MỘT NGÀY LÀ CHỦNG SINH GIOAN - MÃI MÃI THUỘC GIA ĐÌNH GIOAN

Gợi ý chủ đề Tháng hoa hướng về Đại hội Đức Mẹ Trà Kiệu năm 2015

THÁNG HOA DÂNG KÍNH MẸ - 2015

NĂM TÂN PHÚC ÂM HÓA ĐỜI SỐNG GIÁO XỨ
VÀ CÁC CỘNG ĐOÀN SỐNG ĐỜI THÁNH HIẾN

Chủ đề chung:

ĐỨC MARIA,
NGÔI SAO CỦA CÔNG CUỘC TÂN PHÚC ÂM HÓA

"Maria vội vã lên đường"
(Lc 1, 39)


Lời nói đầu


Tháng Năm, tháng Hoa dâng kính Mẹ lại về. Đoàn con cái Mẹ ở khắp nơi muốn hiệp lời hát khen ca tụng Mẹ, dâng lên Mẹ những đóa hoa tươi xinh để tỏ lòng yêu mến. Ước chi những đóa hoa rực rỡ hương sắc ấy, được dâng lên Mẹ trong Năm Tân Phúc Âm Hóa Đời Sống Giáo Xứ Và Các Cộng Đoàn Sống Đời Thánh Hiến, không dừng lại ở vẻ đẹp bên ngoài, nhưng biểu lộ tâm tình của những người con muốn ngước nhìn và bắt chước Mẹ sống gắn bó với Chúa Giêsu, biết lắng nghe và ghi khắc Lời Ngài, hết tình yêu thương và phục vụ anh chị em và sẵn sàng đi ra làm chứng cho Tin Mừng của Chúa.

Trong bốn tuần của tháng Năm này, lồng trong bối cảnh của Năm Tân Phúc Âm Hóa Đời Sống Giáo Xứ và Cộng Đoàn, theo gợi ý mục vụ của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam, xin được đóng góp bốn chủ đề suy niệm như sau:

Tuần I: Cùng với Mẹ Maria, gia đình giáo xứ Sống Tình Yêu Thương.

Tuần II: Cùng với Mẹ Maria, gia đình giáo xứ Khắc Ghi Lời Chúa.

Tuần III: Cùng với Mẹ Maria, gia đình giáo xứ Yêu Mến Thánh Thể.

Tuần IV: Cùng với Mẹ Maria, gia đình giáo xứ Đi Ra Làm Chứng.



TUẦN I
CÙNG VỚI MẸ MARIA,
GIA ĐÌNH GIÁO XỨ SỐNG TÌNH YÊU THƯƠNG

Lời Chúa: Ga 2, 1-11

"Khi thấy thiếu rượu, Mẹ Chúa Giêsu nói với Người: "Họ hết rượu rồi" (Ga 2, 3).

Suy niệm:

Nói đến tình yêu là đề cập đến một điều vô cùng thiết thân đối với mỗi một con người đang sống trên cuộc đời này. Bởi lẽ, có thể nói rằng khát vọng lớn nhất của một con người là "yêu" và "được yêu". Yêu thương đã trở thành "hơi thở" của cuộc sống.

Chính "Thiên Chúa là tình yêu" (1Ga 4, 8.16) đã tạo dựng nên con người giống hình ảnh Ngài với một con tim biết yêu thương. Và Ngài muốn rằng con người phải sống tình yêu với Thiên Chúa và với nhau bằng chính tình yêu của Chúa Ba Ngôi, một tình yêu trao hiến trọn vẹn.

Đức Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa nhập thể làm người trong trần gian này, đã sống tình yêu thương ấy cách hoàn hảo và đã trở nên gương mẫu tuyệt vời cho con người trong cách sống yêu thương. Ngài yêu Chúa Cha và yêu con người bằng tất cả hữu thể của Ngài, thể hiện qua sự vâng phục hoàn toàn với Thánh Ý Cha là muốn cứu độ tất cả con người, đến độ chấp nhận hiến thân trên Thập Giá. Thật "không có tình yêu nào lớn hơn tình yêu của người thí mạng sống vì bạn hữu mình" (Ga 15, 13).

