MỘT NGÀY LÀ CHỦNG SINH GIOAN - MÃI MÃI THUỘC GIA ĐÌNH GIOAN

Nhìn lại bốn năm đầu của Đức Giáo Hoàng Phanxicô


Đức Giáo Hoàng không có nhiệm kỳ như các tổng thống Hoa Kỳ, dù thế, ký giả John Allen, nhân dịp kỷ niệm 4 năm lên ngôi giáo hoàng của Đức Phanxicô, cũng đã có cái nhìn trở lui đối với điều nhiều người gọi là “nhiệm kỳ 4 năm đầu” của ngài.

Ông thấy ngài có những thắng lợi rõ ràng, một số phán kết lẫn lộn và một số vấn đề chưa được giải quyết trọn vẹn.

Các thắng lợi rõ ràng

Các nhà lãnh đạo sẽ không thể thay đổi được gì nếu không ai biết họ là ai, thành thử thước đo tính hữu hiệu đầu tiên hẳn phải là luôn luôn kéo được sự chú ý của người ta. Về khía cạnh này, Đức Phanxicô được kể là rất thành công, vì đã kéo được sự chú ý của thế giới từ những ngày đầu tiên.

Cả ngày nay nữa, nếu Đức Phanxicô có phải chia sẻ tước hiệu nhân vật công cộng kéo được sự chú ý nhiều nhất của thế giới với Tổng Thống Donald Trump, thì ngài vẫn thuộc một câu lạc bộ hết sức ngoại hạng.

Bốn năm qua rồi, vẫn chưa có dấu hiệu chi là hiện tượng trên gia giảm. Sức lôi cuốn của ngài rất rõ ràng xét theo nhiều cách, từ việc theo dõi 9 trương mục twitter của ngài, hiện đã lên trên 30 triệu, đến các cuộc thăm dò ý kiến khắp thế giới, cho thấy Đức Phanxicô được xếp hạng hài lòng rất cao, ấy là chưa kể việc các phương tiện truyền thông đua nhau tường thuật hầu như mọi điều ngài nói và làm.

Thay đổi câu chuyện

Như Đức Giám Mục Phụ Tá của Los Angeles, Robert Barron, ưa nói, thiên tài của Đức Giáo Hoàng Phanxicô là ngài không thay đổi giáo huấn của Đạo Công Giáo, nhưng chắc chắn, ngài đã thay đổi câu chuyện về giáo huấn này.

Trước khi ngài được bầu làm giáo hoàng, cuộc bàn luận về Đạo Công Giáo phần lớn chú trọng tới những vấn đề gây nhiều tranh cãi như phá thai, ngừa thai, đồng tính và hôn nhân đồng phái, chưa kể tới việc giáo sĩ lạm dụng tình dục. Dù không một vấn đề nào trong các vấn đề này biến đi, nhưng Đức Phanxicô đã thành công trong việc nêu lên nhiều vấn đề có tính cách khẩn trương hơn như người nghèo, tị nạn và di dân, môi trường, và giải quyết tranh chấp.

Xét về bản chất, không có chi mới lạ cả, nhưng nhiều nhà quan sát nhận thấy Đức Phanxicô đã đem tới cho các vấn đề trên một nhấn mạnh và ưu tiên mới mẻ, khiến họ có một ấn tượng khác hẳn về Giáo Hội Công Giáo.

Đàng khác, phong thái cởi mở và không lưu ý mấy tới quy tắc của Đức Phanxicô đã lôi cuốn được rất nhiều bộ phận rộng lớn của thế giới trước đây vốn ngoảnh mặt khỏi Giáo Hội; nhờ thế, ít nhất, đã tạo được khả thể về một thế năng động truyền giảng tin mừng mới. Như Claire Giangravè từng tường thuật, mới đây, Đức Phanxicô còn được Tạp Chí Rolling Stone của Ý đăng hình ở ngoài bìa, cho thấy sức lôi cuốn của ngài đối với thế hệ thiên niên kỷ.

Các cuộc tông du

Cho đến nay, tông du đã trở thành một phần có tính tiêu chuẩn trong mô tả chức vụ của một vị giáo hoàng. Thực vậy, cho tới hôm nay, Đức Phanxicô đã thực hiện 17 cuộc tông du ra khỏi Vatican, đưa ngài tới 26 quốc gia, với một số cuộc tông du nữa đã được hoạch định cho năm 2017.

Đức Phanxicô còn được điền tích cực vào mọi ô hỏi ý kiến về một cuộc tông du thành công.

Cỡ đám đông ư? Ngay cuộc tông du đầu tiên của ngài ở Rio de Janeiro, tháng Bẩy năm 2013, để chủ tọa Ngày Giới Trẻ Thế Giới, cũng đã thu hút được 3 triệu người. Ngài tăng số người ấy lên gần gấp đôi trong cuộc tông du Manila, Phi Luật Tân, vào hai năm sau, tức năm 2015.

