Các Thánh là những người đã được luật mến Chúa yêu người biến đổi thành các mẫu gương đức tin cho chúng ta noi theo. Đức Thánh Cha Biển Đức XVI đã khẳng định như trên trong thánh lễ tôn phong hiển Thánh cho 3 Chân phước trước thềm Đền thờ thánh Phêrô sáng Chúa nhật 23-10-2011. Đó là thánh Giám mục Guido Maria Conforti, Linh mục Luigi Guanella và nữ tu Bonifacia Rodriguez de Castro.
Tham dự thánh lễ đã có hàng chục Hồng y, các phái đoàn ngoại giao cạnh Tòa Thánh và gần 50.000 tín hữu và du khách hành hương. Đồng tế thánh lễ với Đức Thánh Cha, ngoài vài Hồng y, có gần 80 Linh mục thuộc dòng Saveriani và dòng Các Tôi Tớ Bác Ái. Từ 7 giờ sáng, tín hữu đã sắp hàng chờ vào quảng trường dự lễ. Trong khi chờ đợi, họ đã nghe các văn bản trích từ bút tích của ba chân phước và hát thánh ca. Hình của ba vị được treo trên bao lơn Đền thờ thánh Phêrô: chính giữa là Đức cha Conforti, bên phải là Linh mục Guanella bên trái là nữ tu Rodriguez de Castro.
Sau nghi thức thống hối Đức Hồng y Angelo Amato Tổng trưởng Bộ Phong Thánh đã cùng với các thỉnh nguyện viên tiến lên giới thiệu tiểu sử ba chân phước và xin Đức Thánh Cha phong hiển Thánh cho các vị.
Đức cha Guido Maria Conforti sinh năm 1865 và qua đời năm 1931. Năm 1895, cha Conforti thành lập dòng truyền giáo Saveriani. Năm 1902, khi mới 37 tuổi, cha được Đức Giáo Hoàng Leo XIII chỉ định làm Giám mục Tổng Giáo phận Ravenna rồi Parma. Trong hơn 24 năm cha đã là một chủ chăn gương mẫu thánh thiện. Đức cha Conforti đã được Đức Gioan Phaolô II phong Chân phước năm 1996.
Linh mục Luigi Guanella sinh năm 1842 và qua đời năm 1915. Năm 1881, cha được chỉ định làm cha sở giáo xứ Pianello Lario và tại đây cha gặp một nhóm thiều nữ trợ giúp người nghèo, sau này sẽ trở thành dòng Nữ tử Thánh Maria Quan Phòng. Thánh Giáo Hoàng Pio X giao cho cha nhiệm vụ xây nhà thờ kính thánh Giuse qua đời. Cha chu toàn nhiệm vụ và thành lập hội Thánh Giuse qua đời chuyên cầu nguyện cho những người hấp hối, và Đức Pio X là người đầu tiên ghi danh làm thành viên. Năm 1912 khi đã 70 tuổi cha sang Hoa Kỳ lo việc mục vụ cho người di dân Italia. Trở về Italia cha trợ giúp các nạn nhân động đất vùng Abruzzo và thành lập dòng Các Tôi Tớ Bác Ái, sau đó cha được chỉ định làm Giám mục Giáo phận Lugano bên Thụy Sĩ.
Nữ tu Bonifacio Rodriguez de Castro, người Tây Ban Nha sinh năm 1837 và qua đời năm 1905. Năm 1874 cùng cha Butinyà chị thành lập dòng Các Nữ Tôi Tớ Thánh Giuse chuyên trợ giúp các phụ nữ lao động nghèo. Chị bị hàng giáo sĩ Salamanca chống đối cho là điên khùng và gặp rất nhiều khó khăn thử thách, nhục nhã, đến bị truất chức bề trên, nhưng chị không hề mở miệng kêu ca than vãn, vẫn vui vẻ tha thứ, nhẫn nhục chịu đựng mọi sự và hoàn toàn tín thác nơi tình yêu của Chúa.
Sau phần giới thiệu ba Chân Phước, cộng đoàn đã hát kinh cầu các Thánh.
Rồi Đức Thánh Cha đọc công thức phong hiển Thánh như sau: Để vinh danh Thiên Chúa Ba Ngôi, biểu dương đức tin Công giáo và thăng tiến cuộc sống Kitô, với quyền của Chúa Giêsu Kitô, Chúa chúng ta và của hai Thánh Tông Đồ Phêrô, Phaolô và của chúng tôi, sau khi đã suy nghĩ lâu dài và nhiều lần xin ơn Chúa trợ giúp và lắng nghe ý kiến của nhiều anh em trong hàng Giám mục, chúng tôi tuyên bố và định nghĩa là Thánh các Chân phước Guido Maria Conforti, Luigi Guanella và Bonifacia Rodriguez de Castro và ghi tên các vị vào sổ bộ các Thánh và thiết định rằng các vị được tôn kính giữa các Thánh trong toàn thể Giáo hội. Nhân danh Cha và Con và Thánh Thần.
