TỰ SẮC “CÁNH CỬA ĐỨC TIN”
VÀ VIỆC CANH TÂN ĐỨC TIN
VÀ VIỆC CANH TÂN ĐỨC TIN
I. DẪN NHẬP
Loan báo Năm đức tin là một biến cố thách thức toàn thể Giáo Hội, kêu gọi liên tục khám phá và canh tân việc tuyên xưng đức tin trong bối cảnh văn hoá xã hội hiện nay và trước một Kitô giáo bị tục hoá nặng nề. Trong Tự sắc “Cánh cửa đức tin”, Đức Bênêđictô XVI nhận xét rằng: “Trong quá khứ người ta có thể nhận ra một hệ thống văn hóa nhất thống, được đa số chấp nhận, có tham chiếu nội dung đức tin và các giá trị được đức tin gợi hứng, nhưng ngày nay, trong phần lớn các lãnh vực xã hội không còn như thế nữa, vì có cuộc khủng hoảng đức tin sâu xa nơi nhiều người”[1].
Chính vì thế, với mục tiêu đào sâu những nền tảng thần học, thiêng liêng và mục vụ của đức tin Công giáo, sau năm Thánh Phaolô và Năm Linh Mục, Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI đã công bố Năm Đức Tin bắt đầu từ ngày 11/10/2012 và kết thúc vào ngày 24/11/2013, lễ Kitô Vua. Ngày mở đầu Năm Đức Tin không phải là một chọn lựa ngẫu nhiên. Ngày 11/12/2012 là ngày kỷ niệm 50 năm khai mạc Công Đồng Vatican II, mời gọi chúng ta tiếp tục đào sâu và suy tư những văn kiện Công Đồng. Đây cũng là ngày kỷ niệm 20 năm ban hành sách Giáo Lý Giáo Hội Công Giáo, một bộ sách trung thành với Công Đồng, nói lên đức tin của người Công Giáo cách đầy đủ, mạch lạc và rõ ràng nhất. Ngày khai mạc Năm Đức Tin cũng nằm trong thời gian Thượng Hội Đồng Giám Mục họp về đề tài: “Tân Phúc Âm hoá” được tổ chức ở Roma từ ngày 7 đến 28/10/2012, là dịp để những xứ đã được đón nhận Tin Mừng đào sâu đức tin trong một thế giới ngày càng không biết đến Chúa, một thế giới mà Đức Bênêđictô XVI gọi là «éclipse de Dieu», “Thiên thực”, nghĩa là Thiên Chúa đã biến mất vì bị che khuất như mặt trời trong ngày nhật thực hay mặt trăng trong ngày nguyệt thực: “Trong xã hội hiện nay, chúng ta phải nhìn nhận có một thứ “Thiên thực” nào đấy, một chứng bệnh mất trí nhớ nào đấy hay hơn thế nữa đó là sự phủ nhận Kitô giáo, sự từ chối kho tàng đức tin đã lãnh nhận làm cho chúng ta đánh mất những đặc tính sâu xa nhất của chúng ta”[2].
Trong bối cảnh này, canh tân đức tin là điều cần thiết. Tuy nhiên, việc canh tân cần phải có một định hướng rõ ràng để khỏi bị lạc hướng như lịch sử Giáo Hội đã từng cho thấy. Chính vì thế mà Đức Bênêđictô XVI đã đưa ra một đường hướng rõ ràng: giải thích đúng giáo huấn của Giáo Hội trong sự nối tiếp với truyền thống.
