Sự hiệp nhất trọn vẹn và hữu hình giữa các tín hữu Kitô đòi buộc chúng ta phải hoán cải nội tâm trên bình diện cá nhân cũng như cộng đoàn, và để cho mình được biến đổi và ngày càng phù hợp cách toàn thiện hơn với hình ảnh của Chúa Kitô.
Đức Thánh Cha Biển Đức XVI đã khẳng định như trên trước 8.000 tín hữu và du khách hành hương tham dự buổi tiếp kiến chung sáng thứ Tư hàng tuần hôm 18-1-2012 trong đại thính đường Phaolô VI. Vì Giáo hội đã bắt đầu tuần cầu nguyện cho sự hiệp nhất các tín hữu Kitô nên trong bài huấn dụ Đức Thánh Cha đã duyệt lại lịch sử và ý nghĩa của tuần cầu nguyện này. Ngài nói:
Thói quen của Tuần cầu nguyện cho sự hiệp nhất các Kitô hữu đã được đưa ra vào năm 1908, bởi cha Paul Wattson, sáng lập viên một cộng đoàn dòng tu Anh giáo, sau đó gia nhập Giáo hội Công giáo. Sáng kiến này đã được Đức Giáo Hoàng Piô X chúc lành và được Đức Giáo Hoàng Biển Đức XV thăng tiến và khuyến khích cử hành trong toàn Giáo hội Công giáo với Tông thư Romanorum Pontificum công bố ngày 25 tháng 2 năm 1916.
Tuần cầu nguyện đã được khai triển và hoàn bị trong thập niêm 1930 của thế kỷ vừa qua bởi linh mục Paul Couturier tỉnh Lyon, là người đã ủng hộ việc cầu nguyện “cho sự hiệp nhất Giáo hội như Chúa Kitô muốn và phù hợp với các dụng cụ mà Người muốn”. Trong các bút tích của mình cha Couturier coi Tuần cầu nguyện là một phương thế giúp lời cầu phổ quát của Chúa Kitô “bước sâu vào trong toàn Thân mình Kitô”; nó phải lớn lên và trở thành một “tiếng kêu đồng nhất mênh mông của toàn Dân Chúa” nài xin Chúa ơn trọng đại đó.
Tuần cầu nguyện cho hiệp nhất được Công đồng chung Vaticăng II thúc đẩy là một trong các diễn tả hữu hiệu nhất nỗ lực tìm về sự hiệp thông trọn vẹn giữa các môn đệ của Chúa Kitô. Cuộc hẹn hò tinh thần hiệp nhất các Kitô hữu thuộc mọi truyền thống với nhau, gia tăng ý thức rằng sự hiệp thông không chỉ là kết quả các nỗ lực của chúng ta, mà đúng hơn là một ơn trên.
Tiếp tục bài huấn dụ, Đức Thánh Cha cho biết hằng năm Tuần cầu nguyện được một nhóm đại kết của một vùng trên thế giới chuẩn bị. Năm nay các văn bản do một nhóm đại diện Giáo hội Công giáo và Hội đồng đại kết các Giáo hội Kitô Ba Lan đề nghị. Sau đó tài liệu được duyệt lại bởi một ủy ban gồm các thành viên Hội đồng Tòa Thánh hiệp nhất các tín hữu Kitô và Ủy ban Đức tin và Hiến chế của Hội đồng Đại kết các Giáo hội Kitô. Công việc gồm hai giai đoạn này cũng diễn tả ý thức lời cầu nguyện là con đường đầu tiên giúp đạt sự hiệp thông trọn vẹn. Đề tài năm nay lấy từ thư thứ I gửi tín hữu Côrintô: “Tất cả chúng ta sẽ được biến đổi bởi chiến thắng của Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta” (x. 1 Cr 15,51-58). Đề tài do một nhóm đại kết Kitô Ba Lan đề nghị muốn nêu bật sức mạnh sự nâng đỡ của đức tin Kitô giữa các thử thách và đảo lộn của cuộc sống, như trong trường hợp của lịch sử Ba Lan.
