Ngày 31.10.1517 Linh mục Dòng Thánh Augustino Martin Luther đã công bố bản tuyên ngôn 95 đề tài ở nhà thờ Wittenberg bên Đức phản đối việc lạm dụng ơn toàn xá, và những việc vật chất hóa ơn thánh Chúa trong đời sống Giáo Hội Công Giáo, đồng thời kêu gọi cải cách trong Giáo Hội.
Từ thời điểm đó Giáo Hội thệ phản Luthero thành hình tách riêng ra khỏi Giáo Hội Công Giáo, và dần lan rộng khắp cả thế giới.
1. Martin Luther là ai?
Martin Luther mở mắt chào đời ngày 10. 11. 1483 ở Eisleben bên nước Đức. Martin Luther được mẹ giáo dục rất cẩn thận nghiêm khắc. Theo sử sách, Ông là một học sinh chăm chỉ, nhưng tính tình rụt rè như có vẻ sợ sệt sự gì.
Năm 1501 Luther bắt đầu học đại học ở Erfurt. Cha của Martin muốn con mình học môn Luật để sau này có thể trở thành luật sư. Nhưng Ông lại đi theo con đường khác. Năm 1505 Ông xin đi tu, gia nhập Dòng khổ tu Augustino ở Erfurt.
Năm 1507 Luther được nhận chức Linh mục. Ông học thần học và 1512 trở thành giáo sư ở đại học Wittenberg. Là giáo sư thần học, Ông nghiên cứu kinh thánh rất kỹ, nhất là thư của Thánh Phaolo gửi Giáo đoàn Roma.Và từ hiểu biết của nguồn đó Ông nhận ra chỉ nhờ ơn Chúa con người được công chính chứ không phải do công trạng việc làm của con người.
Điều nhận thức đó trái ngược với giáo huấn về mua bán ơn toàn xá trong Giáo Hội thời lúc đó, và đã thúc đẩy Luther đưa ra 95 luận đề ngày 31.10.1517 ở Wittenberg muốn phản bác cùng cải tổ lối sống lạm dụng trong Giáo Hội Công Giáo Roma.
Những luận đề này gây tranh cãi quyết liệt giữa Linh mục Martin Luther và Giáo Hội cùng phe nhóm ủng hộ Luther. Và sau cùng đi đến phạt vạ cho nhau gây ra chia rẽ ly giáo.
Năm 1521 Martin Luther dịch Kinh Thánh từ nguyên bản tiếng Hy Lạp sang tiếng Đức. Đây có thể nói vào thời điểm lúc đó là một cuộc cách mạng trong lòng Giáo Hội Công Giáo. Vì vào thời điểm lúc đó Kinh Thánh chỉ được chính thức đọc bằng tiếng Latinh.
Linh mục Martin Luther lên tiếng muốn cải tổ Giáo Hội, nhưng từ phong trào cải cách đã trở thành đạo Tin lành thệ phản Luther bên Đức, và trên toàn thế giới song song hay đối nghịch với Giáo Hội Công Giáo Roma.
Martin Luther tiếp tục giảng dậy viết sách bênh vực cho công cuộc cải cách xây dựng Giáo Hội Tin lành thệ phản mới cho tới khi qua đời ngày 18.02.1546 ở Eisleben.
2. Nền tảng đạo giáo theo Giáo Hội tin lành thệ phản Luther
Sự phân chia tách rời Giáo Hội thệ phản Luthero khỏi Giáo Hội Công Giáo được chính nhà cải cách Martin Luther xây dựng đặt trên bốn yếu tố nền tảng: Sola gratia, solus Christus, sola scrpitura, et sola fide.
Sola gratia - duy chỉ một mình ơn Chúa - theo M. Luther, con người được cứu chuộc không do tự sức của công việc riêng mình, nhưng cho tất cả và cho từng người do bởi ơn của Chúa mà thôi.
