Dân số Công Giáo thế giới đã tăng hơn 400 triệu kể từ năm 1980, với sự tăng trưởng mạnh nhất là ở châu Phi và châu Á. Một nghiên cứu mới của Trung tâm nghiên cứu ứng dụng trong các hoạt động Tông Đồ, gọi tắt là CARA của Đại học Georgetown đã cho biết như trên. Mặc dù các nghiên cứu của CARA cho thấy có sự tăng trưởng chung trong số người Công Giáo, kết quả nghiên cứu cũng cho thấy một số tin tức đáng buồn đối với Giáo Hội.
Người Công Giáo ít nhận lãnh các bí tích hơn, và việc kết hôn trong Giáo Hội đã sụt giảm.
Trong khi số lượng tuyệt đối người Công Giáo trên thế giới được dự báo sẽ tiếp tục tăng trưởng cho đến năm 2050, tỷ lệ người Công Giáo trong dân số chung của thế giới có thể là không thay đổi bao nhiêu.
Số lượng các giáo xứ Công Giáo đã không tăng kịp với số lượng người Công Giáo, và số linh mục phục vụ các tín hữu Công Giáo đã giảm mạnh đến 35% trên toàn thế giới kể từ năm 1980.
Các nghiên cứu của CARA cho thấy có một sự tương phản rõ rệt giữa một bên là sự phát triển mạnh của Giáo Hội tại châu Phi và châu Á, và một bên là sự suy giảm tại châu Âu. Từ năm 1980, châu Phi đã chứng kiến một sự tăng trưởng đến 238% số người Công Giáo, trong khi số giáo xứ tăng 112%, và số lượng các linh mục tăng 131%. Trong cùng thời kỳ này, tại châu Âu, số lượng người Công Giáo chỉ tăng 6%, nhưng số lượng các giáo xứ đã giảm 12% và số lượng của các linh mục đã giảm mạnh đến 32%.
Sự suy giảm tại châu Âu còn thể hiện nơi sự sụt giảm về số lượng các lễ cưới trong nhà thờ từ 1,5 triệu vào năm 1980 chỉ còn 650,000 vào năm 2012 và sụt mất đến 1.5 triệu trẻ được rửa tội.
Giáo Hội cũng đang tăng trưởng ở châu Á, nơi mà số người Công Giáo đã tăng 115% và số lượng của các linh mục tăng 121%.
Châu Mỹ gồm cả Bắc và Nam Mỹ tăng trưởng chậm hơn với 56% trong số người Công Giáo, và 2% trong số các linh mục.
Châu Đại Dương cũng tương tự. Số người Công Giáo gia tăng 67% Công Giáo, và số các giáo xứ tăng 5%.
Các nghiên cứu của CARA cho thấy tỷ lệ người Công Giáo nhận các bí tích một cách thường xuyên giảm trên thế giới kể từ năm 1980. Mức giảm mạnh nhất là ở châu Âu, tiếp theo là châu Mỹ.
Đặng Tự Do
(Nguồn: Vietcatholic News)