II. BỐI CẢNH CỦA TIÊU ĐỀ TỰ SẮC: “CÁNH CỬA ĐỨC TIN” (Cv 14, 27)
“Khi tới nơi, hai ông tập họp Giáo Hội và kể lại tất cả những gì Thiên Chúa đã làm cùng với hai ông, và việc Người đã mở cánh cửa đức tin cho dân ngoại như thế nào” (Cv 14, 27)
Hai năm trước, Giáo Hội ở Antiokia đã uỷ thác cho Thánh Phaolô và Barnaba đi truyền giáo. Mối liên hệ giữa Thánh Phaolô và Barnaba với Giáo Hội Antiokia khá phức tạp. Trước đây họ được Giáo Hội này sai đi truyền giáo, nhưng giờ đây họ thi hành quyền lãnh đạo bằng cách tụ tập mọi người lại để nghe báo cáo (sau khi các ngài đã qua các tỉnh thành xứ Pisidia, Pamphylia và Perga; cf. Cv 13, 13-14). Lưu ý rằng Thánh Luca dùng từ Hy Lạp ekklēsia (εκκλησία) để chỉ một Giáo Hội tổng thể, nghĩa là toàn thể Kitô hữu (cf. 1 Cr 14, 4), chứ không phải một vài cá nhân hoặc vài giáo hội tại gia. Ở đây nói lên tính thống nhất của Giáo Hội, và cả tính liên đới của các giáo hội địa phương với nhau vì những Kitô hữu ở Antiokia muốn nghe nói về việc bành trướng những giáo hội giống như mình ở các nơi khác. Thánh Luca dùng động từ “kể lại” ở thì chưa hoàn thành (imparfait), điều đó muốn nói lên rằng câu chuyện của các ngài dài lắm, không thể kể hết chỉ trong một ngày một buổi. Thêm vào đó, Luca còn nói rằng các ngài thuật lại tất cả những gì đã làm, nghĩa là thuật lại chi tiết đường đi nước bước để đem Tin Mừng đến với dân ngoại. Và khi mọi người đã tụ tập lại, các ngài thuật lại không phải công trình của các ngài mà là những việc Thiên Chúa đã làm qua bàn tay của họ. Đây là lối nói mà các Tông Đồ thường dùng[3].
Điều Thiên Chúa cùng làm với Thánh Phaolô và Barnaba được khẳng định trong câu cuối cùng, muốn nói đến sự trở lại của dân ngoại: Thiên Chúa đã mở cho dân ngoại “cánh cửa đức tin”. Thành ngữ “mở cửa” có lẽ là một trong những lối nói yêu thích của Thánh Phaolô. Trong các thư, ít nhất ngài đã sử dụng 3 lần[4]. Qua “cánh cửa” này giờ đây dân ngoại có thể bước vào ngôi nhà của đức tin và trở nên thành viên của gia đình Thiên Chúa.
Theo nguyên bản, “Cánh cửa đức tin” (θύραν πίστεως) là hai danh từ đi liền kề với nhau. Khi phân tích từ ngữ ta mới có thể thấy hết ý nghĩa thâm sâu của hai từ này bởi vì khi đi cạnh nhau chúng không đơn giản chỉ có một ý nghĩa. Từ sở hữu (génitif) πίστεως - đức tin - có thể được hiểu theo nghĩa là đối tượng (cánh cửa dẫn tới đức tin) hoặc chủ thể (cánh cửa nơi đức tin đi vào). Một cách hiểu thứ ba nữa là "đức tin" là sở hữu từ chỉ chất liệu, có nghĩa là cánh cửa (đi vào ơn cứu độ) là đức tin. Không cần phải xác định kiểu dịch nào là chính xác nhất, chỉ cần hiểu rằng ở đây Thánh sử Luca muốn nói đến điều ngài đã viết ở Cv 11, 18: dân ngoại có thể hoán cải và được sống. Họ có thể tin và nhờ đó có thể nhận lãnh mọi phúc lành mà đức tin mang lại, nghĩa là cánh cửa đức tin đã mở ra cho họ, chào đón họ và nhờ đó họ có thể là người Kitô hữu. Muôn dân có thể vào được Nước Trời (cf. Cv 11, 28; 13, 47-48; 14, 22). Tóm lại, câu: “Người đã mở cánh cửa đức tin cho dân ngoại như thế nào” thật quan trọng vì nó nói lên rằng: (a) Tin Mừng đã được mở ra cho dân ngoại. (b) Đây là một sứ điệp muốn loan báo rằng một thời mới đã mở ra, con người được công chính hoá “bởi đức tin” chứ không phải bởi việc làm của Lề Luật (Do thái giáo). (c) và điều quan trọng là chính Thiên Chúa đã mở ra cánh cửa đức tin ấy.
