MỘT NGÀY LÀ CHỦNG SINH GIOAN - MÃI MÃI THUỘC GIA ĐÌNH GIOAN

Chuyến công du của Đức Thánh Cha Phanxicô tại Nam Hàn

Phỏng vấn linh mục Hur Young-Up, phát ngôn viên Tổng giáo phận Seoul

Trong các ngày từ 13 tới 18 tháng 8 tới đây Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ viếng thăm mục vụ Nam Hàn để chủ sự ngày Giới Trẻ Á châu và lễ phong hiển Thánh cho 124 vị tử đạo Đại Hàn.

Lúc 16 giờ chiều ngày 13 tháng 8 máy bay chở Đức Thánh Cha cất cánh từ phi trường Fiumicino và sẽ đến phi trướng quốc tế Seoul lúc 10 giờ rưỡi sáng 14-8. Sau đó lúc 12 giờ Đức Thánh Cha sẽ cử hành Thánh lễ riêng tại Tòa Sứ Thần Tòa Thánh. Lễ nghi tiếp đón sẽ diễn ra vào lúc 15 giờ 45 tại “Tòa nhà xanh”. Sau đó lúc 16 giờ 30 ngài gặp gỡ hàng lãnh đạo Nam Hàn trong phong khánh tiết Chungmu. Lúc 17 giờ 30 ngài gặp gỡ càc Giám Mục Nam Hàn tại trụ sở của Hội Đồng Giám Mục.

Thứ sáu 15-8 lúc 8 giờ 45 phút sáng Đức Thánh Cha đi trực thăng tới Daejeon, và lúc 10 giờ 30 ngài chủ sự thánh lễ kính Đức Mẹ hồn xác lên trời và đọc Kinh Truyền Tin tại vận động trường quốc tế thành phố. 13 giờ 30 ngài dùng bữa với giới trẻ tại đại chủng viện Daejeon. Ban chiều lúc 16 giờ 30 ngài đi trực thăng đến Đền thánh Solmoe để gặp gỡ giới trẻ Á châu gần đền thánh. Lúc 19 giờ 15 ngài đi trực thăng trở về Seoul.

Ngày 17-8 lúc 8 giờ 55 phút Đức Thánh Cha viếng thăm Đền thánh tử đạo Seo So Mun và lúc 10 giờ ngài chủ tế thánh lễ phong hiển Thánh cho Paul Yun-Ji Chung và 123 vị tử đạo tại cửa Gwanghwamun ở Seoul. Vào ban chiều Đức Thánh Cha viếng thăm Trung tâm phục hồi người tàn tật tại “Nhà hy vọng” ở Kkhotongnae. Tiếp đến lúc 18 giờ 30 ngài gặp gỡ giới lãnh đạo Tông đồ giáo dân tại Trung tâm tu đức Kkhotongnae, sau đó Đức Thánh Cha trở về Seoul.

Chúa Nhật 17-8 lúc 10 giờ sáng Đức Thánh Cha đi trực thăng tới đền thánh Haemi và chủ sự thánh lễ bế mạc Ngày giới trẻ Á châu lần thứ sáu trong lâu đài Haemi.

Ngày thứ hai 18-8 lúc 9 giờ sáng Đức Thánh Cha gặp gỡ giới lãnh đạo các tôn giáo trong dinh cũ của tòa Tổng Giám Mục Seoul. Sau đó lúc 9 giờ 45 ngài chủ sự thánh lễ cầu nguyện cho hòa bình và hòa giải trong nhà thờ chính tòa Myeong Dong trong thủ đô Seoul. Lúc 12 giờ 45 là lễ tiễn biệt tại phi trường Seoul. Máy bay rời phi trường Seoul lúc 12 giờ và dự kiến về tới phi trường Ciampino của Roma lúc 17 giờ 45.

