Trưa ngày 1 tháng 11 vừa qua trên chuyến bay từ Malmoe về Roma ĐTC Phanxicô đã dành cho các nhà báo quốc tế một giờ phỏng vấn về chuyến viếng thăm Thụy Điển và một vài vấn đề khác. Sau đây là nội dung phần đầu bài phỏng vấn.
Mở đầu ông Greg Burke, Giám đốc phòng báo chí Toà Thánh, nói: Chúng con xin cám ơn và kính chào ĐTC. ĐTC đã nói nhiều về việc các tôn giáo khác nhau “cùng bước đi”. Cả chúng ta cũng đã cùng đi với nhau, có người đây là lần đầu tiên. Chúng con có một nhà báo Thụy Điển. Con nghĩ là từ lâu rồi bây giờ mới có một nhà báo Thụy Điển cùng tháp tùng chuyến bay với ĐTC. Vì thế xin nhường lời cho chị Elin Swedenmark của hãng tin Thụy Điển “TT”.
Đáp: Trước hết tôi xin chào và cám ơn anh chị em về công việc anh chị em đã làm, và cái lạnh anh chị em đã phải chịu. Nhưng chúng ta đã khởi hành đúng giờ, vì người ta nói rằng chiều nay nhiệt độ sẽ xuống thêm 5 độ nữa. Chúng ta đã khởi hành đúng giờ. Xin cám ơn rất nhiều. Xin cám ơn anh chị em về sự đồng hành và về công việc của anh chị em.
Chị Elin Swedenmark hỏi:
Thưa ĐTC, hôm qua ĐTC đã nói về cuộc cách mạng của sự dịu hiền. Đồng thời chúng ta cũng ngày càng trông thấy nhiều người đến từ Siria hay Iraq tìm tỵ nạn tại các nước Âu châu. Nhưng một số người phản ứng với sự sợ hãi, hay tệ hơn có người nghĩ rằng các người tỵ nạn này có thể đe dọa nền văn hóa của Kitô giáo. Đâu là sứ điệp của ĐTC đối với những người lo sợ cho sự phát triển của tình trạng này, và đâu là sứ điệp ĐTC nhắn gửi Thụy Điển, là quốc gia có truyền thống dài tiếp đón người tỵ nạn, nhưng bây giờ bắt đầu đóng cửa biên giới của mình?
Đáp: Trước hết như là người Argentina và Nam Mỹ Latinh tôi xin cám ơn nước Thụy Điển rất nhiều vì sự tiếp đón này, bởi vì có rất nhiều người Argentina, Chilê, Uruguay đã được tiếp nhận vào Thuỵ Điển trong thời các chế độ quân đội độc tài. Thụy Điển đã có một truyền thống lâu dài tiếp nhận người tỵ nạn. Nhưng không phải chỉ tiếp nhận thôi, mà còn hội nhập họ, tìm nhà cửa, trường học và công việc làm ngay cho họ, hội nhập họ vào cuộc sống của một dân tộc. Theo các thống kê người ta nói cho tôi – có lẽ tôi lầm, tôi không biết chắc – nhưng tôi có nhớ là – Thụy Điển có bao nhiêu dân? Chín triệu? Trong số 9 triệu đó có 850.000 người “Thuỵ Điển mới”, nghĩa là các người di cư hay tỵ nạn và con cái họ. Đó là điều thứ nhất. Điều thứ hai, cần phải phân biệt người di cư và người tỵ nạn. Người di cư phải được đối xử với vài luật lệ nào đó, bởi vì di cư là một quyền, nhưng là một quyền được luật lệ xác định. Trái lại người tỵ nạn đến từ một tình trạng chiến tranh, lo âu, đói khổ, một tình trạng kinh khủng, và quy chế tỵ nạn cần săn sóc họ nhiều hơn và cho họ công việc làm nhiều hơn. Cả trong điều này nữa Thụy Điển đã luôn luôn là một gương mẫu trong việc lo lắng cho người tỵ nạn, được học tiếng, hiểu nền văn hóa, và hội nhập vào nền văn hóa. Liên quan tới khiá cạnh hội nhập các nền văn hóa chúng ta không có gì phải hoảng hốt, bởi vì Âu châu đã được tạo thành với một sự hội nhập liên tục của