III. ĐỨC TIN
1. Sự tìm kiếm đầy thiện chí của những người không tin
“Đàng khác, chúng ta không thể quên rằng trong bối cảnh văn hóa của chúng ta ngày nay, bao nhiêu người, tuy không nhìn nhận hồng ân đức tin nơi mình, nhưng họ chân thành tìm kiếm ý nghĩa chung kết và chân lý chung cục về cuộc sống của họ và về thế giới”. Sự tìm kiếm này thực là một “tiền đề” của đức tin, vì nó thúc đẩy con người trên con đường dẫn đến mầu nhiệm Thiên Chúa. Thực thế, chính lý trí con người mang trong mình một đòi hỏi về “điều có giá trị và tồn tại mãi mãi”[5]
Đức Bênêđictô XVI luôn đề cao lý trí của con người trong việc tìm kiếm chân lý. Năm 1999 tại Sorbonne, khi còn là Hồng Y Joseph Ratzinger, ngài đã giải thích rằng khi các tác giả Kitô giáo thời kỳ đầu tiên trình bày tôn giáo của mình cho dân ngoại, họ đã sử dụng triết học (ví dụ Logos của Thánh Gioan), chứ không dùng những thần thoại hay những phạm trù tôn giáo của các tôn giáo ngoại giáo đó. Tại sao? Tại vì các tôn giáo của người ngoại giáo dù sao cũng không thoát khỏi tầm suy nghĩ của con người, trong khi triết học là một cuộc tìm kiếm chân lý gắt gao, vượt lên trên những gì thuần tuý của con người. Thiên Chúa của mạc khải luôn là một chân lý đỉnh cao và đức tin Kitô giáo giúp con người đi vào trong cuộc tìm kiếm đó. Thánh Giustinô vào thế kỷ thứ II đã không ngần ngại gọi Kitô giáo là một triết học chân chính.
Sự vĩ đại của lý trí là tìm kiếm chân lý. Chân lý chỉ được tìm thấy qua tự do tìm kiếm, trao đổi và đối thoại, trong bầu khí tôn trọng. Chính Giáo Hội có nhiệm vụ “luôn giữ được cảm tính sống động với chân lý” và “luôn mời gọi lý trí tìm kiếm cái chân, cái thiện, và Thiên Chúa”[6]. Và “Giáo Hội không bao giờ sợ chứng minh rằng giữa đức tin và khoa học chân chính không hề có xung đột, vì cả hai đều hướng về sự thật, tuy là bằng những con đường khác nhau”[7]
Chính vì thế mà Đức Thánh Cha đã có sáng kiến tổ chức những “Sân Dân Ngoại”[8] để những người thiện chí có thể bước qua ngưỡng cửa đã rộng mở của đức tin và mở ra những cuộc đối thoại dành cho những người không tin trên con đường “tìm kiếm điều có giá trị và tồn tại mãi mãi”[9].
