MỘT NGÀY LÀ CHỦNG SINH GIOAN - MÃI MÃI THUỘC GIA ĐÌNH GIOAN

Đức Thánh Cha tiếp kiến chung: kêu gọi chống chia rẽ, ghen tương

VATICAN. Trong buổi tiếp kiến chung 60 ngàn tín hữu hành hương sáng ngày 22-10-2014, ĐTC Phanxicô nhắn nhủ các tín hữu tránh chia rẽ, ghen tương trong cộng đoàn Giáo Hội.

Trong số các đoàn tín hữu hành hương, đông nhất vẫn là các đoàn nói tiếng Ý rồi đến tiếng Đức, đặc biệt là 3.500 tín hữu thuộc các giáo phận miền Romana bắc Italia; phái đoàn 1 ngàn người từ giáo xứ Đức Mẹ Núi Cát Minh ở Gela, dưới sự hướng dẫn của Đức GM giáo phận Piazza Amerina. Từ Việt Nam có một nhóm hành hương gồm 16 người thuộc Tổng giáo phận Sàigòn. Từ Nhật Bản có 160 tín hữu thuộc tổng giáo phận Tokyo về đây hành hương dưới sự hướng dẫn của Đức TGM Takeo Okada.

Sau phần tôn vinh lời Chúa với bài đọc ngắn trích từ thư thứ I của Thánh Phaolô nói về Giáo Hội như thân mình của Chúa Kitô. Đó cũng là đề tài được ĐTC khai triển trong loạt bài về Giáo Hội.

Bài huấn giáo của ĐTC

Anh chị em thân mến, chào anh chị em,

Khi muốn cho thấy rõ các yếu tố họp thành một thực tại liên kết chặt chẽ với nhau như thế nào và họp thành một thực thể duy nhất, người ta thường dùng hình ảnh một thân thể. Từ thánh Phaolô Tông đồ, thành ngữ này đã được áp dụng cho Giáo Hội và được coi là nét đặc trưng sâu xa nhất và đẹp nhất của Giáo Hội. Vì vậy hôm nay chúng ta hãy tự hỏi: theo nghĩa nào Giáo Hội họp thành một thân thể? Và tại sao Giáo Hội được định nghĩa là “thân mình Chúa Kitô?”

Trong sách ngôn sứ Ezechiel có mô tả một thị kiến khá đặc biệt, gây rùng mình, nhưng có khả năng mang lại niềm tín thác và hy vọng cho tâm hồn chúng ta. Thiên Chúa tỏ cho ngôn sứ thấy một bãi xương, tách biệt nhau và khô cằn. Một cảnh tượng tiêu điều.. Rồi Thiên Chúa bảo ngôn sứ hãy khẩn cầu Thần Khí trên chúng. Thế là các xương ấy bắt đầu xích lại gần nhau và liên kết với nhau, trên các xương đó trước tiên các dây thần kinh tăng trưởng rồi đến các lớp thịt và họp thành một thân mình trọn vẹn và đầy sức sống (Xc Ez 37,1-14). Đó chính là Giáo Hội! là một kiệt tác của Thần Khí, Người phú vào mỗi người sự sống mới của Đấng Phục Sinh và đặt chúng ta cạnh nhau, phần tử này phục vụ và nâng đỡ nhau, và qua đó Chúa biến tất cả chúng ta thành một thân mình duy nhất, được kiến tạo trong tình hiệp thông và tình yêu.

Nhưng Giáo Hội không phải chỉ là một thân mình được kiến tạo trong Thần Khí: Giáo Hội là thân mình của Chúa Kitô! Đây không phải chỉ là một kiểu nói: chúng ta thực sự là như vậy! đó là một hồng ân lớn chúng ta nhận lãnh trong ngày chúng ta chịu phép rửa! Thực vậy, trong bí tích rửa tội, Chúa Kitô đã làm cho chúng ta thuộc về Chúa, đón nhận chúng ta trong trọng tâm mầu nhiệm thập giá, mầu nhiệm tột đỉnh tình thương của Ngài đối với chúng ta, để cho chúng ta được sống lại với Ngài, như những thụ tạo mới. Giáo Hội được khai sinh như thế, và Giáo Hội được nhìn nhận là Thân Mình Chúa Kitô! Phép rửa tội tạo nên một sự tái sinh đích thực, tái sinh chúng ta trong Chúa Kitô, làm cho chúng ta trở nên chi thể của Chúa, liên kết chúng ta với nhau chặt chẽ, như những chi thể của cùng một thân mình, có Chúa là đầu (Xc Rm 12,5; 1 Cr 12,12-13).