các nền văn hóa, biết bao nền văn hóa. Tôi tin rằng - điều này tôi không nói một cách xúc phạm, không đâu, nhưng như là một sự tò mò – sự kiện ngày nay tại Islen, một cách cụ thể một người Islen với tiếng Islen ngày nay, có thể đọc các tác giả cổ điển một ngàn năm trước mà không gặp khó khăn nào, có nghĩa nó là một nước có ít cuộc di cư, ít làn sóng di cư như Âu châu đã có. Âu châu đã được thành hình với các cuộc di cư. Thế rồi tôi nghĩ gì về những nước đóng cửa biên giới: tôi tin rằng trên lý thuyết không thể khép kín tâm lòng đối với một ngươi tỵ nạn, nhưng cũng cần sự thận trọng của giới lãnh đạo: họ phải rất rộng mở tiếp đón người tỵ nạn, nhưng cũng phải tính toán xem có thể ổn định người tỵ nạn như thế nào. Bởi vì không phải chỉ tiếp đón một người tỵ nạn mà thôi, nhưng cũng cần phải hội nhập họ nữa. Và nếu một nước có khả năng hội nhập 20 người thôi, chẳng hạn, thì hãy làm tới đó thôi. Một nước khác có khả năng nhiều hơn, thì làm nhiều hơn. Nhưng luôn luôn phải có con tim rộng mở: đóng cửa không phải là nhân đạo, đóng con tim không phải là nhân bản, và về lâu về dài phải tính sổ với điều đó. Ở đây là trả giá chính trị, cũng như phải trả giá chính trị khi không thận trọng trong các tính toán, nhận nhiều người hơn là số có thể hội nhập. Bởi vì đâu là nguy cơ khi một người tỵ nạn hay một người di cư – điều này có giá trị cho cả hai – không được hội nhập, không hội nhập được? Tôi xin được phép nói một từ có lẽ là một kiểu nói mới “họ bị ghetto hoá” – họ vào trong một ghetto, một khu vực đóng kín. Đó là một nền văn hóa không phát triển trong tương quan với nền văn hóa khác, điều này nguy hiểm. Tôi tin rằng cố vấn xấu đối với các quốc gia hướng tới chỗ đóng các biên giới là sự sợ hãi, và cố vấn tốt nhất là sự thận trọng. Tôi đã nói chuyện với một nhân viên chính quyền Thụy Điển trong các ngày này, và ông ta kể cho tôi nghe một vài khó khăn trong lúc này – điều này có giá trị cho câu hỏi cuối cùng của chị – vài khó khăn, bởi vì có biết bao người tỵ nạn đến, nhưng không có thời giờ để định cư họ, tìm nhà ở, trường học và việc làm cho họ, để họ học tiếng. Sự cẩn trọng phải biết tính toán. Nhưng Thụy Điển, tôi không tin rằng nếu Thuỵ Điển giảm khả năng tiếp đón là vì ích kỷ hay vì đã đánh mất đi khả năng đó. Nếu có điều gì như thế, thì là vì điều cuối cùng tôi đã nói: ngày nay biết bao người nhìn vào Thuỵ Điển vì họ biết sự tiếp đón của nó, nhưng để sắp xếp, thì không có thời giờ thu xếp cho tất cả mọi người . Không biết tôi đã trả lời cho câu hỏi của chị chưa.
Ông Greg Burke nói: Xin cám ơn ĐTC bây giờ tới câu hỏi của đài truyền hình Thuỵ Điển: chị Anna Cristina Kappelin thuộc đài truyền hình Sveriges.
Hỏi: Thưa ĐTC, Thụy Điển đã đón tiếp cuộc gặp gỡ đại kết quan trọng, có một phụ nữ lãnh đạo Giáo Hội của nó, ĐTC nghĩ gì về điều này? Có cụ thể không, khi nghĩ tới các phụ nữ linh mục trong Giáo Hội công giáo, trong các thập niên tới đây? Nếu không thì tại sao? Các linh mục công giáo sợ sự cạnh tranh của phụ nữ linh mục hay sao?
