Cotonou (Vat. 18/11/2011) - Chiều ngày 18 tháng 11 năm 2011, Ðức Thánh Cha Bênêđictô XVI đã đến Cotonou, thủ đô kinh tế của Benin, để khởi sự chuyến viếng thăm trong vòng 3 ngày tại đây, với cao điểm là thánh lễ sáng Chúa nhật 20 tháng 11 năm 2011 và buổi trao Tông huấn "Africae munus", hậu Thượng Hội đồng Giám mục Phi châu, cho các giám mục thuộc đại lục này.
Một trong những lý do Ðức Thánh Cha chọn nước Benin để viếng thăm trong chuyến tông du thứ 22 tại hải ngoại là vì Giáo Hội tại đây đang mừng kỷ niệm 150 năm truyền giáo, với chủ đề "Hỡi người thừa kế và xây dựng tương lai, Kitô hữu, hãy tường trình về niềm hy vọng nơi bạn".
Ðức Thánh Cha đã đáp trực thăng từ Vatican tới phi trường quốc tế Fiumicino của thành Roma. Tại đây, ngài được tân chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Italia, Ông Mario Monti, chào đón và tiễn biệt. Ngoài ra có các chức sắc đạo đời của Giáo Hội địa phương.
Trong số 30 vị thuộc đoàn tùy tùng của Ðức Thánh Cha, đặc biệt có 3 vị Hồng y và 1 Giám mục Phi châu tại Tòa Thánh, trong đó có Ðức Hồng y Arinze, người Nigeria, nguyên Tổng trưởng Bộ Phụng tự và Kỷ luật bí tích, Ðức Hồng y Robert Sarah người Guinea Equatoriale, Chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh Cor Unum, Ðồng Tâm, và Ðức Hồng y Peter Turkson, Chủ tịch Hội đồng Công lý và Hòa bình; đặc biệt có Ðức Cha Barthélémy Adoukounou, người Benin, Tổng thư ký Hội đồng Tòa Thánh về văn hóa, và cũng là một cựu sinh viên của Ðức Hồng y Ratzinger, đương kim Giáo Hoàng.
Chiếc máy bay Airbus A330 của hãng Alitalia chở Ðức Thánh Cha và đoàn tùy tùng, cùng với 50 ký giả, cất cánh lúc 9 giờ 15, trực chỉ phi trường Cotonou ở mạn nam.
Vài nét về Cotonou và Benin
Cotonou là thành phố lớn nhất của Benin với 800.000 dân cư và là nơi có các trụ sở của chính quyền quốc gia, tuy không phải là thủ đô.
Cộng hòa Benin là một nước nhỏ và nghèo, xưa kia được gọi là nước Dahomey, rộng gần 113.000km2, bằng một 1/3 Việt Nam, nhưng dân số chỉ có 9 triệu 400 ngàn người, với thủ đô là Porto-Novo, nhưng trụ sở của chính phủ và các tổ chức chính đặt tại Cotonou, thành phố lớn nhất nước.
Benin được độc lập từ năm 1960, và tiếp theo đó là thời kỳ xáo trộn với nhiều vụ đảo chính, rồi tới chế độ mác-xít của Mathieu Kérékou. Cuối thập niên 1980, Kérékou quyết định từ bỏ chế độ mác-xít và dân chủ đa đảng. Trong tiến trình này có sự đóng góp quan trọng của Giáo Hội Công giáo.
Danh hiệu "Benin" được chọn làm tên chính thức của quốc gia này kể từ năm 1975. Tại đây có khoảng 40 bộ tộc khác nhau, trong số này bộ tộc Fon là đông nhất, chiếm 40% dân số toàn quốc. Phần lớn các bộ tộc này có ngôn ngữ riêng, trong khi tiếng Pháp được sử dụng như tiếng chính thức và thường được dân chúng tại các thành phố và vùng phụ cận sử dụng.
