Giá trị và Sức mạnh của Nghi lễ
Ngày nay, chúng ta không còn hiểu được giá trị và sức mạnh của nghi lễ. Đây không chỉ là thiếu sót của cá nhân. Mà là bầu không khí văn hóa chúng ta đang hít thở. Như lời của Robert L. Moore, chúng ta trở nên ‘điếc về nghi lễ.’ Các tác động của điều này có thể thấy khắp mọi nơi. Cho tôi đưa ra 2 ví dụ:
Thứ nhất, chúng ta thấy điều này ngày nay trong việc quá nhiều cặp vợ chồng không nắm bắt được sự cần thiết phải trang trọng hóa mối quan hệ của mình qua nghi lễ hôn phối. Họ có sự kết ước cá nhân để sống chung với nhau, nhưng cảm thấy không cần phải trang trọng điều này trước một thẩm quyền dân sự hay trong một nhà thờ. Họ tin rằng tình yêu và kết ước cá nhân của họ cho nhau là đủ rồi. Vậy một nghi lễ trang trọng hay một phép lành giáo hội sẽ thêm gì cho tận tâm kết ước này? Cảm giác thịnh hành thời nay là: một nghi lễ trang trọng, dù là trong một nhà thờ, cũng chỉ là một lễ mừng một điều gì đó để làm vừa lòng người khác, và hơn nữa, là người ta cảm thấy việc này đóng góp rất ít, hoặc không có gì quan trọng cả. Vậy, nghi lễ đóng góp gì cho đời sống thực?
Chúng ta cũng thấy quan điểm này trong nhiều thái độ đương thời đối với việc đi nhà thờ, cầu nguyện và các bí tích. Việc dự phần vào điều gì đó, có giá trị gì khi dường như con tim chúng ta không nằm ở nơi đó? Đi lễ có giá trị gì khi chúng ta cảm thấy việc này như vô nghĩa? Cầu nguyện theo kinh có giá trị gì, khi ngày nay, lòng chúng ta cách xa những lời trên môi miệng hàng vạn dặm? Xa hơn nữa, đi nhà thờ hay đọc kinh có giá trị gì khi nhiều khi chúng ta cảm thấy một sự ác cảm chủ động nhất định về những việc này? Thật sự, những câu hỏi này thường bị xem như một lời buộc tội. Mọi người chỉ lướt qua việc đi nhà thờ và đọc kinh, lặp lại như con vẹt những lời thực sự chẳng có ý nghĩa với họ, và trải qua một nghi lễ trống rỗng! Vậy thì có giá trị gì đây? Giá trị là tự bản thân nghi lễ có thể giữ và nâng đỡ cho tâm hồn chúng ta trong một sự thâm sâu hơn những cảm xúc hiện thời của chúng ta.
Trong quyển sách mới đây của mình, Thế giới ngoài trí của bạn [The World Beyond Your Head], Matthew Crawford, đã cho rằng nghi lễ hành động tích cực ngay cả khi bạn có cảm giác tiêu cực. Những lời chính xác của ông là: ‘Hãy xem ví dụ một người chịu khổ không chỉ vì xúc cảm cuồng động của dục vọng, phẫn uất, hay ghen tương… mà còn vì buồn bã, bất mãn, chán chường, hay khó chịu. Chẳng hạn như một người vợ cảm nhận về chồng mình như trên. Nhưng cô tuân theo một nghi lễ nhất định, khi đêm về vẫn nói với chồng ‘Em yêu anh.’ Cô nói ra điều này không phải để cho biết về cảm giác của mình, bởi không thực như thế, nhưng cũng không phải là nói dối. Đây là một dạng lời kinh. Cô thốt ra một điều mà cô trân trọng, là mối liên kết hôn nhân, và khi làm thế, cô rời xa sự bất mãn hiện thời và hướng về mối liên kết này, cho dù có thể đó không phải là cảm nghiệm thực sự. Xưa đã nói rằng nghi lễ (đối ngược với chân thành) có một tính giả định: người ta hành động như thể tình trạng của mình là thật, hay có thể thật. … Nó giải thoát con người khỏi gánh nặng của sự ‘xác thực.’…. Nghi lễ nói lên rằng ‘Em yêu anh’… biến đổi tình trạng hôn nhân theo một cách nào đó, không cần phải thể hiện tình yêu quá nhiều để thốt lên câu thần chú này. Một người vợ người chồng mời gọi người kia cùng với mình tôn trọng hôn nhân, một điều đáng để tôn trọng. Đây thực sự là hành động đức tin: là tin vào người kia, nhưng cũng là tin vào một điều thứ ba, chính là hôn nhân.’
Những gì Crawford nêu bật ở đây chính xác là ‘một điều thứ ba’ nghĩa một sự gì đó vượt trên các cảm xúc của một lúc nhất thời và cả đức tin của chúng ta dành cho nhau, cụ thể là cơ chế hôn nhân tự nó đã mang trong mình nghi lễ, là một bí tích có thể giữ vững và nâng đỡ mối quan hệ vượt trên các cảm xúc và cảm giác nhất thời. Hôn nhân, là một thiết lập, vừa nhân bản vừa thiêng liêng, được định để nâng đỡ tình yêu bên trong và bên ngoài các dao động cảm xúc vốn luôn luôn có trong mọi quan hệ mật thiết. Hôn nhân cho phép 2 người tiếp tục yêu thương nhau, bất chấp sự buồn tẻ, cáu gắt, giận dữ, cay đắng, tổn thương, và thậm chí cả thiếu chung thủy. Hành động nghi lễ hôn phối đặt người ta vào trong sự giữ gìn này.
Dietrich Bonhoeffer, khi giảng tại các lễ hôn phối, thường xuyên cho các cặp tân hôn lời khuyên này:Ngày nay, các bạn yêu rất nhiều, và cảm giác rằng tình yêu sẽ giữ gìn cho hôn nhân của mình. Nhưng không phải thế. Chính hôn nhân mới giữ gìn cho tình yêu. Vì điếc đặc với nghi lễ, chúng ta thật khó để hiểu được điều này.
Và cũng như thế với việc đi nhà thờ, các bí tích và cầu nguyện riêng. Đây không phải là vấn đề cứ làm các việc này cả những khi chúng ta không có cảm giác gì. Nhưng đúng ra, là việc thực hành các nghi lễ như một câu thần chú, như một sự tôn trọng mối liên hệ giữa chúng ta với Chúa, như một hành động đức tin trong lời kinh.
Nếu chúng ta chỉ nói ‘Em yêu anh’ khi chúng ta thực sự cảm được cảm xúc đó, và nếu như chúng ta chỉ cầu nguyện khi thực sự thích cầu nguyện, thì chúng ta sẽ không thể bày tỏ tình yêu hay cầu nguyện thường xuyên được. Khi nói rằng, ‘Em yêu anh’ và khi đọc kinh trong những thời điểm mà cảm giác của chúng ta đi ngược với lời nói, thì không phải là chúng ta đang giả nhân giả nghĩa hay chỉ làm cho xong việc, nhưng là chúng ta đang thực sự bày tỏ những sự thực thâm sâu hơn đó.
LM Ron Rolheiser
J.B Thái Hòa chuyển dịch
(Nguồn: phanxico.vn)