BANGKOK – Ngày 04/09/2019, Giáo hội Thái Lan sẽ kỷ niêm 350 năm việc thành lập Hạt đại diện Tông tòa Xiêm hiệp nhất (1669-2019), cơ cấu Công Giáo đầu tiên tại nước này.
Hội đồng Giám mục Thái Lan vui mừng đón nhận cơ hội này để loan báo 3 năm (2017-2919), thời gian để tái khám phá cách sâu sắc niềm tin Công Giáo bằng cách sử dụng phương pháp cùa các Cộng đoàn giáo hội căn bản, theo những chỉ thị của Đại hội năm 2015. Bằng cách này, việc loan báo Tin mừng trong tất cả môi trường sẽ sinh hoa trái và đức tin sẽ được đưa đến việc trở thành môn đệ của Chúa Kitô, với một đời sống phù hợp với đức tin khởi đi từ các chứng tá được thực hành trong các cộng đoàn nhỏ và đi đến việc loan báo Tin mừng và kinh nghiệm của một nền văn minh tình thương cho người Thái của mọi tôn giáo. Để chuẩn bị cho dịp kỷ niệm này, ngày 08/01, Hội đồng Giám mục Thái Lan đã gửi một thư mục vụ với chủ đề “Cử hành kỷ niệm thành lập ‘miền truyền giáo Xiêm’(1669-2019)".
Lịch sử cho biết, vào năm 1567, hai tu sĩ Đa Minh Bồ Đào Nha là Jeronimo da Cruz và Sebastao do Canto đã đến vương quốc Xiêm. Năm này, 2017, kỷ niệm 450 năm các nhà truyền giáo đầu tiên đặt chân đến Thái Lan. Và đó là nguồn gốc của việc loan báo Tin mừng tiếp sau đó.
Các tu sĩ Phanxicô và dòng Tên đã tiếp bước các tu sĩ Đa Minh, cũng với mục đích chung là rao giảng Tin Mừng ở Vương quốc Xiêm thống nhất trong thời kỳ Ayutthaya (1351-1767).
Tiếp sau đó, vào thời công đồng Trento, Đức giáo hoàng Piô V đã lập một một ủy ban để thúc đẩy việc loan báo Tin Mừng, và kết quả là việc thành lập Bộ Truyền giáo bởi Đức Giáo Hoàng Gregoriô XV vào ngày 06/01/1622.
Để giúp cho việc truyền giảng Tin mừng, Hội Thừa sai Paris (MEP) đã ra đời. Các thành viên của MEP được gửi đến các vùng châu Á. Đức cha Lambert de la Motte là vị Giám mục đầu tiên đặt chân đến vương quốc Xiêm (22/08/1662). Hai năm sau, Đức cha Francios Pallu, đang làm giám quản Tông tòa ở Tonkino, cùng với một số thừa sai đã đến Thái Lan và tổ chức công đồng ở Ayutthaya. Đức cha de la Motte chủ trì công đồng với sự tham dự của Đức cha Francios Pallu, 5 linh mục và một giáo dân. Công đồng đã kết thúc với 3 điều chính yếu: thứ nhất, thành lập chủng viện để đào tạo linh mục giáo phận – mục đích chính của Hội truyền giáo. Năm 1665, vua Narai đã cho phép Đức cha de la Motte xây dựng chủng viện. Thứ hai là “lối sống luân lý mà các linh mục, người rao giảng Tin Mừng phải thực hành, điều chứng minh là các nguyên tắc hành xử bao gồm đời sống tu đức của tất cả thừa sai đến truyền giảng Tin Mừng ở Viễn Đông. Thứ 3 là việc thành lập dòng “Mến Thánh giá” vào ngày 07/09/1672, hội dòng giáo phận để giúp các thừa sai trong việc loan báo Tin Mừng và chăm sóc mục vụ cho giáo dân.
Năm 1667, Đức cha Pallu trở về Roma yết kiến Đức Giáo hoàng để xin chuẩn y một số vấn đề. Điều quan trọng nhất được Đức Giáo hoàng ban phép là việc thành lập Miền truyền giáo Xiêm ngày 04/07/1669, dưới sự điều hành của Giám mục do Bộ truyền giáo bổ nhiệm. Được sự chấp thuận của Tòa Thánh, hai Đức cha Pallu và de la Motte đã chọn Cha Louis Laneau, linh mục của MEP, người đã đồng hành với Đức cha Pallu như là giám quản tông tòa của Miền truyền giáo Xiêm. Đức cha Laneau trở thành Giám quản tông tòa đầu tiên của Miền truyền giáo Xiêm vào ngày 25/03/1674.
Như thế, năm 2019 sẽ là kỷ niệm 350 năm thành lập chính thức của “Miền truyền giáo Xiêm” tại vương quốc Thái Lan. Trong suốt những năm này, các nhà truyền giáo đã cống hiến cuộc đời của họ cho việc loan báo Tin Mừng cho người Thái và cho những người sống tại vương quốc Xiêm, như Đức cha Pallu đã xác định: “Chúng tôi khởi đầu cầu nối giữa Châu Âu và Châu Á. Tôi vui mừng hiến tặng thân thể và xương thịt tôi, và cả các anh em – các nhà truyền giáo thân yêu của tôi – như là những cột trụ để củng cố những chiếc cầu này, những con đường cho những nhà truyền giáo mới dũng cảm, là những người muốn theo bước các tiền nhân của họ để vượt qua cây cầu trong tương lai.”
Với lòng biết ơn, Giáo hội tiến bước về tương lai. (Asia News 30/01/2017)
Hồng Thủy
(Nguồn: Radio Vatican)