Giáo hội Công giáo từng can thiệp để bảo vệ phong trào "Phụ nữ áo trắng" (© Reina Tamayo) |
Tại Châu Mỹ, đất nước Cuba đang có những bước chuyển biến theo hướng tự do hóa thị trường. Theo báo Le Figaro, sự kiện Giáo hội Công giáo Cuba tham gia đào tạo những nhà quản lý tương lai cho đất nước cho thấy Giáo hội đang từng bước khẳng định vai trò của mình trên đất nước theo chủ nghĩa Cộng sản.
Hôm 26/9/2011 vừa qua, Trung tâm văn hóa Felix-Varela, do Giáo hội Công giáo cai quản, đã khai giảng khóa đào tạo đại học đầu tiên tại La Havana. Đây là một bước khởi đầu đáng ghi nhận của Giáo hội trong giáo dục đại học, vốn dĩ do Nhà nước Cuba chiếm thế độc tôn. Mục tiêu của chương trình là đào tạo các nhà lãnh đạo doanh nghiệp tư nhân tương lai. Nhiều tin đồn còn lan truyền rằng nhiều thành viên của gia đình Castro cũng tham gia khóa học.
Theo lời giải thích của một linh mục, với việc cho phép 180 ngành nghề được hoạt động, như vậy, sẽ có nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ được thành lập. Trong khi đó, người dân Cuba vẫn còn thiếu nhiều kiến thức về quản lý doanh nghiệp. Trong bối cảnh này, Giáo hội Công giáo cho thấy tham vọng của họ là muốn sát cánh cùng với những cải cách, thông qua việc đề nghị đào tạo ngành thạc sĩ quản lý doanh nghiệp. Chương trình đào tạo sẽ do các giáo sư kinh tế thuộc hai trường đại học công giáo La Havana, Pavel Vidal và đại học Murcia của Tây Ban Nha đảm trách.
Trường dòng và hành hương
Ngoài việc đào tạo bậc đại học ngành Cao học quản trị doanh nghiệp, Le Figaro còn ghi nhận các hoạt động tôn giáo cũng bắt đầu được thực hiện tự do và công khai hơn. Điển hình là bức tượng Đức Mẹ Bác Ái - biểu tượng cho sự khai sinh nước Cuba - được đi diễu hành trên khắp đất nước, thu hút nhiều đám đông hiếu kỳ.
Hơn nữa, những tháng vừa qua, Giáo hội hoạt động thoải mái hơn. Đức Hồng y Tổng Giám mục La Habana Ortega ngày 02/5/2010 gây ngạc nhiên khi giảng đạo trước nhóm "Phụ nữ Áo Trắng", cam kết những vụ hành hung họ sẽ sớm chấm dứt. Le Figaro cho biết những người phụ nữ này vốn là mẹ, là vợ hay con cái của 75 nhà đối lập đang bị chính quyền bắt giam vào năm 2003. Sau mỗi lần dự lễ ra, họ thường xuyên bị đánh đập. Mối quan hệ mới giữa Giáo hội và Nhà nước Cuba lên đến đỉnh điểm qua sự việc Đức Tổng Giám mục đã can thiệp trực tiếp để trong việc trả tự do các tù nhân chính trị vào tháng 7/2010.
Theo Le Figaro, Giáo hội Công giáo hiện nay được xem như là nhà đối thoại được trọng nễ của bộ máy quyền lực. Nhưng nhiều nhà đối lập công giáo cảm thấy không mấy hài lòng. Họ cho rằng "Việc trả tự do và cải cách kinh tế chỉ là một con mồi và Giáo hội góp phần làm tin là có tự do và cải tổ. Không một cải cách nào mở ra những quyền mới cho công dân. Tệ hơn nữa là Giáo hội còn đóng vai trò người kiểm duyệt bằng chính hàng ngũ của mình, thay thế chính phủ trong việc đàn áp."
Đáp lại những lời chỉ trích trên, nhiều vị giám mục đã phản bác rằng "lẽ thường tình Giáo hội phải đứng vai trò trung gian hòa giải. Đức Hồng y đã làm trọn vai trò mà Giáo hội phải đảm nhận : ủng hộ đối thoại và giải quyết xung đột."
Minh Anh
(Nguồn http://www.viet.rfi.fr)