Cỡ tường thuật của truyền thông ư? Sự hiện diện của Đức Giáo Hoàng kéo được sự lưu ý rất mạnh của giới truyền thông, bất kể ngài đi đâu, kể cả ở Hoa Kỳ, nơi, cuộc thăm viếng 6 ngày của ngài qua Washington, New York và Philadelphia hồi tháng Chín năm 2015 đã được tường thuật như một lễ nhậm chức kéo dài 1 tuần, và bài diễn văn của ngài trước Quốc Hội lưỡng viện được tường thuật như một Bài Diễn Văn Về Tình Trạng Liên Bang.

Còn về tác động ư? Dù không phải cuộc tông du nào cũng như nhau, nhưng cuộc tông du ngắn ngủi của ngài hồi tháng Mười Một năm 2015 tại Cộng Hòa Trung Phi đã được mọi người gán cho công trạng đã đem lại cho xứ sở này đủ lòng tin để tổ chức thành công cuộc tuyển cử và chuyển quyền hòa bình 3 tháng sau đó; nhờ thế hạn chế, nếu quả tình chưa chấm dứt được, điều vốn được coi là cuộc nội chiến đẫm máu nhất trên thế giới. Như Đức Tổng Giám Mục Dieudonné Nzapalainga sau này nhận định “Ngay giờ này đây, tại đất nước tôi, mọi người đều sẽ nói với ông cùng một điều như nhau. Bất kể họ là người Hồi Giáo, Thệ Phản, hay Công Giáo, mọi người! Họ đều sẽ nói: Đức Giáo Hoàng Phanxicô mang một luồng gió mát mới mẻ đến cho xứ sở chúng tôi và cho đời sống cá nhân của chúng tôi”.

Ngoại giao

Dù các vị giáo hoàng không phải là chính trị gia, nhưng các ngài là những nhà lãnh đạo tinh thần với những nguyên tắc có liên hệ với đời sống xã hội và chính trị. Trong trường hợp Đức Phanxicô, ngài đã chứng tỏ có năng khiếu đặc biệt trong việc làm cho các nguyên tắc này được lắng nghe thực sự.

Người ta còn nhớ hồi tháng Chín năm 2013, ngài dẫn đầu cuộc đề kháng tinh thần chống lại một dự án quân sự quốc tế do Tây Phương lãnh đạo nhằm can thiệp vào Syria, sau khi có lời tố cáo cho rằng chế độ của Tổng Thống Bashar al-Assad đã triển khai vũ khí hóa học đánh vào các khu do phe đối lập chiếm giữ quanh Damascus. Đức Phanxicô phát động một chiến dịch ngoại giao toàn diện chống lại việc mở rộng cuộc tranh chấp, và sau đó được Tổng Thống Nga, Vladimir Putin, ca ngợi là người có công dứt khoát trong việc chặn đứng cuộc tấn công đã được nhóm G8 thông qua.

Khi Hoa Kỳ và Cuba công bố việc tái tục các liên hệ ngoại giao vào cuối năm 2014, cả nhà lãnh đạo Cuba, Raul Castro, lẫn Tổng Thống Hoa Kỳ, Barack Obama, đều nhìn nhận vai trò lãnh đạo của Đức Phanxicô trong việc tạo bầu khí thuận lợi cho bước khai phá này. Cũng thế, nhiều nhà lãnh đạo thế giới, tụ tập nhau tại Paris dự hội nghị thượng đỉnh về thay đổi khí hậu do Liên Hiệp Quốc bảo trợ cuối năn 2015, đã thừa nhận vai trò cổ vũ tinh thần của Đức Phanxicô về việc bảo vệ môi trường giúp họ đạt được thỏa hiệp mạnh mẽ trong vấn đề này.

Dĩ nhiên, không phải cố gắng ngoại giao nào của ngài cũng thành công. Như các cố gắng tại Venezuela chẳng hạn. Ấy thế nhưng, điều chắc chắn là Đức Phanxicô đã gia tăng tính liên hệ của Vatican và của Giáo Hội đối với nền ngoại giao thế giới.

Các phán kết lẫn lộn

Niềm Vui Yêu Thương

Khi Đức Phanxicô khởi đầu diễn trình triệu tập hai Thượng Hội Đồng Giám Mục về Gia Đình vào năm 2014, ngài nói rằng ngài muốn có một kết quả sau cùng nói lên sự đồng thuận lớn lao giữa các giám mục và cộng đồng Giáo Hội về con đường hành động đúng sẽ được đưa ra. Nhưng, bất kể mọi điều khác có thể có, riêng việc “đồng thuận” thì dường như không có.