2. “Hành trình đức tin”của người tín hữu
Đức tin có hai chiều kích luôn đồng hành với nhau: chiều kích khách thể (nội dung đức tin) và chiều kích chủ thể (hành động đức tin). Sự kết hợp giữa hai chiều kích này đã được Đức Bênêđictô nói rõ: “Có sự hiệp nhất sâu xa giữa hành vi tin tưởng và nội dung đức tin mà chúng ta chấp nhận”[10]. Và Ngài đã dùng một kiểu nói để diễn tả sự kết hợp này: “Hành trình đức tin”[11]
Ý nghĩa chính của “đức tin” là nội dung những điều phải tin, nhưng khi kết hợp với “hành trình” thì nó không còn đơn thuần để chỉ một nội dung bất di bất dịch nữa mà chuyển sang hành động. Nói đến “hành trình” là nói đến sự chuyển dịch, rời bỏ một nơi này để tìm đến một nơi khác. Như thế, hành trình đức tin là hành động của một cá nhân đi tìm hiểu và yêu mến Đấng là nội dung của đức tin. Và nội dung đức tin này đòi hỏi được tuyên xưng, được biểu lộ ra bên ngoài bằng những việc làm cụ thể như chính Đức Bênêđictô XVI nói:. “Chúng ta mong muốn rằng cuộc sống chứng tá của các tín hữu tăng trưởng trong sự đáng tín nhiệm. Tái khám phá nội dung đức tin được tuyên xưng, cử hành, sống và cầu nguyện, và suy tư về chính hành động đức tin, đó là một sự quyết tâm mà mỗi tín hữu phải biến thành của mình, nhất là trong Năm Đức Tin này”[12]. Và “Việc tuyên xưng ngoài miệng cho thấy đức tin bao gồm việc làm chứng và dấn thân công khai. Kitô hữu không bao giờ được nghĩ rằng đức tin là một điều riêng tư. Đức tin là quyết định đứng về phía Chúa để sống với Ngài. Và thành ngữ “ở với Chúa” giúp hiểu biết những lý do tại sao ta tin”[13]
IV. CANH TÂN ĐỨC TIN TRONG SỰ TIẾP NỐI VỚI TRUYỀN THỐNG
1. Năm Đức Tin 1967 và “Bản tuyên xưng đức tin của Dân Chúa” năm 1968
Không phải ngẫu nhiên mà trong Tự sắc “Porta fidei”, Đức Bênêđictô nhắc đến Năm Đức Tin 1967 và “Bản tuyên xưng đức tin của Dân Chúa” (Credo du Peuple de Dieu) của Đức Phaolô VI ban hành ngày 30 tháng 6 năm 1968. Đây có lẽ một trong những kinh Tin Kính mà chúng ta ít biết đến nhất. Đức Thánh Cha Phaolô VI đã công bố “Kinh Tin Kính của Dân Chúa” như là một bản khác của kinh Tin Kính Nicée thời hậu Công Đồng Vatican II. Bản kinh này tóm tắt trọn vẹn đức tin Công giáo đáng được quan tâm. Trong Tông thư “Solemni Hac Liturgia” kèm theo bản kinh Tin Kính, Đức Phaolô VI viết rằng: “Bản kinh cơ bản lập lại những điều đã có trong kinh Tin Kính Nicée là kinh Tin Kính của truyền thống bất tử trong Giáo Hội, nhưng có vài thay đổi cho phù hợp theo đòi hỏi thiêng liêng trong thời đại chúng ta”.
Theo Đức Thánh Cha Phaolô VI, kinh Tin Kính ra đời là do “có nhiều bất ổn về niềm tin đang khuấy động”, “ảnh hưởng của một thế giới đang thay đổi sâu xa mà trong đó nhiều điều chắc chắn đang bị phản bác hay bàn thảo”, “ngay cả người Công giáo cũng bị thao túng do hấp lực muốn thay đổi và tìm những điều mới mẻ”, và “do có nhiều rối loạn và biến động trong tâm khảm của nhiều tín hữu”.
Biến động dữ dội nào mà Đức Thánh Cha Phaolô VI nhắc đến? Thực ra, Ngài thấy bất ổn vì những quan điểm của bộ “Tân Giáo Lý” (Nieuwe Katechismus) bằng tiếng Hoà Lan xuất bản năm 1966, gọi tắt là Giáo Lý Hoà Lan, đã được các giám mục Hoà Lan chuẩn y với “imprimatur » của Đức Hồng Y Alfrink. Đức Phaolô VI quyết định cần phải phản ứng lại và giao cho nhà thần học và triết học người Pháp là Jacques Maritain soạn bản thảo của kinh Tin Kính để trả lời tất cả những nghi ngờ của bộ Giáo lý Hoà Lan cũng như của các nhà thần học về các vấn đề tín lý như tội nguyên tổ, hy tế Thánh lễ, sự hiện diện thật sự của Đức Kitô trong bí tích Thánh Thể, sáng tạo từ hư vô, quyền tối thượng của Thánh Phêrô, sự đồng trinh của Đức Maria, thụ thai trinh khiết và Thăng Thiên… Trong phần dẫn nhập, Đức Thánh Cha Phaolô VI viết: “Chúng tôi muốn bản kinh Tin Kính này hoàn hảo và rõ ràng ở mức độ cao nhất để có thể đáp ứng cách thích hợp cho nhu cầu tìm kiếm ánh sáng của nhiều tâm hồn tín hữu, của nhiều người trên khắp thế giới muốn tìm kiếm Chân lý, dầu thuộc gia đình thiêng liêng nào”.
