyên phải cố gắng nên lo âu sợ hãi và đánh mất đi tuổi thơ của chúng.

Chiến dịch này đã gây được tiếng vang lớn trong môi trường quốc gia và quốc tế. Mục đích thứ nhất phong trào nhắm tới là quy tụ tất cả những ai nhận ra sự soi mòn tuổi thơ tại Anh quốc và trợ giúp các nước khác trên thế giới chống lại hiện tượng đáng lo ngại này. Thứ hai là nhận diện ra vấn đề và tìm kiếm các giải pháp văn hóa và chính trị. Thứ ba là nêu bật, yểm trợ và thăng tiến các giải pháp sáng tạo trong tương lai nhằm bắt đầu một cuộc thảo luận sâu rộng trên toàn Anh quốc, liên quan tới mục đích giáo dục và định nghĩa thành công. Bảo đảm rằng các tình trạng hạnh phúc của trẻ em cần được chú ý ngang hàng với các kỹ năng của trí tuệ.

Nhận diện và lôi cuốn sự chú ý của quốc gia và quốc tế tới các áp lực không thích đáng trên bình diện phát triển gây thiệt hại cho sự phát triển thể lý, cảm xúc, tâm trí và tinh thần của trẻ em. Bảo vệ trẻ em, đặc biệt trong các năm đầu tiên của tuổi thơ, khỏi kỹ thuật màn hình và các đường hướng phát triển công nhận các lợi ích của thế giới vi tính. Bảo đảm các lợi ích của trẻ em theo Thỏa hiệp các quyền của trẻ em của Liên Hiệp Quốc và nêu bật các điều khoản về sự phát triển tự nhiên, thường chưa đạt được. Thành lập một Ủy ban liên ngành và chính trị mới cố vấn cho các chính quyền trong việc che chở và bảo vệ quyền được phát triển tự nhiên của trẻ em. Phát triển kiểu tiếp cận mới mẻ và gợi hứng phục vụ các nhu cầu của việc phát triển của trẻ em.

Phong trào “Cứu các trẻ em” cũng thường xuyên thăng tiến các đóng góp ý kiến, đối thoại, trao đổi và tổ chức các cuộc hội luận giúp nhận ra các thí dụ gợi hứng cho các giải pháp trong tương lai.

Theo ước tính của phong trào “Cứu các trẻ em” hiện nay trên thế giới có khoảng 30 triệu trẻ em vị thành niên là nạn nhân bạo lực tình dục trong hay sau các cuộc chiến và xung khắc đó đây trên thế giới. Hồi tháng 12 năm 2013 người ta ước tính tại Cộng hòa Trung Phi, nơi đang có các cuộc chiến tiếp diễn, việc hãm hiếp là hình thức phổ biến nhất đối với 40% các trẻ gái vị thánh niên. Cả các bé gái 5 tuổi cũng đã biết các bạo lực thể lý và tâm lý có nghĩa là gì.

Cũng trong năm 2013 bên Siria đã có 38.000 người kêu gọi Liên Hiệp Quốc cứu trợ sau khi đã chịu các tấn kích thể lý và các hành động bạo lực tình dục. Và người ta chắc chắn đây chỉ là chóp đỉnh của tảng băng bạo lực tính dục khổng lồ xảy ra trong chiến tranh tại Siria từ hơn 3 năm qua với hơn 100.000 người chết. Hãm hiếp là lý do giải thích tại sao nhiều cha mẹ lại bắt buộc các con gái còn bé lập gia đình, bởi vì họ sợ chúng có thể bị hãm hiếp trong cảnh chiến tranh và không muốn gia đình phải bị nhục vì có con gái rơi vào tình cảnh ấy.

Bên Libia trong thời gian sau chiến tranh có tới 83% các trẻ gái sống sót dưới 17 tuổi đã sống kinh nghiệm bị hãm hiếp. Nhiều khi các trẻ em bị các lực lượng quân đội lạm dụng tình dục ngay tại những nơi, mà đáng lý ra chúng phải được che chở bảo vệ nhất như các trường học.

Em Emma thuộc Cộng hòa Congo kể lại rằng em đã bị một binh sĩ hãm hiếp, khi sống trong trại tị nạn với mẹ và các bạn. Lúc đó là 9 giờ sáng, em ở lại đàng sau vì khi chạy trốn em bị trặc chân. Bất thình lình em trông thấy một binh sĩ đứng trước mặt, tay lăm le một khẩu súng lục và nói: “Mày chỉ có một lựa chọn thôi hoặc là hiến thân cho tao hay là tao giết mày”. Tôi nói là tôi không muốn chọn điều ấy và tôi bắt đầu chạy. Nhưng ông ta đuổi theo, chộp được tôi và hãm hiếp tôi. Ông ta đã không nói gì khi bạo hành tình dục tôi, nhưng tôi nghĩ “tôi muốn rằng đừng có chiến tranh cũng đừng có người tỵ nạn, để đừng xảy ra các cảnh này”. Rồi tôi lại chạy trốn, nhưng lần này ông ta không bắt được tôi. Tôi chạy về nhà và thay quần áo. Quần áo tôi bị vấy máu vì tôi đã mất trinh.