Các tín hữu Công giáo chiếm 34% dân số tức là gần 3 triệu người, Hồi giáo 24%, Tin lành 5%, trong khi các tôn giáo cổ truyền của Phi châu chiếm 29%. Giáo Hội tại đây được chia làm 10 giáo phận, với 338 giáo xứ, do 810 linh mục phụ trách, trong số này có 684 linh mục giáo phận. Ngoài ra có 1.250 nữ tu, 500 đại chủng sinh.
Tin Mừng được truyền giảng tại Benin cách đây 150 năm, tức là từ ngày 18 tháng 4 năm 1861. Cha Francisco Fernandez người Tây Ban Nha, cùng với cha Francesco Borghero, người Italia, cả hai thuộc dòng Thừa sai Phi châu, quen gọi là các cha dòng Trắng, đổ bộ lên Ouidah. Hai vị được ủy thác nhiệm vụ thành lập giáo hạt đại diện tông tòa Dahomey.
Dịp kỷ niệm này đã được cử hành trọng thể tại thành phố Ouidah, với sự tham dự của đại diện 10 giáo phận toàn quốc, các giám mục và hơn 400 linh mục, đông đảo các giáo lý viên và giáo dân dấn thân. Tổng thống Boni Yayi cũng hiện diện tại buổi lễ.
Họp báo trên máy bay
Trên chuyến bay dài 6 tiếng đồng hồ, Ðức Thánh Cha đã gặp gỡ các ký giả tháp tùng và như thường lệ, ngài trả lời một số câu hỏi của họ. Cha Lombardi, Giám đốc Phòng báo chí Tòa Thánh đã giới thiệu họ với Ðức Thánh Cha và cho biết có khoảng 1.000 ký giả khác đang hiện diện tại Trung tâm báo chí ở Cotonou để theo dõi và tường thuật về chuyến viếng thăm này.
Trong số 5 câu hỏi được trả lời, có câu: "Đâu là sứ điệp mà Ðức Thánh Cha muốn gửi đến các vị hữu trách chính trị của Phi châu và đâu là sự đóng góp đặc thù mà Giáo Hội có thể mang lại cho sự kiến tạo một nền hòa bình lâu dài tại đại lục này", Ðức Thánh Cha đáp:
"Sứ điệp đó ở trong Tông huấn mà tôi sẽ trao cho Giáo Hội tại Phi châu: tôi không thể tóm tắt ở đây lúc này trong vài lời. Quả thực là đã có bao nhiêu Hội nghị quốc tế về Phi châu, về tình huynh đệ đại đồng. Người ta nói những điều tốt đẹp, và đôi khi người ta cũng thực hiện những điều thực sự là tốt: chúng ta phải nhìn nhận điều đó. Nhưng chắc chắn là những lời nói lớn thì vẫn nhiều hơn, những ý hướng và ý muốn thì lớn hơn là sự thực hiện, và chúng ta phải tự hỏi tại sao thực tại không đi theo lời nói và ý hướng. Tôi thấy rằng có một yếu tố cơ bản là điều này: sự canh tân, tình huynh đệ đại đồng đòi phải có sự từ bỏ, đòi phải đi xa hơn sự ích kỷ và sống cho người khác nữa. Và điều này nói thì dễ nhưng khó thực hiện. Con người, sau tội nguyên tổ, muốn được chính mình, muốn sở hữu sự sống và không muốn trao ban sự sống. Khi có thì họ muốn giữ lấy. Nhưng với não trạng như thế, với tâm thức không muốn cho đi nhưng chỉ muốn sở hữu, thì dĩ nhiên những ý hướng lớn không thể hữu hiệu. Và chỉ khi nào với tình yêu, với sự nhận biết một Thiên Chúa yêu thương chúng ta, cho chúng ta đạt tới điểm mà chúng ta dám mất mạng sống, dám hiến thân vì chúng ta biết chính nhờ vậy mà chúng ta đạt được chính mình. Vì thế, những chi tiết ở trong Tông huấn có liên hệ tới lập trường căn bản, theo đó khi yêu Chúa và ở trong tình bạn với Thiên Chúa, thì cả chúng ta cũng có thể dám trao ban, chứ không phải chỉ sở hữu mà thôi, chúng ta có thể từ bỏ, sống cho tha nhân, mất mạng sống mình, với xác tín chắc chắn, chúng ta có thể đạt được chính mình"
Một câu hỏi khác: "Trong diễn văn khai mạc Thượng Hội đồng Giám mục Phi châu ở Roma, Ðức Thánh Cha đã nói về Phi châu như buồng phổi tinh thần lớn của nhân loại đang bị khủng hoảng về đức tin và đức cậy, nhưng khi nghĩ đến các vấn đề lớn của Phi châu, nhận định trên đây của Ðức Thánh Cha thật là điều gây ngỡ ngàng. Vậy theo nghĩa nào Ðức Giáo Hoàng nghĩ rằng từ Phi châu có thể có niềm tin và đức cậy cho thế giới? Ðức Giáo Hoàng có nghĩ đến vai trò của Phi châu cả trong việc truyền giảng Tin Mừng cho phần còn lại của thế giới không?"