Và để yêu như Chúa đã yêu, thì ân sủng của Thánh Thần là điều không thể thiếu. Chính nhờ ân sủng của Chúa Thánh Thần tác tạo, mà con người có được một "quả tim mới" (Ed 36, 26) để sống trọn vẹn tình yêu dành cho Thiên Chúa và cho tha nhân.

Đức Maria, "Đấng đầy ân sủng", người được "Thánh Thần ngự xuống" và được "quyền năng Đấng Tối Cao rợp bóng" (Lc 1, 28.35) đã quảng đại đáp lại tiếng gọi yêu thương của Thiên Chúa làm Mẹ Đức Giêsu, Đấng Cứu Thế. Qua lời Xin Vâng đầy tin tưởng và phó thác, Mẹ Maria đã là người tín nữ tiên khởi đi vào mối tương quan tình yêu cách đặc biệt đối với Chúa và con người. Với cõi lòng khiêm cung nhưng rất rộng mở, Mẹ đã được đổ đầy tình yêu Thiên Chúa, đến độ không một phần bé nhỏ nào trong trái tim vẹn sạch của Mẹ là thiếu vắng tình yêu. Để từ đó, Mẹ hiến dâng tình yêu của Mẹ cho Thiên Chúa cách trọn vẹn bằng cả cuộc đời yêu thương Đức Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa, cũng như yêu thương hết thảy mọi người. Âm thầm và sâu sát, Mẹ đã luôn dấn thân trên hành trình tình yêu cùng với Con của Mẹ qua mọi biến cố vui buồn, từ lúc Giáng Sinh cho đến dưới chân Thánh Giá. Hy sinh và tế nhị, Mẹ cũng đã đồng hành trong tình yêu với tha nhân từ việc mau mắn ra đi giúp đỡ người chị họ Êlisabét cho đến ngỏ lời can thiệp trong tiệc cưới Cana khi đôi tân hôn thiếu rượu. Với cả cuộc sống thắm đượm tình yêu thương ấy, thánh Phanxicô đã hữu lý khi xưng tụng Mẹ là Nữ Vương Tình yêu.

Đáp lại lệnh truyền của Chúa Giêsu: "Các con hãy yêu mến nhau, như Thầy đã yêu mến các con" (Ga 15, 12), cùng với mẫu gương của Mẹ Maria, cộng đoàn giáo xứ, giáo họ, trong năm Tân Phúc Âm hóa này, được mời gọi trở nên một GIA ĐÌNH SỐNG TÌNH YÊU THƯƠNG. Được quy tụ bằng tình yêu Thiên Chúa, được cứu độ bằng Thập Giá Chúa Kitô, được nuôi dưỡng bằng ân sủng của Thánh Thần và được sự nâng đỡ của hiền mẫu Maria, gia đình giáo xứ sẽ là tổ ấm, mà trong đó mọi người sống và biểu lộ tình yêu cao độ đối với Chúa và lòng bác ái chân thành đối với nhau. Gia đình giáo xứ sẽ là một cộng đoàn thờ phường và là nơi mọi người yêu thương, quan tâm và chia sẻ với nhau. Mến Chúa và yêu người đã trở thành cặp song đôi của một giới răn duy nhất, là giới răn yêu thương. Tất cả thái độ dửng dưng hay thù nghịch với người lân cận là xúc phạm đến chính Thiên Chúa (x. St 3, 12; 4, 9).

Cầu nguyện:

Lạy Mẹ Maria, Nữ Vương Tình Yêu! Xin đồng hành và hướng dẫn chúng con biết sống trọn hai chữ Tình Yêu đối với Chúa và đối với tha nhân như xưa Mẹ đã sống. Ngõ hầu nhờ thế, chúng con có thể xây dựng cộng đoàn giáo xứ thành một gia đình sống tình yêu thương. Amen.


TUẦN II
CÙNG VỚI MẸ MARIA,
GIA ĐÌNH GIÁO XỨ KHẮC GHI LỜI CHÚA


Lời Chúa: Lc 2, 41-52

"Riêng mẹ Người thì hằng ghi nhớ tất cả những điều ấy trong lòng" (Lc 2, 51).

