MỘT NGÀY LÀ CHỦNG SINH GIOAN - MÃI MÃI THUỘC GIA ĐÌNH GIOAN

Các Giáo Hội Kitô giáo Iraq trưóc nỗ lực tái hồi hương Kitô hữu và tái thiết vùng bình nguyên Ninive


Ngày mùng 9 tháng 6 vừa qua Đức Cha Louis Raphael Sako, Thượng Phụ Canđê đã hướng dẫn một phái đoàn viếng thăm một số đan viện và nhà thờ rải rác trong vùng của thành phố Mossul đã được quân đội Iraq giải phóng khỏi sự chiếm đóng của các lực lượng phiến quân của Nhà nước Hồi giáo. Phái đoàn gồm Đức TGM Ramzi Garmou, trưởng giáo quận Canđê Teheran, Đức Cha Habib al Nawfali, giám mục giáo phận Canđê Bassorra và Đức Cha Basel Salim Yaldo, giám mục phụ tá giáo phận Canđê Baghdad. Cùng đi với phái đoàn có một số viên chức chính trị tỉnh Ninivê. Đức Thượng Phụ Sako và phái đoàn đã có thể viếng thăm nhà thờ Chúa Thánh Thần của Giáo hội Công giáo Canđê, đan viện thánh Giorgio, nhà thờ Chính thống giáo Siri thánh Efrem và nhà thờ Công giáo Truyền Tin. Tất cả cả nơi này đều đã bị tàn phá, cướp bóc và một phần bị huỷ hoại trong các năm bị chiếm đóng bởi các lực lượng của Nhà nước Hồi giáo. Phái đoàn đã cùng nhau cầu nguyện tại các nơi thăm viếng.

Trong chuyến viếng thăm phái đoàn cũng đã gặp gỡ Đại tướng Najim Abdullah al Jubun chỉ huy quân đội Iraq giải phóng thành phố Mosul. Đại tướng đã cầu mong các Kitô hữu mau chóng hồi hương, vì không có các Kitô hữu thành phố Mosul sẽ đánh mất đi màu sắc và căn tính nguyên thuỷ của nó. Ông cũng cho biết quân đội sẽ dấn thân bảo vệ an ninh cho các thành phố và làng mạc rải rác trong vùng bình nguyên Ninive, làm sao để cho dân chúng đã phải di cư có thể trở về nhà cửa ruộng vườn của họ. Đa số dân sống tại bình nguyên Ninivê là Kitô hữu. Đức Thượng Phụ Sako cũng đã nêu bật việc cần thiết phải bảo vệ tài sản của các Kitô hữu, đã bị các nhóm có tổ chức đôi khi có vũ trang chiếm hữu. Các nhóm này hiện đi lại tự do trong vùng.

Chuyến viếng thăm đã đuợc văn phòng thông tin của toà Thượng Phụ Canđê và đài truyền hình quốc gia Ishtar loan tin và chiếu hình. Đức Thượng Phụ và các Giám Mục đã có thể nhận thấy cuộc sống đang từ từ trở lại trong các vùng đã được giải phóng của thành phố Mosul. Tuy nhiên, người ta vẫn thỉnh thoảng nghe tiếng đại bác đến từ các vùng ở mạn tả ngạn sông Tigre, nơi vẫn đang xảy ra các cuộc giao tranh giữa quân đội chính phủ Iraq và các lực lượng của Nhà nước Hồi giáo.

Ngày mùng 7 tháng 6 Đức Thượng Phụ Sako đã chủ sự một cuộc họp với các Giám Mục Canđê tại Erbil và kêu gọi mọi Kitô hữu thắng vượt chia rẽ trên bình diện chính trị, để cùng nhau trình diện như một thực thể hiệp nhất trong các tiếp xúc với các lực lượng và cơ cấu chính trị khác. Trong cùng ngày ông Masud Barzani, Chủ tịch vùng tự trị Kurdistan, cũng gặp gỡ các thành phần lãnh đạo tại đây và đi tới quyết định tổ chức trưng cầu dân ý vào này 25 tháng 9 tới đây liên quan tới sự độc lập của vùng này. Việc tuyên bố tổ chức trưng cầu dân ý này đã khiến cho chính quyền trung ương tại thủ đô Baghdad phản ứng tiêu cực. Viễn tượng tách rời đơn phương vùng Kurdistan và biến nó thành vùng độc lập tự trị cũng liên quan tới cộng đoàn Kitô trong vùng. Lời loan báo nói trên đã khiến cho Đảng “Abnaa al Nahrain Con cái vùng Medopotamia”, là đảng phái có các thành viên Kitô hữu hoạt động, phản ứng không thuận lợi. Họ cho rằng đề nghị này không thích hợp. Theo họ không thể dùng một cuộc trưng cầu dân ý để áp đặt một thay đổi cơ cấu chính trị, nhưng cần phải có các tiến trình lâu dài hơn và phải thảo luận với chính quyền trung ương Baghdad cũng như các tổ chức chính trị cấp quốc gia. Đảng Các con cái Medopotamia có một dân biểu trong Quốc hội trung ương và một dân biểu trong qưốc hội miền tự trị Kurdistan. Theo họ sau các vụ đày ải khổ đau mà dân chúng miền bắc Iraq đã phải gánh chịu, mọi động thái chính trị gây ra các xâu xé mới đều không thích hợp. Trong khi vấn đề cấp thiết và quan trọng hàng đầu là phải làm sao để những người di tản, trong đó có hàng chục ngàn Kitô hữu, có thể trở về nhà cửa ruộng vườn và đất đai của họ.