Ðức Thánh Cha đáp: "Dĩ nhiên là Phi châu có những vấn đề và khó khăn lớn, toàn thể nhân loại cũng có những khó khăn lớn... Nếu tôi nghĩ lại thời còn trẻ, đó là một thế giới rất khác với thế giới ngày nay, mà đôi khi tôi nghĩ là mình đang sống trong một hành tinh khác, so với thế giới khi tôi còn trẻ. Nhân loại ngày nay ở trong một tiến trình ngày càng tiến triển mau lẹ hơn. Ðối với Phi châu, tiến trình thay đổi trong 50, 60 năm qua, từ khi được độc lập, thời hậu thực dân, cho đến ngày nay, là một tiến trình cam go, nhiều đòi hỏi, và dĩ nhiên là rất khó khăn, với những vấn đề chưa khắc phục được. Tuy nhiên, với sự tươi mát của cuộc sống ở Phi châu, giới trẻ tại đây đầy nhiệt huyết và hy vọng, đầy tinh thần hài hước vui tươi, điều này chứng tỏ rằng tại đây có một kho dự trữ của con người, vẫn còn một sự tươi mát về cảm thức tôn giáo, hy vọng, vẫn còn một cảm thức về sự tại siêu hình, thực tại về sự toàn diện của Thiên Chúa: tại đây không có sự thu hẹp vào thái độ thực nghiệm, thu hẹp cuộc sống chúng ta khiến cho cuộc sống trở nên khô cằn, và cả niềm hy vọng nữa. Vì thế, tôi muốn nói ở đây là có một chủ thuyết nhân bản tươi mát, nơi tâm hồn trẻ của Phi châu, mặc dù có những vấn đề hiện tại và tương lai. Ðiều này chứng tỏ rằng ở đây vẫn còn kho dự trữ sự sống và sức sinh động cho tương lai, và chúng ta có thể hy vọng được nơi điều này."
Đón tiếp
Sau khi vượt qua gần 4.100 km, máy bay chở Ðức Thánh Cha đã đáp xuống phi trường Ðức Hồng y Bernardin Gantin ở Cotonou lúc 3 giờ chiều, giờ địa phương. Tại đây ngài đã được Tổng thống Thomas Yayi Boni, cùng với Ðức Tổng Giám mục Antoine Ganyé, cũng là Chủ tịch Hội đồng Giám mục Benin, tiếp đón. Hiện diện tại sân bay còn có đông đảo các giám mục và hàng trăm tín hữu, đặc biệt là các trẻ em.
Trong lời chào mừng Ðức Thánh Cha, Tổng thống Boni nói đến truyền thống bao dung và sự hòa hợp giữa các tôn giáo tại đất nước Benin. Ông cũng ca ngợi sự đóng góp của Giáo Hội Công giáo cho sự phát triển đất nước, từ khi các thừa sai đầu tiên đặt chân đến Ouidah cách đây 150 năm. Ông cũng nhắc đến người cha của dân tộc Benin, Ðức Hồng y Bernardin Gantin, mặc dù là vị lãnh đạo cấp cao của Tòa Thánh, nhưng người rất khiêm tốn và có tinh thần phục vụ cao độ.
