MỘT NGÀY LÀ CHỦNG SINH GIOAN - MÃI MÃI THUỘC GIA ĐÌNH GIOAN

Xem lại Trung thành và Ái quốc


Trong một bài báo mới đây trên tạp chí America, Grant Kaplan đã bàn về thách thức của phục sinh, với những lời này: ‘Không như các cộng đoàn trước đây củng cố mối liên kết giữa các thành viên bằng chính những người mà nó loại bỏ và thí tội, bây giờ sự nhưng không của phục sinh cho chúng ta một cộng đoàn được xây dựng bằng những con người tha thứ và được tha thứ.’

Ý của Grant Kaplan là, chúng ta hầu như xây dựng cộng đoàn của mình qua việc biến ai đó thành kẻ xấu và loại trừ, nghĩa là chúng ta ràng buộc với nhau căn cứ trên những gì chúng ta chống lại, những gì chúng ta ghét hơn là trên những gì chúng ta hướng đến và trân quý. Thập giá và phục sinh, hay nói chung là thông điệp của Chúa Giêsu, mời gọi chúng ta trưởng thành sâu sắc hơn trong cách thiết lập cộng đoàn với người khác trên nền tảng là yêu thương và bao dung hơn là thù ghét và loại trừ.

Nhưng chúng ta thiết lập cộng đoàn với người khác bằng cách biến ai đó thành kẻ xấu và thí tội như thế nào? Một số nhà nhân học, đặc biệt là Rene Girard và Gil Bailie, cho chúng ta những thấu suốt về sự thí tội và quỷ hóa trong thời cổ đại và cả ngày nay.

Nói ngắn gọn, chúng là thế này: Khi nào chưa đạt đến một mức độ trưởng thành nhất định, cả trong cá nhân lẫn tập thể, thì chúng ta sẽ luôn luôn thiết lập cộng đoàn bằng cách thí tội. Hãy thử hình dung: Một nhóm người chúng ta (trong gia đình hay bạn bè) đi ăn tối với nhau. Hầu như luôn có những căng thẳng chia rẽ nào đó giữa chúng ta, những va chạm cá nhân, ghen tỵ, tổn thương trong quá khứ, những khác biệt về tôn giáo, hệ tư tưởng và chính trị. Nhưng những điều này có thể ẩn đi, và chúng ta có thể dùng bữa vui vẻ với nhau. Làm sao để được như thế? Bằng cách nói về một người khác mà chúng ta đều không thích, đều ghét hay sợ, hay đều thấy họ kỳ cục và lập dị. Khi ‘quỷ hóa’ những người này bằng cách nêu bật lên sự kỳ quái, xấu xa, hay lập dị của họ, thì những khác biệt của chúng ta lặn đi thay vào đó là một sự đồng cảm và những điểm chung với nhau. Bằng cách quỷ hóa người khác, chúng ta tìm thấy điểm chung với nhau. Tất nhiên, bạn rất ngại khi phải rời bàn để đi đâu đó, bởi sợ rằng khi vắng mặt, thì chính bạn sẽ là người tiếp theo lên thớt.

Hơn nữa, chúng ta cũng làm thế này trong đời sống riêng của mình để giữ cân bằng. Thành thật mà nói, ai ai trong chúng ta cũng phải thừa nhận một khuynh hướng nội tại là đổ trách nhiệm cho những lo lắng và cảm giác xấu trong chúng ta cho một ai đó. Ví dụ như: Một sáng nọ, chúng ta ra đường mà trong lòng thấy kích động và giận giữ một cách mơ hồ vì nhiều lý do khác nhau. Thường thì chúng ta sớm đẩy sự khó chịu này lên người khác, một cách ý thức hay vô thức, và quy kết họ về cảm giác xấu của chúng ta. Lúc đó chúng ta nghĩ rằng nếu không có người đó, thì chúng ta sẽ không có những cảm giác tồi tệ thế này. Phải có ai đó chịu trách nhiệm cho sự kích động của chúng ta. Một khi đã làm thế rồi, chúng ta bắt đầu cảm thấy khá hơn, bởi vừa bắt ai đó chịu trách nhiệm cho đau đớn của mình. Có một câu châm ngôn rất sinh động về chuyện này: Nếu hai người đầu tiên bạn gặp trong buổi sáng có vẻ thật khó ưa, thì khả năng cao chính bạn mới là người khó ưa.

Đáng buồn thay, chúng ta thấy chuyện này khắp nơi. Các giáo hội và nền chính trị của chúng ta lớn mạnh nhờ nó. Cả trong giáo hội và cộng đồng dân sự, chúng ta có xu hướng thiết lập cộng đồng những người giống mình bằng cách biến người khác thành quỷ. Chúng ta chẳng cần màng đến những khác biệt của mình, cũng chẳng bận tâm đến những nguyên nhân nội tại gây nên sự khác biệt đó, bởi chúng ta có thể đổ cho ai đó phải chịu trách nhiệm về những vấn đề của chúng ta. Không phải hiếm khi các nhóm giáo hội gắn kết theo kiểu này, các chính trị gia được bầu lên bằng kiểu này, và người ta dấy chiến tranh biện minh cho nó cũng bằng điều này. Như thế những khái niệm phong phú và lành mạnh về lòng trung thành, ái quốc và đoàn thể, trở nên không lành mạnh, bởi chúng bắt rễ từ việc xem sự khác biệt là mối mối đe dọa hơn là một mặc khải trọn vẹn hơn của Thiên Chúa trong đời chúng ta.

Giả dụ như, có lúc sự khác biệt gây nên mối đe dọa thật sự, và cần phải giải quyết nó. Nhưng ngay cả như thế, chúng ta vẫn cần phải nhìn vào trong mình và xem lại những gì bên trong chúng ta có thể đang đồng lõa gây nên chia rẽ, hận thù, ghen tỵ mà chúng ta đang thấy. Phải xử lý những mối đe dọa thực sự, nhưng phải làm thế theo cách của Chúa Giêsu, nghĩa là xử lý bằng tình yêu thương, đồng cảm và tha thứ. Biến người khác thành quỷ để thiết lập cộng đồng không phải là cách của Chúa Giêsu cũng không phải cách của một con người trưởng thành. Sự trung thành, với một ai đó, một tôn giáo, một quốc gia, hay những giá trị đạo đức của mình, phải căn cứ trên những gì tốt đẹp và quý báu của gia đình, cộng đồng, tôn giáo, quốc gia và các nguyên tắc đạo đức, chứ không phải trên nỗi sợ và những cảm giá tiêu cực về người khác.

Bài học của Chúa Giêsu, đặc biệt trong cái chết và phục sinh của Ngài là: tôn giáo đích thực, trưởng thành đích thực, trung thành đích thực, và ái quốc đích thực hệ tại ở việc để mình vươn ra với những gì không hẳn là giống mình.

LM Ron Roiheiser | J.B. Thái Hòa chuyển dịch

(Nguồn: phanxico.vn)