ĐTC nhận xét rằng:

“Điều nảy sinh từ đó chính là một sự hiệp thông sâu xa trong tình thương. Theo nghĩa này, lời khuyên nhủ của thánh Phaolô soi sáng, khi Thánh Nhân nhắn nhủ những người chồng “hãy yêu thương vợ như chính thân thể của mình như Chúa Kitô vẫn yêu thương Giáo Hội, vì chúng ta là chi thể của Chúa” (Ep 5,28-30). Thật là đẹp nếu chúng ta năng nhớ lại mình là gì, Chúa Giêsu đã biến chúng ta thành gì: chúng ta là thân mình của Chúa, thân thể mà không gì và không ai có thể tách rời khỏi Chúa và Ngài bảo bọc thân mình ấy với tất cả lòng say mê và yêu thương của Ngài, như người chồng yêu thương vợ mình. Nhưng tư tưởng này phải làm nổi lên trong chúng ta ước muốn đáp lại tình yêu của Chúa Kitô, chia sẻ tình thương của Ngài giữa chúng ta, như các chi thể sinh động của cùng một thân thể. Thời thánh Phaolô, cộng đoàn Corinto gặp nhiều khó khăn theo chiều hướng này, như thường xảy ra giữa chúng ta, họ sống kinh nghiệm chia rẽ, ghen tương, thiếu thông cảm và gạt ra ngoài lề. Tất cả những điều đó không tốt, vì thay vì xây dựng và làm cho Giáo Hội được tăng trưởng như thân mình của Chúa Kitô, thì lại phân tán Giáo Hội thành bao nhiêu mảnh, cắt chặt Giáo Hội. Điều này cũng xảy ra ngày nay. Chúng ta hãy nghĩ đến các cộng đoàn Kitô, trong một vài giáo xứ, chúng ta hãy nghĩ đến những khu phố với bao nhiêu chia rẽ, ghen tương, bao nhiêu hiểu lầm và tình trạng bị gạt ra ngoài. Sự kiện đó làm cho chúng ta tách biệt nhau. Đó là khởi đầu của chiến tranh. Chiến tranh không bắt đầu nơi chiến trường: chiến tranh bắt đầu trong tâm hồn, với những sự thiếu cảm thông, chia rẽ, ghen tương, tranh giành nhau.

Cộng đoàn Corinto xưa kia cũng như thế, họ vô địch trong lãnh vực này. Vì vậy, thánh Tông Đồ đã gửi đến người dân thành Corinto vài lời khuyên cụ thể, và những lời này cũng có giá trị đối với chúng ta: đừng ghen tương, nhưng trong cộng đoàn chúng ta, hãy quí chuộng những năng khiếu và đức tính của các anh chị em chúng ta... Tất cả những gì gây phân rẽ thì cần phải tránh, chẳng vậy sự ghen tương sẽ lớn mạnh và làm đầy tâm hồn. Một con tim ghen tương là một con tim át-xít, một con tim thay vì có máu thì dường như chỉ có dấm; đó là một con tim không bao giờ hạnh phúc, một con tim phân hóa cộng đoàn. Vậy ta phải làm gì đây? Thưa hãy quí chuộng những năng khiếu và đức tính của những người khác trong cộng đoàn, của các anh chị em chúng ta. Khi ý tưởng ghen tương lẻn vào tâm trí chúng ta - vì tất cả chúng ta đều là người tội lỗi - thì ta phải thưa với Chúa: “Cám ơn Chúa, vì Chúa đã ban năng khiếu đó cho người ấy”. Hãy quí chuộng đức tính của họ, gần gũi và chia sẻ những đau khổ của những ngừơi rốt cùng và túng thiếu; biểu lộ lòng biết ơn đối với tất cả mọi người và đặc biệt đối với những người thi hành những công tác phục vụ khiêm tốn và âm thầm nhất, và sau cùng là lời khuyên của thánh Phaolô cho dân Corinto: đừng nghĩ mình cao trọng hơn người khác. Bao nhiêu người nghĩ mình cao trọng hơn người khác. Cả chúng ta nữa, bao nhiêu lần chúng ta nói như người Biệt Phái trong dụ ngôn: “Lạy Chúa con cảm tạ Chúa vì con không như người kia, con cao trọng hơn họ”. Nhưng như thế là xấu, không bao giờ được làm như vây. Khi định làm như thế, thì hãy nhớ đến các tội lỗi của mình, những tội mà chẳng ai biết, và xấu hổ trước mặt Chúa, và nói: “Lạy Chúa, Chúa biết ai cao trọng hơn. Con im miệng bây giờ”. Và làm như thế là tốt. Trong tình bác ái hãy coi nhau như chi thể của nay, sống và hiến thân mưu ích cho tất cả mọi người (Xc 1 Cr 12,14).