Thật ra dự án tổ chức trưng cần dân ý liên quan tới sự độc lập của vùng Kurdistan đã có từ lâu trước. Gần một năm trước ông Masud Barzani, chủ tịch vùng tự trị Kurdistan, đã nhóm họp với đại diện các đảng phái chính trị và các Kitô hữu hoạt động trong vùng với mục đích soạn thảo một chương trình cho tương lai của vùng Kurdistan, trước khi thành phố Mosul được giải phóng khỏi sự chiếm đóng của các lực lượng của Nhà nước Hồi giáo. Trong cuộc họp người ta cũng thảo luận vấn đề biến vùng bình nguyên Ninive, có đa số người Kitô sinh sống, trở thành một tỉnh độc lập, và cho phép họ lựa chọn qua một cuộc trưng cầu dân ý trong khung cảnh chính trị dưới chính quyền vùng Kurdistan độc lập, hơn là dưới chính quyền liên bang có trụ sở tại thủ đô Baghdad.

Trong khi việc tái chiếm Mosul khỏi tay các lực lượng của Nhà nước Hồi giáo tiếp diễn, có nhiều phản ứng đối với các tin tức và lập trường liên quan tới cuộc trưng cầu dân ý nói trên. Đức Thượng Phụ Canđê Louis Raphael Sako đã công bố thông cáo đề nghị các Kitô hữu đừng khép kín trong các hầm trú, và đừng để cho mình bị loá mắt bởi các đề nghị không thiết thực và hấp tấp, mà các chính trị gia Kitô Iraq cũng tái đề nghị mới đây: đó là thành lập tại miền bắc Iraq các vùng dành riêng cho các tôn giáo thiểu số, bao gồm các Kitô hữu, và cho họ được tự trị trên bình diện hành chánh, hay cho họ các bảo đảm và có hệ thống che chở quốc tế. Theo Đức Thượng Phụ điều cấp thiết hiện nay là giúp các Kitô hữu trở về các thành phố và làng mạc quê hương của họ, mà họ đã bị bó buộc rời bỏ hồi năm 2014, khi bị các lực lượng của Nhà nước Hồi giáo tấn công và chiếm đóng. Điều này đòi hỏi phải nhanh chóng tái thiết các cơ cấu hạ tầng đã bị phá huỷ và được sự trợ giúp vật chất của chính quyền Iraq cũng như các tổ chức quốc tế, bao gồm cả Hoa Kỳ. Trong tiến trình ấy theo Đức Thượng Phụ, thật là thích hợp giao phó cho các giới chức đại diện dân chúng trong vùng việc điều hành các cơ cấu chính trị và hành chánh của vùng này. Cũng có thể xin phần đóng góp của các quan sát viên không thiên vị bên ngoài, canh chừng trên các tiến trình hội nhập thực thụ giữa các thành phần chủng tộc tôn giáo, tránh xảy ra cảnh các nhóm công dân bị coi như các kẻ “bất trung” hay bị kỳ thị.

Vẫn theo Đức Thượng Phụ chỉ sau khi tình hình Iraq được ổn định, mới khởi sự các tiến trình thành lập các đơn vị hành chánh tự trị mới như dụng cụ bảo vệ các quyền lợi và việc tiếp nối sự hiện diện của các nhóm chủng tộc tôn giáo thiểu số. Trong lúc tế nhị này các Kitô hữu được mời gọi có các lựa chọn khôn ngoan, bắt đầu từ việc tránh xa các xung khắc chính trị, không để cho mình bị liên lụy tới chúng. Đồng thời cũng không khép kín trong hầm trú chống lại những người khác, bằng các đòi hỏi không thể thực hiện được. Đức Thượng Phụ đề nghị các Kitô hữu trong thời điểm này “có các sáng kiến can đảm cùng với mọi công dân Iraq khác xây dựng cuộc sống dân sự với một chính quyền tân tiến và dân chủ, một quốc gia trong đó Hiến pháp được tôn trọng và bảo đảm cho tất cả mọi người mọi quyền công dân. Chúng ta hãy cầu nguyện và hy vọng rằng thời hậu Nhà nước Hồi giáo không bị ghi dấu bởi các xung khắc chia rẽ mới khiến cho máu lại có thể đổ ra, hay tệ hại hơn lại xảy ra một loại Nhà nước Hồi giáo bạo lực tệ hại hơn trước.”