Thiên Chúa là đấng cứu chuộc con người. Ngài là Đấng Tạo hoá nên con người. Và ngài cũng là Đấng Tạo hóa mới sau khi con người chết. Ngài trao tặng con người không vì thành tích của con người đạt được hay làm ra. Ngài ban tặng con người sự công chính.
Duy chỉ ơn Chúa ban tặng con người chúng ta, nên chúng ta được cứu rỗi, và chúng ta được quyền tin tưởng vào ơn của Chúa thôi.
Solus Christus - duy chỉ một mình Chúa Kitô - Người tín hữu chỉ gắn bó chỉ với một mình Chúa Kitô của Thiên Chúa thôi, không với đức mẹ Maria, không với các Thánh hay với con người nào, không với công cụ, vật chất nào, không với hành hương rước kiệu hay bất cứ hình thức nào.
Duy chỉ riêng một mình Chúa Kitô mà chúng ta tuyên xưng, ngài là hiện thân của Thiên Chúa nơi trần gian cho con người, là người mang đến Lời Chúa cho taâ, và sau cùng hy sinh hiến thân chịu chết trên thập tự và sống lại. Đó là đức tin và niềm hy vọng cho chúng ta.
Sola scriptura - duy chỉ kinh thánh - không bị làm cho sai lệch là căn bản nói về sự chân thật, loan truyền sứ điệp phúc âm.
Không truyền thống nào, không bài giáo lý nào của Giáo hoàng, của Giám mục là điều quyết định hay bắt buộc cả. Duy chỉ kinh thánh thôi.
Nơi Kinh thánh chứa đựng Lời của Chúa với toàn thể sức lực và sự trong sáng. Sứ điệp của Chúa Giêsu Kitô là trung tâm điểm của Kinh Thánh và diễn tả về lòng thương xót của Thiên Chúa. Kinh thánh là thước đo cho đời sống Kitô giáo và đồng thời cũng là quan tòa thẩm phán về những việc làm của con người.
Kinh Thánh là căn bản cho giáo huấn, cho những việc làm và truyền thống của Giáo Hội.
Sola Fide - duy chỉ đức tin - Nhờ đức tin con người bất toàn yếu đuối được cứu chuộc. Không việc làm, không lời cầu thay phù hộ nào của các Thánh, không sự trung gian qua Giáo Hội, không nhờ thánh lễ, không nhờ hành hương rước kiệu, không nhờ ơn toàn xá hay bất cứ việc làm gì khác, mà con người đạt được ơn cứu rỗi của Chúa, nhưng chỉ duy nhờ đức tin.
Đức tin trước hết và sau đó đến những việc làm tốt lành, đến đời sống, lời nói và hành động ngay lành.
Ơn Chúa, tin vào Chúa Kitô, tin tưởng vào Kinh Thánh và đức tin làm thành nền tảng, bức tường và mái nhà cho ngôi nhà đức tin. Hướng mắt và tâm hồn lên duy chỉ ơn Chúa với lòng tin tưởng, duy chỉ đến cùng Chúa Kitô với niềm tuyên xưng xác tín, duy chỉ nơi Kinh Thánh làm điểm tựa cho suy nghĩ hành động, và duy chỉ đức tin mang đến gía trị cùng sự thánh đức.
Thầy Dòng Linh mục Martin Luther với luận cứ thần học như vậy đã trở thành Nhà-cải-cách trong lòng Giáo Hội Công Giáo. Ông phủ nhận trật tự phẩm trật, các truyền thống trong Giáo Hội Công Giáo Roma. Và do bị Giáo Hội Công Giáo không chấp nhận cùng bị lên án, Nhà cải cách Martin Luther đã trở thành nhà sáng lập ra đạo Tin lành thệ phản Luther.
