MỘT NGÀY LÀ CHỦNG SINH GIOAN - MÃI MÃI THUỘC GIA ĐÌNH GIOAN

Giáo dục là một hình thức đặc biệt của việc rao truyền Tin Mừng

Một ngưòi tàn tật hôn ĐTC trong buổi tiếp kiến chung sáng thử tú 23-11-2016 - ANSA
Cố vấn cho những người nghi ngờ và dậy dỗ cho người dốt nát là hai công việc của lòng thương xót, mà ai trong chúng ta cũng có thể làm trong cuộc sống thường ngày. Mù chữ và thiếu giáo dục là một bất công tấn kích phẩm gia con người. Chính vì thế dọc dài các thế kỷ Giáo Hội đã cảm thấy đòi buộc dấn thân trong lãnh vực giáo dục, với các trường dậy chữ và dậy nghề, để giúp con người vượt thắng bần cùng và các kỳ thị, và biến đổi xã hội. Vì giáo dục là một hình thức đặc biệt của việc loan báo Tin Mừng.

ĐTC Phanxicô đã nói như trên với 8.000 tín hữu và du khách hành hương tham dự buổi tiếp kiến chung sáng thứ tư trong đại thính đường Phaolô VI.

Mở đầu bài huấn dụ ĐTC nói Năm Thánh Lòng Thương Xót đã kết thúc, nhưng còn vài suy tư liên quan tới các công việc của lòng thương xót, và vì thế chúng ta tiếp tục đề tài này.

Việc suy tư về các công việc của lòng thương xót tinh thần hôm nay liên quan tới hai hoạt động gắn liền nhau: đó là cố vấn cho những người nghi ngờ và dậy dỗ cho những người dốt nát, những người không biết. Từ dốt nát mạnh quá, nhưng nó có nghĩa là những người không biết điều gì đó và phải dậy cho họ. Chúng là các công việc có thể thực thi trong một chiều kích đơn sơ, thân tình trong gia đình ở tầm tay của mọi người, đặc biệt là công việc dậy dỗ trên một bình diện có cơ cấu và tổ chức hơn. Chẳng hạn chúng ta hãy nghĩ tới biết bao trẻ em hiện vẫn còn đau khổ vì mù chữ và thiếu đào tạo giáo dục. Đây là điều không thể hiểu được, trong một thế giới tiến bộ kỹ thuật khoa học cao như thế, mà còn có các trẻ em mù chữ. Đây là điều không thể hiểu được. Nó là một bất công. Biết bao nhiêu trẻ em đau khổ vì không được giáo dục dậy dỗ. Đây là một điều kiện bất công lớn tấn kích chính phẩm giá của con người. Không có giáo dục người ta dễ dàng trở thành mồi của sự khai thác bóc lột và nhiều hình thức tệ nạn xã hội khác. Đề cập tới nỗ lực của Giáo Hội trong việc thăng tiến giáo dục ĐTC nói:

Dọc dài các thế kỷ Giáo Hội đã cảm thấy đòi buộc dấn thân trong lãnh vực giáo dục, bởi vì sứ mệnh rao truyền Tin Mừng của Giáo Hội bao gồm dấn thân trao trả lại phẩm giá cho những người nghèo nàn nhất. Từ thí dụ đầu tiên của một trường học do thánh Giustino thành lập tại Roma này hồi thế kỷ thứ 2, để các kitô hữu hiểu biết Thánh Kinh hơn, cho tới thánh Giuseppe Calanzio, là người dã mở các trường học bình dân miễn phí đầu tiên tại Âu châu, chúng ta có một danh sách dài các thánh nam nữ, trong nhiều thời đại khác nhau, đã đem việc giáo dục tới cho các anh chị em bị thiệt thòi nhất, vì biết rằng qua con đường giáo dục họ có thể vượt thắng sự bần cùng và các kỳ thị. Biết bao kitô hữu, giáo dân, tu huynh, nữ tu thánh hiến, linh mục đã tận hiến cuộc đời cho việc dậy dỗ giáo dục các trẻ em và người trẻ. Đây thật là điều lớn lao! Và tôi xin mời anh chị em vỗ tay hoan hô họ - Tín hữu trong đại thính đường đã vỗ tay vang dội vinh danh các nhà giáo dục – ĐTC nói tiếp: các người đi tiên phong này của việc giáo dục đã hiểu sâu xa công tác của lòng thương xót, và đã biến nó trở thành kiểu sống đến độ biến đổi chính xã hội. Qua một công việc đơn sơ và với một ít cơ cấu các vị đã có thể trao trả lại nhân phẩm cho biết bao nhiêu người! Và việc giáo dục các vị cống hiến cũng thường hướng tới công việc làm. Chúng ta hãy nghĩ tói thánh Don Bosco, thánh Gioan Bosco - Tín hữu vỗ tay hoan hô thánh nhân - ĐTC hỏi: ở đây có các tu sĩ Salesien không vậy? - Chúng ta hãy nghĩ tới thánh Don Bosco là người đã cùng với các trẻ em bụi đời, với trung tâm cầu nguyện quy tụ chúng, rồi với các trường học, thánh nhân đã chuẩn bị chúng cho công việc làm… Và chính vì thế mà đã có nhiều trường huấn nghệ được thành lập, dậy nghề trong khi cũng giáo dục các giá trị kitô. Vì thế giáo dục thực sự là môt hình thức đặc biệt của việc rao truyền Tin Mừng.

