MỘT NGÀY LÀ CHỦNG SINH GIOAN - MÃI MÃI THUỘC GIA ĐÌNH GIOAN

Mùa xuân Ả Rập trở thành mùa thu ảm đạm

Cho đến Chúa nhật vừa qua, ánh mắt lóng lánh của tuổi trẻ vẫn là hình ảnh của Ai Cập, cả Hồi giáo lẫn Kitô giáo, đoàn kết trong một cơn khóc thầm đã trở thành một tiếng hô làm sống dậy các khát vọng cao quí nhất: khát vọng tự do, công lý và hy vọng một tương lai tươi đẹp hơn.

Chúng tôi nói cho đến Chúa nhật vừa qua, vì hình ảnh xe bọc thép cán nát những người biểu tình tàn tật đã nhấn chìm mọi giấc mơ và mở mắt thiên hạ để họ thấy một quang cảnh đang phủ mây mù lên nền trời Mùa Xuân Ả Rập. Giấc mơ trong đó những người chủ đạo là người Hồi giáo và người Kitô giáo của Ai Cập cùng tụ họp nhau như một dân tộc tại Quảng trường Al Tahir, nay đã tan biến với việc bùng nổ bạo lực và trở thành giấc mộng hãi hùng của một tương lai vô định.

Một cuộc biều tình ôn hòa đã kết thúc bằng những màn đầy bạo lực chưa từng thấy, được tờ Al-Hayat của Saudi mô tả là “biến cố đẫm máu nhất kể từ cuộc cách mạng 25 tháng Giêng, từng dẫn đến việc sụp đổ của nền độc tài Hosni Mubarak”. Theo Bộ Y tế Ai Cập, có 24 người chết và 212 người bị thương.

Tất cả bắt đầu vào Chúa nhật qua với cuộc biểu tình ôn hòa của người Kitô giáo Coptic, vì bất bình với cuộc tấn công mới đây vào một nhà thờ tại Assuan, Nam Ai Cập. Những người biểu tình phàn nàn về sự im hơi lặng tiếng của nhà cầm quyền trước sự việc diễn ra. Người Kitô hữu Ai Cập kêu gọi thống đốc của tỉnh là Mustafa As-Sayyed từ chức, vì cho rằng ông ta đã gây ra cuộc tấn công kia. Theo tờ Tariq Al-Akhbar, As-Sayyed nói rằng nhà thờ này bất hợp pháp, vì tòa nhà này được biến đổi thành nhà thờ nhờ mưu mẹo để có giấy phép. Những người quá khích đã dựa vào lời tuyên bố ấy để nổi lửa thiêu hủy nơi thờ phượng của Kitô giáo.

Theo tường trình của trang mạng Coptreal, sau ngày xảy ra cuộc tấn công, thay vì lên án, As-Sayed lại nói rằng: “Không hề có cuộc tấn công nào vì làm gì có nhà thờ nào ở Assuan”. Những lời này đã làm người Coptic hết sức bất bình, khiến họ tổ chức cuộc biểu tình vào hôm Chúa nhật vừa rồi. Cuộc biểu tình này bắt đầu tại khu phố Shabra, từ đó, đoàn biểu tình kéo tới trụ sở đài truyền hình quốc gia, kêu gọi nhà nước bảo vệ những nơi thờ phượng của Kitô giáo và sự bình quyền đối với mọi công dân. Những người biểu tình cũng kêu gọi As-Saeyd từ chức, tố cáo ông này có thiện cảm đối với những người quá khích Hồi giáo. Người biểu tình, không phải chỉ gồm các Kitô hữu mà còn gồm cả người Hồi giáo ủng hộ quyền lợi của họ nữa, cũng phản đối đường hướng của truyền hình nhà nước nhằm khơi dậy các cảm quan chống phá Kitô giáo.

Trong cuộc biểu tình, một vài tên phá hoại đã ném đá và bắn vào đám đông. Người Coptic đã ném đá trả thù. Chỉ chờ có thế, lực lượng an ninh và quân đội bèn can thiệp một cách bạo lực dẹp tan người biểu tình bằng xe bọc thép. Linh mục Daoud thuộc Giáo Hội Coptic cho hay: ngài thấy xe tăng cán lên 5 người biểu tình.

Tình thế mau chóng biến thành hỗn loạn, quân đội và cảnh sát bắt đầu bắn hơi cay và đạn cao su vào người biểu tình. Những người này ném bất cứ cái gì họ vớ được để trả đũa. Truyền hình nhà nước nói rằng người biểu tình đốt một số xe của cảnh sát.

Quân đội và cảnh sát đã tăng cường sự hiện diện của họ và ra lệnh giới nghiêm bắt đầu từ sáng thứ Hai. Hãng France Press có bài tường trình về tình trạng những người bị thương và thiệt mạng tại bệnh viện Coptic ở Cairo, cho hay: một số tử thi hoàn toàn không còn nhận diện được nữa. Tờ Al-Hayat thì cho hay: đêm hôm đó một nhóm người Hồi giáo ôn hòa đã diễn hành tới bệnh viện Coptic, nâng cao biểu ngữ và hô lớn: “Người Kitô giáo và người Hồi giáo, chỉ là một bàn tay” và đau buồn về những gì đã xảy ra.

Phản ứng của Giáo Hội Coptic

Trong một thông cáo gửi cho Zenit, Hội Đồng Các Thượng Phụ và Giám Mục Công Giáo Ai Cập nhận định về các biến cố đáng tiếc, và khuyến cáo hội đồng quân sự và chính phủ Ai Cập “phải lãnh trách nhiệm quốc gia và quản lý tình thế hiện nay, duy trì công lý và bảo vệ phẩm giá mọi công dân mà không kỳ thị”.

Các vị giáo phẩm Công giáo Ai Cập cũng khẳng định rằng Giáo Hội Công giáo tại Ai Cập “dâng lời cầu nguyện của mình lên Thiên Chúa, xin Người che chở Ai Cập và nhân dân Ai Cập” đồng thời hứa sẽ cầu nguyện cho các nạn nhân của những biến cố đầy bạo lực vừa qua.

Trong mấy tháng gần đây, Ai Cập vốn là hiện trường của nhiều căng thẳng liên tôn mỗi ngày một gia tăng. Một số nhà thờ Kitô giáo trở thành mục tiêu cho những cuộc tấn công khủng bố. Nhà cầm quyền mới của Ai Cập đã cố gắng thay đổi một số luật lệ có tính kỳ thị từng hạn chế gay gắt việc xây dựng các nơi thờ phượng của Kitô giáo, nhưng những cố gắng này luôn bị các nhóm quá khích chống đối. Những nhóm này đang có tham vọng lớn trong cuộc bầu cử vào tháng 11 này.

Theo Robert Cheaib, Zenit, 11 tháng 10, 2011

Vũ Văn An

(Nguồn: VietCatholic)