Một uỷ ban do Đức Phaolô VI lập để đánh giá bộ Giáo Lý này đã cáo buộc rằng: “Nó muốn thay đổi quan điểm chính thống trong Giáo Hội, muốn một quan điểm chính thống hiện đại thay vì truyền thống”. Có đến 20 luận điểm sai lầm trong bộ Giáo Lý có thể được gọi là “lạc giáo”, dầu rằng đây là một từ đã được xoá bỏ trong từ vựng của Giáo Hội kể từ sau Công Đồng Vatican II.
Trong số những điều bị phê bình, Giáo Lý Hoà Lan khẳng định rằng không có những luật luân lý phổ quát áp đặt trên mọi người, phủ nhận thực tại thiêng liêng và thể lý của việc sinh con mà vẫn còn đồng trinh. Giáo lý Hoà Lan đề nghị rằng chỉ cần có lương tâm tốt là đủ không cần 10 điều răn nữa bởi vì: “Luật lệ là nguyên tắc chính xác, không thể dự đoán tất cả mọi tình huống. Có những trường hợp mà người ta phải làm nhiều hơn hoặc ít hơn những gì mà luật lệ đòi buộc. Lương tâm, với bản năng biết những gì là thiện hảo và không thể để mình được hướng dẫn bởi chữ nghĩa của lề luật. Ngay cả có đôi lúc phải thoát khỏi lề luật để xác định những giá trị luân lý tối thượng trong vài trường hợp nào đó”.
Không thể phủ nhận thiện chí bộ Giáo Lý Hoà Lan, muốn trình bày đức tin một cách rõ ràng cho người thời đại mình, nhưng những gì mà nó trình bày đã đi ra ngoài truyền thống của Giáo Hội.
2. Giải thích đúng (un juste herméneutique)
Một lần nữa, chủ đề canh tân nội dung đức tin đã thành sức mạnh trong triều đại Giáo Hoàng của Đức Bênêđictô XVI khi nói rằng “các nội dung thiết yếu từ bao thế kỷ vốn là gia sản của mọi tín hữu, đang cần được củng cố, hiểu biết và đào sâu một cách ngày càng mới mẻ để làm chứng tá hợp với cuộc sống trong những hoàn cảnh lịch sử khác với quá khứ”[14].
Nhưng không phải bất kỳ sự canh tân nào mà phải là canh tân trong sự tiếp nối chứ không chia lìa với truyền thống. Ngài khẳng định ngay sau đó rằng: “Tôi cũng muốn mạnh mẽ lập lại điều tôi đã quả quyết về Công đồng vài tháng sau khi tôi được bầu kế vị Thánh Phêrô, rằng: ‘Nếu chúng ta đọc và đón nhận Công đồng, với sự giải thích đúng đắn, thì Công đồng ngày càng có thể và trở thành sức mạnh lớn để thực hiện sự canh tân Giáo Hội ngày càng cần thiết’”[15]
Giải thích đúng đắn là gì? Herméneutique[16] là một nguyên tắc giải thích, nhìn và lượng định một sự việc, một bản văn như thế nào. Chúng ta phải nhìn Vatican II qua lăng kính đúng. Đức Thánh Cha cho rằng “lối giải thích gián đoạn và cắt đứt” (herméneutique de la discontinuité et de la rupture) đã phân chia Giáo Hội thành hai: Giáo Hội tiền Công Đồng và Giáo Hội hậu Công Đồng. Theo hình mẫu này, Giáo Hội hậu Công Đồng cho rằng mình nắm giữ được “tinh thần” của Vatican II, duyệt xét lại các giáo huấn, thực hành và cấu trúc của Giáo Hội để làm cho chúng trở nên thích ứng với thời đại (modernisme - duy tân thuyết, thần học giải phóng, thần học nữ quyền, gần đây là phong trào “L'appel à la désobéissance” của các linh mục Áo[17], vv…). Trái lại một số khuynh hướng khác đã phản ứng lại với việc suy giảm đức tin và những xáo trộn do áp dụng bừa bãi khuynh hướng trên, đã đi theo hướng ngược lại là trở về cách trung thành với Giáo Hội tiền Công Đồng (sự kiện nhóm của Đức Giám Mục Marcel Lefèbvre, hội Piô X của nhóm Duy Truyền thống - Traditionalisme, vv…).