Đức tin nơi Chúa Kitô có sức mạnh biến đổi mọi sự, đặc biệt dưới ánh sáng tầm quan trọng của nó đối với lời cầu nguyện cho sự hiệp nhất hữu hình của Giáo hội, Thân Mình của Chúa Kitô. Ngỏ lời với tín hữu giáo đoàn Côrintô thánh Phaolô nói tới bản chất tạm thời của những gì thuộc cuộc sống hiện tại của chúng ta, ghi dấu bởi kinh nghiệm thất bại của tội lỗi và cái chết, đối đầu với những gì được đem lại cho chúng ta bởi chiến thắng của Chúa Kitô trên tội lỗi và cái chết trong Mầu Nhiệm phục sinh của Người.
Lịch sử dân nước Ba Lan đã có một giai đoạn sống dân chủ và tự do tôn giáo trong thế kỷ XVI, nhưng trong các thế kỷ tiếp theo đã bị ghi dấu bởi các cuộc xâm lăng và thua trận, nhưng cũng được ghi dấu bởi cuộc chiến đấu liên lỉ vì khát khao tự do chống lại áp bức. Tất cả đã khiến cho nhóm đại kết suy tư về ý nghĩa sâu xa của “chiến thắng” và “thất bại”. Trái với ý nghĩa đắc thắng huyênh hoang, Chúa Kitô gợi lên cho chúng ta một con đường khác: chiến thăng của Người không đi ngang qua uy quyền và sức mạnh. Chính Người đã khẳng định: “Ai muốn là người trên hết phải là người rốt hết trong các con và là kẻ phục vụ mọi người” (Mc 9,35). Đức Thánh Cha đã quảng diễn điểm này như sau:
Chúa Kitô nói tới một chiến thắng đối với tình yêu khổ đau, đối với việc phục vụ nhau, sự trợ giúp, niềm hy vọng mới, và việc an ủi cụ thể những người rốt hết, những người bị quên lãng, bị khước từ. Đối với tất cả mọi Kitô hữu kiểu diễn tả tột đỉnh sự phục vụ khiêm tốn ấy là chính Chúa Giêsu Kitô. Sự hiến dâng hoàn toàn chính Người, chiến thắng tình yêu của Người trên cái chết trên thập giá, chiếu tỏa rạng ngời buổi sáng ngày phục sinh. Chúng ta có thể tham dự vào “chiến thắng” biến đổi ấy, nếu chúng ta để cho mình được Thiên Chúa biến đổi. Chỉ khi chúng ta thực hiệm một sự hoán cải cuộc sống, thì sự biển đổi được thực hiện trong hình thức hoán cải.
Sự hiệp nhất tràn đầy và hữu hình của các tín hữu Kitô mà chúng ta mong mỏi, đòi buộc chúng ta để cho mình được thay đổi và ngày càng đồng hình đạng một cách hoàn thiện hơn với hình ảnh của Chúa Kitô. Sự hiệp nhất mà chúng ta cầu xin đòi buộc một sự hoán cải nội tâm, cá nhân cũng cũng như cộng đoàn. Đây không chỉ đơn thuần là sự thân thiện hay cộng tác, mà cần phải củng cố đức tin nơi Thiên Chúa, nơi Thiên Chúa của Đức Giêsu Kitô, là Đấng đã nói với chúng ta và trở nên một người như chúng ta; cần phải bước vào trong cuộc sống mới trong Chúa Kitô, Đấng là chiến thắng vĩnh viễn đích thực của chúng ta; cần phải rộng mở cho nhau, bằng cách tiếp đón tất cả các yếu tố hiệp nhất mà Thiên Chúa đã duy trì cho chúng ta và luôn trao ban cho chúng ta một cách mời mẻ; cần phải cảm thấy sự cấp thiết làm chứng cho con người thời đại biết Thiên Chúa hằng sống, Đấng đã khiến cho mình đươc hiểu biết nơi Đức Kitô.