Phong trào “Cứu các trẻ em” hiện diện trong hội nghị quốc tế tại London với các đại diện và trẻ em nạn nhân bạo lực tình dục để mạnh mẽ yêu cầu các chính quyền hiện diện đưa vào chương trình hội nghị việc chống lại các hãm hiếp thể lý và tâm lý đối với các trẻ em trong các cuộc xung đột vũ trang, bằng cách chấm dứt tình trạng không trừng phạt các thủ phạm. Tổ chức đã đưa ra lời kêu gọi rất mạnh mẽ để hội nghị có các hành động cụ thể hầu thay đổi số phận của hàng chục triệu trẻ em bị bó buộc sống trong các hoàn cảnh nặng nề của chiến tranh và xung khắc. Cần phải đưa ra các biện pháp chuyên biệt để phòng ngừa mọi loại bạo lực chống lại các trẻ em và việc bảo vệ các em trong các môi trường chiến tranh phải là điều ưu tiên trong các can thiệp nhân đạo.

Để được như vậy phải tài trợ các sinh hoạt bảo vệ trẻ em chống lại các bạo hành tình dục, củng cố và bảo vệ các hệ thống giáo dục, phối hợp yểm trợ làm sao để các cơ quan liên hệ của Liên Hiệp Quốc và các tổ chức đa quốc có tài nguyên, các khả năng chuyên môn và sự yểm trợ chính trị hầu đối phó với vấn đề một cách hữu hiệu, bằng cách đặc biết chú ý tới các thiếu niên nam nữ bị tuyển mộ hay bổ sung cho các lực lượng hay các nhóm vũ trang. Ngoài ra cũng cần đầu tư nhiều hơn cho các sinh hoạt đưa tin tức và tường trình các tội phạm bạo lực tình dục chống lại các trẻ em. Các biện pháp này đỏi buộc phải gia tăng chi phí đầu tư. Theo tổ chức “Cứu các trẻ em” trong năm 2013 các chính quyền đã chỉ dành từ 0 đến 2% ngân qũy nhân đạo cho việc bảo vệ và phòng ngừa bạo lực chống lại trẻ em.

Phong trào đã tích cực hoạt động trong các vùng chiến tranh và vì thế biết các phương thế rất hữu hiệu giúp bảo vệ các thiếu niên nam nữ chống lại các tấn công thể lý trong chiến tranh và để cung cấp cho các em sống sót sự trợ giúp chuyên biệt mà các em cần.

Bên Colombia là quốc gia có nội chiến lâu nhất thế giới kéo dài từ 60 năm qua tổ chức “Cứu các trẻ em” hoạt động với các không gian thích hợp với các trẻ em cho phép các em được hưởng các phục vụ chuyên biệt yểm trợ cảm xúc và tâm lý. Trong các trại tỵ nạn cho người Somali bên Kenya các rẻ em sống sót và gia đình các em nhận được sự trợ giúp chuyên biệt và sự cố vấn từ các chuyên viên trong lãnh vực bảo vệ các trẻ em vị thành niên.

Ngoài ra tổ chức “Cứu các trẻ em” cũng hoạt động nhằm thay đổi các thói quen và cung cách hành xử nền tảng của bạo lực hay có nguy cơ gây ra bao lực đối với các trẻ em. Chẳng hạn bên Nepal qua các trung tâm riêng của mình tổ chức mạnh mẽ chống lại các thái độ và nền văn hóa bạo lực đối với các thiếu niên nam nữ và phụ nữ. Trong khi tại Myanmar tổ chức hoạt động bên cạnh các cộng đoàn địa phương để gây ý thức cho dân chúng liên quan tới các nguy cơ to lớn vì nạn tuyển mộ trẻ em chiến binh vào trong các lực lượng vũ trang từ phía giới quân nhân. Ngoài ra tổ chức “Cứu các trẻ em” cũng hoạt động để bảo đảm cho các luật lệ được soạn thảo và củng cố để che chở các trẻ vị thành niên và đưa việc bảo vệ đó vào trong các cơ cấu quốc gia như lực lượng cảnh sát, các binh chủng quân đội và các lực lượng bảo hòa.

Bạo lực tính dục ám chỉ mọi hành động, mưu toan hay đe dọa có tính cách tính dục gây ra hay có thể gây ra đau đớn và khổ đau tâm lý, thể lý hay xúc cảm cho một cá nhân. Và nó bao gồm việc lạm dụng tính dục và khai thác tình dục. Thuộc loại này còn có các vụ hãm hiếp, loạn luân, các sách nhiễu tình dục, cưỡng bách mại dâm, nô lệ tình dục, và buôn bán cơ phận người nhằm mục đích khai thác tình dục.

Theo Bản tường trình của phong trào “Cứu các trẻ em” tựa đề “Các tội phạm không tả nổi chống lại các trẻ em. Bạo lực tình dục trong các xung đột”, có 15,95% các trẻ em trai gái trên thế giới là nạn nhân của các vụ lạm dụng tính dục khi sống trong các vùng có chiến tranh xung đột. (SD 10-6-2014)

Linh Tiến Khải

(Nguồn: Radio Vatican)