Cả hai khuynh hướng trên – cấp tiến và truyền thống – đều giải thích sai lạc. Phái cấp tiến muốn loại bỏ những điều họ không ưa thích và đưa ra những quan điểm mới mẻ theo ý thức hệ của riêng mình trong khi phái bảo thủ nhìn việc cắt đứt với quá khứ là một thảm hoạ không mang lại lợi lộc gì.
Chính vì thế, muốn hiểu Vatican II thì Đức Giáo Hoàng đòi hỏi chúng ta phải có một lối giải thích đúng, nhìn nhận bản văn của Công Đồng Vatican II như là những văn bản chuẩn mực trong truyền thống của Giáo Hội” “Cần đọc các văn kiện ấy một cách thích hợp, cần biết rõ và hấp thụ các văn kiện ấy như những văn bản giá trị và có tính chất qui phạm của Huấn Quyền Hội Thánh, giữa lòng Truyền Thống của Giáo Hội”[18]. Đây là giải thích đúng tránh được các khuynh hướng “sáng tạo” và “ngờ vực” khi tiếp cận với Công Đồng. Ngài mời gọi chúng ta giữ lấy sự nối tiếp cần thiết và các giáo huấn truyền thống trong Giáo Hội, và đồng thời cũng phải canh tân. Dù sao, Đức Kitô vẫn luôn là một cho dù là “hôm qua, hôm nay hoặc mãi mãi” (Dt 13, 8) nhưng đồng thời Ngài cũng tiếp tục “làm mới mọi sự” (Kh 21, 5). Sống đức tin Kitô giáo là sống mâu thuẫn này.
Sự đối lập này – tiếp nối và đứt đoạn – đã trở thành chủ đề trong nhiều phát biểu của Đức Bênêđictô XVI và là chìa khoá để hiểu tư tưởng của Ngài. Chắc hẳn rằng chiều hướng về nguồn trong cải cách phụng vụ gần đây cũng nằm trong chiều hướng này. Trở về với nghi lễ Trentô, sử dụng tiếng Latinh, cổ vũ việc rước lễ bằng miệng, rõ ràng là những dấu hiệu mà Ngài muốn nói rằng không nên từ bỏ Giáo Hội tiền Công Đồng và các kho tàng phụng vụ của nó vẫn còn có giá trị lớn lao. Ngài cổ vũ một lối giải thích đúng, là “một lối giải thích canh tân trong sự tiếp nối” (herméneutique de la réforme dans la continuité), nghĩa là canh tân trong sự tiếp nối với cùng một Giáo Hội mà Thiên Chúa đã ban cho chúng ta. “Giáo Hội là chủ thể tăng trưởng với thời gian và phát triển, song vẫn luôn là một Giáo Hội, một chủ thể hướng dẫn Dân Chúa”[19]
V. KẾT LUẬN