Tuy nhiên, hồi tháng năm vừa qua người ta cũng đã ghi nhận rằng trong các vùng đã được quân chính phủ giải phóng tại thành phố Mosul vẫn có các vị lãnh đạo Hồi giáo giảng trong các đền thờ Hồi giáo tiếp tục gọi các Kitô hữu là các “người bất trung”, và khích động tín hữu Hồi giáo đối xử với họ và kỳ thị họ như các lực lượng của Nhà nước Hồi giáo hay của tổ chức Al Qaeda đã làm trước đó. Một thông cáo mang chữ ký của Đức Thượng Phụ Sako, do toà Thượng Phụ Candê phổ biến, than phiền về các giọng điệu hùng biện khơi lên ngọn lửa chống các Kitô hữu và các cộng đoàn tôn giáo thiểu số khác tại Iraq, vì chúng hoàn toàn bất lợi cho Hồi giáo. Các kích động này gây chia rẽ giữa con người với nhau và dưỡng nuôi phong trào bài Hồi giáo. Chúng gây thiệt hại cho sự hiệp nhất quốc gia và khiến cho đất nước gặp nguy hiểm, xét vì các Kitô hữu là thành phần của xã hội Iraq một cách sâu xa đến độ thế hệ cha ông của những người Hồi giáo hiện nay đã từng chia sẻ niềm tin nơi Chúa Kitô, từ rất lâu trước khi vùng Medopotamia bị các người Hồi giáo Ả Rập chinh phục. Đức Thượng Phụ Sako kêu gọi các giới hữu trách dân sự và tôn giáo chống lại tất cả các kiểu diễn tả gieo thù hận phe phái. Ngài cũng trích câu 29 của chương 15 sách Coran viết rằng: “Hãy nói: sự thật đến từ Chúa ngươi: hãy tin ai muốn, và ai muốn hãy chối”.

Ngoài ra ngày 12 tháng 5 dư luận Iraq cũng xôn xao trước thông cáo của một giám mục Công giáo Siro và hai giám mục Chính thống giáo thuộc miền bắc Iraq yêu cầu thành lập một vùng được che chở dành cho các Kitô hữu trong vùng bình nguyên Ninive, được quốc tế bảo vệ để tránh cho các Kitô hữu khỏi bị bách hại và trở thành nạn nhân của các bạo lực phe phái. Thông cáo được gửi tới giới hữu trách vùng và quốc gia cũng như quốc tế mang chữ ký của Đức Cha Boutros Moshe Công giáo Siro, Đức Cha Nicodemus Daud Matti Sharaf Chính thống giáo Siri và Đức Cha Timotheos Musa al Shamany, tổng giám mục Chính thống giáo Siri Bartellah. Ba vị yêu cầu biến vùng bình nguyên Ninive thành vùng tự trị nằm dưới quyền bảo vệ của Liên Hiệp Quốc để cứu vùng này khỏi các xung khắc và tranh giành, cũng như cứu vãn các quyền lợi của các cộng đoàn Kitô, có gốc rễ đâm sâu ngàn đời tại đây. Trong thông cáo các vị cũng đòi cho vùng bình nguyên Ninivê quyền tự trị hành chánh cho các làng mới được giải thoát khỏi các lực lượng của Nhà nước Hồi giáo.

Như đã biết giữa mùa xuân và mùa hạ năm 2014 nhiều thành phố và làng mạc trong vùng bình nguyên Ninive đã bị các lực lượng của Nhà nước Hồi giáo đánh chiếm. Trong các tháng tiếp theo đã có hàng chục ngàn Kitô hữu đã phải chạy trốn, đa số tuốn về vùng tự trị Kurdistan. Đã có nhiều người bị giết, bị đóng đanh hay cắt cổ.

Trong thông cáo chính thức do Đức Cha Sleimun Warduni phổ biến ngày 13 tháng 5, Đức Thượng Phụ Canđê Louis Raphael Sako cho biết thông cáo công bố hôm trước đó của ba giám mục không phản ánh lập trường của Giáo Hội Canđê, và không đại diện cho Giáo Hội Canđê. Đức Thượng Phụ khẳng định rằng trong tình hình tế nhị hiện nay vấn đề cấp bách ưu tiên là làm sao cho các Kitô hữu có thể hồi hương và tái thiết các cơ cấu hạ tầng đã bị phá hủy, bằng cách tận dụng các trợ giúp quốc tế. Chỉ sau khi an nình và ổn định được vãn hồi, thì mới bắt đầu các tiến trình thành lập các đơn vị hành chính tự trị mới như là dụng cụ bảo vệ các quyền lợi và các cộng đoàn của các chủng tộc và tôn giáo thiểu số. Trong lúc này các Kitô hữu nên tránh khép kín trong hầm trú chống lại người khác hay đưa ra các đòi hỏi không thể thực hiện được.

Linh Tiến Khải

(Nguồn: Radio Vatican)