MỘT NGÀY LÀ CHỦNG SINH GIOAN - MÃI MÃI THUỘC GIA ĐÌNH GIOAN

Đức hồng y Filoni gặp Đức Thánh Cha sau chuyến viếng thăm Iraq

Đức hồng y Filoni tại Iraq
WHĐ (24.08.2014) – Đức hồng y Fernando Filoni nói rằng Đức Thánh Cha “thực sự xúc động” với những gì Đức hồng y mô tả về các Kitô hữu và các cộng đồng thiểu số khác ở vùng Tây Bắc Iraq bị các chiến binh của nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo cưỡng bức ra đi, bỏ lại nhà cửa.

Đức Thánh Cha đã tiếp Đức hồng y Filoni sáng thứ Năm 21-08, khi Đức hồng y trở về Vatican sau một tuần lễ viếng thăm Iraq (từ 13 đến 20 tháng 8) với tư cách đặc sứ của Đức Thánh Cha.

Đức hồng y nói: “Đức Thánh Cha rất chăm chú lắng nghe, và ngài để cho tôi nói hết. Ngài ghi nhớ tất cả các tình huống tôi mô tả: những mong đợi và lo lắng của các Kitô hữu, cũng như việc trợ giúp của các giáo hội địa phương”.

Sau cuộc gặp gỡ Đức Thánh Cha, Đức hồng y Filoni, nguyên Sứ thần Toà Thánh tại Iraq và hiện nay là Bộ trưởng Bộ Truyền giáo, đã có cuộc tiếp xúc với Đài phát thanh Vatican.

Đức hồng y nói ngài đã gặp những người bị đuổi khỏi nhà mình tại sân nhà thờ, trong nhà thờ và trường học, và ở các trại tiếp đón. Ngài nói: “Quý vị phải nhớ rằng đây là thời gian nóng nhất trong năm, nhiệt độ thường xuyên trên 43 độ C, nên bóng mát và nước là cực kỳ quan trọng”.

Khi đã được đáp ứng những nhu cầu cấp thiết, mọi người lại đặt câu hỏi: “Tình trạng này sẽ kéo dài bao lâu? Điều gì đang chờ đợi họ?”

“Hình ảnh ấn tượng nhất mà tôi nhớ mãi là hình ảnh những con người đã mất hết mọi thứ”; nhưng họ vẫn còn được coi là may mắn nếu trong gia đình họ không có ai bị các lực lượng Nhà nước Hồi giáo sát hại.

Hầu hết các thành viên của cộng đồng tôn giáo thiểu số Yezidi lại không may mắn như thế, ngài nói. “Thật là khốn khổ. Gương mặt của họ thất thần”. Họ đã nhìn thấy rất nhiều người đàn ông trong làng của họ bị giết và nhiều phụ nữ bị bắt cóc, hãm hiếp và bị bán.

Đức hồng y Filoni nói với Đài phát thanh Vatican rằng hy vọng của ngài “là hy vọng của những người này”, đó là hy vọng được trở về nhà và được bảo đảm bằng một “hàng rào an ninh” của quốc tế xung quanh những ngôi làng của họ. (CNS)

Minh Đức

(Nguồn: WHĐ)