Thay vào đó, phán kết đưa ra trong văn kiện tháng Tư năm 2016 của Đức Phanxicô nhằm tổng kết hai Thượng Hội Đồng nói trên, tức tông huấn hậu thượng hội đồng Niềm Vui Yêu Thương, đã tạo ra cuộc tranh cãi gắt gao trong đời sống nội bộ của Giáo Hội Công Giáo, với việc mở cửa nhằm cho phép người ly dị và tái hôn dân sự được rước lễ.

Nhiều người cho rằng biện pháp trên nói lên tình bác ái mục vụ đáng lẽ đã phải đưa ra từ lâu, và cũng có thể là việc phê chuẩn một điều vốn đã được âm thầm thực hành ở nhiều nơi trong Giáo Hội. Nhưng cũng có khá nhiều người coi nó như một việc đảo ngược giáo huấn của Giáo Hội một cách đáng lo ngại về cả phép hôn phối lẫn các bí tích nói chung, và hiện chưa có dấu hiệu nào cho thấy cuộc tranh cãi này giảm cường độ.

Sau khi văn kiện trên ra đời, các giám mục khác nhau trên thế giới bắt đầu ban hành các hướng dẫn hay đưa ra các lời tuyên bố về việc thi hành biện pháp này, và các dấu hiệu họ đưa ra hết sức chống chọi nhau. Vì Đức Phanxicô từng nói rõ ràng rằng ngài không có ý định đưa ra bất cứ lời tuyên bố nào có tính trói buộc về chủ đề này nữa, nên ít nhất vào lúc này, tính đa dạng về phương thức chắc chắn sẽ vẫn còn đó.

Dù người ta ca ngợi ngài đã tự chế một cách đáng lưu ý, không áp đặt quan điểm của ngài, bắt mọi người phải tuân theo, nhưng ai cũng phải công nhận trong việc chăm sóc mục vụ hôn nhân, ngài chưa thành công trong việc đem mọi người đến chỗ cùng chia sẻ viễn kiến của mình.

Nguồn hợp nhất

Một trong các mô tả cổ điển về vai trò của Đức Giáo Hoàng trong Giáo Hội Công Giáo là: ngài là nguồn của hợp nhất đối với toàn thể Giáo Hội. Đạo Công Giáo là một cộng đồng hết sức đa dạng gồm 1.3 tỷ người rải rác khắp thế giới, và để giữ cho cộng đồng này khỏi tan vỡ, người ta cần có một trung ương vững mạnh.

Tuy nhiên, trong bốn năm qua, đôi lúc Đức Phanxicô gieo hạt chia rẽ cũng nhiều như gieo tinh thần cùng chung chính nghĩa.

Đối với mỗi người Công Giáo được gợi hứng bởi viễn kiến xã hội và phong thái cải cách của ngài, thì thường lại có một người Công Giáo khác thấy ngài quá tự phát, quá khinh thường truyền thống và ước lệ, quá bồng bột, và, quá cấp tiến đối với phần lớn những người Công Giáo bảo thủ hơn. Sự ngứa ngáy khó chịu mà những sự kiện này tạo nên nơi một số giới đã trở nên không thể nào nhầm lẫn được, với các bích chương chống ngài tại Rôma mấy tháng trước đây cho thấy rõ.

Nói cho ngay, không vị giáo hoàng nào mà không gây tranh cãi. Mọi vị giáo hoàng, kể cả từ những ngày đầu, đều bị chỉ trích. Điều khác duy nhất là trong thời đại truyền thông xã hội này, thì các chỉ trích nghe lớn tiếng hơn và phát đi nhanh hơn mà thôi.

Tuy nhiên, nếu chỉ để mô tả mà thôi, thì công bằng mà nói, vì Đức Phanxicô là nhà lãnh đạo linh hoạt và hiển hiện nhất, nên ngài vừa gợi hứng vừa làm thất kinh ở một mức sâu xa hơn cả. Điều ấy rất có thể chỉ là cái giá phải trả cho việc thi hành nhiệm vụ, nhưng cũng là một sự kiện sống hiện nay khi vị giáo hoàng không chỉ là tác nhân của sự hợp nhất, mà đồng thời cũng gần như là cái cột thu lôi.

Những việc chưa hoàn tất

Cải tổ tài chánh

Đức Phanxicô được bầu làm giáo hoàng vào tháng Ba năm 2013, với một sứ mệnh cải tổ, và ngài bắt đầu với cuộc cải tổ toàn diện các cơ cấu tài chánh của Tòa Thánh, nhằm phát huy một bầu khí trong sáng và có trách nhiệm mới mẻ. Tuy nhiên, các cơ cấu này mau chóng bị vướng vào nhiều cuộc tranh chấp hành chánh nội bộ, và cho đến nay, chưa hoàn toàn thực hiện được các lời hứa hẹn lúc ban đầu.