Giảng trong thánh lễ, Đức Thánh Cha dùng cuộc đời ba vị thánh mới để quảng diễn các bài đọc phụng vụ. Chương 22 Phúc Âm thánh Mátthêu kể lại chuyện một vị tiến sĩ luật hỏi Người đâu là giới răn lớn nhất trong Lề Luật. Chúa trả lời: “Ngươi phải yêu mến Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết tinh thần và hết trí khôn ngươi. Đó là giới răn thứ nhất” (Mt 22,37-38). Đức Thánh Cha nói: Đòi buộc chính đối với từng người trong chúng ta đó là Thiên Chúa phải hiện diện trong cuộc sống chúng ta. Như Thánh Kinh nói Người phải thấm nhập mọi lãnh vực cuộc sống và hoàn toàn tràn ngập chúng: con tim phải biết Người và để cho Người đánh động; và linh hồn cũng thế, các năng lực của ý muốn và quyết định của chúng ta cũng như trí tuệ và tư tưởng, để chúng ta có thể nói như thánh Phaolô: “không còn là tôi sống nữa, nhưng là Chúa Kitô sống trong tôi” (Gl 1,20). Khi tuyên bố điều răn thứ hai giống điều răn thứ nhất, Chúa Giêsu cho chúng ta hiểu răng bác ái đối với tha nhân cũng quan trọng như lòng yêu mến Thiên Chúa. Thật thế, dấu chỉ hữu hình mà tín hữu Kitô có thể làm chứng cho thế giới thấy tình yêu đối với Thiên Chúa là tình yêu đối với các anh chị em khác. Thái độ sống của thánh Guido Maria Conforti là thái độ tín thác nơi bàn tay quan phòng của Thiên Chúa như diễn tả trong thánh vịnh 17. Ngay từ ngày còn bé người đã phải thắng vượt sự chống đối của thân phụ để gia nhập Chủng viện và chứng minh cho thấy ý chí cương quyết vâng lời Thiên Chúa. Người cảm thấy mạnh mẽ sự thúc giục loan báo tình yêu ấy cho những người chưa nghe loan báo Chúa. Và khẩu hiệu “tình yêu Chúa Kitô thôi thúc chúng ta” (x. 2 Cr 5,14) đúc kết chương trình của Tu hội truyền giáo mà người thành lập khi mới 30 tuổi để rao truyền Tin Mừng ở hải ngoại dưới sự bảo trợ của thánh Phanxicô Xaverio, Tông đồ Viễn Đông. Lòng hăng say truyền giáo đó vẫn theo thánh nhân khi người trở thành Giám mục Ravenna và Parma. Cả trong các thất bại nặng nề nhất, người vẫn nhận ra chương trình của Thiên Chúa và dậy cho các thừa sai con cái của người biết rằng sự hoàn thiện là noi gương Chúa Giêsu chịu đóng đanh sống theo thánh ý của Thiên Chúa. Con tim của Kitô hữu phải hiểu biết Chúa Kitô đến độ như có hương vị của Người.
Hương vị tình yêu đối với Thiên Chúa và tha nhân ấy cũng tỏa lan trong cuộc đời của thánh Linh mục Luigi Guanella. Đức Thánh Cha nói về thánh nhân như sau: Hôm nay chúng ta muốn chúc tụng và cảm tạ Chúa vì nơi thánh Luigi Guanella, Chúa đã cho chúng ta một ngôn sứ và một tông đồ của lòng bác ái. Trong chứng tá của người tràn đầy nhân bản và chú ý tới các kẻ rốt hết, chúng ta nhận ra một dấu chỉ rạng ngời của sự hiện diện và hoạt động nhân hậu của Thiên Chúa... Ước chi đối với mọi người, vị thánh mới này của lòng bác ái là mẫu gương tổng kết giữa chiêm niệm và hoạt đông như chính thánh nhân đã sống và thực thi.
Lịch sử cuộc đời thánh nữ Bonifacia Rodriguez de Castro người Tây Ban Nha thành Salamanca cũng sáng ngời và nảy sinh từ công việc chân tay bện dây. Bên ngoài chị chỉ là một thợ tiểu công nghệ, nhưng bên trong chị cháy lửa yêu mến Thiên Chúa, và chọn sứ mệnh đem Chúa Kitô đến với các chị em phụ nữ làm nghề dệt và may vá, trợ giúp họ tìm được công việc làm, khỏi bị khai thác bóc lột, được bảo đảm an ninh và đức tin.
Bằng tiếng Tay Ban Nha, Đức Thánh Cha giới thiệu gương mặt thánh nữ như sau: Vị thánh nữ mới được giới thiệu với chúng ta như một mẫu gương hoàn thiện, trong đó vang lên công việc của Thiên Chúa, một tiếng vang mời gọi các nữ tu dòng Thánh Giuse và chúng ta tất cả chấp nhận chứng tá của chị với niềm vui của Chúa Thánh Thần, mà không sợ hãi sự thất vọng và loan truyền khắp nơi Tin Mừng Nước Trời.
Trước khi đọc kinh Truyền Tin và ban phép lành cho mọi người, Đức Thánh Cha đã chào tín hữu và du khách hành hương bằng 5 thứ tiếng khác nhau và ngài phó thác cho sự bầu cử của Đức Trinh Nữ Maria ngày Suy tư, Đối thoại và Cầu nguyện cho công lý và hòa bình vào Chúa nhật 27 tháng 10 này tại Assisi nhân kỷ niệm 25 năm Đức Chân Phước Giáo hoàng Gioan Phaolô II triệu tập ngày này lần đầu tiên.
Linh Tiến Khải
Nguồn: vietvatican