Suy niệm:

"Thiên Chúa nhân lành và khôn ngoan đã muốn mạc khải chính mình và tỏ cho mọi người biết bí tích Thánh Ý Ngài (x. Ep 1, 9)" (MK 2). Và để thực hiện điều đó, thì sau nhiều lần nhiều cách phán dạy qua các ngôn sứ, "Thiên Chúa đã phán dạy chúng ta qua Thánh Tử" (Dt 1, 2). Giờ đây, Lời của Thiên Chúa không còn xa lạ đối với con người, mà "đã trở nên người phàm và cư ngụ giữa chúng ta" (Ga 1, 14). Từ đây, "Chúa Giêsu Kitô, Ngôi Lời nhập thể 'là người đã được sai đến với loài người', 'nói tiếng nói của Thiên Chúa' và hoàn thành công trình cứu rỗi của Chúa Cha đã giao phó cho Người thực hiện (x. Ga 5, 36; 17, 4)" (MK 4). Lời đã thật sự trở thành biểu chứng tình yêu vô biên của Thiên Chúa dành cho nhân loại.

Là Ngôi Lời của Thiên Chúa, nên Lời Chúa Giêsu giờ đây là "thần khí và là sự sống" (Ga 6, 63), Lời có sức sáng tạo và nuôi dưỡng Giáo Hội lữ hành. Thật vậy, Tông huấn về Lời Chúa đã khẳng định: "Giáo Hội được xây dựng trên Lời Chúa; Giáo Hội được sinh ra và sống bằng Lời ấy" (số 3). Trong suốt dòng lịch sử, Giáo Hội - Dân mới của Thiên Chúa - luôn tìm được sức mạnh nơi Lời Chúa; và ngay cả hôm nay, Giáo Hội vẫn đang lớn lên nhờ nghe, cử hành và học hỏi Lời ấy. Cách cụ thể, trong những thập niên vừa qua, nhờ việc nhạy cảm hơn đối với chủ đề Lời Chúa, nhất là đối với mạc khải Kitô Giáo, Thánh truyền và Sách Thánh, mà đời sống Giáo Hội đang ngày càng gặt hái được nhiều hoa trái trong sự hiệp nhất, đối thoại đại kết, cũng như phát triển đức tin. Quả vậy, chính việc trung thành gìn giữ và rao giảng Lời Chúa làm phát sinh đức tin: "có đức tin là nhờ nghe giảng, mà nghe giảng là nghe công bố lời Đức Kitô" (Rm 10, 17). Lời Chúa và đức tin có một mối tương quan chặt chẽ với nhau, không thể tách rời.

Một gương mẫu sống động nhất trong hành động gắn kết hỗ tương giữa Lời Chúa và đức tin, đó là Đức Trinh Nữ Maria. Qua lời thưa "Xin Vâng", Mẹ đã đáp trả trong đức tin cách hoàn hảo lời mời gọi của Thiên Chúa. Từ lúc Truyền Tin cho đến ngày Chúa Thánh Thần hiện xuống, Mẹ "luôn tỏ ra là một người phụ nữ hoàn toàn cởi mở đón nhận ý Thiên Chúa [...] Đức tin vâng lời của Mẹ đã lên khuôn cho cuộc đời Mẹ mọi giây mọi phút trước kế hoạch của Thiên Chúa. Là một Trinh Nữ lúc nào cũng chăm chú lắng nghe Lời Chúa, Mẹ sống hòa điệu hoàn toàn với Lời ấy; Mẹ trân quý trong lòng mọi biến cố của Con mình, nối kết chúng lại với nhau thành như một bức tranh ghép duy nhất (x. Lc 2, 19. 51)" (LC 27). Sự hòa điệu với Lời Chúa của Mẹ còn được biểu lộ qua lời kinh Magnificat, một lời kinh mà Mẹ ngợi khen Chúa bằng chính Lời của Người. Bài ca Magnificat, có thể nói, là bức chân dung tâm hồn Mẹ, được dệt nên hoàn toàn từ những sợi chỉ Thánh Kinh, những sợi chỉ Lời Chúa. Mẹ ở trong Lời Chúa như đang ở trong nhà của mình. Lời Chúa đã trở thành hơi thở của cuộc đời Mẹ. Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô XVI, trong Tông Huấn về Lời Chúa, đã có lý khi gọi Đức Maria là "Mẹ Lời Chúa" và là "Mẹ đức tin".