Đáp: Khi đọc lịch sử của vùng đất mà chúng ta đã viếng thăm, tôi thấy đã có một hoàng hậu bị goá tới 3 lần, và tôi đã nói: “Bà này mạnh thật”. Và người ta đã nói với tôi rằng “Phụ nữ Thụy Điển rất là mạnh khỏe, rất giỏi, vì thế có nam giới Thụy Điển tìm một người phụ nữ thuộc quốc tịch khác”. Tôi không biết có đúng không! Liên quan tới việc truyền chức cho phụ nữ trong Giáo Hội Công Giáo lời cuối cùng rõ ràng đã là lời của Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, và lời đó tồn tại. Điều này tồn tại. Về việc cạnh tranh thì tôi không biết…
Nếu chúng ta đọc kỹ lời tuyên bố của Đức Gioan Phaolô II, thì nó đi theo đường hướng này. Vâng. Nhưng các phụ nữ có thể làm biết bao nhiêu việc, tốt hơn nam giới. Và cả trong lãnh vực tín lý – để minh giải – có lẽ để có một sự rõ ràng hơn – không phải chỉ quy chiếu một tài liệu thôi - trong giáo hội học công giáo có hai chiều kích: chiều kích Phêrô là chiều kích của các Tông Đồ - Phêrô và Đoàn Tông Đồ là mục vụ của các Giám Mục – và chiều kích thánh mẫu Maria là chiều kích nữ giới của Giáo Hội. Và điều này tôi đã nói hơn một lần rồi. Tôi tự hỏi, ai quan trọng hơn trong nền thần học và trong nền thần bí của Giáo Hội: các tông đồ hay Đức Maria, trong ngày Chúa Thánh Thần hiện xuống? Đó là Đức Maria! Còn hơn thế nữa: Giáo Hội là phụ nữ. Đó là “La” Chiesa giống cái, chứ không phải “Il” Chiesa giống đực. Đó là Giáo Hội phụ nữ. Đó là Giáo Hội hiền thê của Chúa Giêsu Kitô. Đó là một mầu nhiệm phu thê. Và dưới ánh sáng của mầu nhiệm này người ta hiểu cái tại sao của hai chiều kích này: chiều kích phêrô, nghĩa là giám mục và chiều kích thánh mẫu Maria, với tất cả những gì là chức làm mẹ của Giáo Hội, nhưng trong nghĩa sâu thẳm nhất. Không có Giáo Hội mà không có chiều kích nữ giới này, bởi vì Giáo Hội là nữ giới.
Ông Greg Burke nói: Bây giờ tới một câu hỏi của anh Austen Ivereigh, hỏi bằng tiếng Tây Ban Nha.
Hỏi: Thưa ĐTC, mùa thu này đã rất phong phú với các cuộc gặp gỡ đại kết với các Giáo Hội truyền thống: Chính Thống, Anh giáo, và bây giờ là Luther. Nhưng đa số các tín hữu tin lành trên thế giới thuộc truyền thống tin lành pentecostal… Con đã nghe nói là vào ngày vọng lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống năm tới sẽ có biến cố cử hành 50 năm của Phong trào canh tân đặc sủng thánh linh tại Circo Massimo ở Roma. ĐTC đã đưa ra rất nhiều sáng kiến – có lẽ đây là lần đầu tiên đối với một Giáo Hoàng – trong năm 2014 với các vị lãnh đạo tin lành. Điều gì đã xảy ra với các sáng kiến này, và ĐTC chờ đợi có được điều gì nơi cuộc gặp gỡ vào năm tới?
Đáp: Với các sáng kiến này… Tôi đã có hai loại sáng kiến. Một sáng kiến tôi đã làm khi đến thăm nhà thờ đặc sủng Valdese tại Caserta, và trong cùng đường hướng này khi tôi thăm nhà thờ tin lành Valdese tại Torino. Đó là một sáng kiến nhằm sửa chữa và xin lỗi, vì một phần tín hữu của Giáo Hội Công Giáo đã không có cung cách hành xử theo tinh thần Kitô đối với các anh chị em tin lành. Và ở đó có việc xin lỗi và chữa lành một vết thương.