Martin Luther căn cứ suy tư của mình dựa trên nền tảng Kinh Thánh nơi thư của Thánh Phaolo gửi Giáo đoàn Roma: „ Vì trong Tin Mừng, sự công chính của Thiên Chúa được mặc khải, nhờ đức tin để đưa đến đức tin, như có lời chép: Người công chính nhờ đức tin sẽ được sống.“ ( Rm 1,17).
3. Nền tảng đời sống đức tin của Giáo Hội Công Giáo
Giáo Hội Công Giáo Roma từ khi Chúa Giêsu thành lập trong dòng thời gian lịch sử từ năm thứ 1. sau Chúa giáng sinh luôn đặt nền tảng trên giáo huấn của các Thánh Tông đồ Chúa Giêsu và của phẩm trật cùng các truyền thống trong Giáo Hội.
Các Đức Giáo Hoàng, các Giám mục là những người kế vị các Thánh Tông Đồ có trách nhiệm cai quản Giáo Hội, xây dựng đời sống thiêng liêng. Những giáo huấn của Giáo Hội trong dòng thời gian tạo thành truyền thống trong nếp sống cho đời sống Giáo Hội.
Ơn Chúa là căn bản tiên quyết tối thượng cho đời sống thiêng liêng có được ơn cứu chuộc. Nhưng con người cũng cần phải cộng tác vào để ơn Chúa sinh hiệu qủa nơi con người. Ơn Chúa cần, nhưng không có sự cộng tác của con người cũng không được. Khi con người từ chối tiếp nhận ơn Chúa, Thiên Chúa không dùng sức mạnh can thiệp bắt buộc họ phải nhận.
Con người không có thể dựa vào thành tích công trạng việc làm của mình trước mặt Chúa. Trong Giáo Hội có những vị Thánh lớn. Dù có đời sống hy sinh tốt lành thánh thiện, họ cũng vẫn luôn luôn nhận mình là người tội lỗi, người yếu đuối khiếm khuyết và cần đến ơn Chúa trợ giúp. Có thế họ mới trở nên những người tốt lành thánh thiện.
Ơn Chúa và sự cộng tác của con người luôn cần thiết làm vinh danh Thiên Chúa và mang đến hạnh phúc ơn cứu chuộc cho con người.
Chúng ta tuyên xưng Chúa Giêsu Kitô là Con Thiên Chúa, đấng cứu độ trần gian. Ngài là con đường dẫn tới Thiên Chúa. Ngài là lương thực cho đời sống thiêng liêng. Ngài là ánh sáng trong trần gian, là cửa vào nhà Chúa Cha. Ngài là nhịp cầu nối liền Thiên Chúa và con người.
Nhưng không chỉ có một mình Chúa Giêsu trong đức tin của người Công Giáo, mà có Thiên Chúa Cha và Chúa Thánh Thần nữa.
Qua Chúa Giêsu Kitô chúng ta nhận biết khuôn mặt Đấng Tạo Hóa, gìn giữ công trình thiên nhiên, đấng Cứu Chuộc và Thần Linh Chúa, người thổi hơi vào cho đời sống được duy trì. Nên chúng ta phải nói lên đức tin solus Deus, solus Christus solus spiritus - duy chỉ Thiên Chúa, duy chỉ Chúa Kitô, duy chỉ Chúa Thánh Thần.
Kinh Thánh là những cuốn sách chứa đựng Lời Chúa làm căn bản cho những chỉ dẫn cho đời sống thực hành của người tín hữu Chúa Kitô. Nhưng sách Kinh Thánh không phải là cuốn sách từ trời cao rơi đáp xuống trần gian. Mà trong đó mang đậm những nét văn hóa, ngôn ngữ và cách thế hiểu, cách sống đức tin vào Thiên Chúa của con người ở thời đại sách được gom góp viết ra thành văn bản. Như thế có thể nói được Lời Chúa được đúc kết gói ẩn trong ngôn ngữ lời nói của con người.
