VATICAN. ĐTC Biển Đức 16 cổ võ việc nghiên cứu tế bào gốc từ mô trưởng thành và ngài phê việc hủy hoại phôi thai người để rút lấy tế bào gốc dùng vào việc nghiên cứu.
ĐTC bày tỏ lập trường trên đây trong buổi tiếp kiến sáng hôm 12-11-2011, dành cho 250 tham dự viên Hội nghị quốc tế tại Vatican về đề tài: “Các tế bào gốc từ mô trưởng thành: khoa học và tương lai của con người và văn hóa”.
Hội nghị kéo dài 3 ngày từ 9 đến 12-11-2011, do Hội đồng Tòa Thánh về văn hóa phối hợp, với sự cộng tác của tổ chức tên là “Tế bào gốc phục vụ sự sống” (Stem for life) ở Mỹ, nhắm mục đích cổ võ việc nghiên cứu và gây ý thức nơi quần chúng về việc chữa bệnh nhờ dùng các tế bào gốc từ các mô trưởng thành.
Lên tiếng trong buổi tiếp kiến, ĐTC phê bình não trạng thực dụng ngày nay, sẵn sàng chấp nhận bất kỳ phương thế nào có thể, để đạt tới mục tiêu mong muốn, mặc dù có những hậu quả thê thảm. Ngài nói: “Khi thấy mục tiêu rất đáng mong ước là khám phá việc trị liệu các bệnh do sự thoái hóa gây ra, thì nhiều nhà khoa học và chính trị gia thường gạt bỏ những vấn nạn về luân lý đạo đức và tiến hành bất kỳ nghiên cứu nào có vẻ đạt được sự tiến bộ trong lãnh vực này. Những ai cổ võ việc nghiên cứu tế bào gốc từ phôi thai người với hy vọng đạt được những kết quả ấy, thì phạm lỗi lầm trầm trọng vì chối bỏ quyền sống bất khả nhượng của mọi người từ lúc mới thụ thai cho đến lúc chết tự nhiên. Sự hủy hoại nhân mạng không bao giờ là điều có thể biện minh được bằng lợi ích mà nó có thể mang lại cho người khác.”
ĐTC nhận xét rằng việc nghiên cứu những tế bào gốc rút từ mô trưởng thành như máu từ giây rún lúc mới sinh, hoặc từ bào thai chết tự nhiên, thì không gặp phải những vấn đề luân lý đạo đức như thế” (Xc Bộ giáo lý đức tin, Huấn thị Dignitas Personae, 32).
Ngài cũng đề cao tầm quan trọng của sự đối thoại giữa khoa học và luân lý đạo đức để đảm bảo cho những tiến bộ y khoa không bao giờ phải trả giá không thể chấp nhận được về tổn hại nhân mạng. ĐTC cho biết “Giáo hội đóng góp vào cuộc đối thoại ấy bằng cách giúp huấn luyện lương tâm cho phù hợp với lý trí ngay thẳng và dưới ánh sáng chân lý mạc khải. Khi làm như thế, Giáo hội không cản trở tiến bộ của khoa học, trái lại, Giáo hội hướng dẫn tiến bộ ấy theo chiều hướng thực sự có kết quả và có lợi cho nhân loại. Thực vậy, Giáo hội xác tín rằng tất cả những gì thuộc con người, kể cả việc nghiên cứu khoa học, không những được đức tin đón nhận và tôn trọng, nhưng còn được thanh tẩy, thăng hoa và hoàn hảo hóa nữa” (Ibid. 7).
ĐTC không quên lưu ý về nhu cầu của những người vô phương thế tự vệ và khẳng định rằng: “Giáo hội không những nghĩ đến những hài nhi chưa sinh ra, nhưng cả những người không dễ dàng có được những phương thức trị liệu đắt tiền. Bệnh tật chẳng kiêng nể một ai, và đức công bằng đòi phải hết sức cố gắng để những thành quả nghiên cứu khoa học phục vụ tất cả những người có quyền được hưởng chúng, bất luận phương tiện của họ như thế nào. Ngoài những khía cạnh hoàn toàn là luân lý đạo đức, còn có những vấn đề về mặt xã hội, kinh tế, chính trị cần được giải quyết để đảm bảo, làm sao cho những tiến bộ về y khoa đi song song với việc cung cấp các dịch vụ sức khỏe một cách chính đáng và công bằng nữa” (SD 12-11-2011)
G. Trần Đức Anh OP
(Nguồn: vietvatican)