Cùng với Mẹ, cộng đoàn giáo xứ, trong Năm Tân Phúc Hóa này, được mời gọi trở nên MỘT GIA ĐÌNH KHẮC GHI LỜI CHÚA, qua việc siêng năng đọc, suy niệm và thực hành Lời. Mỗi thành viên trong gia đình giáo xứ cần để mình được nhào nắn bởi Lời chúa, để cho Lời Chúa thấm đẫm và đi sâu vào mọi ngõ ngách của cuộc đời mình. Để nhờ thế, gia đình giáo xứ trở thành một cộng đoàn chứng nhân của Lời Chúa đến tận những "vùng ngoại biên", hầu giới thiệu Đức Giêsu, Ngôi Lời Thiên Chúa, cho mọi người anh chị em bằng đời sống đậm chất Tin Mừng.

Cầu nguyện:

Lạy Mẹ Maria, "Mẹ Lời Chúa" và "Mẹ đức tin"! Xin dạy chúng con biết yêu mến, khắc ghi và đem Lời Chúa ra thực hành, ngõ hầu đời sống đức tin của mỗi người trong gia đình giáo xứ chúng con được ngày thêm vững mạnh và phát triển. Amen.


TUẦN III
CÙNG VỚI MẸ MARIA,
GIA ĐÌNH GIÁO XỨ YÊU MẾN THÁNH THỂ

Lời Chúa: Cv 2, 42-46

"Các tín hữu chuyên cần nghe các Tông Đồ giảng dạy, luôn luôn hiệp thông với nhau, siêng năng tham dự lễ bẻ bánh, và cầu nguyện không ngừng" (Cv 2, 42).


Suy niệm:


Vì yêu thương và muốn ở lại với con người cho đến ngày tận thế, Chúa Giêsu đã có một sáng kiến vô cùng độc đáo, đó là lập nên Bí Tích Thánh Thể, một Bí Tích trao ban cho con người chính Mình và Máu Thánh Ngài, và truyền rằng: ”Anh em hãy làm việc này và tưởng nhớ đến Thầy" (Lc 22, 19).

Trung thành với giáo huấn của Chúa Giêsu và trong niềm tin mạnh mẽ vào Đấng Phục Sinh, Giáo Hội, ngay từ thời các tín hữu sơ khai, đã luôn chuyên cần cử hành "lễ bẻ bánh", tức cử hành Thánh Thể.

Mẹ Maria, người vẫn luôn hiện diện bên cạnh các Tông Đồ và cộng đoàn Giáo Hội tiên khởi, chắc hẳn cũng là một thành viên của cộng đoàn Thánh Thể. Nhưng không chỉ dừng lại ở đó, Mẹ còn là gương mẫu trong việc đón nhận và yêu mến Thánh Thể. Cả cuộc đời Mẹ, có thể nói, là dành để tôn thờ và yêu mến Thánh Thể cách trọn hảo. Mẹ là người đầu tiên yêu mến đón nhận và thờ lạy Thánh Thể Chúa Giêsu tại Bêlem trong ngày Giáng Sinh (Lc 2, 6-7); Mẹ nuôi dưỡng và làm triển nở tình yêu Thánh Thể ấy trong con người Mẹ suốt những năm tháng ẩn dật tại Nazarét cùng với Chúa Giêsu, cũng như trong thời kỳ hoạt động công khai của Người; và tình yêu Thánh Thể của Mẹ đạt tới đỉnh điểm khi Mẹ đứng dưới chân Thập Giá nhìn Con Yêu hiến thân cứu đời, cũng như khi dang đôi tay ẳm xác Con rất yêu dấu. Đối với Mẹ, Thánh Thể Chúa Giêsu là sự sống và là ý nghĩa của cuộc đời mình. Chính qua việc yêu mến và gắn bó mật thiết với Thánh Thể Chúa, mà cuộc đời Mẹ trở nên "đồng hình đồng dạng" với Chúa Giêsu, Con Mẹ. Tất cả các nhân đức rạng ngời của Mẹ, có thể nói, đều mang dấu ấn Thánh Thể. Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, trong thông điệp "Giáo Hội sống nhờ Thánh Thể", đã rất có lý khi gọi Mẹ là "Người Nữ của Thánh Thể", và là "trường dạy" trong việc đón nhận và yêu mến Thánh Thể.