Tiếp tục bài huấn dụ ĐTC nói: việc giáo dục càng lớn lên thì con người càng chiếm hữu được các chắc chắn và ý thức, mà tất cả chúng ta đều cần có trong cuộc sống. Một nền giáo dục tốt dậy chúng ta phương pháp phê bình, bao gồm cả một loại nghi ngờ nào đó, hữu ích, giúp đặt ra các câu hỏi và kiểm thực các kết quả đạt được, hầu có một ý thức tốt hơn. Nhưng công việc của lòng thương xót cố vấn cho những người nghi nan không liên quan tới loại nghi ngờ này. Diễn tả lòng thương xót đối với những người nghi ngờ, trái lại, là làm giảm bớt nỗi khổ đau đến từ sự sợ hãi và lo âu, là hậu quả của nghi ngờ. Do đó, thật là một hành động bác ái đích thật, khi chúng ta cố ý nâng đỡ một người trong sự yếu đuối do sự nghi ngờ gây ra.

Tôi nghĩ ai đó có thể hỏi: “Thưa cha, con có biết bao nhiêu nghi vấn liên quan tới đức tin, con phải làm gì đây?”. Con có biết bao biết bao nghi ngờ… Cha không bao giờ có các nghi ngờ sao?” Con có biết bao, biết bao nghi ngờ… Chắc chắn là trong một vài lúc tất cả chúng ra đều có các nghi ngờ! Các nghi ngờ liên quan tới đức tin, trong nghĩa tích cực, là một dấu chỉ cho thấy chúng ta muốn biết Thiên Chúa, Chúa Giêsu và mầu nhiệm tình yêu của Ngài đối với chúng ta một cách tốt hơn và sâu xa hơn. “Mà tôi có nghi ngờ này… Tôi tìm tòi, học hỏi, tôi thấy và tôi xin lời cố vấn, làm sao… “ Các nghi ngờ này khiến lớn lên. Vì vậy đó là một điều tốt, khi chúng ta đặt ra các câu hỏi liên quan tới đức tin, vì như thế chúng ta được thúc đẩy đào sâu nó. Tuy nhiên, cũng cần vượt thắng các nghi ngờ. Và ĐTC chỉ cho cách vượt thắng các nghi ngờ lòng tin như sau:

Do đó cần lắng nghe Lời của Thiên Chúa và hiểu những gì nó dậy chúng ta. Có một con đường quan trọng giúp điều này là giáo lý, qua đó việc loan báo niềm tin đến gặp gỡ chúng ta trong cuộc sống cụ thể cá nhân và cuộc sống cộng đoàn. Đồng thời có một con đường khác cũng quan trọng là sống đức tin chừng nào có thể. Chúng ta đừng biến đức tin trở thành một lý thuyết trừu tượng, nơi các nghi ngờ gia tăng. Nhưng hãy biến đức tin thành cuộc sống của mình. Chúng ta hãy tìm thực thi nó trong việc phục vụ các anh chị em khác, đặc biệt là những người cần sự trợ giúp nhất. Và khi ấy biết bao nghi ngờ biến mất, bởi vì chúng ta cảm nhận được sự hiện diện của Thiên Chúa và sự thật của Tin Mừng trong tình yêu, mà không do công nghiệp của chúng ta, ở trong chúng ta và chúng ta chia sẻ với các người khác.

