MỘT NGÀY LÀ CHỦNG SINH GIOAN - MÃI MÃI THUỘC GIA ĐÌNH GIOAN

Đức Bênêđictô XVI: Bốn năm đã qua…


Ngày 11 tháng 2-2013, trước sự bàng hoàng của toàn thế giới, Đức Bênêđictô XVI tuyên bố ngài từ nhiệm. Hôm nay, sự hiện diện và quan hệ giữa ngài với Đức Phanxicô là sự nâng đỡ cho Giáo hội.

Ngày 11 tháng 2, Đức Bênêđictô XVI đã tuyên bố khi ngài quyết định rời ngai tòa Phêrô của mình: “Sau khi đã xét lương tâm trước mặt Chúa (…) tôi đi đến xác tín, rằng, vì lý do tuổi đã cao, sức lực không còn cho phép tôi có đủ khả năng để đảm đương chức vụ của Thánh Phêrô”. Một trong các hồng y có mặt lúc đó đã phát biểu “lời loan báo như sấm sét giáng xuống từ bầu trời yên tỉnh”.

Bốn năm sau, chưa bao giờ hành vi vừa gây “bàng hoàng” vừa gây “ngưỡng phục” trước bao nhiêu là “can đảm” và “sáng suốt quên mình” này được xem như một “hành vi khiêm nhường tột cùng” mà Đức Phanxicô là người đầu tiên xem đây là “bài học cao cả” cho tất cả chúng ta.

Hiện diện hơn bao giờ

Đơn sơ và kín đáo, từ ngày từ nhiệm, Đức Josef Ratzinger sống trong ẩn dật và thinh lặng của Đan viện Mẹ Giáo Hội, trong vườn Vatican. Ngày tháng của ngài trôi qua trong lời cầu nguyện, đi dạo quanh các lối đi chung quanh. Linh mục Federico Lombardi, chủ tịch Hiệp hội Vatican Joseph Ratzinger – Bênêđictô và là phát ngôn viên của Đức Bênêđictô XVI trong vòng 8 năm giáo triều của ngài, tuyên bố: “Chúng tôi cảm nhận có một sự hiện diện, dù chúng tôi không gặp ngài thường xuyên, một sự hiện diện đi cùng với chúng tôi, an ủi và trấn an chúng tôi”. Trong một phỏng vấn trên Radio Vatican, cơ quan linh mục Federico Lombardi đã từng làm giám đốc trong 26 năm, cha cho biết, quyết định lịch sử của Đức Bênêđictô XVI và các “quan hệ sâu đậm phi thường gắn kết hai giáo hoàng, đã đi cùng với Giáo hội trong tiến trình gay go của Giáo hội”.

Theo linh mục Lombardi, các giao thiệp giữa Đức Bênêđictô XVI và Đức Phanxicô là “chưa từng có nhưng lại cực kỳ bình dị và chuẩn mực”. Trước mật nghị, Đức Bênêđictô XVI đã hứa vâng lời vị kế nhiệm của mình, linh mục nói tiếp: “Cuộc sống hôm nay của ngài phù với những gì ngài đã nói, có nghĩa là trong cầu nguyện, sống ẩn dật, một sự ẩn dật cực kỳ, sự phục vụ của ngài ở chỗ ngài cùng đi với Giáo hội, đặc biệt ngài nâng đỡ người kế nhiệm trong trách vụ của mình”.

Tháng 6 năm 2016, Đức Phanxicô đã diễn tả lòng biết ơn sâu đậm của mình, khi ngài viết lời nói đầu tuyển tập các sách gom lại các bài vở, bài giảng của Giáo hoàng danh dự dành cho các linh mục về đề tài chức thánh: “Khi đọc tác phẩm của Joseph Ratzinger – Bênêđictô, càng ngày tôi càng ý thức rõ ràng những gì ngài làm và ngài còn làm thêm về “thần học quỳ gối”: quỳ gối, vì trước khi là thần học gia cao cả, trước khi là bậc thầy của đức tin, ngài là người cầu nguyện đích thực, người tin đích thực… Và có thể bây giờ, là Giáo hoàng danh dự, ngài cho chúng ta một trong những bài học lớn nhất của ngài…”.

Sức khỏe suy giảm nhưng trí óc minh mẫn

Linh mục Lombardi cho biết tiếp: “Bây giờ Đức Bênêđictô XVI đã 89 tuổi, tuy suy yếu với tuổi nhưng ngài có sức khỏe tốt. Ngài có đầu óc minh mẫn về mặt thiêng liêng cũng như tinh thần. Ai cũng cảm thấy gần với ngài trong lời cầu nguyện và trong sự hiện diện kín đáo của ngài. Được gặp gỡ, trao đổi với ngài là cả một hạnh phúc. Cách ngài sống là đặt trọng tâm vào Chúa, đức tin được đặt trên hết, sự gần gũi của ngài với Chúa, chuẩn bị và làm quen với Đấng mình sẽ gặp là một bài học tuyệt vời cho tất cả chúng ta”.

Cũng như quan hệ giữa ngài và Đức Phanxicô là “một hiệp nhất trong Giáo hội, trong nét đa dạng của các hoàn cảnh. Qua các cuộc thăm viếng, các trao đổi điện thoại, các quan hệ giữa hai người trong bốn năm qua là các dấu hiệu của thân tình, của tôn trọng, của mong chờ thiêng liêng đã nuôi dưỡng các quan hệ sâu đậm này. Một thực tế chưa từng có nhưng cũng là một thực tế tuyệt đẹp, an ủi mà chúng ta cảm nhận mỗi lần nhìn hình ảnh Đức Phanxicô và Đức Bênêđictô XVI bên nhau”.

Isabelle Cousturié (fr.aleteia.org) | Giuse Nguyễn Tùng Lâm chuyển dịch

(Nguồn: phanxico.vn)