Cùng chiêm ngắm Mẹ, cộng đoàn giáo xứ, trong năm Tân Phúc Âm Hóa này, được mời gọi trở nên một GIA ĐÌNH YÊU MẾN THÁNH THỂ. Trong đó, mỗi thành viên, giống như Mẹ, phải là một "người nam" hoặc một "người nữ" của Thánh Thể, nghĩa là biết "siêng năng tham dự lễ bẻ bánh và cầu nguyện không ngừng" hay nói cách khác, là biết chuyên cần "tham dự Thánh lễ và cử hành phụng vụ" (Thư chung của HĐGMVN trong năm Tân Phúc Âm Hóa Đời Sống Giáo Xứ và Cộng Đoàn, số 2). Vì chưng, Hy Tế Thánh Thể là "nguồn mạch và chóp đỉnh của toàn thể đời sống Kitô hữu" (GH 11). Đó là bí tích rất thánh "chứa đựng tất cả của cải thiêng liêng của Giáo Hội, đó là chính Chúa Kitô, Người là mầu nhiệm Phục sinh của chúng ta, Người là Bánh Hằng Sống, ban sự sống cho nhân loại bằng chính Thịt của Người, Thịt đã được sinh động nhờ Thánh Thần và làm cho con người được sống" (LM 5). Chính khi yên mến và đón nhận Thánh Thể, mà cộng đoàn giáo xứ mới thật sự trở thành một gia đình hiệp nhất và yêu thương.

Cầu nguyện:


Lạy Mẹ Maria, "Người Nữ Thánh Thể"! Mẹ đã đón nhận, cưu mang và yêu mến Thánh Thể Chúa Giêsu trong suốt cả cuộc đời, bất kể lúc vui hay buồn, lúc suông sẻ hay gặp khó khăn. Xin Mẹ dạy chúng con cũng biết hết lòng yêu mến và tôn thờ Thánh Thể như Mẹ. Để nhờ đó, gia đình giáo xứ chúng con, cùng với Mẹ, trở nên "Nhà Tạm" cho Thánh Thể Tình Yêu và Hiệp Nhất hiện diện giữa mọi người. Amen.


TUẦN IV
CÙNG VỚI MẸ MARIA,
GIA ĐÌNH GIÁO XỨ ĐI RA LÀM CHỨNG


Lời Chúa: Cv 1, 4-8


"Anh em sẽ nhận được sức mạnh của Thánh Thần khi Người ngự xuống trên anh em. Bấy giờ anh em sẽ là chứng nhân của Thầy tại Giêrusalem, trong khắp các miền Giuđê, Samari và cho đến tận cùng trái đất" (Cv 1, 8).


Suy niệm:


Trước khi về trời, Chúa Giêsu Phục Sinh đã trao lại cho các Tông đồ một sứ mạng đặc biệt, đó là "đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo" (Mc 16, 15), là "hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ" (Mt 28, 19), là trở thành chứng nhân cho Người đến tận cùng trái đất (x. Cv 1, 8). Trung thành với lệnh truyền của Chúa Kitô, với sức mạnh của Chúa Thánh Thần, Giáo Hội, từ thời các Tông đồ cho đến ngày nay, vẫn tiếp tục thi hành sứ mạng cao cả đó.

Công đồng Vaticanô II, trong Sắc lệnh về hoạt động truyền giáo của Giáo Hội, đã khẳng định: "Tự bản tính, Giáo Hội lữ hành phải truyền giáo" (TG 2). Bởi lẽ, "chính Giáo Hội bắt nguồn từ sứ mạng của Chúa Con và Chúa Thánh Thần theo ý định của Thiên Chúa Cha" (TG 2). Nói cách khác, mọi hoạt động truyền giáo của Giáo Hội bắt nguồn từ tình yêu của Ba Ngôi, là sự tiếp nối sứ mạng của các Ngài và là sự hoàn thành ý định của Thiên Chúa, Đấng muốn cho mọi người được cứu độ.