Về phần Ðức Thánh Cha, trong diễn văn đầu tiên, ngài nồng nhiệt cám ơn Tổng thống vì những lời chào mừng nồng nhiệt. Ngài cũng bày tỏ lòng quí mến đối với Phi châu và đất nước Benin, đồng thời cho biết 3 lý do cuộc viếng thăm của ngài tại đây: trước tiên vì lời mời thân ái của Tổng thống và Hội đồng Giám mục nhân kỷ niệm 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Benin và Tòa Thánh, cũng như kỷ niệm 150 năm truyền giảng Tin Mừng.
Lý do thứ hai là để công bố Tông huấn Africae munus, Nghĩa vụ của Phi châu, hậu Thượng Hội đồng Giám mục. Ðức Thánh Cha nói: "Những suy tư trong Tông huấn này sẽ hướng dẫn hoạt động mục vụ của nhiều cộng đoàn Kitô trong những năm tới đây. Văn kiện này có thể được nảy mầm, lớn lên và mang lại hoa trái, khi thì một trăm, khi thì 60, lúc thì 30, như Chúa Giêsu Kitô đã nói" (Mt 13,23).
Sau cùng, Ðức Thánh Cha nhắc đến lý do thứ ba vừa qua có tính chất cá nhân vừa có tính chất tình cảm, đó là tình bạn và lòng quí mến của ngài đối với Ðức Hồng y Bernardin Gantin, người con của đất nước này. "Trong nhiều năm trời, cả hai chúng tôi đã làm việc, mỗi người theo thẩm quyền của mình, phục vụ trong cùng một Vườn nho. Chúng tôi đã hết sức phụ giúp vị tiền nhiệm của tôi, Ðức Chân Phước Gioan Phaolô II, thi hành sứ vụ Phêrô của Người. Chúng tôi đã có rất nhiều dịp gặp gỡ nhau, thảo luận sâu rộng và cầu nguyện chung. Ðức Hồng y Gantin đã được nhiều người kính mến. Vì thế, tôi thấy thật là điều chính đáng khi đến quê hương của Ðức Cố Hồng y, cầu nguyện tại mộ của người và cám ơn nước Benin đã cống hiến cho Giáo Hội người con trổi vượt như vậy".
Cũng trong diễn văn đầu tiên, Ðức Thánh Cha nhắc đến sự kiện Benin, vốn là nước có nhiều truyền thống kỳ cựu và cao quí, đang tiếp xúc với thời đại tân tiến ngày nay, và ngài nhận định rằng:
"Sự tân tiến không được làm chúng ta sợ hãi, nhưng nó cũng không thể được xây dựng trên sự quên lãng quá khứ. Sự tân tiến phải được tháp tùng một cách khôn ngoan, để mưu ích cho tất cả mọi người, tránh những nguy cơ đang có tại Phi châu và nơi khác, ví dụ tùng phục một cách vô điều kiện những luật lệ thị trường hoặc tài chính, chủ nghĩa quốc gia hoặc bộ tộc thái quá và không mang lại ích lợi nào, các chủ nghĩa này có thể tạo ra những vụ giết người; cần tránh chính trị hóa tột độ những căng thẳng giữa các tôn giáo, gây hại cho công ích, hoặc làm băng hoại các giá trị nhân bản, văn hóa, luân lý đạo đức và tôn giáo. Tiến trình đi tới sự tân tiến phải được hướng dẫn bằng những tiêu chuẩn chắc chắn, dựa trên các đức tính đã được nhìn nhận, những nhân đức mà khẩu hiệu quốc gia của anh chị em đã liệt kê, và cả những đức tính ăn rễ nơi phẩm giá con người, sự cao cả của gia đình và tôn trọng sự sống. Tất cả các giá trị ấy đều nhắm đến ích chung, là điều duy nhất phải trổi vượt lên, và phải là mối quan tâm chính của mọi vị hữu trách. Thiên Chúa tín nhiệm nơi con người và người mong muốn điều tốt lành cho con người. Chính chúng ta có nghĩa vụ phải thành thực đáp lại sự tín nhiệm ấy của Chúa."
