WHĐ (12.08.2014) – Ngày mai, thứ Tư 13-08, Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ bắt đầu chuyến tông du tại châu Á, đến Hàn Quốc. Đối với Đức Thánh Cha, châu Á là một ưu tiên của ngài: lần cuối cùng một giáo hoàng đến thăm châu lục này là vào năm 1999; đó là chuyến tông du của Đức Gioan Phaolô II đến Ấn Độ.
Từ ngày 13 đến 18 tháng Tám 2014, Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ viếng thăm Hàn Quốc, là chuyến đi thứ ba của ngài bên ngoài Italia, sau Brazil và Thánh Địa. Hàn Quốc đã hai lần được Đức Gioan Phaolô II viếng thăm: lần đầu tiên vào năm 1984, nhân dịp kỷ niệm 200 năm Giáo hội Hàn Quốc, và năm 1989, để tham dự Đại hội Thánh Thể quốc tế.
Những người mong đợi Đức Thánh Cha chủ yếu là giới trẻ: khoảng 2.000 bạn trẻ từ 23 quốc gia sẽ tham dự Đại hội Giới trẻ châu Á lần thứ sáu. Đức Thánh Cha sẽ gặp họ hai lần: ngày 15 và sau đó ngày 17, trong Thánh Lễ bế mạc Đại hội Giới trẻ. Nhân dịp này Đức Thánh Cha cũng gặp gỡ các giám mục châu Á; như thế rõ ràng chuyến viếng thăm này cũng mang tầm vóc châu lục, mười lăm năm sau chuyến viếng thăm lần cuối của một giáo hoàng đến khu vực này của thế giới.
Một điểm nhấn khác trong những ngày này là Thánh Lễ tôn phong chân phước cho 124 vị tử đạo Triều Tiên: các ngài là những người Công giáo đầu tiên, là những giáo dân mà lịch sử của hầu hết các ngài đã được khám phá và thẩm định lại. Đức Thánh Cha cũng sẽ gặp các cộng đồng tu sĩ và giáo dân hoạt động tích cực ở Hàn Quốc.
Hai miền Triều Tiên
Cuối cùng, vào ngày 18, ngày cuối cùng tại Hàn Quốc, Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ cử hành một thánh lễ cầu cho hoà giải và hoà bình tại Triều Tiên. Quả thực không thể đặt chân đến bán đảo Triều Tiên mà không đề cập đến các vấn đề phát sinh từ sự kiện chia cắt đất nước khi kết thúc một cuộc chiến tàn khốc. Mặc dù bức tường Berlin đã sụp đổ, mặc dù chủ nghĩa cộng sản ở Liên Xô và các nước Đông Âu đã cáo chung, và Chiến tranh Lạnh cũng đã chấm dứt, quốc gia châu Á này cho đến nay vẫn còn chứng kiến sự đối đầu giữa Đông và Tây, hay đúng hơn, giữa Bắc và Nam.
Các mối quan hệ giữa Pyongyang và Seoul dao động không ngừng giữa những khoảnh khắc căng thẳng cực độ, khi mà tiếng nói của chiến tranh chiếm ưu thế, và những khoảnh khắc thư giãn, khi mà những trao đổi, dù chỉ là trao đổi nhỏ nhất, khiến người ta hy vọng có thể đi đến hoà giải. Đây là trường hợp của đặc khu kinh tế Kaesong, nơi các công ty Hàn Quốc tuyển dụng công nhân Bắc Triều Tiên. Đây cũng là trường hợp của lĩnh vực du lịch trên địa bàn tỉnh Gangwon, tỉnh duy nhất nằm vắt ngang biên giới, nơi có thể truy cập một số trang web dành cho người Hàn Quốc. Không kể đến những trao đổi, chắc chắn rất hạn chế, giữa các gia đình ly tán vì chiến tranh. Trong thực tế, các mối quan hệ liên Triều chủ yếu phụ thuộc vào các chính sách do cả hai người lãnh đạo Nam và Bắc Triều Tiên đang theo đuổi. (Theo Vatican Radio)
Minh Đức
(Nguồn: WHĐ)