Và ĐTC kết luận rằng: Anh chị em thân mến, như ngôn sứ Ezechiele và như thánh Phaolô Tông đồ, chúng ta cũng hãy khẩn cầu Chúa Thánh Linh, cho ân thánh và những hồng ân dồi dào của Ngài giúp chúng ta thực sự sống như thân mình của Chúa Kitô và như dấu chỉ hữu hình và đẹp đẽ nói lên tình thương của Chúa.

Chào thăm và nhắn nhủ

Sau bài giáo lý bằng tiếng Ý, các LM và các giám chức của Tòa Thánh đã tóm tắt bài này bằng các sinh ngữ khác nhau cũng như dịch những lời ĐTC chào các tín hữu hành hương cùng với những lời nhắn nhủ của ngài.

Với các tín hữu nói tiếng Pháp, ĐTC đặc biệt chào thăm các bạn trẻ thuộc giáo phận Bayeux-Lisieux mới chịu phép thêm sức, cũng như những người thuộc giáo phận Lyon đang ở trong tình trạng bấp bênh. Ngài cho biết sẽ đặc biệt cầu nguyện cho họ.

Khi chào thăm các tín hữu Ba Lan, ĐTC nói:

“Hôm nay, chúng ta cử hành lễ kính nhớ Thánh Gioan Phaolô 2 Giáo Hoàng theo phụng vụ, Thánh nhân đã mời tất cả chúng ta hãy rộng cửa cho Chúa Kitô; trong cuộc viếng thăm đầu tiên tại quê hương anh chị em, Người đã khẩn cầu Chúa Thánh Linh ngự xuống, canh tân đất nước Ba Lan; Người cũng nhắc nhớ cho mọi người mầu nhiệm lòng từ bi của Chúa. Ước gì gia sản tinh thần của Người không bị lãng quên, nhưng thúc đẩy chúng ta suy tư và hành động cụ thể để mưu ích cho Giáo Hội, cho gia đình và xã hội.”

Sau cùng, bằng tiếng Ý, ĐTC chào các tín hữu thuộc các giáo phận ở miền Romagna, bắc Italia, cùng với các GM của mình, Ngài khuyến khích họ hãy tìm trong Phúc Âm những tiêu chuẩn soi sáng cho cuộc sống bản thân và cộng đoàn.

Hiện diện tại Quảng trường có đông đảo các nhân viên hãng hàng không Meridiana ở Italia đang bị đe dọa mất việc vì họ thuộc vào số nhân viên thặng dư. ĐTC nói: “Tôi muốn hiệp với Cộng đoàn giáo phận Tempio-Ampurias bày tỏ sự gần gũi và liên đới sâu xa với các nhân viên hãng hàng không Meridiana, đang sống những giờ lo âu cho tương lai công ăn việc làm của mình. Tôi nồng nhiệt cầu mong các vị hữu trách có thể tìm được một giải pháp công bình, để ý trước tiên tới phẩm giá con ngừời và nhu cầu không thể loại bỏ của bao nhiêu gia đình.”

Hãng này xác nhận sẽ thải 1.366 nhân viên. Chính phủ Italia đang cố gắng làm trung gian giải quyết vụ này.

Với các bạn trẻ, các bệnh nhân và các đôi tân hôn, ĐTC nhắc nhớ rằng “tháng 10 mời gọi chúng ta hãy canh tân sự cộng tác vào sứ mạng truyền giáo của Giáo Hội. Với năng lực tươi mát của tuổi trẻ, với sức mạnh của lời cầu nguyện và hy sinh, và với tiềm năng của đời sống vợ chồng, anh chị em hãy biết trở thành những nhà thừa sai của Tin Mừng, nâng đỡ cụ thể cho những người đang vất vả mang Tin Mừng đến cho những người chưa được nghe biết.

ĐTC cũng ứng khẩu nhắc nhở các tín hữu ngày hôm nay hãy lấy sách ngôn sứ Ezechiel và đọc đoạn thứ 37 kể lại thị kiến Thần Khí Chúa biến những xương khô thành một thành một thân mình sống động.

G. Trần Đức Anh OP

(Nguồn: Radio Vatican)