Nhà Xuất Bản Salesian vừa phát hành cuốn “Ngữ Vựng Của Đức Giáo Hoàng Phanxicô”, dầy tới 300 trang, bao gồm các suy tư của 50 nhà chuyên môn, nhà báo và nhà văn về các từ ngữ chủ yếu của triều giáo hoàng Bergoglio.
Tác phẩm trên được coi là một phép lạ vì nó đã thành công trong việc đem lại với nhau “những con người thuộc các nguồn gốc và chuẩn bị khác nhau, để tạo ra một dụng cụ hữu ích trong Năm Thánh” như nhận định của Alessandro Gisotti, một nhà chuyên môn về Vatican của Đài Phát Thanh Vatican và là tác giả một bài đóng góp (“Người”), trong buổi ra mắt sách chiều ngày 17 tháng 12, tại trụ sở Đài Phát Thanh Vatican.
Đây là công trình của Cha Antonio Carriero, SDB, một linh mục trẻ đầy nhiệt huyết của Dòng Salesian. Ngài đã “đi gõ thật nhiều cửa” mới phối trí thành công tác phẩm trên, một tác phẩm mang lại cho người đọc nhiều khía cạnh về một vị giáo hoàng từng biến việc truyền thông, không phải chỉ bằng lời mà còn bằng cả ‘ngôn ngữ không lời’, thành một trong các chiến mã của mình. Từ chữ A trong “abbraccio” [ôm ấp, bảo bọc] tới chữ V trong “vergogna” [ô danh] (Cha Carriero quên mất chữ Z, nếu nhớ thì hẳn sẽ là ‘zanzare’, [sâu bọ phá hoại]”), tác phẩm này vẽ ra một bức họa đồ hữu ích giúp người đọc hiểu rõ hơn ngôn ngữ chân thực của vị giáo hoàng người Á Căn Đình.
Đức Ông Claudio Maria Celli, Chủ Tịch Hội Đồng Giáo Hoàng về Truyền Thông Xã Hội, nói trong buổi ra mắt sách rằng đây là một ngôn ngữ lần giở lại “tinh thần Mỹ Châu La Tinh” và “cuộc hành trình mục tử” của Đức Phanxicô. Đức Ông Enrico dal Covolo, Viện Trưởng Giáo Hoàng Đại Học Lateran, thì cho đây là một ngôn ngữ giống như “một tia sáng nhắc người ta nhớ tới ngọn lửa thần linh”. Đối với Linh Mục Antonio Sparado, Giám Đốc Tập San La Civilta Cattolica, đây là một ngôn ngữ hoa trái Tây Ban Nha, với giọng Buenos Aires, pha trộn âm sắc Piedmont (Ý) từ bà nội ngài”.
Trên hết, đây là một ngôn ngữ luôn gây một hiệu quả trong đời sống hàng ngày của người ta như đã được chứng minh trong các bài viết của các nhà báo tự nguyện đóng góp vào tác phẩm.
Họ đã tỉ mỉ xem xét các từ ngữ của Đức Phanxicô mà từ lúc xuất hiện lần đầu trên ban công Nhà Thờ Thánh Phêrô ngày 13 tháng Ba, năm 2013 đã chứng tỏ ngài là một nhà truyền thông vĩ đại. Tuy nhiên, lời lẽ của vị giáo hoàng Á Căn Đình này từ lâu vốn đã có chất lượng đáng kể. Như Cha Spadaro nhắc nhớ: “Trong một bài diễn văn năm 1999, Đức Cha Bergoglio hồi đó cho biết ngài rất ưu tư đối với diễn trình hạ giá lời nói. Những lời nói không có chất lượng, không ‘nhập thể’, rỗng tuếch nội dung”. Đối với ngài, “lời nói là phân biệt giữa Chúa Kitô ý niệm và Chúa Kitô người thật”.
Bởi thế, ngài luôn rất thận trọng trong những điều ngài nói và viết. Cha Sparado nhận định rằng: ngay trong các bài nói ứng khẩu “những gì ngài nói đều không phát sinh từ các ý tưởng đã đóng gói sẵn mà là từ cái nhìn vào thực tại”. Nên chúng luôn có “chiều kích sáng tạo – nói ứng khẩu đối với ngài là nói sáng tạo, phát sinh từ một linh hứng”.
