MỘT NGÀY LÀ CHỦNG SINH GIOAN - MÃI MÃI THUỘC GIA ĐÌNH GIOAN

Đức giáo hoàng Phanxicô sẽ đến Thụy Điển nhân dịp chuẩn bị kỷ niệm 500 năm cuộc Cải Cách (Tin Lành)

WHĐ (26.01.2016) – Vào ngày 31-10-2016 tại Lund, Thụy Điển, Đức giáo hoàng Phanxicô cùng với Đức giám mục Munin A. Younan, Chủ tịch Liên hiệp Tin Lành Luther thế giới, và mục sư Martin Junge, Tổng thư ký Liên hiệp này, sẽ chủ tọa một nghi lễ đại kết do Giáo hội Luther Thụy Điển và giáo phận Công giáo Stockholm đồng tổ chức.

Nghi lễ kỷ niệm mang tính đại kết này nhằm hướng tới kỷ niệm 500 năm cuộc Cải Cách vào năm sau, đồng thời gợi lại những bước tiến triển về đại kết giữa người Công giáo và Tin Lành Luther và những quà tặng hai bên dành cho nhau qua cuộc đối thoại. Sự kiện sẽ bao gồm một cử hành chung dựa trên cuốn cẩm nang “Kinh nguyện chung” mới được phát hành dùng làm nền tảng phụng vụ cho các cử hành chung của Công giáo và Tin Lành Luther.

Phát biểu của các vị có trách nhiệm các Giáo hội

Tổng thư ký Liên hiệp Tin Lành Luther thế giới, Mục sư tiến sĩ Martin Junge, khẳng định: “Liên hiệp Tin Lành Luther thế giới chuẩn bị mừng kỷ niệm cuộc Cải Cách trong một tình thần trách nhiệm đại kết. Tôi xác tín một cách thâm sâu rằng khi làm mọi sự vì sự hoà giải giữa tín hữu Tin Lành Luther và Công giáo, đó là chúng ta làm vì sự công chính, hoà bình và hoà giải trong một thế giới đã bị các xung đột và bạo lực xé ra từng mảnh”.

Đức hồng y Kurt Koch, Chủ tịch Hội đồng Toà thánh cổ võ sự Hiệp nhất các Kitô hữu, giải thích: “Khi chúng ta cùng tập trung vào tính cách cốt lõi của vấn đề Thiên Chúa và vào một sự tiếp cận lấy Đức Kitô làm trung tâm, các tín hữu Luther và Công giáo có thể cùng nhau kỷ niệm cuộc Cải Cách, không phải với tính cách thực dụng, mà với một ý thức sâu sắc về lòng tin nơi Đức Kitô chịu đóng đinh và sống lại”.

Tổng giám mục Antje Jackelén của Giáo hội Thụy Điển nhấn mạnh: “Chính với niềm vui và hy vọng mà Giáo hội Thụy Điển tiếp đón Liên hiệp Tin Lành Luther thế giới và Giáo hội Công giáo đến Lund để cùng kỷ niệm cuộc Cải Cách; chúng ta sẽ cùng nhau cầu nguyện với tất cả gia đình đại kết Thụy Điển, để một cuộc kỷ niệm như vậy sẽ góp phần vào sự hiệp nhất các Kitô hữu tại đất nước chúng ta và trên toàn thế giới”.

Còn Đức cha Anders Arborelius, giám mục giáo phận Công giáo Stockholm, nhận định: “Tình hình đại kết trên phần đất này của thế giới có tính cách độc đáo và có sức lôi cuốn. Tôi hy vọng rằng một cuộc gặp gỡ như thế này sẽ giúp chúng ta nhìn về tương lai với tính cách những chứng nhân của Đức Giêsu Kitô và Tin Mừng của Người trong thế giới bị tục hoá của chúng ta”.

Một giai đoạn trong một tiến trình dài

Sự kiện sẽ diễn ra tại Lund nằm trong tiến trình của việc tiếp nhận tài liệu nghiên cứu “Từ Xung khắc đến Hiệp thông”, công bố năm 2013 và từ khi ấy đã được phổ biến rộng rãi trong các cộng đồng Luther và Công giáo. Tài liệu này là nỗ lực đầu tiên của việc hai bên cùng viết, trên bình diện quốc tế, về Lịch sử công cuộc Cải Cách và các mục tiêu của Cải Cách.

Vào đầu năm này, Liên hiệp Tin Lành Luther thế giới và Hội đồng Toà Thánh cổ võ sự Hiệp nhất các Kitô hữu đã gửi đến các Giáo hội thành viên của Liên hiệp và các Hội đồng Giám mục Công giáo tập sách cẩm nang “Kinh nguyện chung”, do hai bên cùng soạn, và là một hướng dẫn phụng vụ để giúp các Giáo hội cùng nhau cử hành việc kỷ niệm cuộc Cải Cách. Tập sách dựa trên văn kiện nghiên cứu “Từ Xung khắc đến Hiệp thông: Tin Lành Luther và Công giáo cùng nhau kỷ niệm cuộc Cải Cách vào năm 2017” và giới thiệu các chủ đề của việc tạ ơn, sám hối và dấn thân cùng nhau làm chứng, để diễn tả các ân sủng của cuộc Cải Cách và xin tha thứ vì những chia rẽ theo sau các cuộc tranh luận thần học.

Năm 2017 cũng sẽ trùng với kỷ niệm 50 năm đối thoại quốc tế giữa Tin Lành Luther và Công giáo; cuộc đối thoại đã dẫn đến những kết quả quan trọng đối với phong trào đại kết. Kết quả có ý nghĩa nhất là bản Tuyên bố chung về học thuyết công chính hoá. Bản Tuyên bố đã được Liên hiệp Tin Lành Luther thế giới và Giáo hội Công giáo cùng ký vào năm 1999. Năm 2006, Hội đồng thế giới Giáo hội Mêthôđist cũng ký vào bản Tuyên bố này. Bản Tuyên bố đã xoá bỏ các tranh luận xưa cũ kéo dài nhiều thế kỷ giữa Công giáo và Tin Lành Luther về các chân lý căn bản của học thuyết công chính hoá, vốn là trung tâm của cuộc Cải Cách Tin Lành thế kỷ XVI. (Vatican Radio)

Mai Tâm

(Nguồn: WHĐ)