WHĐ (11.05.2015) / RV – Hôm thứ Sáu 08-05-2015, Toà Thánh Vatican đã công bố Bản văn kiện viết tay (chirographum) của Đức Thánh Cha Phanxicô về việc chính thức thành lập Uỷ ban Toà Thánh Bảo vệ Trẻ vị thành niên cùng với Quy chế của Uỷ ban này. Văn kiện của Đức Thánh Cha đề ngày 22-03-2014, còn Bản Quy chế được Đức hồng y Quốc vụ khanh Toà Thánh Pietro Parolin ký ngày 21-04-2015. Sau thời gian thử nghiệm 3 năm, Uỷ ban sẽ trình lên Đức Thánh Cha các tu chính để được chính thức phê chuẩn.
Đức Thánh Cha xác định: “Việc bảo vệ trẻ vị thành niên và nỗ lực để bảo đảm cho chúng được phát triển về phương diện con người và thiêng liêng phù hợp với phẩm giá con người thiết yếu thuộc về sứ vụ Phúc Âm mà Giáo hội và toàn thể các thành viên Giáo hội được kêu gọi thực thi trên thế giới”.
Đức Thánh Cha giải thích rằng “các sự kiện đau lòng buộc Giáo hội phải kiểm điểm lương tâm cách sâu sắc và phải có trách nhiệm xin các nạn nhân và xã hội tha thứ về điều ác mình đã gây nên”. Vì thế đã có nhiều sáng kiến được đưa ra để sửa chữa những thiệt hại, thực thi công lý và có biện pháp phòng ngừa để những tội ác như thế sẽ không bao giờ tái diễn trong Giáo hội.
Uỷ ban Toà Thánh này có nhiệm vụ thúc đẩy việc bảo vệ phẩm giá của trẻ vị thành niên và người lớn yếu thế, không phân biệt niềm tin tôn giáo, và hợp tác với các cá nhân hay tổ chức có cùng mục tiêu ấy. Đức Thánh Cha Phanxicô cũng kêu gọi tất cả những người cộng sự của ngài trong Giáo triều Rôma “làm hết sức mình để giúp đáp ứng các đòi hỏi của trẻ em”.
Ngoài ra, Uỷ ban cũng phải thúc đẩy các Giáo hội địa phương tham gia gánh vác trách nhiệm, cùng với Bộ Giáo lý Đức tin nỗ lực bảo vệ trẻ vị thành niên và người lớn yếu thế.
Bản Quy chế gồm sáu điều khoản, xác định bản chất và thẩm quyền của Uỷ ban Toà Thánh Bảo vệ Trẻ vị thành niên, theo đó Uỷ ban là một cơ quan độc lập của Toà Thánh, có tư cách pháp nhân công với nhiệm vụ tư vấn cho Đức Thánh Cha. Các đề nghị muốn trình lên Đức Thánh Cha phải có sự chấp thuận của đa số hai phần ba.
Về thành phần, Uỷ ban gồm tối đa mười tám thành viên được Đức Thánh Cha bổ nhiệm trong thời hạn ba năm, và có thể được tái bổ nhiệm. Các thành viên được chọn trong số những người có danh thơm tiếng tốt và có năng lực chuyên môn trong các lĩnh vực liên quan đã được uỷ thác cho Uỷ ban.
Chủ tịch Uỷ ban được Đức Thánh Cha bổ nhiệm trong số các thành viên của Ủy ban trong thời hạn ba năm và có thể được tái bổ nhiệm.
Thư ký Uỷ ban được Đức Thánh Cha bổ nhiệm trong số những người có năng lực chuyên môn về lĩnh vực bảo vệ trẻ vị thành niên; nhiệm kỳ của Thư ký là ba năm và có thể được tái bổ nhiệm. Thư ký là thành viên của Uỷ ban do chức vụ.
Uỷ ban họp Hội nghị toàn thể mỗi năm hai lần. Nếu có hai phần ba số thành viên yêu cầu, và được vị Chủ tịch chấp thuận, Uỷ ban cũng có thể triệu tập Hội nghị bất thường. Ngoài ra, Hội nghị toàn thể cũng có thể diễn ra bằng phương tiện trực tuyến (video conference).
Theo Bản Quy chế, khi vấn đề có liên quan đến thẩm quyền của các cơ quan giáo hội khác, Chủ tịch Ủy ban, với sự trợ giúp của Thư ký, phải tham khảo ý kiến ngay với văn phòng đặc trách bảo vệ trẻ vị thành niên tại các Giáo hội địa phương, các Hội đồng Giám mục, Hội nghị các Bề trên Dòng tu, cũng như Bộ của Giáo triều Rôma có thẩm quyền trong vấn đề này.
Các thành viên và cộng tác viên của các nhóm làm việc buộc phải giữ bí mật nghề nghiệp đối với các tường trình hoặc thông tin mà họ biết được trong khi thi hành nhiệm vụ.
Bản Quy chế còn xác định các ngôn ngữ được dùng trong Uỷ ban là tiếng Ý, Tây Ban Nha và tiếng Anh.
Uỷ ban Toà Thánh Bảo vệ Trẻ vị thành niên do Đức hồng y Sean O’Malley, Tổng giám mục Boston, làm chủ tịch. Trong khoá họp toàn thể lần đầu tiên hồi đầu tháng Hai 2015, các thành viên của Uỷ ban đã đặc biệt nhấn mạnh đến tính cấp bách của việc đề ra các biện pháp phòng ngừa thích đáng và kêu gọi ý thức trách nhiệm của hàng giáo phẩm và của tất cả những ai làm việc với người chưa thành niên. Giáo hội phải trở thành một mái ấm an toàn cho trẻ em, cho thanh thiếu niên và những người lớn yếu thế.
Huy Hoàng
(Nguồn: WHĐ)