VATICAN. Tòa Thánh kêu gọi đừng đơn phương giải quyết các vấn đề ở Trung Đông bằng võ lực.
Lập trường trên đây được Đức TGM Dominique Mamberti, ngoại trưởng Tòa Thánh, trình bày trong phiên họp sáng ngày 3-10-2014 tại Vatican của các vị Sứ Thần Tòa Thánh ở các nước Trung Đông và các vị lãnh đạo tại Tòa Thánh.
Đức TGM Mamberti đã trình bày về tình hình chính trị tổng quát ở Trung Đông và những nguyên tắc hướng dẫn hoạt động của Tòa Thánh. Ngài khẳng định rằng cần phải tìm kiếm hòa bình qua một giải pháp "miền" và toàn bộ không bỏ qua lợi ích của phe nào, và qua đối thoại chứ không phải bằng những quyết định đơn phương áp đặt bằng võ lực.
Về hiện tượng khủng bố, Đức TGM ngoại trưởng tái khẳng định tầm quan trọng của việc bài trừ chủ nghĩa cực đoan là nguồn cội của khủng bố. Các vị lãnh đạo tôn giáo phải giữ một vai trò quan trọng, cổ võ đối thoại liên tôn và đặc biệt là sự cộng tác của tất cả mọi người để mưu thiện ích cho xã hội. Khi theo dõi tình hình chính trị ở Trung Đông và nói chung trong quan hệ với các nước có đa số dân theo Hồi giáo, Tòa Thánh luôn nghĩ đến các vấn đề cơ bản là việc bảo vệ và tôn trọng các tín hữu Kitô cũng như các nhóm thiểu số, như những công dân với đầy đủ danh nghĩa và nhân quyền, nhất là quyền tự do tôn giáo.
Trong phiên họp sáng thứ sáu, 3-10, Đức Sứ Thần Tòa Thánh tại Israel kiêm Khâm Sứ Tòa Thánh tại Jerusalem và Palestine đã trình bày về cuộc xung đột Israel-Palestine và về sự hiện diện của các tín hữu Kitô tại Thánh Địa. Ngài nhấn mạnh rằng để có sự ổn định cho vùng Trung Đông và hòa bình tại vùng này, điều chủ yếu là phải giải quyết cuộc xung đột giữa Israel và Palestine. Thực vậy, sau bao nhiêu năm, cuộc xung đột này tiếp tục không được giải quyết, với những hậu quả rất trầm trọng cho vùng này và thế giới.
Đức Sứ Thần cũng xác nhận rằng cuộc hành hương của ĐTC Phanxicô tại Thánh Địa và cuộc gặp gỡ cầu nguyện sau đó tại Vatican đã mở ra những hy vọng hòa bình. Cuộc xung đột mới đây tại Gaza nhắc nhở rằng tình trạng thật là trầm trọng và khó khăn, nhưng cần phải canh tân các nỗ lực ngoại giao để đạt tới một giải pháp công chính và lâu bền, tôn trọng quyền của cả hai phe trong cuộc xung đột. (SD 3-10-2014)
G. Trần Đức Anh OP
(Nguồn: Radio Vatican)