VATICAN. ĐTC Phanxicô nhiệt liệt ca ngợi và cám ơn sự đóng góp của ĐGH Biển Đức 16 cho thần học và khoa học, qua các giáo huấn, tấm gương và hoạt động của Người.
ĐTC bày tỏ lập trường trên đây sáng ngày 27-10-2014 tại trụ sở Hàn lâm viện Tòa Thánh về các khoa học ở nội thành Vatican, nhân dịp khánh thành bức tượng bán thân bằng đồng của Đức nguyên Giáo Hoàng Biển Đức 16 tại đây. Hiện diện tại buổi lễ có các HY, GM, LM và cũng như các thành viên Hàn lâm viện Tòa Thánh. ĐTC nói:
“Pho tượng bán thân này của Đức Biển Đức 16 gợi lại trước mắt mọi người con người và khuôn mặt của ĐGH Ratzinger yêu quí. Tượng cũng gợi lại tinh thần của Người: tinh thần các giáo huấn, tấm gương, công trình, lòng tận tụy của Người đối với Giáo Hội, và cuộc sống “đan tu” của Người hiện nay. Tinh thần này không phai mờ với thời gian, trái lại sẽ trở nên lớn lao và mạnh mẽ từ đời này sang đời khác. Biển Đức 16: một vị Đại Giáo Hoàng. Vĩ đại vì sức mạnh và trí thông minh thấu triệt của Người, thấu triệt vì sự đóng góp quan trọng của Người cho nền thần học, vĩ đại vì lòng yêu mến của Người đối với Giáo Hội và con người, vĩ đại vì nhân đức và lòng đạo đức của Người. Như anh chị em biết, lòng yêu mến của Người đối với sự thật không chỉ giới hạn vào thần học và triết học, nhưng còn cởi mở đối với các khoa học. Lòng yêu mến của Người đối với khoa được được biểu lộ qua sự quan tâm đối với các nhà khoa học, không phân biệt chủng tộc, quốc tịch, nền văn minh và tôn giáo”.
ĐTC cũng nhắc lại sự kiện lần đầu tiên ĐGH Biển Đức 16 đã mời một vị Chủ tịch Hàn lâm viện Tòa Thánh về các khoa học tham dự Thượng HĐGM thế giới về việc tái truyền giáo (10-2012), với ý thức về tầm quan trọng của khoa học trong nền văn hóa hiện đại.
ĐTC mời gọi mọi người cảm tạ Thiên Chúa vì món quà Chúa ban cho Giáo Hội và thế giới qua triều đại của ĐGH Biển Đức.
Cũng trong diễn văn, ĐTC đề cập đến đề tài khóa họp vừa kết thúc của Hàn lâm viện Tòa Thánh về các khoa học về sự tiến hóa của ý niệm thiên nhiên. Ngài nhấn mạnh rằng Thiên Chúa và Chúa Kitô đang đồng hành với chúng ta và hiện diện cả trong thiên nhiên, như thánh Phaolô Tông đồ đã quả quyết trong diễn văn tại Diễn trường ở thành Athènes Hy Lạp: “Thực vậy chúng ta sống trong Thiên Chúa, chúng ta cử động và hiện hữu trong Chúa” (Cv 17,28).
ĐTC cũng nhận xét rằng khi đọc trong sách Sáng thế trình thuật về việc sáng tạo, chúng ta có nguy cơ tưởng tượng Thiên Chúa như một pháp sư, với chiếc đũa thần, làm mọi sự. Nhưng không phải như vậy. Thiên Chúa đã tạo dựng các sinh vật và để cho chúng phát triển theo các qui luật nội tại mà Chúa ban cho mỗi loại, để chúng phát triển, để đạt tới mức độ viên mãn. Chúa ban cho các sinh vật của vũ trụ sự tự trị đồng thời nơi chúng, Chúa đảm bảo sự hiện diện liên tục của Ngài, mang lại sự hiện hữu cho mỗi thực tại”.
Theo chiều hướng đó, ĐTC khẳng định rằng Big-Bang, vụ nổ vĩ đại mà ngày nay người ta coi là ở nơi nguồn gốc thế giới, không hề mâu thuẫn với sự can thiệp sáng tạo của Thiên Chúa nhưng đòi phải có sự kiện ấy. Sự tiến hóa trong thiên nhiên không tương phản với ý niệm sáng tạo, vì sự tiến hóa giả thiết có sự sáng tạo các hữu thể tiến hóa” (SD 27-10-2014)
G. Trần Đức Anh OP
(Nguồn: Radio Vatican)