Trong sách Kinh Thánh chứa đựng những tường thuật truyền thống về đức tin. Những truyền thống này được thành hình dần dà trong thời gian đời sống cùng với nếp sống thần học văn hóa thời đại.
Vì thế, môn khoa nghiên cứu Kinh Thánh, dẫn giải Kinh Thánh luôn cần thiết để hiểu nhận ra ý nghĩa thần học chứa đựng trong đó cho thời đại con người hôm qua cũng như hôm nay.
Đức tin vào Chúa là quan trọng nền tảng cho đời sống thiêng liêng của Kitô giáo. Nhưng đâu phải chỉ có duy đức tin không, mà chúng ta ngoài đức tin ra còn có đức mến, đức cậy nữa.
Như thế cần phải nói sola Fide, sola caritas, sola spes. Ba nhân đức thần thánh nền tảng này diễn tả về ba khuôn mặt của Thiên Chúa: Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần.
Việc đi hành hương, rước kiệu, lần hạt kính Đức Mẹ Maria, kính các Thánh xin ơn phù giúp cầu bầu, cầu nguyện cho người qúa cố hay tạ ơn…không phải là công trạng thành tích để có được ơn cứu chuộc. Nhưng là cung cách sống đức tin xin phù giúp kéo ơn Chúa xuống cho đời sống tâm hồn đức tin của mình, đồng thời cũng là cung cách sống truyền giáo cho tình yêu Chúa giữa lòng xã hội con người. Và điều đó cũng nói lên cung cách sống của tâm hồn có lòng khiêm nhượng.
Nhớ đến cầu nguyện cho người qúa cố là cung cách sống lòng đạo đức tình liên đới, văn hóa lòng biết ơn với người đã qua đời: Tôi tin các Thánh cùng thông công.
_______________
Hằng năm ngày 31.10. là ngày mừng kỷ niệm Phong trào cải cách của Giáo Hội Tin Lành thệ phản Luther. Từ hơn 50 năm nay phong trào đại kết được nhấn mạnh. Những cuộc đối thoại trao đổi giữa Giáo Hội Công Giáo và Giáo Hội Tin Lành đã có những bước tiến khả quan xích lại gần nhau nhiều về phương diện thần học, như công nhận Bí Tích Rửa tội, cùng nhau cử hành phụng vụ Lời Chúa…
Ngày 31.10.2016 vừa qua Đức Giáo Hoàng Phanxico của Giáo Hội Công Giáo đã sang Thụy Điển thành phố Lund để cùng khai mạc 500 năm kỷ niệm Phong trào cải cách ngày xưa Martin Luther đã khởi xướng 1517- 31.10.- 2017.
”Với tuyên ngôn chung này, chúng tôi, các tín hữu Công Giáo và Luther, bày tỏ lòng biết ơn vui mừng đối với Thiên Chúa vì ơn được cầu nguyện chung tại Nhà thờ Chính tòa Lund nhân dịp khai mạc năm kỷ niệm 500 năm cuộc Cải Cách. 50 năm đối thoại đại kết song phương liên tục và có thành quả giữa Công Giáo và Luther đã giúp vượt thắng nhiều khác biệt và đã kiến tạo sự cảm thông lẫn nhau và tín nhiệm giữa chúng tôi. Đồng thời chúng tôi đã tiến đến gần nhau trong việc cùng phục vụ những người thân cận của chúng tôi, thường ở trong bối cảnh đau khổ và bị bách hại. Vì thế, qua đối thoại và cùng làm chứng tá, chúng tôi không còn là những người xa lạ nữa. Trái lại, chúng tôi đã học biết rằng có nhiều điều liên hết chúng tôi hơn là những điều chia rẽ.“ ( Tuyên ngôn chung Thụy Điển ngày 31.10.2016)
Tháng 11. 2016 cầu cho các Linh hồn.
Lm. Đa Minh Nguyễn Ngọc Long
(Nguồn: conggiao.info)