Ðức Thánh Cha cho biết: "Giáo Hội đóng góp phần đặc thù của mình. Qua sự hiện diện, cầu nguyện, và các hoạt động từ thiện bác ái đa diện, nhất là trong lĩnh vực giáo dục và y tế, Giáo Hội muốn trao tặng những gì tốt đẹp nhất của mình. Giáo Hội muốn tỏ ra gần gũi những người đang ở trong tình trạng túng thiếu, những người đang tìm kiếm Thiên Chúa. Giáo Hội muốn giúp hiểu rằng Thiên Chúa không phải là điều không hề hiện hữu hoặc là vô ích, như người ta tìm cách tuyên truyền, trái lại Chúa là người bạn của con người. Chính trong tinh thần thân hữu và huynh đệ ấy mà tôi đến đất nước của anh chị em".
Viếng thăm Nhà thờ chính tòa
Sau bài diễn văn của Ðức Thánh Cha và phần giới thiệu các quan khách và cả các giám mục lên Ðức Thánh Cha và Tổng thống. Ngài cũng tiến đến các đoàn tín hữu, trong đó có đông đảo các phụ nữ mặc y phục cổ truyền, đầu quấn khăn màu xanh, đỏ, vàng, màu cờ của Benin, để chào thăm trong bầu không khí rất tưng bừng, giữa tiếng trống, tiếng kèn và tiếng ca của mọi người.
Rời phi trường, ngài đã về Nhà thờ chính tòa Cotonou để kính viếng. Ðây là con tim của Tổng giáo phận Cotonou với hơn 680.000 tín hữu Công giáo trên tổng số gần 2 triệu 200 ngàn dân cư, tương đương với 31% dân số. Các tín hữu thuộc 53 giáo xứ và được hơn 250 linh mục triều và dòng săn sóc. Ơn gọi ở đây phong phú với 200 đại chủng sinh, 175 tu huynh và 460 nữ tu.
Ðức Thánh Cha đã dùng xe bọc kính để đi 12 km từ phi trường về Nhà thờ vì dọc đường có hàng trăm ngàn người đứng hai bên chào đón, nhất là khu vực bên ngoài phi trường và trung tâm thành phố.
Nhà thờ chính tòa Cotonou dâng kính Ðức Mẹ Từ Bi, được kiến thiết hồi năm 1901 và có thể chứa được 800 người.
Ðến nơi vào lúc 4 giờ 30' chiều, Ðức Thánh Cha đã được cha sở tiếp đón và hướng dẫn vào bên trong. Ngài kính viếng Mình Thánh Chúa và mộ của hai vị Tổng Giám mục tiền nhiệm của vị Giám mục đương kim: đó là Ðức Cha Isidore de Souza, qua đời năm 1999, và Ðức Cha Christophe Adimou, qua đời năm 1990.
Hiện diện trong thánh đường lúc đó cũng có tất cả các Giám mục thuộc 10 giáo phận toàn nước Benin, cùng với các Giám mục khách, và hằng trăm nữ tu và tín hữu, đặc biệt là ông bà Tổng thống Thomas Yayi Boni.
Ca đoàn và mọi người hát kinh Te Deum để cảm tạ Thiên Chúa vì cuộc viếng thăm của Ðức Thánh Cha tại đây.
Sau lời chào mừng của Ðức Tổng Giám mục giáo phận Cotonou, Ðức Thánh Cha đã tặng cho nhà thờ chính tòa một bộ chén lễ quí giá.
Huấn dụ
Ngỏ lời với mọi người, Ðức Thánh Cha cảm tạ Thiên Chúa vì 2 Ðức cố Tổng Giám mục của giáo phận Cotonou là những người thợ tài ba trong Vườn Nho của Chúa và là những vị chủ chăn nhiệt thành và đầu lòng bác ái. Hai vị đã xả thân phục vụ Tin Mừng và Dân Chúa, nhất là những người dễ bị tổn thương nhất. "Tất cả anh chị em đều biết rằng Ðức Cha De Souza là một người bạn của chân lý và đã giữ một vai trò quyết định trong việc đưa đất nước Benin tiến đến nền dân chủ."