Thật ý nghĩa khi trong hành trình đức tin này, Đức Bênêđictô XVI đã chọn thánh Augustinô, một người có thể nói một cách đặc biệt thuyết phục với con người ngày nay. Họ là những bản sao của Augustinô thời trẻ. Đối với chàng trai trẻ Augustinô thì tự do và hạnh phúc (lạc thú) là những mục đích chính trong đời mà chàng cất công tìm kiếm. Augustinô tìm kiếm đối tượng cho khát vọng tình yêu của mình nhưng không bao giờ thoả mãn. Ngài say mê nghiên cứu thơ Virgile, thuật hùng biện của Cicéron, xem Kinh Thánh là bộ sưu tập những mẫu chuyện phi lý dành cho người mê muội. Tâm hồn ngài luôn vươn lên để tìm cái chân thiện mỹ. Và như Cha Teilhard de Chardin đã nói “Tout ce qui monte converge” (Tất cả những gì vươn lên cao thì hội tụ[20]). Khát vọng truy tìm của ngài đã chạm đến Đức Kitô của đức tin Kitô giáo. Điểm hẹn trên cao của cuộc hành trình này là đức tin vào Đức Kitô mà Augustinô đã dành hết phần đời còn lại của mình để làm chứng. “Thánh Augustinô làm chứng rằng các tín hữu ‘trở nên vững mạnh hơn nhờ tin tưởng’.… cuộc sống của thánh nhân là một cuộc không ngừng tìm kiếm vẻ đẹp của đức tin cho đến khi tâm hồn ngài được nghỉ an trong Thiên Chúa. Nhiều tác phẩm của Người, trong đó có giải thích tầm quan trọng của đức tin và chân lý đức tin, cho đến nay vẫn còn là một gia sản phong phú khôn sánh và giúp bao nhiêu người tìm kiếm Thiên Chúa thấy được hành trình đúng đắn để tiến tới ‘cánh cửa đức tin’”[21]. Cuộc gặp gỡ với Đức Kitô đã kéo Thánh Augustinô ra khỏi vũng lầy loay hoay của cuộc tìm kiếm đức tin và dẫn đưa ngài đến nguồn sự sống. Đó cũng là bổn phận của Giáo Hội ngày hôm nay đối với “những người chân thành tìm kiếm ý nghĩa chung kết và chân lý chung cục về cuộc sống của họ và về thế giới”.
Tự sắc Cánh Cửa Đức Tin là tấm hải đồ để điều khiển con thuyền Giáo Hội đi đúng hướng trên “hành trình đức tin”. Tái khám phá đức tin cho chính mình bằng việc canh tân trong sự nối tiếp với truyền thống Giáo Hội và Tân Phúc Âm hoá cho người thời đại: đó là nhiệm vụ kép và bất khả phân ly mà Đức Bênêđictô XVI đề nghị cho chúng ta trong Năm Đức Tin 2012 sắp đến.
CHÚ THÍCH:
[1] Bênêđictô XVI, Cánh cửa đức tin, số 2.
[2] Bênêđictô XVI, Diễn văn tại tu viện Saint-Laurent-de-l’Escurial, Tây Ban Nha, 2011.
[3] Xem thêm Cv 3, 12: “ Thánh Phêrô nói: “Thưa đồng bào Israel, sao lại ngạc nhiên về điều đó, sao lại nhìn chúng tôi chằm chằm, như thể chúng tôi đã làm cho người này đi lại được, nhờ quyền năng riêng hay lòng đạo đức của chúng tôi?”; và Cv 15, 4: “Tới Giêrusalem, các ông được Hội Thánh, các Tông Đồ và kỳ mục tiếp đón, và các ông kể lại tất cả những gì Thiên Chúa đã cùng làm với các ông”.