Đức Thánh Cha nói thêm trong bài huấn dụ: Công Đồng Chung Vaticăng II đã đặt việc tìm kiếm đại kết vào trung tâm cuộc sống và hoạt động của Giáo hội và thúc đẩy mọi tín hữu Công giáo nhận ra các dấu chỉ thời đại và hăng hái tham gia vào công cuộc đại kết (Unitatis redintegratio, 4). Và Đức Chân phước Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã nhấn mạnh bản chất và tầm quan trọng của dấn thân đó trong Thông điệp Ut unum sint. Sự hiệp nhất giữa các tín hữu Kitô không phải là điều phụ thuộc, mà là trung tâm hoạt động của Giáo hội. Nó không phải là một đóng góp thứ yếu của cộng đoàn các môn đệ, mà là bản chất của cộng đoàn (Ut unum sint, 9).
Như thế, nhiệm vụ đại kết là một trách nhiệm của toàn thể Giáo hội, và mọi tín hữu đã được rửa tội phải làm cho sự hiệp thông đã có giữa các tín hữu Kitô lớn lên cho tới sự hiệp thông trọn vẹn trong sự thật và trong chân lý. Vì thế, lời cầu nguyện cho sự hiệp nhất không chỉ thu hẹp trong Tuần cầu nguyện, mà phải trở thành phần của cuộc sống cầu nguyện của mọi Kitô hữu, trong mọi nơi và mọi lúc, đặc biệt khi tín hữu các truyền thống khác nhau gặp gỡ và làm việc chung với nhau cho chiến thắng của Chúa Kitô, trên tất cả những gì là tội lỗi, sự dữ, bất công và vi phạm phẩm giá con người.
Kết thúc bài huấn dụ Đức Thánh Cha nói:
Từ khi phong trào đại kết tân tiến nảy sinh cách đây hơn một thế kỷ, đã luôn luôn có ý thức về sự kiện thiếu hiệp nhất giữa các tín hữu Kitô ngăn cản việc loan báo Tin Mừng một cách hữu hiệu, vì nó phá hủy hay gây nguy hại cho sự đáng tin cậy của chúng ta. Làm sao chúng ta có thể làm chứng một cách thuyết phục, nếu chúng ta chia rẽ nhau? Liên quan tới các chân lý nền tảng của đức tin chắc chắn điều hiệp nhất chúng ta lớn hơn điều chia rẽ chúng ta. Nhưng các chia rẽ còn đó, và chúng liên quan tới các vấn đề thực hành và luân lý khác nhau, gây ra lẫn lộn và nghi ngờ, làm suy yếu khả năng thông truyền Lời cứu độ của Chúa Kitô. Trong nghĩa này, chúng ta phải nhớ tới lời Chân phước Gioan Phaolô II nói về sự tai hại do sự thiếu hiệp nhất gây ra cho chứng tá Kitô và việc loan báo Tin Mừng (Ut unum sint, 98,99). Đây là một thách đố đối với việc tái truyền giảng Tin Mừng. Việc tai rao giảng Tin Mừng sẽ phong phú hơn, nếu tất cả mọi tín hữu Kitô cùng loan báo sự thật Tin Mừng của Chúa Giêsu Kitô, và đưa ra câu trả lời chung cho cơn khát tinh thần của thời đại chúng ta... Con đường của Giáo hội cũng như của các dân tộc nằm trong tay Chúa Kitô phục sinh. Người cho chúng ta tham dự vào chiến thắng của Người. Chỉ Người có khả năng biến đổi chúng ta và khiến cho chúng ta từ yếu duối và lưỡng lự trở thành mạnh mẽ và can đảm làm vịệc thiện. Chỉ Người có thể cứu chúng ta khỏi các hậu quả tiêu cực của các chia rẽ.
Đức Thánh Cha đã chào tín hữu bằng nhiều thứ tiếng khác nhau. Ngài mời gọi tất cả sốt sắng cầu nguyện cho sự hiệp nhất các Kitô hữu. Sau cùng Đức Thánh Cha cất kinh Lạy Cha và ban phép lành Tòa Thánh cho mọi người.
Linh Tiến Khải
(Nguồn: vietvatican)