Tuy nhiên, công cuộc Tân Phúc Âm hóa của Giáo Hội ngày nay không chỉ nhắm đến sứ mạng Ad gentes, nghĩa là loan báo Tin Mừng cho những người chưa biết Đức Giêsu Kitô và sứ điệp cứu độ của Ngài, mà còn hướng đến những người, tuy đã được rửa tội, nhưng đang xa lìa Giáo Hội hay không sống đức tin Kitô giáo, hầu khuyến khích họ tái khám phá đức tin đã lãnh nhận qua kinh nghiệm gặp gỡ cá vị cách mới mẻ với Chúa Kitô. Đó là hai chiều kích mà Đức giáo hoàng Bênêđíctô XVI đã nói đến trong bài giảng khai mạc Thượng Hội Đồng Giám Mục về Tân Phúc Âm hóa.

Hiểu theo ý nghĩa đó, thì Đức Maria quả thật là Ngôi Sao của công cuộc Tân Phúc Âm hóa (x. Tông huấn Niềm Vui Tin Mừng). Một khi đã đón nhận Ngôi Lời Nhập Thể vào trong cung lòng, Mẹ đã "vội vã lên đường" (Lc 2, 19) để đem Tin Mừng là chính Chúa Giêsu đến cho người chị họ. Mẹ trở nên nhân chứng cho Thiên Chúa Tình Yêu bằng sự phục vụ tha nhân đầy quảng đại và hết sức dịu dàng. Mẹ luôn quan tâm đến nhu cầu của tha nhân với một con tim nhạy bén và tế nhị, nhờ thế mà đôi tân hôn tại Cana đã không thiếu rượu trong ngày vui (x. Ga 2, 1-11). Mẹ là người tín nữ tiên khởi kiên vững trong đức tin từ lúc vâng theo Thánh Ý Chúa Cha làm Mẹ Đấng Cứu Thế cho đến giây phút đứng dưới chân Thập Giá. Mẹ đã luôn hiện diện và cùng cầu nguyện với các môn đệ để xin Chúa Thánh Thần ngự đến (Cv 1, 14) và nhờ đó, công cuộc Phúc Âm Hóa đã bùng phát vào ngày lễ Ngũ Tuần.

Cùng chiêm ngắm Mẹ, cộng đoàn giáo xứ, trong năm Tân Phúc Âm Hóa này, được mời gọi trở nên một GIA ĐÌNH ĐI RA LÀM CHỨNG cho Tin Mừng của Chúa theo phong cách "Maria" (NVTM 288). Giữa một xã hội đang dần bị tục hóa, gia đình giáo xứ, cùng với Mẹ, hãy là chứng nhân về sự thánh thiện; giữa lúc con người đang dần vô cảm, dửng dưng với nhau, gia đình giáo xứ, cùng với Mẹ, hãy nên nhân chứng của tình thương và phục vụ; giữa một bầu khí đầy hận thù, chia rẽ, gia đình giáo xứ, cùng với Mẹ, hãy trở thành sứ giả của hòa bình, hiệp nhất và tha thứ. Là môn đệ của Chúa Kitô, chúng ta không sợ hãi trước những khó khăn và thách đố của thời cuộc. Bao nhiêu thách đố phải là bấy nhiêu cơ hội mới để loan báo Tin Mừng. "Khốn thân tôi nếu tôi không rao giảng Tin Mừng" (1Cr 9, 16).

Cầu nguyện:

Lạy Mẹ Maria, Mẹ là Mẹ Chúa Giêsu và cũng là Mẹ của chúng con. Như xưa, Mẹ đã luôn đồng hành cùng với Chúa trên hành trình truyền giảng Tin Mừng, thì nay xin Mẹ cũng thương đồng hành và giúp sức cho chúng con trên bước đường làm chứng cho Chúa bằng Lòng Tin, Đức Cậy và Tình Mến. Amen.

(Nguồn: GPĐN)