Ðức Thánh Cha cũng mời gọi mọi người suy tư về lòng từ bi vô biên của Thiên Chúa. Ngài nói:"Lịch sử cứu độ, với tột đỉnh là sự nhập thể của Chúa Giêsu và được viên mãn trong mầu nhiệm Phục Sinh, là một mạc khải sáng ngời về lòng từ bi của Thiên Chúa. Nơi Chúa Con, "Thiên Chúa Cha từ bi" (2Cr 1,3) trở nên hữu hình, Ngài là Ðấng luôn trung tín với tình phụ tử, "cúi mình trên người con hoang đàng, về trên mỗi lầm than của con người, nhất là trên mỗi lầm than về luân lý, trên tội lỗi" (GP II, Dives in misericordia, n.6). Lòng từ bi Chúa không phải chỉ hệ tại sự tha thứ tội lỗi chúng ta, nhưng còn hệ tại sự kiện: Thiên Chúa, là Cha chúng ta, dẫn đưa chúng ta trên con đường sự thật và ánh sáng, vì Ngài không muốn chúng ta phải hư mất, (xc Mt 18,14; Ga 3,16), dù rằng trong tiến trình nhiều khi không phải là không có đau khổ, sầu muộn và sợ hãi từ phía chúng ta. Hai khía cạnh vừa nói về lòng từ bi Chúa cho thấy Thiên Chúa trung tín dường nào với giao ước đã ký kết với mỗi Kitô hữu trong phép Rửa tội."
Ðức Thánh Cha không quên nhấn mạnh lòng từ bi của Ðức Trinh Nữ Maria là Ðấng đã cảm nghiệm cao độ mầu nhiệm tình thương của Thiên Chúa. Mẹ đã thốt lên trong bài ca Magnificat: "Lòng từ bi Chúa trải dài từ đời nọ đến đời kia trên những kẻ kính sợ Chúa" (Lc 1,50).
Ðức Thánh Cha nói: "Qua lời thưa 'Xin Vâng' đối với tiếng gọi của Thiên Chúa, Mẹ đã góp phần vào việc biểu lộ tình thương của Chúa nơi loài người. Theo nghĩa đó, Người là Mẹ Từ Bi nhờ sự tham dự vào sứ mạng của Chúa Con; Mẹ đã được đặc ân có thể cứu giúp chúng ta mọi nơi và mọi thời. "Qua sự liên tục chuyển cầu, Mẹ tiếp tục xin cho chúng ta những hồng ân đảm bảo ơn cứu độ đời đời. Tình mẫu tử của Mẹ làm cho Mẹ quan tâm đến những người em của Chúa Con, chưa hoàn tất cuộc lữ hành, hoặc những người đang gặp nguy hiểm và thử thách, cho đến khi họ đạt tới quê hương hạnh phúc" (LG 62). Dưới sự che chở từ bi của Mẹ, những tâm hồn sầu khổ được lành mạnh, những cạm bẫy của ma quỉ bị phá vỡ, và những người thù địch hòa giải với nhau. Nơi Mẹ Maria, không những chúng ta có một gương mẫu hoàn hảo, nhưng còn được trợ giúp để hiệp thông với Thiên Chúa và với anh chị em chúng ta. Mẹ Từ Bi là vị hướng đạo chứng chắn cho các môn đệ của Chúa Con muốn phục vụ công lý, hòa giải và hòa bình. Trong sự đơn sơ và với con tim của Mẹ hiền, Người chỉ cho chúng ta Ánh sáng và Sự Thật duy nhất là Con của Mẹ, Chúa Giêsu Kitô dẫn nhân loại đến sự viên mãn trong Chúa Cha. Chúng ta đừng sợ tín thác kêu cầu Ðấng không ngừng trao ban Ơn phúc của Chúa cho các con cái của Mẹ."
Ðức Thánh Cha kết thúc bài huấn dụ ngắn của ngài với lời kinh dâng lên Mẹ Từ Bi, xin Mẹ hướng dẫn chúng ta trên con đường thánh thiện, cho những khát vọng cao thượng của người trẻ Phi châu được đáp ứng, cho những tâm hồn khao khát công lý, hòa bình và hòa giải được mãn nguyện, cũng như niềm hy vọng của các trẻ em nạn nhân của nạn đói và chiến tranh được đáp lại.