[4] Trong 1 Cr 16, 8-9: “Tôi sẽ ở lại Êphêsô cho đến lễ Ngũ Tuần, bởi vì ở đó cửa đã rộng mở cho tôi”; 2 Cr 2, 12-13: “Khi tôi đến Trôa rao giảng Tin Mừng Đức Ki-tô, dù cửa đã mở cho tôi để làm việc Chúa, nhưng tôi vẫn không yên lòng”; và Cl 4, 3: “xin Thiên Chúa mở cửa cho chúng tôi rao giảng lời Người”
[5] Bênêđictô XVI, Cánh cửa đức tin, số 10
[6] Bênêđictô XVI, Diễn văn tại Đại Học La Sapienza, Roma, ngày 17 tháng Giêng 2008. Cuộc gặp gỡ đã bị huỷ bỏ vào ngày 15 tháng Giêng 2008
[7] Bênêđictô XVI, Cánh cửa đức tin, số 12
[8] Theo cấu trúc của Đền Thờ Giêrusalem, có một gian “cực thánh” dành riêng cho Thiên Chúa. Ngoài ra còn có những gian dành riêng cho các tư tế, cho dân Israel, cho đàn ông và đàn bà. Những người không phải là dân Do Thái, những người không tin cũng có một khoảng không gian dành riêng cho họ được gọi là “Sân Dân Ngoại” (Parvis des gentils). Trong cuộc nói chuyện với Giáo triều Roma vào ngày 21 tháng 12 năm 2009, Đức Bênêđictô XVI đã dùng hình ảnh này để gợi ý rằng: “Tôi nghĩ rằng Giáo Hội ngày nay cũng nên mở một loại “Sân Dân Ngoại” để một cách nào đó con người có thể hiểu về Thiên Chúa, dầu không biết đến Ngài và trước khi đến với mầu nhiệm của Ngài. .. Ngày hôm nay, thêm vào cuộc đối thoại liên tôn, nên có những cuộc đối thoại với những người mà tôn giáo đối với họ là một điều còn xa lạ, Thiên Chúa vẫn là một đấng vô danh. ..”. Dựa vào gợi ý của Đức Bênêđictô XVI, Hội Đồng Giáo Hoàng về Văn Hoá và Học Viện Công Giáo Paris đã kết hợp tổ chức “Sân Dân Ngoại” tại Paris từ ngày 24-25 tháng Ba 2011. Từ đó đến nay đã có nhiều “Sân Dân Ngoại” được tổ chức tại Đức, Thuỵ Điển, Bulgarie, Roumanie, Albanie …
[9] Bênêđictô XVI, Diễn văn tại Collège des Bernardins, Paris (12 tháng Chín 2008)
[10] Bênêđictô XVI, Cánh cửa đức tin, số 10
[11] Ibid., số 2
[12] Ibid., số 9
[13] Ibid., số 10
[14] Ibid., số 4
[15] Ibid., số 5
[16] «herméneutique» (tiếng Hy Lạp là hermeneutikè (ερμηνευτική) lấy tên của vị thần Hy Lạp là Hermès, sứ giả và là người giải thích lệnh của các vị thần) là nguyên tắc đọc, cắt nghĩa và chú giải bản văn (có người dịch là "Thông diễn luận"). Ban đầu, từ «herméneutique» và «exégèse» được dùng lẫn lộn. Dần dà, người ta phân biệt: «exégèse» là chú giải chi tiết một đoạn văn.
[17] Vào khoảng tháng 6/2011, một luồng gió phản kháng đã nổi lên tại Giáo Hội Áo. Phong trào “Kêu gọi bất tuân phục” do 329 linh mục Áo khởi xướng và cha Helmut Schüller, Tổng Đại Diện Giáo phận Vienne, làm thủ lãnh. Phong trào kêu gọi cải cách, đòi linh mục lập gia đình, phong chức cho phụ nữ, cho người ly dị tái hôn được rước lễ, giáo dân giảng lễ và điều khiển giáo xứ. Theo thăm dò của Viện Ökonsult, thì 76 % người được hỏi đã ủng hộ Cha Schüller. (Theo báo Le Monde tại http://www.lemonde.fr)
[18] Bênêđictô XVI, Cánh cửa đức tin, số 5
[19] Bênêđictô XVI, Diễn văn với giáo triều Roma, ngày 22 tháng 12 năm 2005.
[20] Lm. Hoàng Xuân Nghiêm dịch ra tiếng hán Việt là “đăng giả hội”.
[21] Bênêđictô XVI, Cánh cửa đức tin, số 7
LM. Phaolô Nguyễn Minh Chính