Sáng kiến kia đã là sáng kiến đối thoại, và điều này tôi đã làm ngay từ khi còn ở Buenos Aires. Chẳng hạn tại Buenos Aires chúng tôi đã có 3 cuộc gặp gỡ tại Luna Park chứa được 7.000 người. Ba cuộc gặp gỡ giữa các tín hữu công giáo và tin lành trong đường hướng Canh Tân đặc sủng Thánh Linh, nhưng cũng rộng mở. Các cuộc gặp gỡ kéo dài suốt ngày: trong đó có các bài thuyết giảng của một mục sư, một giám mục tin lành và một linh mục hay một giám mục công giáo; hay cứ từng hai vị một, thay đổi nhau. Trong hai cuộc gặp gỡ này, nếu không phải là trong cả ba, nhưng chắc chắn là trong hai cuộc gặp gỡ cha Cantalamessa là vị giảng thuyết của Toà Thánh đã thuyết giảng.
Tôi tin là điều này đã bắt nguồn từ các triều đại giáo hoàng trước, và từ khi tôi ở Buenos Aires, điều này đã sinh ích cho chúng tôi. Và chúng tôi cũng tổ chức các cuộc tĩnh tâm cho các mục sư và các linh mục chung với nhau, do các mục sư và một linh mục hay một giám mục thuyết giảng. Điều này trợ giúp rất nhiều cuộc đối thoại, sự thông cảm, việc xích lại gần nhau và hoạt động, nhất là trong việc trợ giúp người cần giúp đỡ. Cùng nhau và có sự kính trọng lớn giữa hai bên… Đó là các hoạt động tại Buenos Aires. Còn tại Roma tôi đã có nhiều cuộc họp với các mục sư, hai ba lần rồi. Một số vị tới từ Hoa Kỳ, các vị khác tới từ các nước Âu châu. Thế rồi có cuộc gặp gỡ mà anh đã nhắc tới đó là lễ của Phong trào canh tân đặc sủng thánh linh quốc tế, đuợc nảy sinh như là phong trào đại kết, vì thế đó sẽ là một cử hành đại kết được tổ chức tại Circo Massimo. Tôi dự kiến – nếu Chúa cho tôi còn sống – đến để phát biểu tại đại hội. Hình như đại hội kéo dài hai ngày, vì thế nó chưa có chương trình chi tiết. Tôi biết là nó sẽ bắt đầu ngày áp lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống, và tôi sẽ phát biểu trong một lúc nào đó. Liên quan tới Phong trào canh tân đặc sủng thánh linh, từ “pentecostale” , tên gọi “thánh linh” ngày nay hàm hồ không rõ ràng, bởi vì nó quy chiếu nhiều điều, nhiều hiệp hội, nhiều cộng đoàn giáo hội không giống nhau, trái lại đối chọi nhau. Vì thế cần phải chính xác hơn. Nghĩa là nó phổ biến tới độ nó đã trở thành một từ hàm hồ. Đây là điều đặc biệt xảy ra bên Brasil, nơi phong trào được phổ biến rộng rãi.
Phong trào canh tân đặc sủng thánh linh nảy sinh, và một trong những người đầu tiến chống đối bên Argentina là người đang nói chuyện với anh chị em đây. Bởi vì hồi đó tôi là Giám tỉnh dòng Tên, khi phong trào bắt đầu nảy sinh, tôi đã cấm các tu sĩ của dòng liên lạc với phong trào. Và tôi đã nói công khai rằng khi cử hành thánh lễ thì phải cử hành phụng vụ, chứ không phải là “một trường dạy nhảy samba” Tôi đã nói như vậy. Và ngày nay tôi nghĩ ngược lại, khi mọi sự được làm một cách tốt đẹp.
Còn hơn thế nữa tại Buenos Aires hàng năm Phong trào canh tân đặc sủng thánh linh đều tổ chức thánh lễ trong nhà thờ chính toà, và mọi người tới tham dự. Vì thế tôi cũng đã kinh nghiệm được một tiến trình hiểu biết điều tốt, mà phong trào cống hiến cho Giáo Hội. Và không được quên gương mặt vĩ đại của ĐHY Suenens, là người đã có thị kiến ngôn sứ và đại kết liên quan tới phong trào.
Linh Tiến Khải
(Nguồn: Radio Vatican)