Nam Hàn rộng 99.268 cây số vuông, có hơn 5 triệu tín hữu Công giáo trên tổng số 43 triệu dân. Giáo hội Công giáo có 16 giáo phận, 1.673 giáo xứ và 843 trung tâm mục vụ. Nhân lực của Giáo hội gồm 35 giám mục, 3.606 linh mục triều, 655 linh mục dòng, 10 phó tế trọn đời, 516 tu huynh, 9.016 nữ tu, 56 giáo dân tận hiến, 123 giáo dân thừa sai và 14.195 giáo lý viên. Tính trung bình mỗi linh mục trông coi 1.266 tín hữu. Ngoài ra, Giáo hội còn có 395 tiểu chủng sinh và 1.489 đại chủng sinh. Giáo hội Công giáo Nam Hàn hiện đảm trách 235 trường tiểu học với gần 30 ngàn học sinh, 59 trường trung học với hơn 35 ngàn học sinh, và 34 trường cao học và đại học với hơn 156 ngàn sinh viên. Bên cạnh đó Giáo hội cũng điều hiển 40 nhà thương, 4 trạm xá, 9 trại phong cùi, 513 nhà hưu dưỡng cho người già, người tàn tật và người bệnh tâm thần, 513 nhà mồ côi, 277 vườn trẻ, 83 trung tâm gia đình và trung tâm bảo vệ sự sống, 49 trung tâm giáo dục chuyên biệt hay cải huấn xã hội và 200 trung tâm thuộc các loại khác.

Sau đây chúng tôi xin gửi tới qúy vị và các bạn bài phong vấn Linh mục Hur Young-Up phát ngôn viên Tổng giáo phận Seoul.

Hỏi: Thưa cha, cha có cảm nghĩ gì về chuyến công du sắp tới của ĐTC tại Nam Hàn?

Đáp: Giáo hội Đại Hàn là Giáo hội đầu tiên tại Á châu được Đức Thánh Cha Phanxicô viếng thăm. Qua biến cố ý nghĩa này Giáo hội Đại Hàn trở thành cánh cửa rao giảng Tin Mừng tại Á châu. Đức Thánh Cha đến Nam Hàn như là một chủ chăn để gặp gỡ dân chúng và gặp gỡ giới trẻ Á châu. Chúng ta có thể nói rằng Đại Hàn là quốc gia biểu tượng cho các nhu cầu hoà bình và hoà giải. Vì thế, chuyến viếng thăm của Đức Thánh Cha có thể mang lại một sứ điệp quan trọng của niềm hy vọng và hoà bình cho đất nước chúng tôi.

Hỏi: Người dân Đại Hàn nghĩ gì về Đức Thánh Cha Phanxicô, thưa cha?

Đáp: Không phải chỉ có các tín hữu Công giáo mà tất cả mọi người dân Đại Hàn đều thích Đức Thánh Cha Phanxicô. Chúng tôi quý trọng các kiểu cách thân thiện và sự đơn sơ của ngài, chúng tôi đánh giá cao kiểu ngài lo lắng cho cho người mghèo và những người bị gạt bỏ bên lề xã hội. Toàn dân Đại Hàn nóng lòng chờ được gặp gỡ Đức Thánh Cha Phanxicô.

Hỏi: Việc chuẩn bị đón tiếp Đức Thánh Cha tiến hành như thế nào thưa cha?

Đáp: Cùng với Giáo hội chính quyền của chúng tội cũng ủng hộ việc chuẩn bị cho chuyến công du mục vụ này của Đức Thánh Cha Phanxicô. Vì thế tôi tin rằng các chuẩn bị bên ngoài cũng như bên trong đều quan trọng. Chuyến viếng thăm của Đức Thánh Cha không chỉ là một dịp đặc biệt cho Giáo hội, mà cũng là một cơ may quan trọng cho các cuộc cải cách nội bộ và công tác rao truyền Tin Mừng nữa.

Hỏi: Thưa cha, cách đây 25 năm, hồi năm 1989, Đức Gioan Phaolô II đã viếng thăm Nam Hàn lần thứ hai. Đâu là các hoa trái của chuyến viếng thăm đó?