Cuộc viếng thăm tại Nhà thờ chính tòa Ðức Mẹ Từ Bi ở Cotonou kết thúc với kinh Lạy Cha, Kinh Lạy Nữ Vương và phép lành của Ðức Thánh Cha, rồi ngài về Tòa Sứ thần Tòa Thánh cách đó 6 km. Ngôi nhà này cũng là nơi Ðức Tổng Giám mục Phêrô Nguyễn Văn Tốt cư ngụ khi ngài làm Sứ thần Tòa Thánh tại đây từ tháng Giêng năm 2003 đến tháng 8 năm 2005.
Chương trình thứ Bảy, 19-11-2011
Thứ Bảy 19 tháng 11 năm 2011, là ngày bận rộn nhất trong 3 ngày viếng thăm của Ðức Thánh Cha tại Benin với 7 sinh hoạt khác nhau:
Ban sáng, ngài gặp chính phủ, đại diện các tổ chức của Nhà nước, ngoại giao đoàn và đại diện các tôn giáo lớn ở Benin tại phủ Tổng thống, chỉ cách tòa Sứ thần 3 km.
Sau cuộc gặp gỡ đó, Ðức Thánh Cha còn khi gặp riêng Tổng thống, và chào thăm gia đình ông, trước khi đến thị trấn Ouidah, cách Cotonou 40 km, để viếng thăm đại chủng viện thánh Gall và mộ Ðức Cố Hồng y Gantin. Ðây là cơ sở đào tạo linh mục kỳ cựu nhất ở miền Tây Phi châu và hiện có 147 đại chủng sinh người Benin và Togo đang thụ huấn tại đây. Tại nhà nguyện chủng viện vào lúc 11 giờ 15, Ðức Thánh Cha sẽ gặp khoảng 60 người gồm các linh mục và tu sĩ cao niên, các bệnh nhân và một nhóm nhỏ các bệnh nhân phong cùi. Cuối buổi gặp gỡ, vị Chủ tịch Tổ chức Ðức Hồng y Bernardin Gantin, được 2 Giám mục thành viên tháp tùng, sẽ trao tặng Ðức Thánh Cha một bản nội qui của tổ chức này. Tiếp đến ngài tiến ra khuôn viên bên ngoài để tặp hàng trăm linh mục, chủng sinh và tu sĩ nam nữ, cũng như giáo dân tụ họp tại đây.
Rời đại chủng viện, vào ban trưa cùng ngày 19 tháng 11 năm 2011, Ðức Thánh Cha sẽ viếng thăm Vương cung thánh đường Ðức Mẹ Vô Nhiễm ở Ouidad, cách chủng viện 5 km và ngài sẽ ký Tông huấn hậu Thượng Hội đồng Giám mục Phi châu kỳ 2, trước sự hiện diện của các Hồng y, Giám mục thành viên của Công nghị Giám mục Phi châu, cũng như của Ðức Tổng Giám mục Nikola Eterovic, Tổng thư ký Thượng Hội đồng Giám mục, và 800 tín hữu được vào thánh đường.
Trở lại thủ đô Cotonou vào ban chiều, Ðức Thánh Cha viếng thăm Trung tâm "Hòa bình và Hy vọng" của các Nữ tu Thừa sai bác ái ở giáo xứ thánh Rita và gặp gỡ các trẻ em tại đây.
Lúc 7 giờ 30' tối, Ðức Thánh Cha sẽ gặp gỡ 11 Giám mục Benin và dùng bữa với các vị tại Tòa Sứ thần Tòa Thánh tại Cotonou. Vị Sứ thần hiện nay là Ðức Tổng Giám mục Michael August Blumen, người Mỹ, thuộc dòng Ngôi Lời, và nguyên là Phó Tổng thư ký Hội đồng Tòa Thánh mục vụ di dân và người lưu động.
G. Trần Ðức Anh, OP