Anh chị em thân mến, như có thể thấy đó, cả hai công việc này của lòng thương xót cũng không xa cuộc sống chúng ta. Mỗi người trong chúng ta đều có thể dấn thân sống chúng để thực thi lời Chúa, khi Ngài nói rằng mầu nhiệm tình yêu của Thiên Chúa đã không được vén mở cho các người khôn ngoan thông thái, nhưng cho các kẻ bé mọn (x. Lc 10,21; Mt 11,25-26). Vì thế việc dậy dỗ sâu xa hơn, mà chúng ta được mời gọi thông truyền, và xác tín chắc chắn nhất để ra khỏi sự nghi ngờ, là tình yêu của Thiên Chúa mà bởi đó chúng ta được yêu thương (x. 1 Ga 4,10). Một tình yêu vĩ đại, nhưng không, và đã được trao ban luôn mãi. Thiên Chúa không bao giờ thối lui với tình yêu của Ngài, không bao giờ! Ngài luôn luôn tiến tới, Ngài ở lại đó… tình yêu này đã được ban cho luôn mãi, mà chúng ta phải cảm thấy có trách nhiệm mạnh mẽ, để làm chứng cho nó, bằng cách cống hiến lòng thương xót cho các anh chị em của chúng ta.

ĐTC đã chào các đoàn hành hương đến từ các nước Pháp, đặc biệt là các bệnh nhân và người tàn tật từ Lyon, cũng như Học viện Đức Bà sự sống Philippines. Ngài cũng chào các nhóm hành hương đến từ Anh, Êcốt, Phihlippines, các đảo Salomon và Hoà Kỳ, Đức, Áo, cũng như các đoàn hành hương đến từ Araguarri, Lorena và Manaus bên Brasil. Ngài cám ơn họ về sự hiện diện và lời cầu nguyện họ dành cho ngài, và ĐTC phó thác cho Đức Mẹ các công việc phục vụ của họ làm cho phẩm giá con người lớn lên trong cuộc sống.

Với các nhóm hành hương nói tiếng A rập đến từ Thánh Địa, Ai Cập và vùng Trung Đông ngài nói: chúng ta đừng sợ các nghi vấn, vì chúng là khởi đầu cho con đường hiểu biết và đào sâu: ai không đặt nghi vấn thì không tiến tới trong sự hiểu biết cũng như trong đức tin. Nhưng chúng ta cũng phải nhớ rằng lời khuyên tốt nhất và sự giáo dục có thể cống cho người nghi ngờ và không hiểu biết là làm chứng cho họ thấy tình yêu nhưng không của Thiên Chúa, qua việc sống sâu đậm tình huynh đệ thương xót.

Chào các tín hữu Ba Lan ĐTC nói để thực hiện dấn thân khuyên bảo người nghi ngờ và đậy dỗ kẻ dốt nát, cần cố gắng lắng nghe Lời Chúa, tham dự vào cuộc sống bí tích và cuộc sống giáo hội, phục vụ người nghèo, và làm chứng nhân cho Chúa trong mọi hoàn cảnh cuộc sống thường ngày.

ĐTC cũng chào nhiều đoàn hành hương Ý, trong đó có các tham dự viên khoà học cho các thừa sai, do đại học giáo hoàng Salesien tổ chức, các vị hữu trách Liên hiệp tông đồ giáo sĩ, do ĐC Luigi Manssi, Giám Mục Andria hướng dẫn, phái đoàn tỉnh Fanano với ĐC Francesco Cavina GM Carpi. Ngài cám ơn bức tượng Lòng Thương Xót họ tặng ngài.

Chào người trẻ, các bệnh nhân và các đôi tân hôn ĐTC nói Chúa Nhật vừa qua chúng ta đã kết thúc Năm Thánh ngoại thường, nhưng con tim thương xót của Thiên Chúa vẫn luôn rộng mở cho người tội lỗi. Chúng ta cũng đừng bao giờ đóng cửa con tim mình, và hãy luôn luôn thi hành các công việc của lòng thương xót đối với thân xác và linh hồn của các anh chị em khác. Ước chi kinh nghiệm đã sống trong Năm Thánh tồn tại như sự linh hứng cho các công tác bác ái đối với tha nhân.

Buổi tiếp kiến đã kết thúc với Kinh Lạy Cha và phép lành Toà Thánh ĐTC ban cho mọi người.

Linh Tiến Khải

(Nguồn: Radio Vatican)