Đáp: Chuyến viếng thăm của Đức Gioan Phaolô II đã đem lại các kết quả tích cực cho Giáo hội Đại Hàn. Giáo hội đã được biết tới nhiều hơn trong xã hội và đã gây được ấn tượng tốt nơi người dân.

Hỏi: Tiến trình tục hóa liện quan tới Nam Hàn cũng giống như tại tất cả mọi quốc gia kỹ nghệ. Giáo hội Nam Hàn đã trả lời ra sao?

Đáp: Ngày nay đất nước chúng tôi bị ảnh hưởng nặng nề của ý thức hệ chủ thuyết duy vật, cá nhân chủ nghĩa, tục hóa, và vô cảm tôn giáo. Bên trong Giáo hội cũng có cùng vấn đề đó. Vì thế thật là điều quan trọng, khi Giáo hội tìm ra các con đường mới và các phương thức mới để đương đầu với các vấn đề như thế. Tôi tin rằng đó là một nhiệm vụ quan trọng và là một mục tiêu đối với việc rao giảng Tin Mừng.

Hỏi: Các tín hữu Nam Hàn có sẵn sàng đương đầu với thách đố của công tác rao truyền Tin Mừng mới hay không?

Đáp: Tái truyền giảng Tin Mừng là một phương pháp mới giúp chúng ta canh tân đức tin của mình trong thế giới thay đổi nhanh chóng này. Thật là quan trọng việc chính Giáo hội thay đổi trước để đi ra hướng về thế giới, và phổ biến Tin Mừng qua các phương tiện mới và với các kết quả mới. Con đường Giáo hội Đại Hàn phải đi còn dài, nhưng chúng tôi đang làm tốt chừng nào có thể để biến đổi việc rao giảng Tin Mừng thành hành động.

Hỏi: Chúng ta nhớ là Tin Mừng đã được phổ biến tại Đại Hàn năm 1700, có phải thế không thưa cha?

Đáp: Vâng, đạo Công giáo đã được đem vào đất nước chúng tôi sau khi các sách Công giáo được dịch ra tiếng Đại Hàn, và các học sinh Đại Hàn bắt đầu học. Tiếp theo đó các tín hữu thành lập các cộng đoàn Công giáo và rao giảng đức tin của họ cho những người khác. Như thế điều đặc biệt nhất của Giáo hội Đại Hàn là nó đã bắt đầu qua các giáo dân, chứ không qua các thừa sai. Giáo hội Đại Hàn đã chịu nhiều bách hại ngay lập tức. Nhưng cha ông chúng tôi đã duy trì được đức tin của mình, và tiếp tục phổ biến tin vui của Chúa Giêsu Kitô.

Hỏi: Thưa cha, đâu là dấn thân của Giáo hội cho việc thống nhất đất nước?

Đáp: Đây là sứ mệnh của Giáo hội Đại Hàn: làm việc cho hòa giải và thống nhất đất nước chúng tôi. Tôi tin rằng việc yểm trợ nhân đạo và các cuộc đối thoại chân thành là điều cần thiết nhất. Giáo hội đã tiếp tục yểm trợ nhân đạo cả khi tương quan giữa Bắc và Nam Hàn căng thẳng.

Hỏi: Liên quan tới việc tái thống nhất đất nước việc đối thoại liên tôn có tầm quan trọng nào giúp đạt mục đích này không?

Đáp: Đối thoại liên tôn là một vấn đề quan trọng, nhưng không liên quan gì tới các mục tiêu chính trị. Tôi nghĩ rằng thật là một điều hay đẹp, khi con người thuộc nhiều tôn giáo khác nhau hiểu biết nhau và trân trọng vẻ đẹp mà mọi tôn giáo đã đem đến cho con người. (RG 16-7-2014)

Linh Tiến Khải

(Nguồn: Radio Vatican)