Tính sáng tạo ấy thấy rõ trong những từ như “spuzza” [hôi thối], “misericordiare” [có lòng thương xót], “balconear” [nhìn kỹ], hay các thành ngữ như “scaricare le tenebre” [xua tan bóng tối]: chúng là những từ ngữ hay thành ngữ mới, được nhào nặn từ nhiều ngôn ngữ và thổ ngữ khác nhau, nhưng làm mạnh thêm ý niệm khiến người nghe khó có thể quên được. Theo cha Sparado, người thứ nhất phỏng vấn ngài lúc ngài mới lên ngôi giáo hoàng, “Đức Phanxicô không phát biểu như thông cáo báo chí, mà dùng ngôn ngữ nói chuyện (oral) ‘có tính bắt chước’ (mimetic), tức thứ ngôn ngữ của một người quen tiếp xúc với người ta”.
Không như Đức Gioan Phaolô II, người có lối truyền thông thi ca và kịch nghệ, một lối truyền thông trong đó cử chỉ đơm bông từ lời nói, nơi Đức Phanxicô, “chính lời nói phát sinh ra cử chỉ”, một cử chỉ gây tác động “giúp nhà báo viết ra hàng tít lớn”. Cha Sparado quả quyết rằng Đức Phanxicô “luôn ở trong biến cố truyền thông; ngài không phải là diễn viên của một bài diễn văn viết”. Mục tiêu của ngài luôn nhất quán: “giải phóng Logos Tin Mừng”, “công bố Tin Mừng”.
Đức Ông Celli, người cũng lưu ý tới các khía cạnh khác trong nghệ thuật truyền thông của Đức Phanxicô, đồng ý: “âm sắc trong lời nói của ngài, cái nháy mắt, các cử động của ngài…Cái độc đáo của Đức Giáo Hoàng là ‘tạo ra truyền thông’, khi lắng nghe ngài tại Nhà Thánh Mácta hay tại các buổi yết kiến chung hoặc trong các bài diễn văn khác, ngài luôn tạo ra biến cố” chứ “ngài không chỉ đọc lên các lời nói mà thôi”.
Và quả thực hình thức truyền thông của ngài làm cho “nền văn hóa gặp gỡ”, một nền văn hóa ngài hay giảng giải, trở thành như rờ mó được. “Đức Giáo Hoàng có khả năng ở gần gũi, ở sát bên những người nam nữ thời nay, nhưng với dáng vẻ của một người hành hương, không bao giờ ở trên, không bao giờ ở đàng trước, không bao giờ ở đàng sau, nhưng ở bên cạnh”. Và ai ai cũng cảm nhận được sự gần gũi của ngài, khả năng đồng hành không bao giờ dán nhãn hiệu của ngài.
Trong phần góp ý của mình, Đức Ông Celli cho hay “Đức Giáo Hoàng Phanxicô có khả năng rất lớn trong việc biểu lộ thiện cảm và lòng hiếu khách. Người ta không cảm thấy bị phê phán mà chỉ cảm thấy được tiếp nhận” vì nền tảng nghệ thuật truyền thông của ngài là “thái độ của người Samariatanô nhân hậu: không những gần gũi và đồng hành, mà còn chịu trách nhiệm nữa”.
Đức Ông dal Covolo thì cho rằng: ngôn ngữ của Đức Phanxicô độc đáo đến nỗi đã được nâng lên hàng một đối tượng nghiên cứu tại Giáo Hoàng Đại Học Lateran: “là một tu sĩ Salesian 46 tuổi, ưa hoạt động trong lãnh vực giáo dục, tôi thấy nghệ thuật truyền thông của Đức Phanxicô có hai điều học được từ việc ngài dạy dỗ trẻ em : không bao giờ bắt đầu giảng giải điều gì đó mà chính mình chưa hiểu rõ, và phải lưu ý phát biểu điều đó bằng thứ ngôn ngữ thích ứng với ngôn ngữ của những người lắng nghe mình”.
Đức Phanxicô làm tất cả các điều trên hiển hiện bằng cách nói rất đáng mến của ngài, cách nói của một người đã nội tâm hóa sâu sắc điều mình nói và muốn người khác hiều. Do đó, theo Đức Ông Viện Trưởng, ngữ vựng của Đức Giáo Hoàng đã trở thành đối tượng nghiên cứu tại Đại Học của ngài. Thí dụ, tại Viện Redemptor Hominis, là viện quan tâm tới việc huấn luyện các linh mục, có một khóa học về Nghệ Thuật Giảng Lễ (Homeletics) trong đó, phần chính yếu được lồng vào là Niềm Vui Tin Mừng (Evangelii Gaudium), nói về giảng thuyết, theo kinh nghiệm trực tiếp của Đức Phanxicô.
Vũ Văn An
(Nguồn: VCN)