ROMA. Trong buổi canh thức nhân dịp kỷ niệm 50 năm thành lập Phong trào Công Giáo canh tân trong Thánh Linh, ĐTC kêu gọi tất cả các tín hữu Kitô đoàn kết để chứng tỏ cho thế giới thấy hòa bình là điều có thể.
Buổi canh thức diễn ra áp lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống, chiều ngày 3-6-2017 tại Circo Massimo, ở Roma, một khu vực xưa kia là trường đua ngựa thời đế quốc La Mã và cũng là nơi máu các vị tử đạo đổ ra. Địa điểm hành lễ được mở cửa từ lúc 1 giờ trưa, trên lễ đài có biểu ngữ lớn: “Gesù è il Signore”, và các ngôn ngữ khác: Đức Giêsu là Chúa, và bên dưới, trước lễ đài, có một khu vực dành cho một nhóm người nghèo do Đức TGM Konrad Krajewski, Chánh Sở từ thiện của ĐTC, hướng dẫn. Trong số hơn 50 ngàn tín hữu hiện diện cũng có hàng ngàn người gồm các thủ lãnh và thành viên phong trào Thánh Linh trong Tin Lành, các Giáo Hội Pentecostal.
Buổi buổi cầu nguyện bắt đầu với nghi thức khai mạc lúc 4 giờ chiều: sau lời chào mừng của bà Michelle Moran, Chủ tịch Phong trào Công Giáo canh tân trong Thánh Linh và Ông Gilberto Barbosa, Chủ tịch Phong trào Cộng đoàn canh tân trong Thánh Linh ở Brazil, cộng đoàn tiến hành với phần chúc tụng, thờ lạy, nghe chứng từ và suy tư về hoạt động của Chúa Thánh Linh liên quan đến ơn gọi, gia đình, chữa lành và rao giảng Tin Mừng.
Sau khi ĐTC đến nơi và tiến lên lễ đài, buổi canh thức bắt đầu lúc gần 6 giờ chiều. Mọi người lắng nghe đoạn Tin Mừng theo thánh Gioan, đoạn 17 câu 21 đến 23, tiếp đến là bài suy niệm của Cha Cantalamessa, dòng Capuchino, giảng thuyết viên tại Phủ Giáo Hoàng. Sau đó là suy niệm của ĐTC.
Suy niệm của ĐTC
Đi từ hai đoạn Tông Đồ Công Vụ (1,4-5; 2,1-4), ĐTC ví cộng đoàn tham dự buổi canh thức đến từ hơn 120 quốc gia giống như nhà Tiệc Ly lộ thiên: “Nhiều người đến từ các nơi trên thế giới và Chúa Thánh Linh qui tụ chúng ta để thiết lập những tương quan thân hữu huynh đệ, khích lệ chúng ta trên con đường tiến về hiệp nhất, hiệp nhất để thi hành sứ mạng: không phải để dừng lại, nhưng để ra đi công bố Đức Giêsu là Chúa, để cùng nhau loan báo tình thương của Chúa Cha đối với tất cả mọi con cài! Để loan báo Tin Mừng cho mọi dân nước! Để chứng tỏ rằng hòa bình là điều có thể!”
Nhưng ĐTC nhận xét rằng “chúng ta không thể loan báo hòa bình là có thể nếu chúng ta không sống hòa bình với nhau, nếu chúng ta nhấn mạnh những khác biệt, nếu chúng ta gây chiến với nhau, làm như thế chúng ta không thể loan báo hòa bình.”
Ngài nhìn nhận có những khác biệt giữa các tín hữu Kitô, nhưng cần làm sao để những khác biệt đó trở thành “những dị biệt được hòa giải”: Có những khác biệt về ngôn ngữ, (như cộng đoàn Kitô ngày lễ Ngũ Tuần), nhưng Chúa Thánh Linh làm cho chúng ta hệu sứ điệp phục sinh của Chúa Giêsu trong ngôn ngữ riêng chúng ta.
ĐTC xác nhận Phong trào Công Giáo canh tân trong Thánh Linh, được khai sinh cách đây 50 năm, “không phải để khởi đầu một tổ chức, một định chế, nhưng là một dòng ơn thánh, một trào lưu ơn thánh... Một công trình đại kết vì Thánh Linh kiến tạo hiệp nhất và cùng một Thánh Linh gợi hứng để Phong trào canh tân trong Thánh Linh là đại kết.”
Trong bài suy niệm, ĐTC cũng nhắc đến phong trào đại kết bằng máu. “Bao nhiêu Kitô hữu bị giết vì họ là tín hữu Kitô. Những kẻ sát hại họ, trước khi giết, không hỏi họ là chính thống, công giáo, tin lành, Luther hay Calviniste? Họ hỏi: ngươi có phải là Kitô hữu hay không? Khi tín hữu ấy khẳng định, và họ bị cắt cổ ngay. Ngày nay có nhiều vị tử đạo hơn thời kỳ đầu. Đó là phong trào đại kết bằng máu. Tại nhiều nơi trên thế giới, máu các tín hữu Kitô đang đổ ra! Ngày nay hơn bao giờ hết, sự hiệp nhất của các Kitô hữu, được hiệp nhất nhờ hoạt động của Thánh Linh, trong kinh nguyện và trong hoạt động giúp những người yếu thế nhất. Đồng hành và cộng tác. Yêu thương nhau. Cùng nhau giải thích những khác biệt, thỏa thuận, nhưng đồng hành! Nếu chúng ta dừng lại, không tiến bước nữa, sẽ không bao giờ chúng ta thỏa thuận với nhau. Sở dĩ như vậy vì Thánh Linh muốn chúng ta tiến bước.”
Buổi canh thức tiếp tục với thánh vịnh thống hối 50, kinh nguyện xin ơn tha thứ vì những tội chia rẽ do cha Cantalamessa và mục sư Traettino hướng dẫn.
Buổi canh thức kết thúc với kinh nguyện xin ơn Phép rửa của Chúa Thánh Linh.
G. Trần Đức Anh OP
(Nguồn: Radio Vatican>