Bốn năm qua đi, ba mảng chủ chốt sau đây vẫn còn đang thiếu:

• Một báo cáo tài chánh đáng tin hàng năm vượt quá việc chỉ liệt kê thu nhập và mất mát, cho thấy bức tranh tổng thể về các tài sản Vatican hiện kiểm soát và các tài sản đã được sử dụng.

• Một cuộc thanh lý hàng năm có ý nghĩa, hoặc do một thanh lý viên ở bên ngoài hoặc do một chức vụ mới của Tòa Thánh gọi là Tổng Thánh Lý Viên tiến hành, một cuộc thanh lý nhằm qui kết trách nhiệm thực sự.

• Các vụ truy tố và kết án đối với các tội phạm tài chánh dưới luật lệ mới từng được ban hành dưới thời Đức Bênêđíctô XVI và Đức Phanxicô. Cho đến nay, ít nhất đã có 40 vụ như thế được gửi tới các công tố viên của Vatican, nhưng chưa có hình phạt nào đã được đưa ra, một điều mà các quan sát viên tin là cần thiết để thuyết phục mọi người rằng hệ thống quả có răng.

Các vụ tai tiếng lạm dụng tình dục

Khởi đầu, Đức Phanxicô gây nhiều tin tưởng nơi các nạn nhân bị các giáo sĩ lạm dụng tình dục và các người bênh vực họ vì ngài cam kết sẽ thi hành chính sách “tuyệt đối không dung túng” (zero tolerance) và xem ra ngài sẽ thi hành chính sách này khi lập ra Ủy Ban Giáo Hoàng Bảo Vệ Vị Thành Niên do Đức Hồng Y Sean O’Malley của Boston cầm đầu.

Tuy nhiên, với thời gian qua đi, niềm tin trên bắt đầu lung lay. Một phần, do một vài biện pháp bị coi là không nhậy cảm đối với các nạn nhân bị lạm dụng, như bổ nhiệm một giám mục ở Chile từng có lịch sử bênh vực một linh mục nổi tiếng lạm dụng tình dục ở đấy. Một phần cũng do một số biện pháp cải tổ như đã hứa hẹn nhưng chậm đem ra thực hành, như guồng máy mới nhằm áp đặt kỷ luật lên các giám mục không xử lý đúng các đơn khiếu nại bị lạm dụng.

Mới đây, người sống sót duy nhất phục vụ trong tư cách thành viên hoạt động của ủy ban giáo hoàng chống lạm dụng, Marie Collins của Ái Nhĩ Lan, đã từ chức vì thất vọng đối với điều được bà mô tả như là kình chống của hệ thống hành chánh Giáo Triều trước việc làm của Ủy Ban.

Phụ nữ

Đức Phanxicô nhiều lần tuyên bố rằng ngài muốn thăng tiến vai trò phụ nữ trong Giáo Hội Công Giáo, cả tại Vatican lẫn tại các hoạt trường khác nơi thẩm quyền được thừa hành và tài lãnh đạo được triển khai. Tuy nhiên, cho đến nay, ngài có một phương thức không cân xứng để làm cho việc này xẩy ra.

Thực vậy, cho tới nay, ngài vẫn chưa bổ nhiệm một phụ nữ nào lãnh đạo một cơ quan quan trọng của Tòa Thánh, và đã bỏ lỡ một số cơ hội khá hiển nhiên ở một số bộ phận khác. Khi ngài cho thiết lập Hội Đồng Kinh Tế, ra dấu lần đầu tiên rằng hàng ngũ giáo dân sẽ phục vụ như những người hoàn toàn bình đẳng với các Hồng Y trong cơ chế ra quyết định mới này, ngài cũng chỉ cử nhiệm các giáo dân nam giới mà thôi; một việc khiến nhiều người thắc mắc không biết có phải ngài không tìm được một nhà chuyên nghiệp nữ nào về tài chánh hay không.

Đức Phanxicô cũng đã loại bỏ ý niệm linh mục phụ nữ và nói chung tỏ ra hoài nghi đối với các mưu toan muốn “giáo sĩ hóa” phụ nữ.

Nhưng ngài chưa cho biết đâu là chiến lược phi giáo sĩ hóa phụ nữ hữu hiệu nhằm thăng tiến vai trò phụ nữ trong một Giáo Hội đã từ lâu vốn dành quyền lực cho bậc sống giáo sĩ. Phải chăng nay đã đến lúc, ngài nghĩ tới chuyện này.

Vũ Văn An

(Nguồn: VCN)