MỘT NGÀY LÀ CHỦNG SINH GIOAN - MÃI MÃI THUỘC GIA ĐÌNH GIOAN

Chúa Giêsu giảng dạy như Đấng có thẩm quyền

Chúa Giêsu giảng dạy như Đấng có thẩm quyền, chứ không như các kinh sư, vì Chúa sống như người phục vụ, vì Chúa gần gũi và thương mến mọi người, vì Chúa nói và làm nhất quán. Đức Thánh Cha chia sẻ như thế trong thánh lễ sáng nay tại nhà nguyện Marta.

Có thẩm quyền là nhờ phục vụ mọi người

Chúa Giêsu phục vụ mọi người. Chúa đến để phục vụ. Và điều ấy người dân hiểu rất rõ. Chúa mang lấy tâm tình và thái độ của người phục vụ, và việc phục vụ ấy cho thấy Người là Đấng có uy quyền. Nhưng đối với các tiến sĩ luật thì lại khác. Dân chúng nghe họ nói, tôn trọng họ, nhưng chẳng cảm thấy chút gì là thẩm quyền, là quyền uy từ những lời các vị tiến sĩ luật cả. Bởi lẽ, các tiến sĩ luật nói: chúng tôi là những bậc thầy, chúng tôi có các quy luật, và chúng tôi sẽ dạy các quy luật ấy cho anh em. Chúng tôi ra lệnh và anh em vâng theo. Như thế, chẳng có gì là phục vụ cả. Chúa Giêsu không bao giờ làm ra vẻ như một hoàng tử, nhưng Chúa luôn luôn là người phục vụ mọi người. Và chính từ việc phục vụ này, Chúa trao ban quyền uy của Chúa.

Có thẩm quyền là nhờ gần gũi người dân

Các luật sĩ xa cách người dân, các luật sĩ chẳng thân thiện gì. Chúa Giêsu rất gần gũi người dân, và từ sự gần gũi đó diễn tả uy quyền của Chúa. Có những luật sĩ sống tách biệt, và họ giảng dạy với thẩm quyền giáo sĩ, với tâm thức họ có quyền của một người giáo sĩ, ngay cả theo kiểu tâm thức giáo sĩ trị.

Tôi rất thích đọc về sự gần gũi mà Chân Phước Giáo Hoàng Phaolô VI viết trong số 48 của Tông huấn Loan Báo Tin Mừng. Ngài viết: Bạn nhìn thấy sự gần gũi của tâm hồn người chăn chiên: đó chính là uy quyền của vị Giáo Hoàng, sự gần gũi. Trước tiên, cần là người tôi tớ của những tôi tớ trong khiêm tốn: người làm đầu phải là người phục vụ, phục vụ mọi người. Đó là một sự đảo lộn. Thay vì chỉ đạo mọi người thì Chúa Giêsu đã sống như người phục vụ. Thứ nhất chính là phục vụ và thứ hai là sự gần gũi.

Có thẩm quyền là nhờ lời nói đi đôi với việc làm

Có những người không nhất quán, không trước sau như một và tâm tính của họ bị phân mảnh. Họ nói mà chẳng làm, họ nói thế này rồi làm thế khác. Đó là sự mâu thuẫn. Có nhiều lần Chúa Giêsu trách mắng những người như thế là quân đạo đức giả, là kẻ giả hình. Anh em đã hiểu rằng, có những người luôn cảm thấy mình là ông hoàng, luôn mang lấy nơi mình thái độ giáo sĩ trị, và đó chính là thói đạo đức giả, và những điều ấy chẳng có chút gì là thẩm quyền. Còn Chúa Giêsu, Chúa đã phục vụ, đã gần gũi mọi người, không coi thường một ai trong dân, Chúa nói và làm đồng nhất, những điều ấy chính là thẩm quyền là quyền uy của Chúa. Đây chính là thẩm quyền mà dân của Thiên Chúa lắng nghe và cảm thấy.

Tứ Quyết SJ

(Nguồn: Radio Vatican)